Du lịch bằng đường sắt: Vì sao kém hấp dẫn du khách?
Mặc dù ra đời từ rất sớm và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phương tiện vận chuyển nhưng thời gian qua, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ đường sắt nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế. Điều đó khiến cho doanh thu từ du lịch đường sắt luôn thấp và khó cạnh tranh với các phương tiện vận chuyển khác.
Hoạt động cầm chừng
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2010, cả nước đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong số đó có 83% số khách đi du lịch bằng đường hàng không, còn lại là đường bộ, nhưng số người chọn đường sắt chiếm tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù du lịch đường sắt có nhiều lợi thế, như độ an toàn cao, thân thiện với môi trường, thuận lợi cho hành trình trải nghiệm nhưng du khách không mặn mà với loại hình du lịch này. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, so với các nước có ngành "công nghiệp không khói" phát triển, du lịch đường sắt nước ta còn nhiều bất cập. Hạ tầng đường sắt (nền đường, khổ đường) hạn chế khiến tốc độ của tàu chậm so với các phương tiện giao thông khác. Mặt khác, chất lượng dịch vụ trên các đoàn tàu còn kém.
Hiện nước ta có rất nhiều tuyến đường sắt có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động du lịch, như tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh, TP Hồ Chí Minh – Nha Trang, tuyến Bắc – Nam, tuyến quốc tế đi Nam Ninh, Côn Minh (Trung Quốc). Qua đánh giá thực tế, chỉ có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai và ngược lại hoạt động có hiệu quả với tỷ lệ khách du lịch tăng dần theo từng năm. Cụ thể, nếu năm 2007, tỷ lệ du khách tham gia tuyến đường sắt này đạt 57% thì đến năm 2010 đã tăng lên gần 68%. Còn lại, không ít tuyến du lịch đường sắt khác đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn như tuyến Hà Nội – Nam Ninh, Hà Nội – Quảng Ninh dù được đưa vào khai thác từ năm 2009 nhưng đến nay thu hút rất ít khách du lịch.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, do thiếu kinh phí nên hầu hết các toa xe của ngành đều thuộc dạng "quá tuổi khai thác", chất lượng kém. Hiện nay, ngành đường sắt mới chỉ duy trì các tuyến đang hoạt động chứ chưa đầu tư nâng cấp và phát triển thêm các tuyến mới. Thị phần vận chuyển hành khách của đường sắt cũng chỉ chiếm khoảng 7% thị phần vận tải. Trong quy hoạch, tới đây ngành đường sắt sẽ tập trung cải thiện hạ tầng những tuyến ngắn, trung bình, trong đó có những tuyến thu hút khách du lịch như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh, TP Hồ Chí Minh – Nha Trang.
Cấp hạng sao cho toa tàu
Không chỉ hạn chế về hạ tầng, chất lượng dịch vụ trên đoàn tàu, chuyện không có phương tiện vận chuyển từ ga đến các điểm tham quan, thủ tục xuất cảnh rườm rà tại các tuyến quốc tế… cũng là nguyên nhân khiến du lịch đường sắt nước ta chưa tạo được sức hút đối với du khách.
Theo đánh giá của các hãng lữ hành, ở Việt Nam mới chỉ có vận tải hành khách bằng tàu hỏa chứ chưa thực sự có sản phẩm du lịch đường sắt. Bởi, muốn trở thành sản phẩm du lịch thì trước hết phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Về điều này, ngành đường sắt hiện chưa làm được. Thêm vào đó, hình thức đặt vé tàu cũng chưa thông thoáng, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Nếu như với hàng không, việc đặt chỗ có thể tiến hành trước cả năm, thì hiện nay ngành đường sắt vẫn chưa áp dụng hình thức này. Điều đó khiến cho các đoàn khách quốc tế, vốn có thói quen đăng ký tour sớm, rất khó đặt vé trước.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thì ngành đường sắt cần nâng cao chất lượng các toa tàu, cải thiện chất lượng phục vụ, điều kiện vệ sinh và an ninh nhà ga. Riêng đối với những tuyến phục vụ khách quốc tế, ngành đường sắt cần phối hợp với ngành du lịch đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên làm việc trên tàu. Bên cạnh đó, việc xếp hạng "sao" cho các toa tàu du lịch đạt chuẩn và đề ra mức giá tương ứng cũng là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu trong thời gian tới. Để việc kinh doanh sản phẩm du lịch đường sắt đạt hiệu quả, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành đường sắt và du lịch. Cụ thể, tại nhà ga nên có văn phòng cung cấp thông tin về các hãng du lịch, chương trình du lịch, các điểm đến… Ngược lại, tại các công ty du lịch phải có bộ phận cung cấp thông tin và kế hoạch bán vé tàu cho du khách.
Xuân Lộc (Báo Hà Nội mới)