Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Du lịch hoài niệm thăm chiến trường xưa trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam

    5.1   Du lịch Việt Nam trong thời gian gần đây có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Trải qua một chặng đường dài phát triển, từ công tác quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp và cộng đồng đã có những bước phát triển du lịch theo những định hướng của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010, và nhất là chiến lược phát triển du lịch giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030. Hoạt động du lịch đã được đẩy mạnh tại các địa bàn chính và trên nhiều vùng miền trên cả nước. Công tác phát triển sản phẩm du lịch đã được chú trọng từ trung ương đến địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch đã hình thành trên cơ sở khai thác những giá trị tài nguyên du lịch đa dạng của Việt Nam.

       Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 đã xác định định hướng phát triển du lịch theo 3 dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó cũng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu đặc biệt của nhiều thị trường.
       Du lịch hoài niệm thăm chiến trường xưa được phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây thu hút nhiều thị trường khách du lịch quan trọng cả trong nước và quốc tế. Khách quốc tế gồm các cựu chiến binh và gia đình cựu chiến binh, khách du lịch muốn tìm hiểu về lịch sử của các cuộc chiến tranh. Khách du lịch nội địa cũng là những cựu chiến binh và gia đình, các thế hệ học sinh sinh viên tìm hiểu về các giá trị lịch sử và truyền thống đấu tranh của đất nước. Đây không phải là những thị trường khách du lịch đại trà, du lịch thuần túy, mà đây là những người đi du lịch tìm kiếm những giá trị đã được ghi dấu, trân trọng và tìm hiểu từ trước, những người đi du lịch có mục đích rõ ràng. Thị trường này có thể được gọi là thị trường ngách. Tuy vậy, thì với một đất nước như Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến lẫy lừng, vang dội với bạn bè năm châu, với nhiều thế hệ gia đình cựu chiến bình thì thị trường này có thể là một thị trường rất quan trọng, không hề nhỏ về số lượng và cần phải có sự quan tâm xứng đáng.

    5.2 1

    Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

       Có một số câu hỏi đặt ra, vậy tiềm năng để phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa có hay không và thị trường khách đối với loại hình du lịch này có xu hướng thế nào?
       a) Về tiềm năng du lịch
       Có thể nói, dọc theo chiều dài đất nước là các điểm di tích gắn với lịch sử cách mạng. Nhiều địa bàn là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa. Phía bắc là khu vực đông bắc và tây bắc gắn với chiến khu Việt Bắc với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên ở phía đông bắc và Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La ở phía tây bắc gắn nhiều với cuộc kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu như Pắc Bó, Điện Biên Phủ, An toàn khu (ATK)… Miền trung với những địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là Quảng Bình, Quảng Trị, đó là địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, Đường 9 – Khe Sanh, Đường mòn Hồ Chí Minh…Miền Nam với các tỉnh thành như tp.HCM, Tây Ninh và nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với địa đạo Củ Chi, Căn cứ trung ương cục…
       Nhiều địa phương trong số trên đã có sự đầu tư phát triển và thu hút được lượng không nhỏ khách du lịch. Đặc biệt tại một số nơi, tham quan các di tích cách mạng, hoài niệm chiến trường xưa là mục đích chính thu hút khách đến với địa phương, tiêu biểu như Điện Biên Phủ, Quảng Trị, Củ Chi…
       Bên cạnh đó, các điểm di tích này cũng nằm xem kẽ và gắn liền với nhiều điểm cảnh quan tự nhiên hoặc di tích văn hóa lịch sử khác, có thể kết hợp để phát triển sản phẩm du lịch.
       b) Về thị trường khách du lịch
       Cơ hội về phát triển thị trường có thể nhìn nhận thấy là khá lớn, về quốc tế từ các thị trường khách cựu chiến binh Mỹ, Pháp và gia đình, bạn bè, về nội địa là đông đảo cựu chiến binh và gia đình, bạn bè cũng như lớp lớp sinh viên, học sinh.
    Tuy vậy thì cũng lại cần phải nhìn nhận về một xu hướng không hoàn toàn lạc quan về thị trường này khi thế hệ các cựu chiến binh cũng đang ngày một ít dần về số lượng. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa với các nền văn hóa du nhập và sự thay đổi về nhận thức, tâm lý, thị hiếu của giới trẻ hiện nay đang là một thực tế mà việc tìm hiểu về lịch sử cách mạng, hoài niệm về các ký ức chiến tranh sẽ ngày một giảm dần trong các thế hệ thanh niên tương lai.

    5.3

    Tượng đài chiến sỹ đặc công Rừng Sác, đền thờ liệt sỹ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

       Như vậy thì cần phải xem xét xem loại hình du lịch này có thể trở thành một trong những loại hình du lịch quan trọng của du lịch Việt Nam hay không?
       Quan điểm phát triển du lịch trong các thời kỳ luôn gắn với việc phát huy các giá trị tốt đẹp từ truyền thống, lịch sử, trong đó có lịch sử cách mạng. Chúng ta tự hào về một truyền thống giữ nước cần được truyền dạy cho các thế hệ mai sau để khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và cũng như sự khám phá, tìm hiểu sâu sắc về một thời chiến đấu, hy sinh của các thế hệ, các thế trận và nghệ thuật chiến đấu. Cũng vậy, đối với du khách nước ngoài cũng là để họ tìm kiếm lại những dấu tích một thời và để nhìn nhận thấy sự thay đổi phát triển kinh tế – xã hội của các vùng đất ấy. Đó là một yêu cầu phát triển vừa phù hợp với định hướng chung nhưng cũng lại vừa có tính nhân văn sâu sắc. Như vậy, cần xác định một vai trò, vị trí của du lịch hoài niệm chiến trường xưa trong hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam, phục vụ một thị trường riêng nhưng cần thiết.

       Để làm rõ với định hướng theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới thì có thể thấy:
       Thứ nhất, du lịch Việt Nam định hướng phát triển theo 3 dòng sản phẩm lớn là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Theo đó, Hoài niệm chiến trường xưa có thể coi là một trong những sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa và là một loại hình du lịch đặc thù và khác biệt của du lịch Việt Nam so với nhiều nước khác. Như đã đề cập, sản phẩm du lịch đặc thù này có thị trường du riêng và được coi như một thị trường ngách. Về mặt thị trường cần được đáp ứng và về mặt sản phẩm cũng phải khẳng định là cần phải được quan tâm phát triển.
       Thứ hai, du lịch Việt Nam cũng định hướng phát triển sản phẩm theo các vùng du lịch, cụ thể là theo 7 vùng du lịch gồm: Trung du miền núi phía bắc; Đồng bằng sông Hồng và duyên hải đông bắc; Bắc trung bộ; Duyên hải nam trung bộ; Tây nguyên; Đông Nam bộ và Tây nam bộ (ĐBSCL). Điểm theo hệ thống các địa bàn hiện nay đang khai thác cũng như có tiềm năng phát triển trong tương lai cũng gắn liền với các vùng du lịch này và tập trung nhiều nhất ở các vùng Trung du miền núi phía bắc, Bắc trung bộ, Đông nam bộ và Tây nam bộ.
    Làm thế nào để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa phù hợp tiềm năng du lịch và phù hợp với định hướng phát triển của du lịch Việt Nam ?
       Với những đánh giá về tiềm năng, thế mạnh, ưu và nhược điểm trong thu hút thị trường, cũng như gắn với các định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới thì để phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa có được vai trò, vị trí cần thiết trong chiến lược phát triển ngành du lịch thì cần có một số định hướng và giải pháp cụ thể như sau :
       1. Phát triển trên cơ sở tạo thành các cụm điểm để cung cấp đầy đủ trải nghiệm và gắn với từng giai đoạn của các cuộc chiến. Các di tích lịch sử cách mạng gắn với từng cuộc chiến cần được đánh giá kỹ lưỡng để có các phương án phát huy. Các địa phương trong cùng một khu vực cần có sự liên kết và cùng đầu tư, cải tạo, xây dựng, hình thành các tuyến trải nghiệm, thực sự cung cấp được cho khách du lịch sự bổ ích về thông tin, sự hứng thú về khám phá tìm hiểu thay bằng những hình thức giới thiệu thông tin nhạt, loãng hoặc thiếu tính liên kết, thống nhất. Điểm di tích này cần tạo ra động lực và mong muốn khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm thông tin của điểm di tích kế tiếp. Muốn được như vậy thì các địa phương trong cùng một cụm, ví dụ vùng Việt bắc phải cùng nhau bàn thảo, xây dựng đề án thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch này, có sự đầu tư thoả đáng nâng cấp các di tích, xây dựng lộ trình tham quan hợp lý, nâng cao chất lượng thuyết minh viên tại điểm, phối hợp với các hãng lữ hành để hình thành các tuyến kết hợp các địa phương trong các tuyến du lịch hợp lý. Làm sao để trong mỗi vùng trọng điểm là Trung du miền núi phía bắc, Bắc trung bộ, Đông nam bộ và Tây nam bộ đều có những cụm liên kết phát triển mạnh được về sản phẩm du lịch hoài niệm chiến trường xưa.
       2. Phát triển trên cơ sở liên kết các cụm điểm để tạo ra sản phẩm tổng thể, hình ảnh và thương hiệu về du lịch hoài niệm chiến trường ở Việt Nam. Trên cơ sở phát triển mạnh và rõ nét các cụm điểm du lịch hoài niệm chiến trường xưa tại các vùng du lịch thì cũng cần có sự liên kết giữa các cụm này để tạo ra một hình ảnh tổng thể và đủ lớn mạnh về loại hình du lịch này. Hiện nay, loại hình du lịch này phát triển rải rác, đơn lẻ ở các địa phương nên chưa được nhìn nhận rõ ràng. Với sự liên kết trong cụm và liên cụm mới có thể gây dựng được một dòng sản phẩm du lịch đặc thù trong hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam trong tương lai. Mặc dù chúng ta đang xây dựng những hình ảnh với các giá trị thương hiệu về văn hoá, tự nhiên đa dạng và một sức sống mới trong sự phát triển về kinh tế – xã hội, nhưng đối với những thị trường quan tâm, chúng ta cũng có thể xây dựng rõ một hình ảnh về một Việt Nam đang chuyển mình phát triển nhanh chóng nhưng cũng không quên tri ân về những thế hệ trước, luôn tự hào về sức mạnh dân tộc. Ở đây có vai trò liên kết của các địa phương, các hiệp hội vùng và của cả cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc định hướng, hướng dẫn, tạo lập các liên kết cần thiết.
       3. Phát triển trên cơ sở liên kết với các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch khác được định hướng phát triển. Hệ thống sản phẩm du lịch được định hướng phát triển theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam theo dòng sản phẩm và theo các vùng du lịch gắn với các tài nguyên du lịch chính để khai thác các dòng khách khác nhau. Theo đó, các địa phương có khả năng phát triển sản phẩm du lịch hoài niệm chiến trường xưa cũng cần có sự liên kết với các điểm tài nguyên khác có thế mạnh và có sự ưu tiên phát triển tại địa phương mình và lân cận. Như vậy, với những đoàn khách chỉ mong muốn tìm hiểu các di tích cách mạng và hoài niệm chiến trường có thể chỉ tham quan, tìm hiểu chủ yếu trong địa bàn các cụm điểm này, nhưng các thị trường khách có mong muốn kết hợp nhiều nhu cầu có thể có sự đa dạng trong các lựa chọn. Như vậy, các địa phương có thể đa dạng hoá sản phẩm và thúc đẩy tốt hơn trong việc phát triển sản phẩm này, thu hút thị trường tham gia vào nhiều hoạt động du lịch hơn nữa.
       4. Cần triển khai các giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này. Như đã đề cập tới các định hướng chính, cần thực sự đẩy mạnh công tác đầu tư bài bản trên cơ sở hình thành rõ từ đề án, kế hoạch tổng thể phát triển cho các địa phương, các cụm sản phẩm du lịch hoài niệm chiến trường xưa trên cả nước; Gây dựng và triển khai các hoạt động liên kết địa phương, liên vùng, liên kết doanh nghiệp, các hiệp hội nghề để thúc đẩy sự phát triển riêng của loại hình du lịch này và sự gắn kết trong hướng phát triển chung của du lịch vùng và cả nước. Và quan trọng nữa chính là các giải pháp về xúc tiến quảng bá. Trong đó cần chú trọng hai vấn đề với hai mục tiêu cụ thể, về truyền thông nâng cao truyền thống cách mạng và lòng yêu nước, tri ân các thế hệ và về truyền thông xúc tiến phát triển thị trường. Đối với công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong nước, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông, gắn từ trong các trường học, trường đại học ; du lịch và truyền thông du lịch cần gắn hơn với các sự kiện tri ân, các doanh nghiệp và địa phương cần hỗ trợ các chuyến về lại chiến trường cho các câu lạc bộ cựu chiến bình và các hình thức khác để một mặt thực sự thể hiện sự tri ân và tôn trọng các thế hệ đi trước, mặc khác nhằm giới thiệu các giá trị truyền thống này tới các thế hệ đi sau cũng vừa là các khách hàng tiềm năng cần được « giáo dục » truyền thống.
       Đối với công tác xúc tiến thị trường, kể cả trong và ngoài nước, cần thông tin ra thị trường loại hình du lịch là thế mạnh của du lịch Việt Nam, là sản phẩm du lịch đặc thù mà không phải nơi nào cũng dễ gì có thể trải nghiệm được. Các thông tin xúc tiến thị trường cũng cần được triển khai trong một số chiến dịch chung của du lịch Việt Nam, tại những thị trường có tiềm năng khai thác như Pháp, Mỹ, song song với các thông tin chung.
       Tóm lại, phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa có khả năng phát triển tốt ở Việt Nam, phục vụ cho những thị trường riêng nhưng có những mục đích tốt đẹp, với những tiềm năng đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn 10 năm phát triển. Việt Nam đã chuyển mình phát triển, nhiều giá trị tài nguyên du lịch đã và đang được khám phá, được đánh giá cao bởi thị trường, thu hút số lượng lớn khách tham quan, trải nghiệm. Du lịch hoài niệm chiến trường xưa có khả năng khai thác một thị trường khách riêng biệt và không nhỏ và có thể phát triển đưa đến những giá trị tốt đẹp cho du lịch Việt Nam, phát triển cùng với định hướng phát triển du lịch Việt Nam nói chung.

    TS. Đỗ Cẩm Thơ – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục