Du lịch với điện ảnh – liên kết để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh quốc gia
Du lịch là sự mong muốn được tới những vùng đất mới, trải nghiệm những cảnh quan mới, tìm hiểu những nét văn hóa khác biệt. Làm thế nào để mang đến sự thôi thúc mong muốn chiêm ngưỡng những cảnh đẹp này chính là nhiệm vụ của những người làm xúc tiến quảng bá du lịch. Giới thiệu bằng hình ảnh mà đặc biệt là những hình ảnh động và chân thực có lẽ là cách làm thuyết phục nhất.
Nhiều khách du lịch Pháp bị mê hoặc bởi những cảnh quay về sông nước đồng bằng sông Cửu Long trong bộ phim “Người tình” hoặc về cảnh trí kỳ bí của Hạ Long trong phim “Đông Dương” và ấp ủ mong muốn đi du lịch Việt Nam sau nhiều năm xem phim. Ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ háo hức tìm đến để tận mắt thấy và hòa mình vào khung cảnh đầy lãng mạn của ngôi nhà được quay trong bộ phim “Chuyện của Pao”. Có thể thấy được sức mạnh của phim ảnh, ghi dấu ấn sâu sắc bởi các cảnh quay đẹp, hun đúc mong muốn được tới với những điểm thực tế của các cảnh quay đó. Đó cũng chính là những cảnh quay của “Đất rừng phương nam”, của “Mùa len trâu”, “Mùa đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, những thước phim được biết đến trong và ngoài nước. Campuchia được biết đến sau khi phim “Bí mật ngôi mộ cổ” được trình chiếu rầm rộ, hay khách đến New Zealand tăng vọt sau khi phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” được thị trường hâm mộ. Hàn Quốc quá thành công để kể về các nét văn hóa và các điểm đến của mình thông qua các bộ phim dài tập lôi cuốn người xem như “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dea Jang Geum”…
Có lẽ những thước phim chuyên đề giới thiệu về phong cảnh, đất nước, con người của các chuyên mục về du lịch, văn hóa có thể mang đến những thông tin rất chi tiết nhưng lại không hẳn thuyết phục và ghi dấu ấn sâu sắc như phim truyện hay phim truyền hình. Bởi nó gắn trong đó những cốt truyện, nó gắn những mảnh đời và nhân vật hòa quyện trong cảnh trí mang đến cho người xem sự thuyết phục hoàn toàn và ghi nhớ sâu sắc.
Truyền hình, điện ảnh luôn cần những bối cảnh, những phong cảnh đẹp cho những thước phim bắt mắt. Du lịch lại cũng rất cần quảng bá giới thiệu các hình ảnh này. Trên thế giới, nhiều nước đã rất thành công và thu hút được lượng khách lớn sau khi kết hợp hai lĩnh vực, tạo ra hiệu quả kinh doanh lớn và nâng cao thương hiệu quốc gia và thương hiệu du lịch. Hoàn toàn chủ động hay không chủ động nhưng nắm bắt nhanh cơ hội cho phép sử dụng bối cảnh quay để có thể giới thiệu rộng rãi hình ảnh đất nước, con người đều là các cách làm phù hợp và thể hiện chiến lược rõ ràng. Cùng xem xét từng trường hợp:
- Chủ động đầu tư làm phim giới thiệu các điểm đến và văn hóa của đất nước.
Hàn Quốc là quốc gia hết sức thành công trong việc “xuất khẩu văn hóa” và thu hút du lịch thông qua chiến lược “Làn sóng Hàn Quốc”. Mặc dù cần đến 20 năm thực hiện nhưng chiến lược sử dụng “quyền lực mềm” này của Hàn Quốc đã đạt được sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn, ban đầu trong châu Á và hiện đang vươn tới toàn cầu. Làn sóng phim truyền hình dài tập Hàn Quốc (K-drama) cùng sau này là nhạc trẻ Hàn Quốc (K-pop) là chiến lược thuyết phục thị trường một cách bền bỉ và mạnh mẽ. Với Chiến lược Làn sóng này họ đã làm được gì: giới thiệu được hình ảnh đất nước, con người rộng rãi, tạo ra sự hâm mộ lớn, giới thiệu được hệ thống thương hiệu hàng hóa (xe hơi, mỹ phẩm, điện thoại, thời trang…) và đặc biệt đó là cảnh quan và điểm đến. Trong hàng loạt phim truyền hình Hàn Quốc có sức hấp dẫn thì nhiều bộ phim đã ghi dấu sâu sắc tạo ra cơn sốt khiến lượng khách đến Hàn Quốc tăng đột biến như “Nàng Dae Jang Geum”, “Trái tim mùa thu”, “Ngôi nhà hạnh phúc”…Đảo Jeju được biết đến và trở thành điểm đến được ưa chuộng do người hâm mộ tìm đến nơi được bấm máy các cảnh quay của bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được chiếu trên nhiều quốc gia và tạo thành cơn sốt kể cả sau 10 năm ra mắt.
Việc kết hợp giữa phim ảnh và du lịch rất nhuần nhuyễn. Quá trình quay phim, mọi thủ tục và điều kiện cấp giấy phép, điểm đến thuận tiện cho việc quay phim đều được thực hiện nhanh nhất. Sau khi quay và trình chiếu, lưu giữ và bảo quản tốt các bối cảnh phim đáng giá sau khi đoàn phim ghi hình xong để đưa vào hoạt động quảng bá du lịch. Cuối cùng, các địa điểm quay phim được giới thiệu cho du khách bằng các thông tin chi tiết, cũng như tổ chức để khách trải nghiệm được thực tế tại điểm đến đã thực hiện quay.
Nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng hơn ½ số lượng khách châu Á tới Hàn Quốc lần đầu biết đến và mong muốn tới Hàn Quốc sau khi xem những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc. Việt Nam cũng là một trong những thị trường được thu hút bởi Làn sóng Hàn Quốc và tăng trưởng mạnh mẽ đến Hàn Quốc trong thời gian gần đây khi điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện. Năm 2013 có hơn 100 ngàn lượt khách du lịch Việt Nam tới Hàn Quốc.
Kinh nghiệm về chiến lược Làn sóng Hàn Quốc cho thấy ảnh hưởng của điện ảnh đối với việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và phát triển du lịch. Sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được ngành chức năng nước này coi trọng và đặt trong chiến lược đầu tư. Việc sản xuất và phát hành phim có chiến lược rõ ràng và sự huy động hiệu quả về thu hút đầu tư từ khối doanh nghiệp. cũng như sự bền bỉ theo đuổi và thâm nhập thị trường, đón đầu xu hướng và tạo ra trào lưu.
- Cho các hãng làm phim lớn quốc tế thuê địa điểm làm bối cảnh giúp giới thiệu hình ảnh điểm đến.
Nhiều quốc gia đã được biết đến nhanh chóng và có lượng khách tăng đột biến sau khi các bộ phim “bom tấn” của Hollywood lựa chọn làm bối cảnh quay. Có thể kể đến Campuchia với những hình ảnh quay tại phim “Bí mật ngôi mộ cổ”, Thái Lan với những bộ phim “Điệp viên 007”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Nhiệm vụ bất khả thi”, New Zealand với “Chúa tể của những chiếc nhẫn 3” và “Người Hobbit”…
Bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” lấy bối cảnh một ngôi làng ở Matamata tại Đảo Bắc của New Zealand làm cho lượng khách tới đây tăng nhanh chóng. Tác động được đánh giá làm tăng 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong vòng 1 năm. Cũng mới đây, những phong cảnh đẹp như tranh vẽ của đất nước này xuất hiện trong bộ phim “Người Hobbit” tiếp tục làm thay đổi nhận thức về New Zealand như một trong những điểm hấp dẫn nhất thế giới.
Thái Lan đã được người yêu điện ảnh biết đến từ sau các cảnh quay của phim “Điệp viên 007” từ năm 1974. Bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” sau khi có bối cảnh quay ở Thái Lan được công chiếu đã mang đến lợi nhuận không nhỏ cho du lịch Thái Lan, lượng khách có sự thay đổi rõ rệt. Quần đảo Phi Phi thuộc Phu-ket trước đây chưa có nhiều du khách quan tâm nhưng sau khi bộ phim “Nhiệm vụ bất khả thi” được quay tại đây, quần đảo này trở thành điểm đến hấp dẫn. Vịnh Maya được lấy làm bối cảnh quay trong phim “Bãi biển” đã khiến nhiều khách du lịch mong muốn tới nghỉ dưỡng, tắm biển tại đây. Bộ phim “Đi lạc ở Thái Lan” là bộ phim của đạo diễn Trung Quốc sau khi trình chiếu đã thu hút luồng khách rất lớn người Trung Quốc đi du lịch tại Thái Lan.
Nhiều địa danh chưa từng được biết đến đã trở thành điểm thôi thúc luồng khách du lịch. Khu “ổ chuột” ở Dharavi đã hoàn toàn lột xác thành điểm đến hấp dẫn của Ấn Độ sau khi bộ phim “Triệu phú ổ chuột” lấy bối cảnh chính quay tại Dharvi và giành giải Oscar năm 2009. Khu đền Ta Prohm ở Campuchia được khách du lịch tìm đến tham quan đông đảo ngay sau khi bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” được chọn làm địa điểm quay. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đón lượng khách lớn sau khi các bộ phim “bom tấn” là Taken 2 và Skyfall được quay.
Kinh nghiệm của các quốc gia này cho thấy một mặt là đất nước có phong cảnh tự nhiên đẹp hay những di tích phù hợp nhưng mặt khác chính do chính sách và nỗ lực của các quốc gia trong chiến lược kết hợp điện ảnh để quảng bá và thu hút du lịch.
Thái Lan có chủ trương rõ rệt về việc cho phép và tạo điều kiện cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Thái Lan thuê bối cảnh. Không những thế, họ nhìn nhận rõ lợi ích to lớn và hiệu quả từ việc quảng bá du lịch mà không tốn kém nhiều ngân sách, từ đó, họ đã có các biện pháp tích cực trong việc thu hút các nhà làm phim. Thái Lan thiết lập một trang web để cung cấp các thông tin mời chào làm phim, hướng dẫn về thủ tục, thực hiện triển lãm lại các liên hoan phim quốc tế và tranh thủ các cơ hội để tạo thông tin kết nối, gửi bản tin văn hóa điện tử rộng rãi tới giới truyền thông trong nước và quốc tế, tận dụng hiệu quả các mạng xã hội, giới thiệu các địa danh được thực hiện cảnh quay. Ngay như đảo Ko Tapu, là địa danh được quảng bá dưới tên đảo James Bond không chỉ với thông tin quảng bá du lịch những cũng để thấy rõ được chủ trương và sự tự hào, chào đón của Thái Lan. Thiết thực hơn nữa là việc Thủ tướng Thái Lan từng tiếp đạo diễn và những người tham gia bộ phim “Đi lạc ở Thái Lan” để cảm ơn việc bộ phim đã giúp tuyên truyền du lịch Thái Lan cho thấy sự trọng thị và đánh giá cao vai trò của phim ảnh trong việc quảng bá du lịch và hình ảnh quốc gia.
New Zealand cũng thể hiện một chiến lược rõ ràng khi đầu tư một khoản tiền lớn của Chính quyền liên bang là 150 triệu USD để tài trợ quay bộ ba phim “Chúa tể của những chiếc nhấn”, đồng thời ngay khi bộ phim “bom tấn” này bắt đầu được thực hiện, ngành du lịch cũng đã thực hiện chiến dịch quảng bá lớn xoay quanh bộ phim nhằm không chỉ giới thiệu những cảnh quan và trải nghiệm có thể có được tại những địa danh được quay tại bộ phim mà còn rộng hơn về những điểm đến khác nữa ở New Zealand.
Hàn Quốc cũng có chiến lược thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến quay tại đất nước họ. Chính sách của họ rất mạnh mẽ, tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các bộ phim nước ngoài quay ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút các đoàn làm phim.
- Đầu tư làm phim tại các điểm đến để xúc tiến khách outbound.
Điện ảnh Ấn Độ có sự phát triển rất lớn, sản xuất gần 1.000 phim mỗi năm, tạo ra nguồn thu khổng lồ, thu hút 95% thị trường trong nước. Bên cạnh đó thì thị trường khách du lịch Ấn Độ đang có xu hướng đi du lịch nước ngoài tăng nhanh và là thị trường outbound tiềm năng lớn. Với số lượng lớn phim bấm máy hàng năm như vậy, ngoài các cảnh quay trong nước, Bollywood đã tiến hành quay tại nhiều quốc gia khác. Với đó thì số lượng khách du lịch Ấn Độ đến với các điểm đến trong phim gia tăng rất nhanh và trở thành chiến lược quan trọng của các nước đón khách. Một số quốc gia đã sẵn sàng chi một khoản tiền tài trợ không nhỏ để thu hút các nhà làm phim Bollywood thực hiện quay để xúc tiến thu hút du lịch.
Kinh nghiệm của Ấn Độ lại dựa vào một nền điện ảnh có tầm ảnh hưởng của nước nhà cùng nhu cầu và xu hướng du lịch ra nước ngoài gia tăng làm thúc đẩy sự phát triển du lịch của Ấn Độ và các điểm đến outbound.
Nhìn nhận về thực tế ở Việt Nam có thể thấy chúng ta có tiềm năng thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh đẹp tự nhiên tuyệt mỹ như vịnh Hạ Long, hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, núi non Tây Bắc, các bãi biển và đảo ven bờ hoang sơ thuần khiết…có thể trở thành những bối cảnh quay phim hết sức hấp dẫn nếu được các nhà làm phim quốc tế để mắt đến. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cần có sự đầu tư nhất định và có chủ trương và kế hoạch cụ thể vì bản thân các nhà làm phim cần địa điểm quay nhưng trước nhận thức về lợi ích của nhiều quốc gia thì việc giới thiệu, thu hút hiện nay đã mang đến nhiều lựa chọn.
Bên cạnh đó, điện ảnh hướng đến thị trường khách nội địa đi du lịch các địa điểm trong nước cũng cần được quan tâm thúc đẩy. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định phát triển về cả thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Nhu cầu và xu hướng du lịch nội địa đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như những trào lưu du lịch phượt, trào lưu đi ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang, hoa cải ở Mộc Châu đều tự phát và có thể được bắt nguồn bằng những khung cảnh của phim thì sao chúng ta không chủ động xây dựng chiến lược để thâm nhập vào xu hướng tiêu dùng và chủ động tạo ra trào lưu đến những địa bàn đang có định hướng phát triển để đảm bảo việc phát triển đúng hướng và phục vụ được nhu cầu của khách.
Cũng cần làm rõ nhận thức rằng sử dụng thông điệp và hình ảnh thông qua điện ảnh để mang đến lợi ích lâu dài, không chỉ là việc quảng bá du lịch mà chính là quảng bá hình ảnh quốc gia. Vì vậy, cần có sự đầu tư ngân sách và sự quan tâm xứng đáng cho vấn đề này mà xuất phát không chỉ bởi ngành du lịch hay ngành điện ảnh mà cần cả sự ủng hộ của các ngành, lĩnh vực khác vì mục tiêu chung. Trước hết, có lẽ ngành du lịch và điện ảnh cần chủ động liên kết, học tập kinh nghiệm các nước đi trước để có các giải pháp hữu hiệu trong điều kiện Việt Nam. Một số đề xuất có thể xem xét:
– Xây dựng chủ trương, chiến lược rõ ràng, kết nối hai lĩnh vực trong những mục tiêu chung; kế hoạch gắn kết với các hoạt động cụ thể giữa hai ngành trong khuôn khổ điều kiện ngân sách nhưng với lộ trình cụ thể.
– Các địa bàn ưu tiên phát triển trong định hướng chiến lược của ngành du lịch cần được quán triệt với ngành điện ảnh để có chiến lược lồng ghép, lựa chọn địa điểm cho bối cảnh phù hợp với định hướng thu hút phát triển du lịch.
– Cần có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim nước ngoài; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép; đầu tư ngân sách phù hợp.
– Tranh thủ các cơ hội để giới thiệu và tạo quan hệ tại các Liên hoan phim quốc tế;
– Thu hút liên doanh liên kết quốc tế; Tạo thuận lợi cho các đoàn làm phim là Việt kiều để liên kết làm phim tại Việt Nam;
– Tổ chức các đoàn khảo sát cho các nhà làm phim quốc tế tại Việt Nam.
Du lịch chính là cách quảng bá hình ảnh quốc gia. Các lĩnh vực cần chung tay cùng ngành du lịch để ngày một giới thiệu được rộng rãi phong cảnh non nước, văn hóa truyền thống và hội nhập của đất nước thông qua các hình thức sống động, chân thực, truyền cảm xúc; không chỉ riêng điện ảnh mà còn cả thông qua các phim phóng sự, phim chuyên mục, các chương trình truyền hình thực tế…
TS. Đỗ Cẩm Thơ – Tp.Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế