Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch mạo hiểm – Xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới

    du luon

        Du lịch mạo hiểm là một trong những xu hướng du lịch tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, theo bà Yolanda Perdomo, Giám đốc Chương trình Hợp tác của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO Affliate Members Programme). Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến những điểm đến mới, ít nổi tiếng để khám phá những trải nghiệm mới lạ. Nhiều quốc gia đang rất coi trọng phát triển du lịch mạo hiểm bởi những lợi thế về sinh thái, văn hóa và kinh tế của loại hình du lịch này.

        Khái niệm du lịch mạo hiểm

        Không có một khái niệm đồng nhất cho du lịch mạo hiểm. Theo Tổ chức Du lịch Mạo hiểm Thương mại (Adventure Travel Trade Association) (ATTA), du lịch mạo hiểm là chuyến đi có ít nhất hai trong ba yếu tố sau đây: hoạt động thể lực, môi trường tự nhiên và trải nghiệm văn hóa. Cũng giống như những loại hình du lịch khác, du lịch mạo hiểm có thể được trải nghiệm ở trong nước hoặc ra nước ngoài, có chuyến nghỉ qua đêm và không dài quá một năm.

        Du lịch mạo hiểm trái ngược hoàn toàn so với du lịch đại trà (mass tourism). Tuy nhiên khái niệm của du lịch mạo hiểm có thể trùng với một số loại hình du lịch khác cũng nhấn mạnh vào môi trường tự nhiên, văn hóa và tính bền vững như du lịch sinh thái, du lịch trách nhiệm, du lịch cộng đồng và du lịch tình nguyện.

        Đặc điểm của du lịch mạo hiểm

        Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) về du lịch mạo hiểm năm 2014 có đưa ra một vài đặc điểm của loại hình du lịch này như sau:

        Du lịch mạo hiểm giúp phục hồi những điểm đến chịu thiên tai và xung đột chính trị. ATTA đưa ra báo cáo từ các nhà điều hành tour du lịch mạo hiểm cho thấy họ thường xuyên tổ chức tour đến những điểm đến như Colombia, Bắc Triều Tiên, Iran, Rwanda và các điểm đến chịu ảnh hưởng của thiên tai và xung đột chính trị khác. Khách tham gia du lịch mạo hiểm chấp nhận rủi ro và ưa thích những điểm đến ít người lui tới để có những trải nghiệm độc đáo.

        Thu hút khách có khả năng chi trả cao. Khách du lịch mạo hiểm sẵn sàng chi trả cao cho những trải nghiệm độc đáo và thú vị. Những nhà điều hành tour du lịch mạo hiểm cho biết trung bình khách hàng của họ trả 3000 đô cho một chuyến đi trong thời gian trung bình là 8 ngày.

        Đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 5% trong tổng số chi phí khách du lịch trả cho một tour du lịch đại trà (mass tourism) tại các nước đang phát triển đóng góp vào nền kinh tế của điểm đến (United Nations Environment Programme). Trong khi đó con số này của du lịch mạo hiểm trong năm 2014 theo ATTA là 65.5%.

        Du lịch mạo hiểm khuyến khích điểm đến tuân thủ các nguyên tắc hoạt động bền vững. Những nhà xây dựng chính sách và thực hiện du lịch mạo hiểm tuân thủ theo các nguyên tắc bảo vệ môi trường bền vững vì họ hiểu rằng đánh mất môi trường tự nhiên và trải nghiệm văn hóa ý nghĩa đồng nghĩa với điểm đến của họ sẽ đánh mất tính cạnh tranh.

        Các loại hình du lịch mạo hiểm

        Du lịch mạo hiểm bao gồm nhiều loại hình hoạt động khác nhau, có thể phân được vào hai nhóm là nhóm dễ (soft adventure) và nhóm khó (hard adventure). Các hoạt động trong nhóm dễ và khó đều có khả năng sinh lời cao. Ví dụ một chuyến du lịch mạo hiểm loại dễ trong thời gian trung bình 8 ngày được các công ty kinh doanh du lịch đưa ra từ mức giá 2,700 đô, chưa bao gồm tiền vé máy bay. Còn một chuyến leo núi Everest có giá khoảng 48,000 đô.

    Bảng 1: Các loại hình du lịch mạo hiểm, xếp loại theo ATTA

    Hoạt động

    Loại hình

    Thám hiểm khảo cổ

    Dễ

    Tham gia vào lễ hội/hội chợ địa phương

    Khác

    Backpacking

    Dễ

    Quan sát chim muông

    Dễ

    Cắm trại

    Dễ

    Chèo thuyền ca nô

    Dễ

    Thám hiểm hang động

    Khó

    Leo núi (đá/băng)

    Khó

    Đi thuyền (cruise)

    Khác

    Các hoạt động văn hóa

    Khác

    Du lịch sinh thái

    Dễ

    Chương trình giáo dục

    Dễ

    Các hoạt động bền vững với môi trường

    Dễ

    Câu cá

    Dễ

    Làm quen với người dân địa phương

    Khác

    Đi bộ leo núi

    Dễ

    Cưỡi ngựa

    Dễ

    Săn bắn

    Dễ

    Chèo thuyền kayak

    Dễ

    Học ngôn ngữ mới

    Khác

    Lặn biển

    Dễ

    Trekking

    Khó

    Tour đi bộ

    Khác

    Thăm bạn bè/gia đình

    Khác

    Thăm các di tích lịch sử

    Khác

    Du lịch hoạt động tình nguyện

    Dễ

    Nguồn: UNWTO, 2014

        Thị trường khách du lịch mạo hiểm

        Trong năm 2012, khách du lịch quốc tế vượt ngưỡng một tỷ người. Du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ và lượng khách du lịch mạo hiểm cũng ngày càng tăng lên. Điều tra toàn cầu về thị trường du lịch mạo hiểm tiến hành vào năm 2010 bởi ATTA, Đại học Geogre Washington và công ty Xola Consulting cho thấy giá trị toàn cầu của du lịch mạo hiểm là 89 tỉ đô. Điều tra năm 2013 chỉ ra rằng 42% khách du lịch tham gia vào những chuyến đi mạo hiểm, đưa giá trị của loại hình du lịch này lên 263 tỉ đô, tăng 195% trong vòng 2 năm. Sự tăng trưởng này là do sự tăng lên của khách du lịch quốc tế nói chung và của khách du lịch mạo hiểm nói riêng, cũng như sự gia tăng của mức chi tiêu trung bình.

        Khách du lịch mạo hiểm 69% đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Trong hai năm 2009 và 2010, khách du lịch từ Nam Mỹ đi những chuyến mạo hiểm khó đã tăng từ 1.4% lên 8% số lượng chuyến đi. Khách du lịch đi những chuyến mạo hiểm dễ trong cùng khoảng thời gian cũng tăng 5%.

        Đặc điểm khách du lịch mạo hiểm

        Khách du lịch mạo hiểm cũng được phân ra thành nhiều nhóm. Ví dụ những người đam mê phiêu lưu (adventure enthusiasts) – những người chèo thuyền, đạp xe, hay quan sát chim muông. Mặc dù mức chi tiêu nhóm khách này ngang với các khách du lịch mạo hiểm khác, các chuyến đi ra nước ngoài của họ trung bình dài hơn thêm một ngày. Họ chi tiêu nhiều tiền hơn vào trang thiết bị và dụng cụ và thường thực hiện lại nhiều lần một chuyến đi, đến những điểm đến khó tiếp cận hoặc chưa nổi tiếng.

        Những người đam mê du lịch nguy hiểm (extreme adventures) như nhảy vách đá, chạy 100 km, hay bơi vượt băng ở Greenland lại giống như những người du hành độc lập để tìm kiếm cảm giác hồi hộp. Họ chi tiêu ít hơn vì có trang thiết bị riêng và có thể không qua các công ty du lịch thương mại để sắp xếp cho chuyến đi. Họ thường mang theo phương tiện di chuyển và cắm trại. Những người đam mê du lịch nguy hiểm chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường nên mặc dù họ có giá trị marketing và quan hệ công chúng cho một điểm đến hoặc một công ty, nhưng họ thường không thu hút sự chú ý của các nhà xây dựng chính sách.

        Một phần nhỏ khách du lịch mạo hiểm đi du lịch một mình, 21% đi du lịch với bạn bè, 37% đi cùng bạn đời, và 30% đi du lịch cùng gia đình, bao gồm cả trẻ con. Khách du lịch mạo hiểm đánh giá vẻ đẹp tự nhiên của điểm đến là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn điểm đến, xếp tiếp sau là các hoạt động sẵn có và khí hậu.

        Theo nghiên cứu thị trường du lịch mạo hiểm năm 2013, 57% khách du lịch mạo hiểm là nam giới và 43% là nữ giới. Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm 2014, tập trung vào các nhà điều hành tour thì 53% khách của họ là nữ giới và 47% là nam giới. Cũng trong nghiên cứu năm 2013, 37% khách du lịch mạo hiểm có bằng đại học, 11% có bằng trên đại học, và thu nhập bình quân hàng năm của khách du lịch mạo hiểm là 46,800 đô.

        Có nhiều lý do để khách du lịch tham gia du lịch mạo hiểm, những lý do được đưa ra chủ yếu là để nghỉ ngơi, khám phá vùng đất mới, bên gia đình và khám phá những nền văn hóa khác nhau.

        56% khách du lịch mạo hiểm được điều tra cho biết họ tự sắp xếp cho chuyến đi của mình. Tuy nhiên khách du lịch mạo hiểm vẫn sử dụng các dịch vụ như người hướng dẫn, người điều hành tour nhiều hơn so với khách du lịch không mạo hiểm.

    Bảng 2: Cách thức khách du lịch mạo hiểm chuẩn bị cho chuyến đi

    Nghiên cứu online

    69%

    Tham vấn bạn bè và gia đình

    64%

    Đặt trực tuyến vé máy bay hoặc khách sạn

    36%

    Xem chương trình giới thiệu về điểm đến

    28%

    Tham khảo trên báo và tạp chí

    26%

    Tham khảo qua công ty du lịch

    25%

    Mua sách hướng dẫn

    25%

    Đặt qua nhà điều hành tour

    17%

    Đặt qua công ty du lịch

    17%

    Tham khảo qua tổ chức marketing hoặc quảng bá du lịch

    12%

    Không chuẩn bị gì trước chuyến đi

    12%

    Khác

    9%

    Nguồn: ATTA (2013)

        Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cầu của du lịch mạo hiểm, trong đó có chi phí của tour du lịch mạo hiểm, chi phí của những sản phẩm liên quan (như vé máy bay) và khả năng hoặc mức thu nhập. Marketing cũng có thể ảnh hưởng đến sở thích hay động lực của du khách. Các doanh nghiệp và điểm đến liên quan đến du lịch mạo hiểm cần hiểu và quan tâm đến những yếu tố này nếu muốn thành công trong việc tạo ra nhu cầu cho các sản phẩm của mình.

        Để biết thêm thông tin chi tiết về xu hướng của du lịch mạo hiểm trên thế giới, bạn đọc có thể tham khảo Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) năm 2014 về du lịch mạo hiểm (Global report on adventure tourism)[1].

        Triển vọng phát triển du lịch mạo hiểm tại Việt Nam

        Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình ¾ là đồi núi, hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia rộng lớn, và bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Đỉnh Fansipan, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng, dãy Liang Biang là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi. Hệ thống hang động thu hút sự chú ý của những người ưa mạo hiểm trên khắp thế giới như tại Phong Nha – Kẻ Bàng với động Phong Nha – Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng. Bờ biển dài và các hòn đảo đẹp là địa điểm thuận lợi cho nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm như lặn biển, đua thuyền buồm, lướt ván. Hệ thống sông và hồ dày đặc lại là tiềm năng cho các tour du lịch chèo thuyền, vượt thác,… Ngoài lợi thế về địa hình, Việt Nam còn có lợi thế to lớn về văn hóa với 54 dân tộc, nhiều phong tục tập quán, lễ hội vẫn được duy trì và gìn giữ. Một số hoạt động du lịch mạo hiểm đã bắt đầu được thực hiện tại các địa điểm này đang được ưa chuộng trong thị trường khách quốc tế và nội địa.

    DSC 3557

    Đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

        Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế về địa hình, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước cho loại hình du lịch mạo hiểm vẫn đang ở giai đoạn đầu. Việc triển khai các chương trình du lịch mạo hiểm thường khó khăn vì thời gian làm thủ tục dài, chi phí lớn và đòi hỏi hướng dẫn viên du lịch phải được đào tạo bài bản. Với nguồn tài nguyên phong phú phù hợp phát triển du lịch mạo hiểm, nhằm đón đầu đáp ứng các xu hướng đang phát triển mạnh của thị trường khách, ngành du lịch cần có chiến lược dài hạn và những đầu tư thỏa đáng để phát huy được tiềm năng của duy lịch mạo hiểm và phát triển loại hình này một cách bền vững./.

     

    mapilenghagiang

     Mã Pì Lèng, Hà Giang

                                                                       Ths. Đinh Thị Hồng Nhung – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục