Đối thoại phát triển địa phương 2021 “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”
Sáng ngày 13/7/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngân hàng thế giới và Đại học Indiana Hoa Kỳ tổ chức diễn đàn Đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Diễn đàn nhằm để các nhà hoạch định chính sách của các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp hàng đầu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cao cấp thảo luận những sáng kiến và giải pháp đột phá giúp các địa phương phát triển kinh tế – xã hội.
Tham dự diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ trì Diễn đàn; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; bà Ann Maria Yastishock Giám đốc quốc gia cơ quan hợp tác Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Carrie Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; GS Trần Ngọc Anh, đại diện Đại học Indiana Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện các Đại sứ quán, cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; đại diện lành đạo các Bộ, Ngành, Viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo tập đoàn VNPT, Công ty Sam Sung Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp. Diễn đàn được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội và kết nối với 58 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Tham dự tại các điểm cầu địa phương có đại diện Lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở ban ngành chức năng của 58 tỉnh thành cùng tham dự. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được mời và tham dự Diễn đàn quan trọng này.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh, Diễn đàn Đối thoại phát triển địa phương 2021 diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là khi các địa phương quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII và triển khai Nghị quyết của Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2025 trong bối cảnh đất nước và Thế giới đang có những chuyển biến rất nhanh với nhiều thuận lợi, thời cơ, lẫn nhiều khó khăn, thách thức đang diễn ra. Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID -19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế về bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực sáng tạo các địa phương đã chủ động thích nghi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, vừa phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, vừa chủ động phòng chống dịch bệnh với trọng tâm là chiến lược vắc xin sát thực với tình hình diễn biến của dịch bệnh, điều kiện hoàn thành cụ thể của từng địa phương. Trạng thái bình thường mới đòi hỏi cần nắm bắt những cơ hội trong thách thức, với nhận thức trong nguy có cơ, ngay lúc này cần nghĩ đến vấn đề phát triển kinh tế – xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà ngay sau khi đại dịch kết thúc để đạt được những kết quả khả quan ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, tạo tiền đề và sinh lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn 2021 – 2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của những năm tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, với 12 nhiệm vụ chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, văn kiện Đại hội XIII đã bao quát toàn diện các nội dung, lĩnh vực phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Văn kiện đã khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường truyền và lan tỏa đến mọi địa phương trong cả nước tinh thần hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm thoát khỏi “lối mòn phát triển tuần tự theo truyền thống” để bứt phá vươn lên một cách mạnh mẽ, đây là thời điểm chúng ta rất cần có“tư duy quốc gia và hành động địa phương”, để các địa phương định hình được mình trong sự phát triển chung của đất nước, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia, khắc phục được tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm, đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện đặc thù để có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và cùng nhau nhịp bước trên con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc.
Ông nhấn mạnh thêm, Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, sự thích ứng với những thay đổi rất nhanh của thực tiễn trong nước và quốc tế và yêu cầu phát triển mới trong việc đề ra định hướng về tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số quốc gia, để tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Văn kiện cũng đề ra định hướng nhất quán về phát triển nhanh và bền vững, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, mà trọng tâm là xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị của mình, các Đảng bộ địa phương đã quán triệt tốt những định hướng, tư tưởng này, phát huy tinh thần sáng tạo không rập khuôn, máy móc và chung chung… Đây cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của đối thoại phát triển địa phương 2021 về sự quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng chậm trễ, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện chính sách mà văn kiện Đại hội XII đã đề ra.
Gợi mở trao đổi tại diễn đàn ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh một số nội dung cần thảo luận:
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị thực thi để biến quyết tâm thành chiến lược chính sách, để đưa được chính sách vào đời sống thực tiễn và từ hành động để tạo ra những kết quả phát triển thiết thực đối với mọi người dân, quản trị thực thi là một quá trình liên tục gồm xác định đo lường nâng cao hiệu quả làm việc và định hướng hoạt động của mỗi cá nhân hay tập thể cho phù hợp với các mục tiêu chiến lược, đóng vai trò quan trọng đối với địa phương, doanh nghiệp và người dân… mỗi cấp cần xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát thực hiện được một cách khoa học, bài bản, minh bạch với các điểm giải trình cao, gắn kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra với trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm. Quản trị thực thi là cơ chế giúp đánh giá cán bộ một cách khách quan, bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ hai, chuyển đổi số là xu hướng của thời đại khi nền tảng công nghệ nói chung và kết nối internet nói riêng hiện nay rất phát triển, và đây không phải là việc chúng ta mới làm. Thời gian qua trong ứng phó với đại dịch để đáp ứng yêu cầu về giãn cách xã hội, giảm thiểu các hoạt động tiếp xúc trực tiếp chúng ta đã tăng cường ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ hơn, từ việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến, bán hàng qua mạng cho đến khai báo y tế, truy vết, đặt lịch xét nghiệm, trả kết quả, thực hiện tư vấn… chúng ta cần nắm bắt đà phát triển này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, trước tiên cần chuyển đổi từ nhận thức từ cấp lãnh đạo từ cấp trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân, tham gia vào quá trình chuyển đổi số là của tất mọi người, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, và hiện nay được thể hiện ngay trong cả sinh hoạt của họ.
Và để thực hiện chuyển đổi số, ông Thắng cho rằng cần quan tâm 3 yếu tố cơ bản: – Hạ tầng công nghệ, đây là điều kiện cần, mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số.
– Hệ thống thể chế, chính sách phải liên tục được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, thậm chí là chưa từng có.
– Phát triển nhân tố con người, trong đó người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và có tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.
Để được 3 yếu tố quan trọng này, theo ông rất cần vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở đó chúng ta từng bước phát triển kinh tế số, đẩy mạnh Chính phủ số, cũng như xây dựng xã hội số theo lộ trình đã được vạch ra.
Thứ ba, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển, không chỉ đối với đại dịch mà còn với các thách thức phi truyền thống khác, nhất là tình trạng thiên tai, thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, điều đó cho chúng ta thấy cần phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra những dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và mang lại lợi ích tổng thể trong dài hạn…
Ngoài ra, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, theo ông các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện lợi thế của mình để lựa chọn những lĩnh vực phát triển và xác định hướng đi phù hợp; các địa phương có tiềm năng về nông nghiệp cần chú trọng các mô hình nông nghiệp mới, như mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn liền với xây dựng người nông dân hiện đại và nông thôn văn minh theo tinh thần văn kiện của Đại hội XIII; các địa phương có tiềm năng về du lịch sẽ khai thác tốt hơn ngành công nghiệp không khói này, gắn kết chặt chẽ giữa du lịch văn hóa, du lịch sinh thái với du lịch trải nghiệm trong nông nghiệp; các địa phương có lợi thế về năng lượng tái tạo cần tập trung khai thác tài nguyên hợp lý theo quy hoạch tổng thể quốc gia về cơ cấu năng lượng…
Với tinh thần thẳng thắn khách quan, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tham dự thẳng thắn trao đổi, thảo luận nêu thẳng những vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển ở địa phương để diễn đàn thiết thực và có hiệu quả…
Tiếp theo, Diễn đàn thực hiện hai phiên đối thoại bàn tròn:
Phiên 1: Các sáng kiến Quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số, tham dự bởi các đại biểu khách mời; 1. GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana; 2. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ; 3. Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông; 4. GS. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản; 5. Ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT; 6. Ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Trước khi bước vào phiên đối thoại 1, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ TTTT đã có bài phát biểu tại diễn đàn, ông nhấn mạnh kỷ nguyên số đã bước vào giai đoạn ba, giai đoạn là 1 số hóa thông tin; giai đoạn 2 là số hóa các quy trình, số hóa từng chức năng theo chiều dọc; giai đoạn 3 là số hóa tổ chức, số hóa theo chiều ngang là đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, thay đổi cách vận hành của tổ chức, còn gọi là chuyển đổi số. Ông cho rằng, chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt, vì nhiều việc của giai đoạn 1, giai đoạn 2 vẫn chưa xong, nhưng không phải nhất thiết xong giai đoạn 1, mới đến 2 rồi mới đến 3, mà là 3 trong 1. Đặc điểm lớn nhất chuyển đổi số ở Việt Nam là 3 trong 1, sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp cho công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn và rẻ hơn, may mắn của Việt Nam là giai đoạn 1 và 2 chưa làm được nhiều cho nên việc ứng dụng những nền tảng công nghệ số hiện đại nhất để đẩy nhanh chuyển đổi số. Chuyển đổi số với 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền, công nghệ chỉ chiếm 30%, chuyển đổi số là máy tính hóa thay lao động trí óc… sự thông minh của máy tính đầu tiên là do tri thức của hệ thống chính quyền, những người xuất sắc của chính quyền phải tham gia cùng với những người làm công nghệ và tiếp theo chính quyền địa phương càng dùng nhiều thì hệ thống càng thông minh lên. Khi nói đến chuyển đổi số là nói đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cách tốt nhất để đánh giá Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là xem nó phản ứng như thế nào với các trường hợp cụ thể, ông lấy thí dụ dẫn chứng về thực trạng đại dịch COVID -19 hiện nay đối trong việc sử dụng công nghệ với công tác xét nghiệm, truy vết phòng chống dịch… qua đó Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số làm cho chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn và có sức chống chịu cao hơn, sau COVID -19 sẽ thấy Việt Nam xuất hiện ở một trạng thái mới, một xã hội được số hóa toàn diện…
Trong phiên đối thoại 1, các đại biểu tham dự đã nêu các vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện chuyển đổi số ở Trung ương và địa phương, chia sẻ kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện chuyển số, bên cạnh đó các đại biểu nhấn mạnh đến nhận thức, tư duy của con người về chuyển đối số, công cụ thực hiện chuyển đổi số, vấn đề về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt quản trị thực thi đây là công cụ rất hiệu quả để chuyển đổi số, và từ trước đến nay việc chuyển đổi số có thể được hiểu một cách chưa hoàn toàn đúng bởi lẽ chuyển đổ số thật sự là một quá trình thay đổi dùng công nghệ số chứ không phải là việc ứng dụng công nghệ số theo GS. Hồ Tú Bảo nhận định, ngoài ra theo các đại biểu còn cho rằng đích của chuyển đổi số phải bao gồm nhiều hợp phần, liên kết đi với nhau, dựa trên các thành tố chính đó là con người, thể chế và công nghệ và cần được làm rõ hơn về quá trình phân cấp từ Trung ương đến địa phương, như ở Trung ương là chính phủ số, địa phương là tỉnh thành số và quận huyện số dựa trên nền tảng số, có những nền tảng số quốc gia là dùng chung cho toàn quốc, có những nền tảng số là dung cho từng lĩnh vực… Và theo đại biểu Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn tỉnh, đối với chuyển đổi số cần thực hiện tốt các vấn đề, trước hết là phải có nhận thức đúng, nhận thức trúng, có quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo đơn vị đến người dân, doanh nghiệp; thứ hai, cần phải có sự tuyên truyền sâu rộng, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân cùng đồng tâm, đồng lòng cùng thực hiện việc chuyển đổi số; thứ ba, cần phải có nguồn lực để đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin; thứ tư, cần phải có đào tạo phát triển nguồn nhân lực để thực hiện công cuộc chuyển đổi số; cuối cùng, cần phải có các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời để thúc đẩy phát triển quá trình chuyển đổi số.
Phiên 2: Khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh của các địa phương, tham dự bởi: 1. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; 2. Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường; 3. Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; 4. Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam; 5. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; 6. Bà Bùi Kim Thủy, Đại diện cao cấp tại Việt Nam – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN; 7. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận (trực tuyến); 8. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp (trực tuyến).
Trước khi bước vào phiên đối thoại 2, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có bài phát biểu tại Diễn đàn, ông nhấn mạnh, hiện nay ngành nông nghiệp đang thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông thôn thông minh hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…
Trong phiên đối thoại 2, các đại biểu tham dự đã nêu các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam, và đây là việc cần thiết, trách nhiệm của thế hệ hiện tại, để tạo ra môi trường sống tốt hơn ở tương lai, và đây cũng là cơ hội để tăng trưởng kinh tế, tận dụng việc làm mới, nền nông nghiệp xanh mới, nền công nghiệp xanh mới… Các đại biểu tham gia đồng tình và cho rằng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là hai vấn đề đặc biệt cần được quan tâm, định hướng, và đây là mục tiêu chung của toàn cầu đối với phát triển bền vững hiện nay, và cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu xanh và chuyển đổi số lồng ghép vào thực hiện nền kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Ngoài ra, các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, các chủ trương, chính sách về thể chế, các tiêu chuẩn, tiêu chí, về trách nhiệm xã hội, các điều khoản về tăng trưởng xanh, các hiệp định thương mại, việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số được nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra thảo luận.
Kết luận diễn đàn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng hoan nghênh và cảm ơn các đại biểu tham dự diễn đàn, đánh giá cao các sáng kiến chia sẻ được đưa ra tại diễn đàn, nhiều sáng kiến đưa ra thể hiện được mục tiêu khát vọng phát triển của Việt Nam, đặc biệt thể hiện được tính hành động từ Trung ương đến địa phương, các nội dung tham luận đã nhận thức đúng, chia sẻ thẳng thắn, đảm bảo được tính hệ thống bao trùm và giải quyết tốt các mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân, củng cố được niềm tin. Cuối cùng, ông nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nội dung được nêu tại diễn đàn để quá trình thực hiện đạt hiệu quả, đồng thời, thông qua diễn đàn lần này sẽ xem xét, thống nhất tổ chức diễn đàn thường niên với địa phương, với những chuyên đề đối thoại sâu hơn với nhiều vấn đề, là cầu nối giữa các Ban, Bộ, ngành Trung ương với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tác phát triển trong thời gian tới./.
Trần Cường