Gắn kết hoạt động Bảo tàng với phát triển du lịch
Cùng với hệ thống danh lam, thắng cảnh phong phú, Việt Nam còn có rất nhiều điểm đến là bảo tàng, di tích hấp dẫn du khách. Thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với bảo tàng, di tích hiện nay là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng, di tích đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, gắn kết thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị của các di sản văn hoá là vấn đề luôn mới và đòi hỏi suy ngẫm. Để phần nào đáp ứng được mục tiêu trên, trong tham luận này, các nội dung được đề cập đến gồm:
– Mối quan hệ tương tác giữa bảo tàng với phát triển du lịch;
– Thực trạng về khai thác phát triển du lịch và sự gắn kết giữa phát triển du lịch với hoạt động bảo tàng;
– Một số giải pháp nhằm tăng cường sự gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch.
1) Mối quan hệ tương tác giữa bảo tàng với phát triển du lịch
Giữa khai thác phát triển du lịch và công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa có mối quan hệ tương tác đặc biệt, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, không thể tách rời. Chính vì vậy, cần được nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện trong quá trình nghiên cứu khai thác bảo tàng phát triển du lịch.
1.1. Bảo tàng (hay viện bảo tàng) là dạng tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt
Trên thế giới, viện bảo tàng (còn gọi là bảo tàng viện, bảo tàng, hay nhà bảo tàng) là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích của viện bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ.
Luật Di sản văn hoá đã nêu rõ: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân”.
Trên thực tế bảo tàng rất đa dạng, phong phú như: Viện bảo tàng chuyên ngành, Viện bảo tàng khu vực hoặc quốc gia, Viện bảo tàng tưởng niệm… Ngoài ra viện bảo tàng còn được phân chia theo hiện vật trưng bày như loại có hiện vật cố định và loại có hiện vật tạm thời, loại trong nhà và loại ngoài trời.v.v….
Chính vì vậy, khả năng khai thác phát triển du lịch của bảo tàng cũng đa dạng và phong phú phục vụ nhiều đối tượng và mục đích khác nhau.
Đứng về góc độ du lịch, bảo tàng là dạng tài nguyên du lịch nhân văn vì vậy mang những đặc điểm của dạng tài nguyên này là:
– Có tác dụng nhận thức nhiều hơn. Tác dụng giải trí không điển hình hoặc chỉ có ý nghĩa thứ yếu.
– Việc tìm hiểu các đối tượng nhân tạo thường diễn ra trong thời gian ngắn.
– Sở thích của những người tìm đến bảo tàng rất đa dạng. Số người quan tâm tới bảo tàng thường có văn hoá cao hơn, thu nhập và yêu cầu cao hơn.
– Bảo tàng thường tập trung ở các điểm quần cư và thành phố lớn.
– Ưu thế của bảo tàng là đại bộ phận không có tính mùa vụ, không bị phụ thuộc nhiều vào các điều kiện khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác.
Từ đó, các dòng sản phẩm du lịch mà bảo tàng đem đến là: Du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiều, khoa học và giáo dục.
Vì vậy, ngoài chức năng chính như trên các bảo tàng còn là điểm đến tham quan, là nơi để công chúng có cái nhìn đa chiều về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử…
Với một số quốc gia, bảo tàng còn là điểm đến hấp dẫn, là nơi mang lại nguồn thu khổng lồ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, du lịch, không những vậy bảo tàng còn là niềm tự hào của mỗi người dân. Thậm trí, bảo tàng còn trở thành thương hiệu, là hình ảnh đặc trưng quảng bá đất nước, góp phần đưa thương hiệu quốc gia lên một tầm cao hơn, tiêu biểu như Lourve (Pháp); Metropolitan ( New York, Mỹ); Tate (Anh); Uffizi (Ý); Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc…
1.2. Phát triển du lịch góp phần phát huy các giá trị của bảo tàng
Ở chiều ngược lại, hoạt động du lịch có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của bảo tàng về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội.
Về khía cạnh kinh tế, một trong những vai trò quan trọng của phát triển du lịch đối với bảo tàng là đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, để từ đó có thể hỗ trợ nguồn lực đáng kể cho công tác bảo tồn, tôn tạo, mở rộng quy mô và hiện vật trong bảo tàng, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của các quốc gia trên phát triển.
Về khía cạnh văn hóa, xã hội, nếu mục đích của các bảo tàng là lưu giữ và truyền lại những giá trị văn hóa cho đời sau thì việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với bảo tàng chính là việc quảng bá và truyền thụ các giá trị văn hóa đó.
Các sản phẩm du lịch của bảo tàng đều dựa trên các giá trị tài nguyên (giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan…) vì vậy phát triển du lịch tại các bảo tàng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh và các giá trị lịch sử của bảo tàng, các giá trị văn hóa dân tộc nhanh chóng và sâu rộng hợn thông qua khách du lịch và các phương tiện truyền thông, các mặt hàng lưu niệm…
Tuy nhiên, theo chiều hướng ngược lại, việc phát triển du lịch ở bảo tàng nếu không được quản lý tốt cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các giá trị của di tích, của văn hóa truyền thống như sự tập trung đông người trong một thời điểm nhất định nhất là trong các dịp lễ kỷ niệm, việc thương mại hoá các hoạt động văn hóa, biến lễ hội thành loại hình nghệ thuật trình diễn, thay đổi lễ nghi đối với các nghi thức truyền thống, việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh không hấp dẫn, ấn tượng, thiếu sức thuyết phục sẽ làm giảm giá trị của bảo tàng, giảm giá trị văn hóa lịch sử dân tộc…
2) Thực trạng về việc gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch
Du lịch văn hoá ở nhiều nước trên thế giới phát triển thông qua việc khai thác một cách hợp lý giá trị của bảo tàng, di tích.
Chính vì vậy, các bảo tàng nổi tiếng luôn là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch của bất kỳ du khách nào. Các bảo tàng như Louvre (Pháp), Ermitage (Nga), bảo tàng Anh quốc (Anh)… mỗi ngày có hàng vạn lượt khách đến tham quan, bởi vì đây là nơi hội tụ, tập trung và thể hiện trực quan nhất về các sự kiện lịch sử quan trọng và văn hóa của địa phương hoặc quốc gia, dân tộc. Việc khách du lịch tham quan đông đã mang lại nguồn thu lớn, góp phần bảo tồn, tôn tạo, mở rộng quy mô và hiện vật trong bảo tàng, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của các quốc gia trên phát triển.
Tại sao các bảo tàng trên lại hấp dẫn khách tham quan, dù rằng hiện nay có nhiều bảo tàng trên thế giới được đầu tư hoành tráng, ấn tượng cả về kiến trúc cũng như số lượng hiện vật. Có thể nhân thấy, hầu hết các bảo tàng đứng trong danh sách những điểm đến hấp dẫn và có số lượng khách tham quan đông nhất thế giới đều là những bảo tàng có lịch sử dài hoặc là những nơi được đầu tư theo định hướng chiến lược rất cụ thể. Không những vậy, cũng như các loại hình kinh doanh khác, kể cả khi có chiến lược kinh doanh, nhưng chiến lược sai cũng sẽ kéo theo việc kinh doanh thua lỗ, “kinh doanh bảo tàng” cũng không nằm ngoài quy luật chung này.
Có thể tham khảo một số số liệu về lượng khách du lịch đến với bảo tàng nổi tiếng trên thế giới ở phần phụ lục.
Ở Việt Nam, với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có hệ thống bảo tàng phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đa số các bảo tàng nước ta hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, hoặc là những điểm đến hấp dẫn du khách.
Thực tế thời gian qua bảo tàng, di tích là những nguồn tài nguyên du lịch quí giá của đất nước. Trong mỗi chuyến hành trình, bảo tàng luôn là điểm dừng chân của du khách bởi qua đó, họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán vùng đất nơi mình đi qua. Thế nhưng, lượng khách đến bảo tàng từ vài trăm lượt người/ngày trở lên chỉ có được ở một số bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Phụ nữ, bảo tàng chứng tích chiến tranh TPHCM, bảo tàng Chàm (Đà Nẵng)…
Bảo tàng Hồ Chí Minh có số lượng khách thăm quan đông nhất với lượng khách trung bình đạt khoảng 1 – 1,5 triệu khách mỗi năm. Bảo tàng Dân tộc học là bảo tàng có doanh thu lớn nhất đạt khoảng 12 tỷ mỗi năm, bảo tàng cũng được bình chọn trong danh sách 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á cùng với Bảo tàng Phụ nữ và bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Số còn lại mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có bảo tàng cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan. Không những thế, hầu hết các bảo tàng chưa gắn kết với các chương trình du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan của du khách. Do đó, nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo của di tích phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.
Đó là sự lãng phí tài nguyên du lịch bởi bởi sự kết nối giữa du lịch và di sản văn hóa là nhu cầu mang tính tự thân, sự gắn kết bền chặt giữa con người với di tích kiến trúc, giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết kế các tour đến bảo tàng vừa góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Việt vừa quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử nước ta đến bạn bè thế giới, từ năm 2008, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa triển khai đề án “Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch”. Thực tế trong giai đoạn vừa qua, sự gắn kết giữa phát triển du lịch với hoạt động bảo tàng đã đạt được kết quả nhất định:
– Ngành du lịch đã xác định hệ thống bảo tàng là tài nguyên du lịch nhân văn, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch vì vậy trong công tác quy hoạch đã định hướng phát triển thành các khu, điểm du lịch quốc gia như Điện Biên Phủ (Điện Biên); Pác Bó (Cao Bằng); Tân Trào (Tuyên Quang); Bảo tàng Hồ Chí Minh, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
– Gắn kết công tác xúc tiến quảng bá các bảo tàng trong chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia.
– Các Công ty lữ hành đã kết nối các bảo tàng quan trọng trở thành các điểm đến trong các chương trình du lịch.
– Ngành du lịch đã tiến hành nhiều sự kiện như tọa đàm, khảo sát, đánh giá…trong khuôn khổ Đề án gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, việc gắn kết chưa thực sự đạt được hiệu quả cao, khách du lịch đến bảo tàng còn ít, nhận thức chưa đầy đủ… vì vậy chưa tạo được động lực để góp phần thúc đẩy sự phát triển của hai phía.
Có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
– Quy hoạch hệ thống bảo tàng chưa thực sự thuận tiện để khách du lịch tiếp cận vì vậy các Công ty lữ hành khó khăn trong việc gắn điểm tham quan bảo tàng vào chương trình du lịch chung.
– Các bảo tàng cũng chưa quan tâm nhiều tới nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, chưa có chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch nên các dịch vụ chưa đạt được chất lượng và hiệu quả.
– Hình thức kiến trúc bảo tàng chưa thật sự ấn tượng. Bảo tàng là công trình kiến trúc văn hóa nên hình thức kiến trúc, màu sắc và chất liệu phải thực sự bắt mắt, ấn tượng ban đầu đối với du khách.
– Thiếu cơ sở vật chất phục vụ du khách như nơi đỗ xe, khu vực nghỉ chân, nhà vệ sinh, và các dịch vụ khác… cũng là một trong những nguyên nhân khiến bảo tàng chưa có sức hấp dẫn.
– Hiện vật trưng bày chưa thực sự phong phú, đa dạng. Có những hiện vật không còn nguyên mẫu và nếu sao chép thì cẩu thả, không thực sự hấp dẫn khách du lịch. Khách vào tham quan bảo tàng mang tính nghiên cứu nhiều, vì vậy thường nhận thức được chất lượng của mẫu vật như thế nào.
– Cách thức trưng bày, hay không gian trưng bày, các thiết bị phụ trợ như âm thanh, ánh sáng cũng chưa thực sự tạo được ấn tượng. Phần lớn các bảo tàng còn chưa chuyên nghiệp về kiến trúc, cách thức trưng bày; số lượng hiện vật cũng như sự hấp dẫn của hiện vật còn rất hạn chế.
– Thuyết minh viên trình độ còn chưa cao, chưa đáp ứng được về nghiệp vụ cũng như ngoại ngữ, chưa tạo được lòng tin cũng như cảm tình đối với người nghe. Thuyết minh viên, hướng dẫn viên – người “thổi hồn” cho các hiện vật – mặc dù thường được tuyển chọn từ các trường đại học thuộc các ngành bảo tàng, lịch sử, ngoại ngữ… nhưng cũng chưa đủ trình độ để hướng dẫn tốt nội dung trưng bày, nơi đòi hỏi vừa phải nắm nội dung văn hóa, lịch sử sâu, rộng, vừa phải có đủ khả năng chuyển ngữ với một lượng thuật ngữ chuyên ngành khá lớn. Mặt khác, một số hướng dẫn viên du lịch Việt Nam vẫn vì lợi ích kinh tế mà coi nhẹ thái độ ứng xử văn hoá khi hướng dẫn khách, còn người làm dịch vụ xung quanh bảo tàng, di tích thì tìm mọi cách “móc túi” khách tham quan.
– Hệ thống bảo tàng, di tích ở Việt Nam mới chú trọng tới hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo cách truyền thống mà chưa quan tâm đến việc đa dạng hoá các hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh và thương hiệu;
– Về phía du lịch, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh, giá trị của bảo tàng chưa có hiệu quả; các Công ty lữ hành chưa có phương thức giới thiệu bảo tàng trong tour của mình một cách đầy đủ có trách nhiệm, trong khi bảo tàng luôn là đích đến “đẳng cấp” của các tour du lịch quốc tế. Điều này có thể khiến cho du khách có tư tưởng thụ động khi tiếp cận với bảo tàng.
3) Một số giải pháp tăng cường sự gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch
Để bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút công chúng đến với bảo tàng cần có chiến lược phát triển cụ thể, kết hợp giữa hệ thống trưng bày và hoạt động quảng bá hay nói cách khác cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động bảo tàng và phát triển du lịch.
Trước hết để gắn kết bảo tàng và phát triển du lịch hai bên cần có tiếng nói chung: Làm sao để hai bên cùng nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch đến các bảo tàng chứ không chỉ là của riêng ngành văn hóa hoặc của riêng các đơn vị lữ hành theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.
Theo đó, phía bảo tàng là cơ quan chủ quản cần thực hiện những nhiệm vụ trước mắt sau :
– Cần có chiến lược phát triển đồng bộ: Để các bảo tàng tại Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cần có chiến lược dài hạn và một sự đầu tư đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nhiều ngành. Hệ thống các bảo tàng là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, nhưng cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt mà nếu biết khai thác, phát huy một cách khoa học thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, để bảo tàng không chỉ đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc mà còn là những điểm đến hấp dẫn, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
– Cần đổi mới phong cách phục vụ: Phải có những bước đột phá trong việc trưng bày hiện vật và xây dựng những sự kiện để thu hút khách tham quan. Đổi mới và hiện đại hóa trưng bày luôn là vấn đề then chốt của bảo tàng. Muốn đổi mới được đòi hỏi phải có những người có chuyên môn sâu, luôn học hỏi và nghiên cứu một cách khoa học, yêu nghề.
Tăng cường dùng diễn viên, người thuyết trình. Ứng dụng công nghệ kĩ thuật 3D, triển lãm mang tính trực quan cao để kích thích trí tưởng tượng cho người xem, đưa câu chuyện về với đời sống.
Đa dạng hóa loại hình hoạt động để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trau dồi thêm kiến thức về cách quảng bá, giới thiệu hình ảnh bảo tàng đến với công chúng. Đổi mới nội dung thuyết minh để tăng tính thuyết phục, mức độ thụ cảm và đi sâu vào lòng khán giả.
Hợp tác các bảo tàng cùng nhóm vào thành các bảo tàng chuyên đề, có quy mô để số hiện vật sẽ phong phú, đa dạng hơn.
Tăng cường trưng bày những giá trị hiện vật nguyên mẫu hạn chế những hiện vật có tính chất phục dựng.
Tăng cường và nâng cao trình độ chuyên sâu, biết nhiều thứ tiếng hạn chế thuyết minh bằng chữ.
Ngành bảo tàng cần cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch danh mục các bảo tàng là điểm đến hấp dẫn để các Công ty lữ hành nghiên cứu lập các chương trình du lịch cho khách. Phải xác định, Công ty du lịch là khách hàng của bảo tàng và khách du lịch là một phần làm cho bảo tàng ấy có giá trị. Vì thế, bảo tàng cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn với Công ty du lịch.
Nghiên cứu mô hình xã hội hóa hoạt động của bảo tàng theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng và quản lý, đồng thời chỉ đạo các bảo tàng đầu tư nâng cấp để có thể mang lại hiệu quả kinh tế từ việc phục vụ khách du lịch.
Cần nghiên cứu và đưa vào phát triển các chiến lược marketing như: tổ chức các buổi gặp mặt với những công ty du lịch, lữ hành; nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cùng với các thay đổi đó, bảo tàng cũng kết hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động thu hút khách tham quan.
Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ du khách như nơi đỗ xe, khu vực nghỉ chân, nhà vệ sinh, các dịch vụ khác, hình thức kiến trúc, chất liệu và không gian cảnh quan xung quanh….
Khách đến với bảo tàng có nhiều nhu cầu khác nhau: Tham quan; giao lưu; trải nghiệm văn hóa, lịch sử; học tập… vì thế bảo tàng nên chia nhóm đối tượng phục vụ đi đôi với việc luôn đổi mới nội dung phục vụ một cách sinh động. Bên cạnh đó, các tour du lịch được xây dựng ít nhất là 6 tháng/lần, do vậy, các hoạt động của bảo tàng cũng phải được lên kế hoạch từ rất sớm để từ đó chủ động kết nối với các tour du lịch. Phải tạo được môi trường thân thiện, “phải xem khách đến bảo tàng như khách đến nhà thì mới tạo được ấn tượng tốt cho khách, mới hy vọng khách có mong muốn quay trở lại, hoặc chí ít thì cũng tuyên truyền cho người khác về bảo tàng và rộng hơn là về văn hóa, lịch sử, di sản của Việt Nam.
Về phía ngành Du lịch:
– Phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử – văn hoá với việc khai thác phục vụ du lịch; hay nói cách khác, phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch.
– Cần xác định hệ thống bảo tàng là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch của quốc gia để khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch có sự tham gia tích cực của hệ thống bảo tàng.
– Phối hợp với ngành văn hóa để tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh cũng như các giá trị văn hóa của bảo tàng đối với khách quốc tế.
– Tập trung đầu tư phát triển các điểm du lịch di sản văn hóa đã được định hướng trong chiến lược phát triển của quốc gia để gắn kết chặt chẽ với các chương trình du lịch của quốc gia.
– Các doanh nghiệp lữ hành cũng quan tâm hơn việc giới thiệu, tư vấn cho du khách về giá trị của các bảo tàng ở Việt Nam, đặc biệt cần dành thời gian hợp lý cho điểm đến bảo tàng trong chương trình tour.
– Giúp đỡ ngành bảo tàng trong việc đạo tạo, bồi dường nghiệp vụ du lịch cho những người làm công tác bảo tàng, đặc biệt đội ngũ thuyết minh viên.
– Phối hợp giúp đỡ ngành bảo tàng trong việc định hướng các sản phẩm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng, có chiều sâu để phù hợp với định hướng chung toàn ngành.
“Chìa khoá” để giải quyết triệt để mọi vấn đề chính là tư duy của người làm công tác quản lý, nhận thức của người dân và kinh phí. Cần phải có kinh phí để “nâng cấp”, quảng bá hình ảnh bảo tàng, di tích, để trả công xứng đáng cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này giúp họ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và tận tâm với công việc.
Trong điều kiện nguồn kinh phí nhà nước còn eo hẹp thì ngành Du lịch cần ủng hộ tích cực chủ trương cho các bảo tàng, di tích chủ động nâng giá vé tham quan để “tái đầu tư”, bởi khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài sẵn sàng “móc hầu bao” để được hưởng thụ những giá trị văn hoá độc đáo.
TS.KTS.Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch