Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch Quảng Bình – Những vấn đề và giải pháp cơ bản cho phát triển bền vững

     

              Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã đạt được những thành tựu nhất định, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh. Việc khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới mở ra một cơ hội phát triển mới cho du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.

     

    Quảng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

     

              Tỉnh Quảng Bình nằm gọn giữa Đèo Ngang và Đèo Hải Vân nơi giao thoa những điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội miền Bắc và miền Nam, có đường biên giới tiếp giáp với Lào hơn 200 km… là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch.

     

              Bờ biển Quảng Bình: trải dài hơn 116 km, với 5 cửa sông lớn (S.Roòn, S.Ranh, S.Lý Hoà, S.Dinh và S.Nhật Lệ), đây là một dạng bờ biển bồi tụ và mài mòn xen kẽ tạo cho biển Quảng Bình nhiều bãi tắm đẹp như Nhật Lệ, Đá Nhảy, Bảo Ninh, Quang Phú. Ngoài khơi còn có 5 hòn đảo nhỏ là Hòn La, Hòn Gió, Hòn Cỏ, Hòn Nồm, Hòn Chùa trong đó đáng chú ý là Hòn Gió – nhân dân trong vùng quen gọi là Đảo Chim – đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim, một giá trị sinh thái đặc biệt hấp dẫn du khách.

     

              Do những chuyển động kiến tạo nâng lên, hạ xuống của vỏ trái đất đã tạo cho Quảng Bình nhiều thắng cảnh đẹp, trong đó đáng chú ý là hệ thống hang động huyền bí và quyến rũ. Đó là các hang động như: hang Vòm, hang Tối, hang Rục Mòn, hang Rục Cà Roòng, hang Chà Áng, hang Con Chuột, hang Minh Cầm, hang Bàn Cờ, hang Khai… tất cả tạo thành một hệ thống hang động kỳ vĩ.

     

              Trong số các hang động đó, đáng chú ý nhất là hệ thống hang động thuộc phạm vi khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là khu vực vừa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với 2 tiêu chí hết sức thuyết phục là: (1) đây là khu vực điển hình cho lịch sử hình thành vỏ Trái đất và những đặc điểm địa chất; (2) đây là khu vực đặc trưng cho tính đa dạng sinh học và các loài bị đe doạ, là nơi sinh sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi chứa đựng nhiều loài động thực vật quý hiếm đang bị đe doạ. Hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng nằm gọn trong một cánh rừng nguyên sinh rộng đến 41.132 ha, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm như bò tót, báo vằn, voọc đen, và các loài gỗ quý có tuổi thọ hàng nghìn năm, đã được các nhà thám hiểm hang động hàng đầu thế giới khẳng định đây là hang động nước đẹp nhất thế giới với 7 tiêu chuẩn quốc tế là: hang động nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi đá cát rộng và đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, dòng sông ngầm dài nhất. Bên cạnh đó Phong Nha còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của nền văn hoá Chăm Pa cổ như chữ viết trên vách đá, dấu tích của những bàn thờ của người Chăm Pa… Cách thị xã Đồng Hới 60 km về phía Tây Nam là nơi có suối nước khoáng Bang với nhiệt độ luôn ở mức 105oC là khu vực rất lý tưởng cho các hoạt động nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

     

              Quảng Bình còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng: các dấu tích của thời kỳ đồ đá, đồ đồng, dấu tích của vương quốc Chăm Pa cổ cũng được tìm thấy ở đây khá nguyên vẹn. Hệ thống luỹ thành do Đào Duy Từ xây dựng – dấu tích của một thời kỳ nội chiến tương tàn giữa Nhà Nguyễn ở Đàng Trong và Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài kéo dài hơn 2 thế kỷ – cũng là một điểm có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Bình là một trong những chiến trường ác liệt nhất đồng thời cũng là nơi lưu lại dấu ấn về những chiến công vang dội mà quân và dân Quảng Bình đã lập nên, tiêu biểu là làng chiến đấu Cự Nẫm, Cảnh Dương, đường mòn Hồ Chí Minh…

     

              Ngoài ra, Quảng Bình là cái nôi của kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng, thể hiện ở đây có nhiều loại nhạc cụ như trống, thanh la, chiêng núm, kèn, đàn, khèn bè, đàn ống, lồ ô, sáo 6 lỗ…, các làng xã văn hoá nổi tiếng như Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ…, các lễ hội truyền thống như: lễ hội cầu ngư, hội trải Quảng Bình, đua thuyền Lệ Thuỷ…

     

    Thực trạng phát triển du lịch thời gian qua

     

              Nhận thức rõ những lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, trong những năm qua Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định sắp xếp tổ chức… nhờ vậy du lịch Quảng Bình đã bắt đầu có sự chuyển mình và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

     

              Lượng khách và doanh thu du lịch: Trong những năm qua, khách du lịch đến Quảng Bình tăng nhanh và đều. Năm 1995 Quảng Bình mới chỉ đón được 48.909 lượt khách thì sau 5 năm vào năm 2000 đón được 240.099 lượt khách, tăng 4,9 lần so với năm 1995. Năm 2001 đón được 281.600, năm 2002 đón được 319.437 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân cho giai đoạn 1995 – 2002 là 30, 7%. Sau khi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là di sản thế giới, lượng du khách đến Quảng Bình ngày càng tăng đặc biệt là khách du lịch quốc tế, có ngày lượng khách đến tham quan lên tới vài nghìn người, sự tăng trưởng đột biến này đã vượt khá nhiều lần so với công suất phục vụ vốn có của du lịch Quảng Bình. Đây là một dấu hiệu đáng mừng của du lịch Quảng Bình nhưng cũng đặt ra không ít những vấn đề cấp bách cần giải quyết.

     

              Sự tăng trưởng mạnh mẽ khách kéo thu nhập du lịch cũng tăng theo. Năm 1996 du lịch Quảng Bình thu về 12,04 tỷ đồng, năm 1997 tăng 17,6%, năm 2000 tăng 53,49% và năm 2002 tăng 220% so với năm 1996. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu giai đoạn 1996 – 2002 đạt 14,07%. Mức đóng góp từ hoạt động du lịch vào ngân sách tỉnh cũng tăng dần theo thời gian, nếu như năm 1996 ngành du lịch mới chỉ đóng góp được 1,26 tỷ đồng cho ngân sách Tỉnh thì đến năm 2000 mức đóng góp đã tăng gần 2 lần, năm 2002 mức đóng góp cho ngân sách tăng 3,2 lần so với năm 1996.

     

              Cơ sở hạ tầng: Quảng Bình có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nối với các tỉnh trong khu vực và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rất thuận lợi. Tuyến đường quốc lộ 1A đi qua Quảng Bình luôn được đầu tư nâng cấp đã và đang phục vụ đắc lực; tuyến đường Hồ Chí Minh khởi hành từ Quảng Bình ra miền Bắc đã đưa vào sử dụng từng phần và đang ở giai đoạn hoàn thiện trong tương lai sẽ là con đường huyết mạch có giá trị cao cho phát triển du lịch. Tuyến đường sắt xuyên Việt chạy qua Quảng Bình đang hoạt động có hiệu quả. Hệ thống đường thuỷ với những cảng lớn như Cha Lo, Gianh, Nhật Lệ, Hòn La… có giá trị đối với phát triển kinh tế hàng hoá, giao lưu kinh tế và đặc biệt là phát triển du lịch tàu biển.

     

              Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng được xây dựng, cải tạo nâng cấp, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng phục vụ ngày càng cao. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 50 khách sạn với gần 1.000 phòng, trong số đó đã có 35 cơ sở được thẩm định phân loại xếp hạng và đã có 2 khách sạn là Phong Nha và Cosevco Star được công nhận đạt chuẩn 2 sao và khách sạn Hữu Nghị được công nhận chuẩn 1 sao. Bên cạnh đó các khách sạn nhà nghỉ tư nhân cũng ngày càng phát triển và cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp nhà nước.

     

              Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Tính đến cuối năm 2002, đội ngũ cán bộ và người lao động trong ngành du lịch vào khoảng 600 người. Năm 2001, được Tỉnh hỗ trợ, Sở Thương mại – Du lịch đã tổ chức được 3 lớp học bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý khách sạn cho 43 học viên, lớp bồi dưỡng kiến thức cho hướng dẫn viên 1 tháng, lớp nghiệp vụ bàn 2 tháng cho 31 học viên. Kết thúc các khoá học, học viên được cấp chứng chỉ của Trường Trung học nghiệp vụ du lịch Hà Nội. Sang đến năm 2002, Sở Thương mại – Du lịch phối hợp với Khoa Du lịch trường Đại học Kinh tế quốc dân mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên cho 26 học viên, lớp nghiệp vụ bàn, buồng cho hơn 100 học viên là cán bộ, lao động ngành. Tuy nhiên một vấn đề hết sức cấp bách hiện nay của du lịch Quảng Bình là sự thiếu vắng những cán bộ quản lý có năng lực, giàu kinh nghiệm.

             

              Đầu tư cho phát triển du lịch: Thời gian qua, Quảng Bình đã đầu tư một lượng lớn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khu du lịch Nhật Lệ – Quang Phú, khu du lịch Bang, bổ sung quy hoạch Phong Nha – Kẻ Bàng. Tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết các vấn đề về phát triển du lịch, triển khai các dự án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, các dự án khả thi ở từng khu vực trọng điểm ưu tiên đầu tư của Tỉnh… Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, các dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài… Một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, đầu tư từng hạng mục cơ bản tại các khu du lịch nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Nhưng nhìn chung nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn hẹp và chưa đồng bộ.

     

    Các vấn đề đặt ra cho phát triển du lịch bền vững

     

              Phát triển bền vững là một chiến lược lâu dài, nó vừa là mục tiêu,vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển, chi phối mọi hoạt động trong đời sống chính trị – xã hội và kinh tế của đất nước ta.

     

              Theo Tổ chức Du lịch thế giới thì phát triển du lịch bền vững là “việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai”(RIO-92). Tuy nhiên đối với từng quốc gia, từng khu vực thì việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được cụ thể hoá bằng những kế hoạch, chương trình hành động với những giải pháp khác nhau.

     

              UBND tỉnh Quảng Bình xác định “du lịch là một ngành kinh tế quan trọng” và đặt du lịch trong bốn chương trình kinh tế ưu tiên phát triển của tỉnh. Định hướng phát triển du lịch Quảng Bình đến 2010 xác định “Phát triển du lịch nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm xã hội, kích thích đầu tư hợp tác trong nước và quốc tế, bảo đảm tôn tạo được các di sản thiên nhiên, cảnh quan, di tích lich sử cách mạng, giữ gìn môi trường sinh thái…”. Việc phát triển du lịch ưu tiên tập trung vào các khu vực: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, thị xã Đồng Hới, khu du lịch biển Nhật Lệ, điểm du lịch Đá Nhảy – Lý Hoà, khu du lịch suối Bang. Phấn đấu đến năm 2005 đón được 500.000 lượt khách, năm 2010 đón 1.000.000 lượt khách, lượng khách quốc tế lần lượt là 25.000 và 60.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 45 tỷ VND trong đó 6 tỷ VND nộp ngân sách vào năm 2005 và 100 tỷ VND với 13 tỷ VND nộp ngân sách vào năm 2010.

     

              Từ những phân tích hiện trạng ở trên, việc phát triển du lịch bền vững trong điều kiện thực tế của Quảng Bình có thể hiểu “là khai thác có quản lý các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghỉ dưỡng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn, đảm bảo duy trì được nguồn kinh phí tái đầu tư cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì  sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương”. Do vậy cần ưu tiên cho những giải pháp:

     

              – Yêu cầu cấp bách đầu tiên là phải tiến hành điều tra, rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình trong đó việc xây dựng các khu du lịch, những định hướng phát triển ngành, tổ chức không gian, lãnh thổ du lịch của tỉnh phải được nghiên cứu dựa trên những tiêu chí bền vững đã được Tổ chức Du lịch thế giới quy định. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái (VQG Phong Nha Kẻ Bàng, khu du lịch sinh thái suối Bang, tuyến du lịch sinh thái trên đường mòn Hồ Chí Minh…), du lịch nghỉ dưỡng và mạo hiểm biển (biển Nhật Lệ, Đá Nhảy, Quang Phú…), du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hoá và nghiên cứu lịch sử (chợ phiên Quy Đạt, Đồng Lê, Ba Đồn; tham quan bản làng dân tộc Rục, làng văn hoá Cảnh Dường; các khu vực ghi dấu ấn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ).

     

              – Yêu cầu thứ hai là việc đa dạng hoá các nguồn tài chính đầu tư cho phát triển du lịch. Theo định hướng phát triển du lịch Quảng Bình đến 2010 đã xác định nguồn vốn xây dựng các hạng mục công trình du lịch lớn dựa chủ yếu vào vốn do Trung ương cấp, nguồn vốn vay ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI; các hạng mục công trình có quy mô vừa và nhỏ sẽ lấy từ nguồn ngân sách tỉnh và huy động các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

     

              Nguồn vốn ngân sách nhà nước do Trung ương, ngân sách Tỉnh cấp thường được dùng để đầu tư cho các hạng mục công trình mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài như đầu tư xây dựng đường giao thông, các công trình công cộng, hệ thống hạ tầng xã hội và nhất là việc xây dựng các dự án quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án khả thi. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực tế của Quảng Bình việc phát triển du lịch phải dựa vào phương châm “lấy ngắn nuôi dài” do vậy nguồn vốn huy động trong dân và từ các thành phần kinh tế khác trong xã hội lại giữ một vị trí quan trọng (phát huy nội lực). Hay nói cách khác, cần phải tiến hành “xã hội hoá các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch” vì mục tiêu phát triển bền vững. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và xã hội đối với các công trình du lịch, nguồn vốn được đầu tư đúng vào những địa bàn trọng điểm có khả năng phát triển du lịch hạn chế được việc đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả và điều quan trọng hơn cả là việc làm này sẽ làm tăng tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh du lịch qua đó tăng cường cả về số lượng và chất lượng của các sản phẩm du lịch.

     

              Tăng cường tuyền truyền quảng bá, nâng cao hình ảnh về du lịch Quảng Bình với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc tham gia tích cực vào các hội chợ, liên hoan quốc tế và khu vực về du lịch, xuất bản các ấn phẩm như tờ gấp, sách hướng dẫn, phim ảnh, băng đĩa hình, giới thiệu về du lịch Quảng Bình. Bên cạnh việc quảng bá du lịch với khu vực và thế giới cần xây dựng một chương trình đặc biệt nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ, tôn tạo các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vì tài nguyên du lịch về cơ bản là những tài nguyên không tái tạo.

     

              – Cuối cùng, yếu tố con người giữ một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững do vậy việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch phải được tiến hành thường xuyên. Trước tiên phải xây dựng một khung chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong đó tập trung vào các nội dung đào tạo chuyên sâu về các nguyên tắc, kinh nghiệm quản lý du lịch hiện đại, kỹ năng nghiệp vụ về lễ tân, khách sạn, hướng dẫn du lịch. Tạo điều kiện và phối hợp với các địa phương lân cận mời chuyên gia nước ngoài đến tham gia giảng dạy nghiệp vụ, tạo điều kiện về kinh phí cho đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội ra nước ngoài học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức và tay nghề từ quỹ hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành.

     

              Với những giải pháp ưu tiên nói trên chắc chắn rằng du lịch Quảng Bình sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ, khắc phục được những hạn chế vốn có để thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.
     
    Ths. Đào Duy Tuấn (Phòng Nghiên cứu Kinh tế Du lịch)

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

     

    1.       Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010

              Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hà nội, 2002.

     

    2.       GS. R.W. Butler

              Du lịch di sản văn hoá bền vững

               Tuyển tập Hội thảo QT “Phát triển du lịch bền vững ở VN”, Huế, 1997.

     

    3.       Pháp lệnh Du lịch,

              Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 1999.

     

    4.       Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của du lịch Quảng Bình các  năm 1999, 2000, 2001, 2002

    Bài cùng chuyên mục