Du lịch Xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho du lịch Cát Bà
Phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững đã và đang là xu thế phát triển của du lịch hiện đại trên thế giới và tại Việt Nam. Phát triển du lịch bền vững đặt mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế, đồng thời phát huy những tác động tích cực của du lịch. Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh du lịch bền vững là một lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế xanh, ngành công nghiệp du lịch xanh sẽ mang lại những tiềm năng khổng lồ, đặc biệt đóng góp đáng kể vào bảo vệ môi trường.
Quan điểm phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh cũng được định hướng là quan điểm phát triển của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013, đã xác định tầm quan trọng của du lịch bền vững đối với du lịch Việt Nam khi chỉ rõ “phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường…”, “…phát triển du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương”.
Không nằm ngoài định hướng chung của cả nước, quần đảo Cát Bà cũng đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch xanh và trở thành “Đảo Ngọc bích” của du lịch Hải Phòng và cả du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc.
Với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, độc đáo, Quần đảo Cát Bà với gần 400 đảo lớn nhỏ, nằm ở phía Nam Vịnh Hạ Long được xem như là kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho du lịch Hải Phòng. Được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004, quần đảo Cát Bà đồng thời cũng được công nhận 02 danh hiệu quốc gia là Vườn Quốc gia Cát Bà và Khu bảo tồn biển. Quần đảo nổi tiếng với khách du lịch bởi đặc trưng du lịch sinh thái rừng và biển, trong đó nổi bật là rừng nguyên sinh, hệ thống hang động, núi đá vôi và nhiều bãi tắm đẹp cùng các rạn san hô… Hệ thống sinh học đa dạng trên đảo Cát Bà với hơn 3.800 loài động thực vật, mang lại những giá trị độc đáo đối với phát triển du lịch sinh thái tại đây. Đặc biệt, Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu trên thế giới, duy nhất chỉ còn ở Cát Bà và xếp vào loài cần được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt.
Quần đảo Cát Bà
Bên cạnh đó, nền văn hóa nông nghiệp mang đậm chất văn hóa làng xã của vùng duyên hải Bắc bộ cũng là một điểm nhấn không thể thiếu của du lịch Cát Bà. Tài nguyên du lịch nhân văn được hình thành trên những giá trị văn hóa của làng nghề sản xuất nông nghiệp truyền thống như nghề làm muối, đánh cá, làm nước mắm…
Làng nổi Cái Bèo, Cát Bà
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với quá trình phát triển du lịch gần đây đang đặt ra những thách thức, yêu cầu lớn hơn đối với phát triển du lịch tại quần đảo Cát Bà là phải gắn chặt chẽ giữa phát triển với bảo tồn và bảo tồn để phát triển.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tháng 12/2014, Hải Phòng cũng đã xác định phát triển du lịch quần đảo Cát Bà theo hướng bền vững, hướng du lịch “xanh”. Đây là định hướng quan trọng cho phát triển du lịch Cát Bà trở thành điểm đến du lịch biển đảo xanh hấp dẫn và có sức cạnh tranh hàng đầu ở Việt Nam và khu vực. Quy hoạch đã đề cập tới ý tưởng “phát triển Cát Bà trở thành đảo “Ngọc bích” nơi du khách sẽ có những trải nghiệm tốt nhất về giá trị sinh thái – cảnh quan toàn cầu; nơi nỗ lực bảo tồn sẽ được hỗ trợ bởi những công nghệ “xanh” hiện đại và những hoạt động dựa trên nguyên tắc của du lịch bền vững mà nòng cốt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng”. Có thể thấy, định hướng phát triển du lịch Cát Bà xanh là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào công tác phát triển kết hợp với bảo tồn những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của quần đảo.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để quy hoạch và các định hướng đi vào cuộc sống, làm sao để quan điểm “Phát triển bền vững” thực sự mang lại hiệu quả cho sự phát triển du lịch của quần đảo Cát Bà. Thực trạng phát triển du lịch Cát Bà thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, còn không ít những tồn tại, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái và văn hóa địa phương do công tác quản lý thực hiện quy hoạch và công tác quản lý điểm đến chưa tốt. Nhiều công trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch thiếu tuân thủ những quy định về môi trường, thiếu hệ thống xử lý chất thải, nước thải, thiếu các giải pháp ứng dụng công nghệ xanh trong quá trình vận hành và cung cấp dịch vụ du lịch. Hiện tượng xả chất thải, rác thải ra môi trường vẫn còn hiện hữu trên đảo. Ý thức bảo vệ môi trường trên đảo của cả một số tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ và khách du lịch cũng chưa cao. Công tác quản lý sức chứa của khu du lịch chưa được chú trọng nên tình trạng quá tải, thiếu kiểm soát lượng khách vào một số thời điểm trong năm – dấu hiệu của du lịch đại chúng ngày càng rõ nét và đang ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái và kể cả văn hóa, lối sống của người dân địa phương trên quần đảo xinh đẹp này.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, cần thiết phải thực thi và triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn trên cơ sở đồng thuận cao giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch Cát Bà.
Trước hết, Cát Bà phải tập trung vào công tác quản lý việc thực hiện Quy hoạch, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không nghiêm chỉnh tuân thủ Quy hoạch trong quá trình đầu tư, khai thác, cung cấp dịch vụ du lịch trên đảo, đình chỉ hoặc rút giấy phép đầu tư, kinh doanh đối với những dự án không tuân thủ quy hoạch và các quy định về bảo vệ môi trường, sinh thái.
Thứ hai, tập trung vào định hướng đầu tư ưu tiên trong lĩnh vực du lịch xanh, du lịch bền vững; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo Cát Bà; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh trong đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch; Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đồng thời kiểm soát sự phát triển đối với các điểm du lịch trên đảo để quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, rừng theo đúng quan điểm phát triển bền vững.
Thứ ba, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh, thương hiệu của du lịch Cát Bà như đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; tăng cường quản lý điểm đến trên cơ sở nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong du lịch; coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, đặc biệt là tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, … gắn với quan điểm phát triển du lịch xanh. Việc cụ thể hóa các giải pháp thành các chương trình, kế hoạch hành động áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả là vấn đề cần được bàn luận để đưa đến những hành động đồng nhất với chung một nhận thức phát triển du lịch Cát Bà xanh.
Đặc biệt, tăng cường liên kết phát triển du lịch quần đảo Cát Bà với các điểm đến lân cận để thu hút chung thị trường khách du lịch của vùng là giải pháp quan trọng cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan, từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các Hiệp hội nghề nghiệp. Liên kết phát triển Cát Bà – Vịnh Hạ Long là rất quan trọng, trong đó tập trung vào cung cấp dịch vụ cho đối tượng khách du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp. Ngoài ra, liên kết phát triển du lịch Cát Bà – Đồ Sơn, Cát Bà – Vịnh Bái Tử Long cùng với hợp tác phát triển du lịch giữa Hải Phòng – Quảng Ninh, tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm Phía Bắc để hình thành các tour, tuyến du lịch biển gắn với mục tiêu phát triển du lịch xanh, cũng sẽ là những hợp tác hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu cho du lịch Cát Bà. Để những liên kết này đạt được hiệu quả như mong đợi, huyện Cát Hải nói riêng và Hải Phòng nói chung cần chủ động xây dựng chương trình hợp tác, liên kết, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển du lịch của địa phương và của các điểm đến khác ở địa phương và trong vùng.
Kết luận lại, phát triển Du lịch Xanh là định hướng phù hợp và quan trọng đối với phát triển du lịch của quần đảo Cát Bà. Cát Bà cần xác định kế hoạch tổng thể và những lộ trình phát triển cụ thể, rõ ràng để tiến tới trở thành Đảo ngọc bích với tầm vóc quốc tế, mang lại cơ hội cho tất cả người dân Cát Bà và Hải Phòng, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường./.
ThS. Nguyễn Hoàng Mai – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch