Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Ngày 14/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối với hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì hội thảo; bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học; phía điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo các Ủy ban nhân dân, Sở, ban, ngành chức năng với hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo tại đầu cầu Hà Nội, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT và Bộ VHTTDL phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, hội thảo được tổ chức nhằm rà soát, đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn hiện nay qua đó đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Để hội thảo đạt kết quả như kỳ vọng và góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chung là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự đưa ra sáng kiến và thảo luận chú trọng vào các nội dung chính như: vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển du lịch nông thôn; góp ý vào xây dựng khung đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; về tổ chức không gian du lịch nông thôn; quản lý mô hình du lịch nông thôn; vấn đề về phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, đặc biệt là liên quan đến chương trình về OCOP, thủ công mỹ nghệ; về phát triển thị trường khách du lịch nông thôn…
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, trong giai đoạn 2015 – 2019, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có về khách du lịch, doanh thu, đầu tư và những tác động lan tỏa đến vận tải, thương mại và các ngành nghề liên quan khác… Đặc biệt, những năm qua, du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã phát triển tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc đến Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Đến nay, trên cả nước có khoảng gần 400 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều địa phương đã trở thành điểm đến có các sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu như Lào Cai, Sơn La, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Nam, Huế… Trong đó, với chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP đã góp phần tạo điểm nhấn thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đối với các sản phẩm về trải nghiệm du lịch nông thôn. Và đưa ra định hướng và các giải pháp phát triển du lịch nông trong giai đoạn 2021 – 2025, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương, cần tập trung vào các định hướng và giải pháp sau: thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nông thôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng chỉ tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại nông thôn; phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cho cộng đồng phát triển du lịch nông thôn; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch nông thôn; tăng cường công tác quản lý điểm đến nông thôn; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến, kết nối du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Về phía Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới , theo ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng cho biết, hiện nay cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn nhìn chung khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Theo ông, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch nông thôn là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”, phát triển dựa trên nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng, vừa tạo động lực thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới bền vững, vừa thúc đẩy phát triển bền vững về du lịch.
Tiếp theo, Chủ trì hội thảo đã mời các đại biểu từ các đầu cầu là đại diện lãnh đạo một số tỉnh, doanh nghiệp tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm góp ý vào định hướng phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 về vai trò của du lịch nông thôn, giải pháp phát triển du lịch nông thôn, chia sẻ về thực trạng, những thuận lợi cũng như khó khăn của việc phát triển du lịch nông thôn ở các địa phương trong quá trình thực hiện.
Tại hội thảo, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL – ông Đoàn Văn Việt, phát biểu ý kiến xây dựng về Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn đã được trình bày, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định về các nội dung trong báo cáo được trình bày đã thể hiện khá sâu, phản ánh cơ bản về du lịch nông thôn giai đoạn vừa qua và định hướng cho giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ lớn, từ báo cáo để hình thành khung đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về sau nên cần phải có đánh giá về bức tranh tổng thể, một cách đầy đủ, toàn diện và cần phải có nhận thức đúng về du lịch nông thôn. Hiện nay có rất nhiều loại hình du lịch gắn với nông thôn như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa, lịch sử, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, trang trại, du lịch cộng đồng… và với xu hướng ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế hướng về miền quê khắp cả nước từ Bắc tới Nam, để tận hưởng được những giá trị du lịch cao cấp, vậy nên cần chú trọng vào phạm vi của đề án, cần xác định rất rõ về phát triển du lịch nông nghiệp hay là loại hình du lịch gì để phù hợp và phát huy tối đa đặc trưng và lợi thế với mỗi miền quê đó, góp phần thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống, đảm bảo sinh kế người dân, môi trường… hướng đến phát triển bền vững. Đối với các giải pháp đã được đưa ra nhằm phát triển du lịch nông thôn, theo Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn, cần phải quan tâm, chú trọng vào các giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nông thộn; giải pháp phát triển sản phẩm; giải pháp về môi trường, bảo vệ tài nguyên; giải pháp phát triển nguồn du lịch nông thôn; giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch; giải pháp phối hợp liên ngành, quản lý điểm đến du lịch, trong đó cần cần ưu tiên thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, cần phải định hướng thật tốt sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi vùng miền đều có sản phẩm du lịch đặc trưng, và cần vận dụng những đặc trưng lợi thế đó để xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, tránh tình trạng sản phẩm chỉ mang tính thời vụ, trùng lặp. Bên cạnh đó, cần được làm rõ về một số quy định về quy mô trang trại, về diện tích lớn bao nhiêu thì được gọi là trang trại… Đối với việc xây dựng khung đề án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện từng bước, thận trọng, trước mắt chưa thể xây dựng nghị định khi chưa có cơ sở thực tiễn hay chính sách bài bản mà chú trọng vào xây dựng đề cương đề án trước. Trong quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, Bộ VHTTDL sẽ cố gắng đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch trong đó có du lịch nông thôn và sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra một đề án phát triển du lịch nông thôn hoàn thiện với tinh thần xây dựng cao, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới./.
Trần Cường