Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang

    2013ptdlhg 11

    Là một tỉnh nằm ở địa đầu tổ quốc với địa hình hiểm trở nhưng hết sức hùng vĩ và ẩn chứa rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch cả về tự nhiên và nhân văn, Hà Giang đang có sức hút ngày một nhiều đối với thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được ra nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO thì lượng khách đến Hà Giang có sự tăng trưởng rất nhanh chóng. Hà Giang là tỉnh mới phát triển trong hoạt động du lịch so với nhiều địa phương khác, nắm giữ những tài nguyên còn nhiều tính nguyên vẹn, làm thế nào để hoạch định rõ hướng phát triển một cách bền vững về thị trường và sản phẩm du lịch và hướng đến xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang là những nội dung quan trọng cả về phương pháp luận lẫn cách làm trong công tác quản lý và khai thác phát triển du lịch ở địa phương.

    1. Phân tích cung – cầu và lợi thế phát triển sản phẩm du lịch Hà Giang

    Thị trường khách trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi trong những xu hướng và nhu cầu du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng thì nhu cầu tìm kiếm các giá trị bản địa nguyên vẹn cả về thiên nhiên và văn hóa đang và sẽ là nhu cầu lớn trong thị trường. Xu hướng tăng cường các trải nghiệm thay cho việc nghỉ ngơi thụ động cũng gia tăng trong nhu cầu thị trường, không chỉ ở thị trường quốc tế mà nay còn đang phát triển nhanh trong thị trường nội địa.

    So sánh với các sản phẩm du lịch trong vùng và các vùng du lịch khác trong cả nước thì Hà Giang có những khó khăn về khả năng tiếp cận, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng lại có nhiều điểm lợi thế ở sự khác biệt và nguyên bản trong các dạng tài nguyên, trong đó có những tài nguyên có giá trị lớn ở tầm cỡ quốc tế và quốc gia có thể có sức hấp dẫn lớn và hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút thị trường. Và điểm quan trọng là cùng với sự phát triển liên tục về các điểm đến, các sản phẩm du lịch trong nước và trong vùng Trung du miền núi phía bắc thì Hà Giang là điểm đến với các sản phẩm mới hình thành.

    Nắm bắt xu hướng thị trường và cân đối với các lợi thế so sánh về sản phẩm cạnh tranh, Hà Giang cần phát huy một cách thận trọng các tiềm năng du lịch quan trọng, tận dụng tối ưu lợi thế vòng đời sản phẩm để cung cấp các sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, giữ gìn được tính nguyên vẹn của tài nguyên, nét đặc thù của sản phẩm, rút kinh nghiệm những hạn chế của các sản phẩm các tỉnh có vòng đời đã trải qua nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, cần tận dụng các lợi thế liên kết vùng trong giai đoạn hiện tại cho việc xúc tiến quảng bá thông tin du lịch, tăng cường tính kết nối và thu hút thị trường qua các tuyến sản phẩm liên kết và thông qua các cửa khẩu quốc tế trong vùng.

    CẦU

    CUNG

    LỢI THẾ

    CẦN PHÁT HUY

    Thị trường khách quốc tế:

    Ngày càng phát triển nhu cầu tìm kiếm các giá trị bản địa khi sự phát triển đô thị hóa và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng

    Xu hướng tìm kiếm những vùng thiên nhiên hoang sơ

    Tăng cường việc kết nối các điểm đến

    Tăng cường xu hướng tìm kiếm các trải nghiệm, thách thức 

    Thị trường khách nội địa:

    Tăng cường xu hướng tìm kiếm trải nghiệm

    Xu hướng du lịch khám phá, tìm kiếm các điểm đến mới

    Xu hướng chinh phục và du lịch mạo hiểm

    Sản phẩm khác vùng

    Khác biệt so với các vùng du lịch khác

    Yếu và thiếu về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật so với nhiều địa phương của các vùng khác

    Sản phẩm trong vùng

    Khác biệt so với các sản phẩm trong vùng Tây bắc và Đông bắc

    Tập trung của nhiều dạng tài nguyên có giá trị và khả năng phát triển đa dạng (Công viên địa chất toàn cầu; đường biên giới và cửa khẩu quốc tế; điểm địa đầu tổ quốc; đặc điểm tự nhiên tạo sức hấp dẫn lớn về cảnh quan; bản sắc văn hóa đậm nét.

    Khác biệt với Sa Pa: Sa Pa hiện là điểm thu hút khách lớn tuy vậy có nhiều khác biệt về sản phẩm và là điểm đã có vòng đời của sản phẩm trải qua chặng đường dài.

    Khác biệt với Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn: khác biệt về sản phẩm. Các tỉnh này đều có vòng đời sản phẩm đã trải qua nhiều thời kỳ.

    Lợi thế về tài nguyên khác biệt

    Lợi thế về vòng đời sản phẩm (điểm đến mới mẻ)

    Phong phú về khả năng tạo trải nghiệm (phù hợp nhu cầu thị trường), cần tập trung thu hút trúng các thị trường đích

    Phát huy mạnh tính kết nối trong thời gian mới phát triển; Tăng cường mạnh mẽ hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu; Tăng cường kết nối với các tính đã có nguồn khách ổn định (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn

    Khả năng kết nối qua các cửa khẩu các tỉnh phía bắc khác bên cạnh Thanh Thủy (qua Lạng Sơn, Cao Bằng)

    2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Hà Giang

    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đã được phê duyệt tại quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 đã xác định phát triển các sản phẩm du lịch tại Hà Giang gồm: du lịch địa chất, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng.

    Dựa vào những tiềm năng du lịch tại Hà Giang, những định hướng phát triển của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và thông qua những phân tích cung – cầu và những lợi thế cần huy trong việc phát triển sản phẩm du lịch ở Hà Giang cho thấy cần thiết phải có những định hướng xác định được tính ưu tiên, đặc biệt phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, chiến lược khai thác, thu hút thị trường, liên kết phát triển sản phẩm du lịch hiệu quả.

    Để định hướng về mức độ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch cho các địa phương thì có 3 nhóm sản phẩm du lịch: các sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ. Tùy vào điều kiện phát triển của từng địa phương mà cần có mức độ ưu tiên và những chiến lược phát triển riêng cho từng nhóm sản phẩm.

    Các sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm mang tính cá biệt của địa phương so với những nơi khác. Sản phẩm đặc thù nếu ở quy mô lớn hoặc có tầm quan trọng, có sức hấp dẫn thị trường thì có thể cũng chính là những sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương, thậm chí là đặc trưng cho sản phẩm vùng, quốc gia. Ngược lại cũng có những sản phẩm du lịch đặc thù mà không đâu khác có nhưng lại không hấp dẫn hoặc ít có khả năng tổ chức, thì không có khả năng tạo nguồn thu lớn cho du lịch và không mang tính đặc trưng và đại diện cho địa phương.

    Các sản phẩm du lịch quan trọng là những sản phẩm mặc dù không có sự khác biệt so với nhiều nơi khác, không có tính đặc thù nhưng lại ở quy mô lớn, có khả năng khai thác phát triển mạnh mẽ, thu hút thị trường, tạo ra thu nhập quan trọng cho địa phương. Đây là hệ thống sản phẩm chính có thể thúc đẩy toàn bộ sự phát triển du lịch của địa phương. Có những trường hợp sản phẩm chính cũng chính là sản phẩm đặc thù. Sản phẩm du lịch quan trọng có thể là sản phẩm đặc trưng, đại diện cho địa phương bởi nó tạo ra quy mô, sức hút, hình ảnh cho du lịch địa phương.

    Các sản phẩm du lịch bổ trợ là các sản phẩm du lịch có khả năng bổ sung cho các sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch chính nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch tổng hợp, phong phú thu hút đông đảo thị trường. Các sản phẩm bổ trợ thường là những sản phẩm có quy mô nhỏ hơn và cũng là nhóm có thể thu hút, phục vụ các thị trường ngách, có sở thích đặc biệt.

    Đối với các điều kiện và lợi thế của Hà Giang, cần ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch theo hướng sau:

    a) Hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù tại Hà Giang

    Nếu so với nhiều địa phương khác thì Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Nằm trong nhóm những sản phẩm đặc thù mà Hà Giang cần phát huy, tập trung phát triển là những sản phẩm gắn với những trải nghiệm khám phá và chinh phục thiên nhiên hùng vĩ, ghi dấu ấn tại địa danh địa đầu tổ quốc; những sản phẩm gắn với các hoạt động khám phá, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên với vẻ đẹp thuần khiết và hùng vĩ; các hoạt động gắn với tìm hiểu các giá trị địa chất đặc biệt kỳ thú của Công viên địa chất toàn cầu; các sản phẩm gắn với hoạt động thể thao mạo hiểm dưới nhiều hình thức có thể mang đến các trải nghiệm rất riêng ở khu vực địa hình núi cao tỉnh Hà Giang; tham gia trải nghiệm những lễ hội còn nguyên vẹn các giá trị văn hoá bản địa.

    Bảng: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang

    Sản phẩm du lịch

    đặc thù

    Sản phẩm du lịch

    quan trọng

    Sản phẩm du lịch

    bổ trợ

    Khám phá, chinh phục địa hình

    – Khám phá các địa hình núi non hiểm trở, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi, đỉnh Mã Pì Lèng, núi Tù Sán

    – Chinh phục điểm địa đầu tổ quốc Cột cờ Lũng Cú

    Du lịch sinh thái

    – Thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên : Thác Tiên – Đèo gió ; núi Cấm.

    – Tìm hiểu hệ sinh thái núi cao.

    – Du ngoạn hồ Quang Minh, hồ thủy điện Thái An, hồ thủy điện Na Hang, sông Chừng…

    Khám phá hang động

    Tìm hiểu, khám phá hệ thống hang động gồm các hang Khố Mỉ, Động Nguyệt, hang Rồng, Nà Luông, Bó Khiếu, Đán Cúm, Nà Chảo, Thiên Thủy, Đán Pióong, Vần Chải…

    Thưởng ngoạn cảnh quan đặc biệt

    – Chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên các khu vực: đỉnh Mã Pì Lèng – sông Nho Quế, Núi Đôi – Cổng Trời, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, những thung lũng hoa tam giác mạch…

    Du lịch cộng đồng

    – Tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, tập tục của cộng đồng

    – Nghỉ tại nhà dân

    – Tham gia các hoạt động cùng cộng đồng dân cư

    – Tìm hiểu hoạt động canh tác của cộng đồng dân cư

    Du lịch tâm linh

    – Tham quan, chiêm bái chùa Sùng Khánh, Nậm Dầu, Bình Lâm, Đình Mường, Đền Mẫu, đền Thác Con, Đền Trần, Đề Chúa bà, Đền Mắt rồng, Miếu Ông – Miếu Bà…

    Tìm hiểu địa chất

    – Gắn với các giá trị địa chất của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn: tìm hiểu địa chất địa mạo, nghiên cứu khoa học về kiến tạo địa chất và lớp vỏ trái đất, tìm hiểu nền văn hóa gắn với các tầng địa chất…

    Tìm hiểu các giá trị kiến trúc đặc trưng gắn với văn hóa lịch sử

    – Tham quan kiến trúc Nhà Vương

    – Kiến trúc phổ cổ Đồng Văn

     

     

    Tìm hiểu làng nghề

    Tham quan, tìm hiểu các làng nghề: dệt thổ cẩm  Lùng Tám, My Bắc, Hồ Thầu; làng nghề mây tre đan (Bắc Quang, Quang Bình); chế tác khèn Mông (Đồng Văn), chạm bạc dân tộc Dao Cao Bồ (Vị Xuyên), nghề rèn đúc (Mèo Vạc)…

    Thể thao mạo hiểm

    – Các hoạt động leo núi, đua mô tô, đi xe đạp, dù lượn…trên các địa hình phức tạp nhưng cảnh quan phong phú như đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi, núi Tù Sán

    Tìm hiểu văn hóa

    – Tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực địa phương

    Tìm hiểu di tích lịch sử – Cách mạng

    – Tham quan, tìm hiểu các di tích: Căng Bắc Mê; tiểu khu Trọng Con, di tích Nàn Ma

    Tham gia lễ hội

    Tham gia chợ tình Khâu Vai; lễ hội nhảy lửa; lễ hội cấp sắc

     

     

     

    Vai trò của sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang:

    Với thế mạnh và quy mô của các sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang thì khác với nhiều địa phương khác, sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang thường là những mục tiêu đích của thị trường, có khả năng thu hút sự quan tâm nhiều nhất của thị trường. Trong trường hợp của Hà Giang thì sản phẩm du lịch đặc thù cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang và tham gia trong hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng cho cả vùng núi phía bắc.

    Sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang cũng là tâm điểm cho việc thiết kế các sản phẩm du lịch tổng hợp khác, kết hợp với các sản phẩm quan trọng hoặc các sản phẩm bổ trợ khác nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ thị trường.

    Với vai trò quan trọng trong hệ thống sản phẩm như vậy mà sản phẩm du lịch đặc thù cũng chính là yếu tố chính trong việc xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch Hà Giang. Các giá trị trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù cũng chính là những giá trị cốt lõi nhận biết về thương hiệu du lịch của Hà Giang.

    Đặc điểm thu hút thị trường của sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang:

    Là thế mạnh nhưng các sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang lại đều là những sản phẩm kén thị trường. Các thị trường đích thực sự của các sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang là những thị trường ngách, có mục đích rõ ràng, có sức khỏe, thời gian, có khả năng chi trả, có mong muốn và động cơ rõ ràng về  khám phá thiên nhiên và văn hóa.

    Tuy vậy thì vì tính hấp dẫn cao mà các thị trường khách du lịch đại trà cũng mong muốn để tham gia sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc thù.

    Yêu cầu về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Hà Giang:

    Với vai trò và những đặc điểm trong thu hút thị trường như đã phân tích mà trong quá trình định hướng thị trường và phát triển sản phẩm cần có sự thận trọng trong việc đầu tư phát triển các điểm dịch vụ tránh sự thương mại hóa và đánh mất đi tính chân thực của các giá trị tài nguyên. Cần xác định rõ những giá trị đặc thù cần bảo vệ, bảo tồn. Đó là những di sản, những giá trị đã được xác định của Công viên địa chất Đồng Văn, nhưng cũng có thể là những địa hình phù hợp cho các trải nghiệm du lịch mạo hiểm, những điểm ngắm phù hợp chiêm ngưỡng thắng cảnh, những giá trị nguyên bản của nếp sinh hoạt chợ tình…

    2013ptdlhg 25

    Bên cạnh đó là việc thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình và các tiện nghi phù hợp với cảnh quan và địa hình phục vụ nhu cầu du lịch, trong đó phân biệt rõ cho hai loại thị trường:

    – Phát triển rõ nét các sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ thị trường mục tiêu chính của các sản phẩm này.

    – Phát triển các dịch vụ để kết nối với các sản phẩm du lịch chính và bổ trợ trong các sản phẩm du lịch tổng hợp phục vụ đối tượng khách du lịch đại trà hơn.            

    b) Hệ thống sản phẩm du lịch quan trọng và bổ trợ tại Hà Giang

    Hệ thống sản phẩm du lịch quan trọng gồm những sản phẩm có thể thu hút đông đảo hơn về thị trường. Tham gia các hoạt động du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu về văn hóa, kiến trúc… là những hoạt động có thể phát triển các sản phẩm thu hút nhiều thị trường khách khác nhau cả trong nước và quốc tế.

    Bên cạnh đó là các sản phẩm du lịch ở các quy mô nhỏ hơn, thu hút ít hơn sự tham gia đông đảo của thị trường nhưng có khả năng bổ sung cùng các sản phẩm khác để hình thành các sản phẩm du lịch tổng hợp phong phú hoặc phục vụ các nhu cầu đặc biệt như du lịch tâm linh, du lịch tìm hiểu làng nghề, du lịch khám phá hang động…

    So với nhiều địa phương khác thì hệ thống sản phẩm du lịch quan trọng của Hà Giang không có vai trò lớn như hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù. Chỉ lấy riêng ví dụ về sản phẩm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù ở đây không có vai trò lớn nhưng các sản phẩm quan trọng như du lịch MICE, du lịch đô thị…không có tính đặc thù vì có thể tổ chức ở các thành phố khác nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong thu hút khách và tạo ra thu nhập du lịch cho thành phố. Còn đối với Hà Giang thì các sản phẩm du lịch quan trọng lại cần dựa vào các sản phẩm du lịch đặc thù và thiết kế cùng một số yếu tố hay sản phẩm đơn lẻ của hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù để có thể thu hút khách.

    2013ptdlhg 27

    3. Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch cho Hà Giang

    Là địa phương đi sau trong hoạt động du lịch, ở vào thời kỳ du lịch Việt Nam đang có những đà phát triển tích cực, có sự nhìn nhận, đánh giá nhất định trong thị trường, việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch ở Hà Giang có những thuận lợi nhưng cần được thực hiện một cách thận trọng và bài bản hơn để có thể đạt được hiệu quả và tính bền vững trong quá trình phát triển.

    Một số nguyên tắc trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang cần chú trọng:

    – Xây dựng thương hiệu phải gắn kết với sản phẩm đặc thù. Vì sản phẩm du lịch đặc thù là lợi thế quan trọng của Hà Giang và cũng là đặc trưng cho tỉnh nên việc xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với các giá trị đặc thù này, coi đây là các giá trị cốt lõi phát triển thương hiệu. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch ở Hà Giang. Nếu các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thiên nhiên hoang sơ, nét văn hoá bản địa còn nguyên vẹn là những lợi thế lớn phù hợp với nhu cầu và xu hướng nhu cầu thị trường trong tương lai thì các giá trị này của sản phẩm cần được duy trì để các hoạt động xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu có sự sát thực.

    – Xây dựng thương hiệu phải gắn kết với thị trường. Thương hiệu được nhìn nhận tích cực và sát thực nhất tại chính thị trường sử dụng sản phẩm và lan toả nhận thức về thương hiệu tới các thị trường tiềm năng. Xây dựng thương hiệu trên cơ sở gửi các thông tin tới đúng thị trường đích sẽ hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực. Thị trường khách du lịch Hà Giang hướng đến thu hút không phải thị trường khách du lịch đại trà.Vì vậy cần xác định rõ các giá trị trải nghiệm sản phẩm, giá trị cốt lõi thương hiệu dễ dàng tiếp nhận và đánh giá cao bởi thị trường đích và các phương thức sử dụng thông tin của các thị trường đích này để tiếp cận và xúc tiến thông tin hiệu quả. Cần cân nhắc các phương tiện truyền thông tin, tránh các phương tiện truyền thông đại trà. Hoặc chỉ cân nhắc sử dụng các phương tiện này trong giai đoạn xây dựng hình ảnh. Ở vào các giai đoạn xây dựng nhận thức thương hiệu cần tập trung vào các kênh thông tin phù hợp với các thị trường đích.

    – Xúc tiến quảng bá là chiến lược cần được xác định đúng đắn. Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh Hà Giang cần gắn liền với kế hoạch xây dựng thương hiệu. Các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch nhằm thu hút thị trường, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các tiềm năng và giá trị tự nhiên, văn hoá, con người ở Hà Giang nhưng cuối cùng, mục tiêu cần hướng tới việc phát triển bền vững thương hiệu du lịch Hà Giang. Chính vì vậy, mọi kế hoạch xúc tiến quảng bá cần được xem xét gắn với từng giai đoạn của quy trình xây dựng thương hiệu du lịch.

    Quy trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho du lịch Hà Giang cần chú trọng thực hiện từng bước:

    4.1

    – Xác định các giá trị cốt lõi thương hiệu. Các giá trị cốt lõi thương hiệu là những giá trị tiêu biểu nhất, thể hiện sâu sắc nhất về bản chất thương hiệu. Như đã đề cập, giá trị cốt lõi thương hiệu du lịch Hà Giang cần dựa và các giá trị của sản phẩm du lịch đặc thù. Các giá trị cốt lõi thương hiệu là nội dung cho mọi hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, là nội dung cho xây dựng thông điệp, tiêu đề (slogan), biểu tượng (logo). Các giá trị cốt lõi thương hiệu là những giá trị tiêu biểu nhất cho du lịch Hà Giang và cần khẳng định trong tâm trí thị trường. Các giá trị này có thể cân nhắc như sau:

    + Nơi địa đầu tổ quốc với núi non hùng vĩ, cảnh quan mê hoặc và những trải nghiệm phong phú, đầy thách thức.

    + Nơi có những người dân tộc bình dị, hạnh phúc giữa đời sống và khí hậu khắc nghiệt.

    – Xây dựng hình ảnh là bước cần hình thành trước khi xây dựng những nhận thức thương hiệu. Mục tiêu là hình thành những hình ảnh chung mang tính tích cực tạo tình cảm tốt đẹp trong thị trường. Giai đoạn này, các thông tin xúc tiến cần rộng rãi, thị trường rộng và qua nhiều phương tiện.

    – Xúc tiến quảng bá nâng cao các giá trị cốt lõi thương hiệu là giai đoạn sau khi các thông tin và hình ảnh chung được bước đầu ghi nhận thì cần xúc tiến quảng bá tập trung vào các giá trị cốt lõi thương hiệu. Đây là giai đoạn cần tập trung hơn vào các thị trường đích (thị trường mục tiêu của các sản phẩm du lịch). Để thực hiện cần sử dụng những phương tiện xúc tiến, các kênh thông tin phù hợp với các thị trường đích.

    – Xúc tiến quảng bá – thâm nhập, tạo nhận thức trong thị trường. Đây là giai đoạn tiếp theo để tạo ra sự ghi nhớ sâu sắc trong thị trường mục tiêu tạo ra nhận thức rõ ràng về sản phẩm và thương hiệu du lịch của địa phương. Giai đoạn này cần tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá để sau khi có tình cảm tích cực với địa phương, có thông tin cụ thể hơn về điểm đến và các sản phẩm hấp dẫn phù hợp nhu cầu thì thị trường có đến sự hiểu biết rõ và chi tiết về các sản phẩm du lịch ở Hà Giang và gắn nó trong tiềm thức về thương hiệu du lịch của Hà Giang.

    – Xúc tiến quảng bá tích cực xây dựng thương hiệu, củng cố niềm tin, lan toả thông tin và nhận thức thương hiệu. Đây là giai đoạn cung cấp các thông tin tích cực qua các kênh xúc tiến quảng bá tới các thị trường đích để củng cố niềm tin thương hiệu và thông qua các hình thức này và thông qua các thị trường khách hàng thường xuyên để lan toả thông tin và tạo ra nhận thức thương hiệu tới các thị trường đích tiềm năng. Các thông tin cũng cần được cung cấp thường xuyên để có sự củng cố thương hiệu, hoặc thay đổi nếu cần cải thiện hay điều chỉnh nhận thức thương hiệu. Với những cách làm bài bản thì việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhận thức thương hiệu thường kỳ là rất cần thiết để quản trị được thông tin và nhận thức của thị trường đối với thương hiệu du lịch của địa phương, hoặc phát hiện ra những nhận thức chưa đúng, lệch lạc về thương hiệu địa phương. Đây cũng là một nội dung quan trọng của công tác quản trị thương hiệu.

    Quản trị thương hiệu là công tác cần thực hiện trong nội dung quản lý nhà nước về du lịch. Đặc biệt đối với du lịch Hà Giang, khi cần từng bước phát triển một cách bài bản. Quản trị thương hiệu là việc xây dựng và thực thi các kế hoạch phát triển thương hiệu phù hợp, đồng nhất với kế hoạch phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá phù hợp.

    Tóm lại, du lịch Hà Giang đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và mới lạ, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có sức hấp dẫn cao đối với thị trường. Sức hấp dẫn này lại nằm chính ở sự nguyên sơ của tài nguyên. Việc từng bước phát triển các sản phẩm một cách chắc chăn, bền vững, thu hút thị trường phù hợp sẽ mang đến những hiệu quả lâu dài và gây dựng được thương hiệu tích cực và bền vững cho du lịch Hà Giang, góp phần mang đến thành công trong phát triển sản phẩm và thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung./.

    Tài liệu tham khảo:

    1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

    2. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

    3. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030

    4. Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020

    TS. Đỗ Cẩm Thơ – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục