Du lịch đô thị – Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững
Du lịch được coi ngành kinh tế tổng hợp với hoạt động phức tạp, đa chiều nhưng có khả năng tạo ra lợi nhuận đáng kể. Trong những năm 90, du lịch đô thị đã được đề cập đến như một lĩnh vực quan trọng trong các chiến lược phát triển du lịch và cũng là một trong những định hướng nghiên cứu được các chuyên gia quan tâm. Việc lý giải hai khái niệm du lịch và thành phố theo cách phối hợp phát triển là không đơn giản, nhưng chắc chắn rằng không gian đô thị là sự hỗ trợ thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, vì thế cũng rất thuận lợi cho các hoạt động du lịch.
Thành phố, khu đô thị là khu vực có chức năng phức tạp dựa trên tiện ích được phân khu rõ ràng, được thể hiện với chất lượng cuộc sống và đặc trưng chức năng riêng biệt. Dựa trên những yếu tố thẩm mỹ, kiến trúc, cảnh quan phản ánh lối sống địa phương của mỗi khu vực các nhà nghiên cứu du lịch cũng xác định những tiềm năng có thể khai thác thông qua các hoạt động du lịch. Theo các chuyên gia, bốn yếu tố thúc đẩy thành phố theo hướng gắn với phát triển du lịch bao gồm: sự suy giảm của hoạt động sản xuất truyền thống, sự cần thiết phải tạo ra hoạt động kinh tế mới, nhận thức về du lịch là ngành công nghiệp phát triển và hy vọng rằng phát triển du lịch sẽ đem lại kết quả trong quá trình tái tạo và tái thiết các khu trung tâm cốt lõi. Những yếu tố này đã định hình hai kiểu đô thị hóa theo hướng du lịch: chuyển đổi không gian công nghiệp thành khu du lịch và phát triển các khu du lịch mới .
Trên phương diện du lịch, đô thị thực hiện chức năng quan trọng trong phạm vi hoạt động của hệ thống du lịch bao gồm: là “cửa ngõ” quan trọng đối với khách du lịch quốc tế và nội địa; là các đầu mối quan trọng trong hệ thống vận chuyển, là các điểm trung chuyển cho các chuyến đi đa mục đích. Song, mức độ quan trọng của các chức năng trên được nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau và, như một hệ quả, các yêu cầu về phát triển một ngành du lịch có khả năng sinh lợi cao mang tính bền vững ở khu vực đô thị, thành phố cũng không được hiểu một cách thống nhất và đầy đủ.
Thành phố trở thành đối tượng nghiên cứu cho du lịch đô thị bởi du khách muốn thoát khỏi cuộc sống hàng ngày của họ sẽ tìm kiếm những điều mới lạ và những điểm đến khác biệt. Điều đáng nói đến là các du khách đến các thành phố phần lớn cũng có nguồn gốc đô thị và sự lựa chọn của họ là hợp lý bởi thực tế cho thấy, thành phố là nơi tập trung tối đa các đối tượng xã hội và đặc trưng bởi sự đa dạng về nhu cầu; thành phố ảnh hưởng đến du lịch và du lịch ảnh hưởng đến thành phố, sự tương tác lẫn nhau này được khẳng định một cách rõ ràng trong quá trình phát triển.
Từ những năm 90, du lịch đô thị đã phát triển cùng với phong trào toàn cầu hóa và mức độ cạnh tranh ngày càng tăng giữa các thành phố. Điều này thúc đẩy các bên tham gia công nhận thành phố là một sản phẩm có vị trí tốt hơn trong một thị trường cạnh tranh để làm nổi bật sự độc đáo của thành phố, bản sắc đô thị, liên kết cộng đồng và lãnh thổ đô thị hóa. Với tính năng động của thành phố và các chức năng của nó cùng với sự thay đổi theo thời gian, việc xác định và lượng hóa được đóng góp của du lịch đô thị so với mức độ đóng góp từ các chức năng khác của thành phố, khu đô thị thực sự không dễ dàng. Với sự thay đổi trong hành vi của du khách và xu hướng du lịch mới, thành phố đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn. Vì vậy có thể nói rằng du lịch đô thị là một tính năng tích hợp của cuộc sống đô thị.
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Doanh nghiệp – Du lịch DG (Ủy ban Châu Âu, năm 2000), khi du lịch được đưa vào nghiên cứu để thiết lập các chính sách phát triển đô thị thì việc tạo ra một mô hình kết hợp giữa việc cung cấp dịch vụ một cách cạnh tranh để đáp ứng mong đợi của du khách với sự đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và đem lại nhiều phúc lợi cho người dân địa phương là hoàn toàn khả thi . Từ đó có thể thấy, một thành phố, đô thị du lịch được cấu thành bởi hai yếu tố có liên quan mật thiết là tiềm năng tự nhiên gắn kết bên trong (các yếu tố đô thị tương tác và phối hợp với nhau và phù hợp với các quyết định và chính sách phát triển) và các yếu tố thực trạng bên ngoài, dựa trên hình ảnh và sự nhận thức của người bên ngoài ví dụ như ý nghĩa, sự nhận diện về địa điểm của khách du lịch. Về cơ bản, để được coi là một điểm đến du lịch, các khu đô thị cần cần xem các vấn đề sau:
+ Khả năng thu hút đối với các thị trường khách du lịch bao gồm: bạn bè và người thân đến với thành phố trên cơ sở dân số của khu đô thị; sự phát triển tốt hơn nhiều so với các điểm đến khác;
+ Dễ dàng tiếp cận qua các sân bay và các dịch vụ vận chuyển theo lịch trình; nhiều dạng cơ sở lưu trú lớn được xây dựng để phục vụ khách du lịch kinh doanh;
+ Khả năng cung cấp các tiện ích đa dạng khác để đáp ứng nhu cầu du lịch.
Du lịch đô thị đang trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo Euromonitor International, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng 4,8% trong năm 2013, trong khi tại 100 thành phố hàng đầu thế giới, khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng 5,4% trong cùng năm. Mặc dù những con số tăng trưởng bao gồm các mục đích chuyến đi khác nhau, bao gồm cả chuyến đi với mục đích kinh doanh. Sự gia tăng du lịch thành phố cũng có thể được quan sát khi nhìn vào các phân đoạn kỳ nghỉ. Trong khi đó, ngày nghỉ biển và bãi biển đã tăng 31% trong 5 năm qua (chiếm 29% tổng số kỳ nghỉ), phân đoạn du lịch ngày lễ tăng 28% (đạt 23% thị phần). Tuy nhiên, du lịch thành phố, đô thị đã tăng 72% trong 5 năm qua để đạt được một phần của 21% tổng số kỳ nghỉ . Tại một số quốc gia, các chuyến đi tham quan thành phố đô thị đã vượt qua kỳ nghỉ tắm nắng và bãi biển là loại kỳ nghỉ phổ biến nhất.
Bên cạnh những kết quả khả quan những vấn đề nổi cộm đối với phát triển du lịch đô thị cũng đang gây lo ngại cho các bên tham gia. Những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng đối với cộng đồng địa phương đã và đang thách thức sự ứng phó của việc phát triển ngành du lịch trong mối quan hệ với kinh tế đô thị, đặc trưng môi trường, xã hội và văn hoá. Xu hướng mâu thuẫn phát sinh giữa việc tăng số lượng khách tại các khu đô thị, thành phố đặc biệt với những thành phố có lịch sử lâu đời với việc bảo tồn các giá trị vốn có và các phản ứng tiêu cực của khách du lịch cũng như cư dân địa phương trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Đây là một thực trạng đã xảy ra ở hầu hết các nước châu Âu.
Mặt khác, rất nhiều các chính sách phát triển đô thị gần đây đã đưa ra một lập trường tích cực hơn đối với du lịch, ngành công nghiệp ngày càng được xem như là một ngành chiến lược để phục hồi đô thị ở các thành phố công nghiệp hoá. Tăng trưởng cầu du lịch sẽ có ảnh hưởng đến thu nhập và số lượng việc làm của một bộ phận dân số có liên quan. Song, số lượng khách du lịch tăng lên sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực, hoặc “chi phí” phát sinh do môi trường vật chất và văn hoá, dân cư địa phương và du khách tự tạo ra cùng với đó là sự thay đổi trong các tổ chức cộng đồng, tập thể và các hệ thống giá trị cá nhân, hành vi, mô hình, cấu trúc cộng đồng, lối sống và chất lượng cuộc sống
Phát triển du lịch có thể mang đến cho đô thị, thành phố nhiều điều tích cực (Lợi ích kinh tế, việc làm). Mặt khác, các yếu tố tiêu cực phát sinh do sự có mặt của khách du lịch, đặc biệt với số lượng lớn cũng có thể có những ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống ở địa phương. Nhìn nhận, phân tích và tìm ra các giải pháp thích ứng không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một tổ chức cụ thể nào mà nó cần có sự hợp tác và bắt tay của cả xã hội. Cần thiết phải có những nghiên cứu phân tích chuyên sâu để giúp cho các bên liên quan có thể nhìn nhận và đánh giá đúng đóng góp và tác động của du lịch đô thị, trên cơ sở đó, có thể xây dựng được cơ chế và giải pháp chia sẻ, thích ứng phù hợp với từng địa bàn nhằm giúp cho việc định hướng phát triển du lịch đô thị bền vững và đặc trưng.
Tài liệu tham khảo:
1. Approaches to the analysis and evaluation of urban tourism system within urban destination, Amalia Bădită, University of Craiova, Geography Department, Romania, Journal of tourism – studies and research in tourism, issue 16
2. “Towards quality urban tourism. Integrated quality management (IQM) of urban tourist destinations” European Commission, DG Enterprise – Tourism Unit, 2000, pp21-26.
3. The changing nature of city tourism and its possible implications for the future of cities, Kerstin Bock, 12/2015
Lan Hương