Định hướng đầu tư xây dựng thị trường – sản phẩm du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai (*)
I. MỞ ĐẦU
Sự phát triển của ngành du lịch nói chung và phát triển các sản phẩm du lịch nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các thị trường khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế. Nói cách khác, thị trường khách du lịch giữ một vai trò rất quan trọng, là một yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành du lịch, của sự tồn tại và phát triển bền vững của sản phẩm du lịch. Sự phát triển ổn định, bền vững và có hiệu quả của thị trường khách du lịch là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Ngành du lịch.
Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cần sản xuất và bán những gì mà thị trường có nhu cầu, chứ không phải sản xuất và bán những gì chúng ta có. Đối với ngành du lịch cũng vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu tâm lý, sở thích, nhu cầu, khả năng thu nhập và mức chi tiêu cho du lịch… của các thị trường khách du lịch, đặc biệt là những thị trường trọng điểm. Trên cơ sở nghiên cứu đó, kết hợp với những yếu tố sẵn có (tài nguyên du lịch) và khả năng đáp ứng (cơ sở hạ tầng, hệ thống các dịch vụ…) để xây dựng những sản phẩm và dịch vụ du lịch mà các thị trường khách du lịch có nhu cầu sử dụng.
Như vậy, muốn xây dựng được những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế… (dựa trên các nguồn lực sẵn có), thì trước hết việc nghiên cứu kỹ lưỡng các thị trường du lịch hiện tại và các thị trường du lịch tiềm năng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng các sản phẩm du lịch đạt hiệu quả cao.
Việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch của ba tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cũng không nằm ngoài những vấn đề nêu trên. Như vậy, muốn đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, thì trước hết cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện các thị trường du lịch trong điểm (cả thị trường trong nước và quốc tế) của các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai trong mối liên hệ với các thị trường trọng điểm của các trung tâm du lịch lớn, của Vùng và của cả nước, mà trước hết là Trung tâm du lịch Hà Nội – đầu mối thu hút và phân phối khách cho toàn vùng Bắc Bộ.
II. THỰC TRẠNG VỀ THỊ TRƯỜNG DU LỊCH PHÚ THỌ – YÊN BÁI – LÀO CAI
1. Thị trường khách du lịch quốc tế
Trong thời gian qua, sự phát triển của các thị trường khách du lịch quốc tế đến Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai nói riêng và đến Vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói chung còn có nhiều mặt hạn chế. Việc phân tích, đánh giá cụ thể của các thị trường khách du lịch quốc tế sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược về thị trường, lựa chọn thị trường ưu tiên, xây dựng chiến lược về sản phẩm… để nhằm mục đích nâng cao hiệu quả về mọi mặt của các hoạt động du lịch ở mỗi địa phương.
Thị trường khách du lịch quốc tế của Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai phụ thuộc nhiều vào thị trường khách quốc tế của Hà Nội, vì Hà Nội là trung tâm thu hút và phân phối các thị trường khách của toàn vùng. Trong nhiều năm trở lại đây, các thị trường khách du lịch quốc tế then chốt của Hà Nội, và theo đó cũng là thị trường của Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai bao gồm Pháp, Nhật Bản, Úc, Anh, Mỹ, Canada, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia v.v… Trong định hướng phát triển các thị trường du lịch chủ yếu của Việt Nam và Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đều tập trung khai thác tất cả các nhóm thị trường trên. Những đặc điểm cơ bản của các thị trường này được phân tích, đánh giá như sau:
– Thị trường khách du lịch Trung Quốc có xu hướng tăng mạnh trong vài năm gần đây, năm 2010 chiếm trên 17,9% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam (đến Hà Nội là 15,3%). Tuy nhiên, khả năng chi tiêu của họ còn thấp so với các thị trường khác (30 – 35USD/người/ngày), thời gian lưu trú ngắn (thị trường gần), thường chỉ 2 – 3 ngày. Họ sử dụng các dịch vụ du lịch với chất lượng ở mức trung bình, ít khi sử dụng các dịch vụ cao cấp. Khách Trung Quốc thường đến với mục đích buôn bán, tham quan thắng cảnh, thăm thân, thưởng thức ẩm thực…, chủ yếu đi bằng đường bộ. Đây là thị trường tiềm năng lớn, đặc biệt là của Lào Cai, có thể khai thác loại hình du lịch tham quan thắng cảnh, mua bán đồ lưu niệm…
– Thị trường khách du lịch Đài Loan là một bộ phận nằm trong nhóm thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên mục đích của nhóm khách Đài Loan đến nước ta nói chung và khu vực Bắc Bộ (trong đó có Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai) nói riêng chủ yếu với mục đích thương mại, hội nghị hội thảo, tìm kiếm cơ hội đầu tư kết hợp tham quan du lịch. Khách Đài Loan còn thích vui chơi giải trí, thể thao. Họ đến chủ yếu bằng đường hàng không, với thời gian lưu trú trung bình 5 – 6 ngày. Khả năng chi tiêu tương đối cao (70 – 80USD/người/ngày và thường sử dụng các dịch vụ lưu trú có chất lượng cao, sử dụng nhiều các dịch vụ du lịch bổ sung khác. Trong cơ cấu chi tiêu của họ dành tới 56,7% cho lưu trú và ăn uống, số còn lại dành chủ yếu cho các dịch vụ bổ sung khác. Đối với khách du lịch Đài Loan, cần tổ chức nhiều các dịch vụ bổ sung, đặc biệt các dịch vụ bổ sung này phải gắn liền với các cơ sở lưu trú để thuận lợi cho việc sử dụng của họ. Qua đó cho thấy, thị trường Đài Loan chiếm vị trí rất quan trọng đối với du lịch Việt Nam (năm 2010 chiếm khoảng 6,6% thị phần khách quốc tế của cả nước), và của 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai trong tương lai. Tuy nhiên, thị trường này đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là sự giảm sút về khả năng thu hút các nhà đầu tư Đài Loan vào Việt Nam.
– Nhật Bản: Là thị trường Châu Á có chất lượng cao, năm 2010 chiếm khoảng 8,8% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Hà Nội là 6,9%). Khách Nhật Bản có khả năng chi trả rất cao (năm 2010 chi tiêu trung bình khoảng 145USD/người/ngày) và vẫn có xu hướng tăng; ngày lưu trú trung bình tương đối cao, khoảng 6 – 7 ngày.
Khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam chủ yếu đi bằng đường không qua Hà Nội, từ đó mới đi các địa phương khác trong vùng (trong đó có Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai). Mục đích chính của khách Nhật Bản là tham quan du lịch (thắng cảnh, văn hóa…), tiếp đến là thương mại. Khách Nhật Bản đòi hỏi chất lượng các dịch vụ rất cao, họ thường ở các khách sạn cao cấp 4 – 5 sao (hiện nay ở Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai còn hạn chế). Vấn đề vệ sinh và an toàn được người Nhật rất coi trọng. Với những đặc điểm như trên của người Nhật, du lịch 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần dành cho họ những gì tốt nhất mà chúng ta có thể làm được.
Ngoài mục đích thương mại, hội nghị hội thảo, các sản phẩm yêu thích của khách Nhật là nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử, lễ hội, vui chơi giải trí, đánh golf… (các sản phẩm này du lịch Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai có lợi thế và có thể đáp ứng được).
– Thị trường khách du lịch Hàn Quốc: Chiếm tỷ trọng tương đối lớn, năm 2010 chiếm 9,8% khách quốc tế đến Việt Nam (Hà Nội 2,9%). Khách Hàn Quốc chủ yếu là khách thương mại, công vụ, là các nhà đầu tư, tham quan thằn cảnh, di chuyển chủ yếu bằng đường hàng không. Họ có khả năng chi trả cao (khoảng 100USD/người/ngày), có thời gian lưu trú tương đối dài (5 – 6 ngày), và có sở thích gần giống như khách Nhật Bản. Đây là thị trường tiềm năng đối với du lịch 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai trong những năm tới.
– Thị trường Úc: Thị trường Úc chiếm thị phần không lớn, năm 2010 chỉ chiếm 5,5% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Hà Nội là 5,4%). Các sản phẩm du lịch yêu thích của người Úc là thăm quan thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử, ẩm thực và du lịch sinh thái. Các loại sản phẩm du lịch này các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai có lợi thế để đáp ứng trong tương lai gần.
– Thị trường Pháp: Đây là phần thị trường rất quan trọng đối với du lịch Việt Nam nói chung, năm 2010 chiếm khoảng trên 4% thị phần khách quốc tế của cả nước (Hà Nội là 6,8%). Mặc dù thị trường Pháp chiếm thị phần thấp, nhưng đây là thị trường này có khả năng chi trả rất cao (thương mại 125USD, tham quan du lịch 90USD, thăm thân 60USD và khách có mục đích khác 75USD); có thời gian lưu trú dài ngày (đi theo “tour” với thời gian trung bình 8-10 ngày, đặc biệt có tour từ 1-3 tuần). Thị trường Pháp đòi hỏi được phục vụ những sản phẩm du lịch hoàn hảo, có chất lượng cao, nhưng đây cũng là thị trường rất đắn đo trong chi tiêu. Chính vì vậy việc phục vụ khách du lịch thị trường Pháp rất khó, đòi hỏi phải có những chiến lược cụ thể rõ ràng như chiến lược về sản phẩm, chiến lược về quảng cáo, chiến lược về đào tạo nhân lực…
Khách du lịch Pháp đến Việt Nam nói chung và các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai nói riêng chủ yếu với mục đích tham quan nghiên cứu văn hóa, thắng cảnh (86,7%); thương mại (4,5%); thăm thân (3,4%)… Họ thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, các di sản văn hóa cộng đồng… Các đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm cũng như các món ăn Việt Nam rất được khách Pháp ưa chuộng. Ngoài ra họ còn quan tâm đến các tour du lịch sinh thái… mà các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai có lợi thế rất lớn.
– Thị trường du lịch Mỹ: Cũng giống như thị trường du lịch Pháp, thị trường du lịch Mỹ là thị trường có nhiều triển vọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai nói riêng. Năm 2010, thị trường này chiếm khoảng 8,5% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam (Hà Nội là trên 4%). Đây cũng là thị trường có nhu cầu về chất lượng cao cấp của các dịch vụ du lịch và có khả năng thanh toán cao, chi tiêu trung bình khoảng 100USD/người/ngày (khách thương mại 165USD; khách tham quan du lịch 85USD…). Mục đích chủ yếu của thị trường Mỹ là tham quan du lịch (80,1%), tiếp đến là mục đích thương mại (12,6%), thăm thân (2,1%), và các mục đích khác (5,2%). Khách du lịch Mỹ đến Việt Nam thường có ngày lưu trú trung bình cao, khoảng 7 – 10 ngày; phương tiện chính là hàng không.
– Thị trường ASEAN (chủ yếu là Thái Lan, Malaysia, Singapore): Đây là các thị trường gần trong khu vực, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống, điều kiện kinh tế-xã hội… với Việt Nam. Đặc biệt trong xu thế hợp tác và hội nhập khu vực, cũng như trong khuôn khổ dự án Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng…, nên các thị trường này rất quan trọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai nói riêng. Chính vì thế, thời gian qua các thị trường này tăng nhanh. Các đặc điểm chính của nhóm thị trường này như sau: tăng từ 210.401 khách năm 2000 lên 924.499 khách vào năm 2010, tăng trung bình 16%/năm; thị phần so với cả nước tăng từ 9,8% năm 2000 lên 18,3% vào năm 2010; Mục đích chính là du lịch thương mại, thăm thân, tham quan du lịch…; ngày lưu trú trung bình ngắn (3 – 4 ngày); phương tiện vận chuyển chính là máy bay và ôtô; mức chi tiêu trung bình khoảng 70USD/người/ngày (trong đó khách du lịch thương mại khoảng 150USD).
2. Thị trường khách du lịch nội địa
Khách nội địa đến Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai rất đa dạng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, họ có thể đi lẻ, theo nhóm bạn bè, gia đình, hoặc đi theo đoàn. Những đối tượng thị trường chính như sau:
– Du lịch tham quan các giá trị văn hóa, thắng cảnh, thác nước, sông hồ: Đối tượng khách theo hình thức du lịch này thuộc nhiều lứa tuổi và thành phần khác nhau. Họ đến Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai chủ yếu tham quan các thắng cảnh Đầm Ao Châu, thắng cảnh Đền Hùng (Phú Thọ), hồ Thác Bà (Yên Bái); cảnh quan các ruộng bậc thang; cảnh quan rừng núi Tây Bắc hùng vĩ (dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fanxipang, thác Bạc) ở Lào Cai; cảnh quan dọc sông Lô, sông Hồng; tham quan các bản làng dân tộc (Bắc Hà, Tả Van, Cát Cát…), bãi đá cổ ở Sapa – Lào Cai v.v…
– Du lịch nghiên cứu, sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng: Vườn quốc gia Hoàng Liên, Xuân Sơn và các khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học cao, có khí hậu trong lành và mát mẻ, rất thích hợp cho các hoạt động nghiên cứu gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các hoạt động mang đúng bản chất du lịch sinh thái ở đây nói chung mới phát triển và còn rất hạn chế. Các đối tượng chính của loại hình du lịch này là thường có trình độ học vấn cao như các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên… Đây là những đối tượng thích khám phá, ưa mạo hiểm. Các hoạt động du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và Xuân Sơn thường được diễn ra quanh năm, ít chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ trong du lịch (tuy nhiên vào những ngày thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến các hoạt động tham quan nghiên cứu). Ngoài hai Vườn quốc gia kể trên, các địa bàn thu hút khách du lịch nội địa với mục đích tham gia du lịch sinh thái cũng như du lịch nghỉ dưỡng ở Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai còn có khu danh thắng Đền Hùng, Sapa, nước khoáng Thanh Thủy, Hồ Thác Bà, Đầm Ao Châu…
– Khách du lịch thương mại, du lịch hội nghị – hội thảo: Các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện về kinh tế – xã hội còn tương đối khó khăn, đặc biệt là các trung tâm tổ chức hội nghị – hội thảo chưa phát triển, nên các hoạt động du lịch thương mại, du lịch hội nghị – hội thảo chưa phát triển mạnh. Tuy nhiên trong những năm tới, với Chiến lược phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của toàn Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; Chiến lược phát triển du lịch của Vùng Bắc Bộ đến năm 2020; cũng như trong hợp tác phát triển du lịch trên tuyến hành lang Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc), trong đó các thành phố Việt Trì, Yên Bái, Lào Cai được xác định là những mắt xích quan trong, những trung tâm du lịch lớn của Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ… thì các hoạt động du lịch thương mại, du lịch hội nghị – hội thảo (du lịch MICE) sẽ phát triển. Đối tượng khách loại này chủ yếu đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Vùng, thành phần chính là cán bộ công nhân viên trong các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… thường kết hợp giữa công tác và du lịch. Khả năng chi tiêu của các đối tượng du lịch này khá cao, nên họ thường sử dụng các dịch vụ du lịch cao cấp hơn. Loại hình du lịch này cũng thường diễn ra quanh năm.
– Khách du lịch cuối tuần kết hợp vui chơi giải trí: Hiện nay loại hình du lịch này đang phát triển rất nhanh, nhất là ở các thành phố lớn – nơi mà áp lực của cuộc sống, áp lực của công việc rất lớn, ảnh hưởng đến cường độ và chất lượng lao động của người dân. Do vậy, vào những ngày nghỉ cuối tuần, các tầng lớp lao động thường tập trung vào những điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, picnic, kết hợp vui chơi giải trí, cắm trại… như Sapa, hồ Thác Bà, đầm Ao Châu, nước khoáng Thanh Thủy, các điểm vui chơi giải trí ở Việt Trì, Lào Cai, Yên Bái… để thư giãn, tìm cảm giác thoải mái sau mỗi tuần lao động và tái phục hồi sức lao động.
– Khách du lịch văn hóa lễ hội – tín ngưỡng, du lịch chợ phiên, chợ biên giới: Trong những năm gần đây khách du lịch văn hóa lễ hội – tín ngưỡng phát triển nhanh, bên cạnh đó du lịch chợ phiên, chợ biên giới cũng thu hút nhiều đối tượng khách nội địa tham gia. Đối tượng chính của loại hình du lịch này là những người lớn tuổi, những người buôn bán kinh doanh… đến từ khắp nơi trên cả nước. Các địa bàn chủ yếu thu hút khách du lịch loại này tập trung ở Đền Hùng, chợ tình Sapa, Bắc Hà, cửa khẩu quốc tế Lào Cai…
3. Đánh giá chung về thực trạng thị trường khách du lịch quốc tế
– Thị trường Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất, nhưng đây lại là thị trường có mức chi tiêu thấp nhất, có ngày lưu trú thấp nhất… nên hiệu quả về kinh tế từ thị trường này không cao.
– Các thị trường có khả năng chi tiêu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đài Loan có mức tăng trưởng tương đối ổn định. Mặc dù có lúc suy giảm cả về số lượng lẫn thị phần và ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng sự suy giảm này không đáng kể. Với những thị trường này cần có những chiến lược cụ thể (về sản phẩm, về giá cả…) để khuyến khích và thu hút ngày càng nhiều, góp phần tăng trưởng ổn định và lâu dài các thị trường này.
– Thị trường khách tham quan du lịch thuần túy là thị trường có thị phần lớn nhất, có ngày lưu trú dài nhất, có khả năng chi trả tương đối cao. Thị trường này phát triển tương đối ổn định và hiệu quả, đóng góp phần lớn cho tổng thu nhập. Đối với thị trường này cần mở rộng các điểm tham quan mới, tổ chức các tour mới hấp dẫn để thu hút ngày càng nhiều hơn.
– Thị trường khách du lịch thương mại chiếm thị phần thấp nhất, có ngày lưu trú thấp, nhưng đây lại là thị trường có khả năng chi tiêu cao nhất, có khả năng đóng góp đáng kể cho tổng thu nhập du lịch; đây cũng là thị trường có ý muốn quay trở lại Việt Nam. Đối với thị trường này cần có những chính sách, những ưu đãi nhất định về đầu tư để thu hút và hấp dẫn họ.
– Khách du lịch đường bộ tăng trưởng khá (chủ yếu là khách Trung Quốc, Lào, Campuchia…). Tuy nhiên đây là những thị trường có khả năng chi tiêu thấp, ngày lưu trú ngắn… nên đóng góp cho tổng thu nhập du lịch còn hạn chế. Sự biến động của các thị trường này ảnh hưởng không lớn đến hiệu quả kinh doanh của Ngành Du lịch.
Các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng cả về mặt tự nhiên (các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên gắn với đa dạng sinh học; sông hồ; thác nước, các nguồn suối khoáng…) lẫn về mặt nhân văn (các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; các làng nghề; các lễ hội truyền thống; văn hóa cộng đồng các dân tộc, văn hóa ẩm thực…). Đây là một trong những điều kiện cần rất quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, mỗi địa phương đều có những đặc điểm riêng về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và có những đặc trưng riêng về tài nguyên du lịch, sự phân bố tài nguyên du lịch theo lãnh thổ cũng rất khác nhau…, nên sự hình thành và phát triển sản phẩm du lịch ở mỗi tỉnh cũng khác nhau, có những nét đặc thù riêng. Trong những năm qua, không gian lãnh thổ du lịch của các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai được hình thành và phát triển theo các cụm khác nhau dựa trên vị trí địa lý cũng như các đặc điểm về tự nhiên và tài nguyên du lịch tự nhiên; dựa trên các đặc điểm về dân cư, dân tộc và tài nguyên du lịch nhân văn; dựa trên các điều kiện về kinh tế – xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dựa trên sự phân bố tài nguyên… Hệ thống các sản phẩm du lịch của các tỉnh này cũng được hình thành và phát triển theo các cụm du lịch với những đặc trưng riêng, với sự độc đáo và hấp dẫn riêng. Nhưng nhìn chung, các sản phẩm du lịch của các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai được khai thác theo các hướng chính như sau:
+ Các hướng khai thác chủ yếu để xây dựng sản phẩm du lịch:
– Du lịch văn hóa lịch sử – lễ hội – làng nghề – ẩm thực: Dựa trên hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc; các lễ hội truyền thống…, trong đó nổi bật là các di tích gắn với lễ hội Đền Hùng, các chợ phiên (Bắc Hà, Sapa…), văn hóa ẩm thực của các dân tộc ở mỗi địa phương…
– Du lịch sinh thái: Bao gồm du lịch tham quan, nghiên cứu gắn với đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia và các khu bảo tồn (Hoàng Liên, Xuân Sơn, Đền Hùng…).
– Du lịch nghỉ dưỡng (núi, hồ và các nguồn nước khoáng): Đây là thế mạnh của Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai; có thể phát triển ở Sa Pa…, và các hồ Thác Bà, Ao Châu, khu vực nước khoáng Thanh Thủy…
+ Các sản phẩm du lịch chủ yếu:
– Du lịch về với cội nguồn (Giỗ Tổ Hùng Vương).
– Du lịch tham quan di tích (bãi đá cổ Sapa, Đền Hùng…), nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc (Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao…)
– Du lịch tham quan thắng cảnh, sông hồ, thác (hồ Thác Bà, Đầm Ao Châu, thác Bạc, thắng cảnh ruộng bậc thang, thắng cảnh dọc sông Lô, sông Hồng, đỉnh Fanxipang…).
– Du lịch nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng nóng (Sapa, hồ Thác Bà, Ao Châu, nước khoáng Thanh Thủy…).
– Du lịch thể thao mạo hiểm (khám phá các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, vượt sông, chinh phục đỉnh Fanxipang…)
– Du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia Hoàng Liên, Xuân Sơn…
– Du lịch lễ hội, festival, hội chợ…
IV. ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ KHAI THÁC MỘT SỐ SẢN PHẨM – THỊ TRƯỜNG DU LỊCH CHỦ YẾU CỦA PHÚ THỌ – YÊN BÁI – LÀO CAI
Kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng về các đặc điểm, nhu cầu, sở thích cũng như khả năng chi tiêu của các thị trường du lịch trọng điểm như đã nêu ở phần trên cho thấy rõ những ưu điểm, những lợi thế, cũng như vị trí, vai trò, tính hiệu quả của từng thị trường đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai nói riêng. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu về thị trường, căn cứ trên các nguồn lực sẵn có…, trong những năm tới có thể định hướng và đầu tư phát triển một số nhóm thị trường và nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu cho các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai theo các quan điểm sau:
+ Quan điểm về định hướng đầu tư phát triển các thị trường trọng điểm
– Ưu tiên phát triển và thu hút các nhóm thị trường chất lượng cao, có khả năng chi trả cao cho các dịch vụ du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng khách du lịch tham quan – nghiên cứu văn hóa đến từ Tây Âu (đặc biệt là Pháp) và Bắc Mỹ; khách du lịch nghiên cứu sinh thái đến từ Nhật Bản, Mỹ, Úc, Tây Âu…; khách du lịch thương mại đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ v.v… Đây là những nhóm thị trường có tỷ trọng thấp nên không gây áp lực đến nguồn tài nguyên – môi trường, dễ kiểm soát…, nhưng mang lại hiệu quả cao, có khả năng đóng góp lớn cho tổng thu nhập của ngành du lịch, đồng thời không chịu tác động của yếu tố thời vụ (mùa) trong du lịch, có thể khai thác quanh năm.
– Ưu tiên khai thác và phát triển các nhóm thị trường với mục đích tham quan du lịch thuần túy, có thời gian lưu trú dài ngày, có khả năng đi theo tour trọn gói. Đây là nhóm thị trường chiếm ưu thế cả hiện tại và trong tương lai, có tỷ lệ lớn, lưu trú dài ngày, khả năng chi tiêu tương đối cao… Mặt khác, nhóm thị trường này thường đi theo tour trọn gói nên dễ kiểm soát, ít tác động đến tài nguyên môi trường, không bị chi phối nhiều bởi yếu tố thời vụ trong du lịch.
– Tập trung hướng tới khai thác có hiệu quả các thị trường tiềm năng về nghỉ dưỡng núi và hồ. Ngoài các nhóm thị trường thường xuyên sử dụng các sản phẩm truyền thống như đã đề cập ở trên, trong những năm tới các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần hướng tới khai thác tốt một số thị trường tiềm năng có nhu cầu về nghỉ dưỡng hồ và núi – đây là một thế mạnh của các tỉnh này. Có thể đầu tư xây dựng một số resort nghỉ dưỡng cao cấp ở Sapa, Đầm Ao Châu, Hồ Thác Bà… để thu hút các đối tượng khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, … (đây là những thị trường có xu hướng nghỉ dưỡng cao trong những năm tới – đặc biệt là người trung niên và cao tuổi).
– Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để khai thác các thị trường du lịch theo các chuyên đề đặc biệt. Đây là những nhóm thị trường có trình độ học thức và dân trí cao, có khả năng về tài chính…, họ sẵn sàng tham gia các chương trình du lịch theo chuyên đề đặc biệt mà các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai có đủ điều kiện để tổ chức như leo núi chinh phục các đỉnh cao hiểm trở (Fanxipang…), du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm (vượt thác ghềnh… trên sông), tổ chức các sự kiện chính trị – ngoại giao – văn hóa – thể thao – khoa học kỹ thuật (du lịch MICE) v.v…
+ Quan điểm về định hướng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch
– Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt (các hệ sinh thái, các giá trị văn hóa dân tộc, khí hậu và cảnh quan ven hồ, núi cao…).
– Đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phải đảm bảo tính bền vững, ổn định và lâu dài.
– Các sản phẩm du lịch phải mang tính đặc thù, có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
– Đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc biệt, mang thương hiệu, mang hình ảnh cho mỗi địa phương mà mỗi khi nhắc đến đều được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, ví dụ như Du lịch Sapa – Fanxipang, Du lịch Đền Hùng, Du lịch Thác Bà…
+ Định hướng đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch cụ thể
Căn cứ theo nhu cầu, sở thích… của khách du lịch trong nước và quốc tế như đã phân tích ở trên, căn cứ đặc điểm về tài nguyên du lịch cũng như khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch của Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai…, định hướng đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch được xác định như sau:
Định hướng ưu tiên đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch
của các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai
Các thị trường chính Sản phẩm du lịch |
Khách quốc tế |
Khách nội địa |
Du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa cộng đồng | **** | **** |
Du lịch tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng, hồ… | **** | **** |
Du lịch văn hóa lễ hội (Đền Hùng, chợ tình, chợ phiên…), làng nghề, ẩm thực… | **** | **** |
Du lịch nghỉ dưỡng ven hồ, núi cao (Thác Bà, Ao Châu, Sapa…) | **** | *** |
Du lịch khám phá, trải nghiệm, về nguồn, du lịch cộng đồng (homestay), văn hóa bản địa trong khu vực các VQG Hoàng Liên, Xuân Sơn… | *** | *** |
Du lịch thể thao nước (đua thuyền) ở hồ Thác Bà, Ao Châu; vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần… | *** | |
Du lịch thương mại, công vụ, du lịch MICE… | ** | ** |
Du lịch leo núi chinh phục các đỉnh cao hiểm trở (Fanxipang…), thể thao mạo hiểm (vượt thác ghềnh trên sông) | *** | ** |
Chú thích: (*) ưu tiên đầu tư thấp nhất: (****) ưu tiên đầu tư cao nhất.
V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN
Để thực hiện việc đầu tư xây dựng và phát triển các thị trường – sản phẩm du lịch có chất lượng cao cho các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, các giải pháp quan trọng hàng đầu, có liên quan trực tiếp đến chất lượng các sản phẩm, bao gồm một số giải pháp sau:
1. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao
Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch (lao động sống) chiếm một vị trí quan trọng trong các sản phẩm du lịch. Do vậy, để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đảm bảo các hoạt động kinh doanh du lịch có mức tăng trưởng ổn định, góp phần cho sự phát triển du lịch bền vững…, yếu tố con người là rất quan trọng, trong đó bao gồm cả các nhà quản lý, nghiên cứu hoạch định chiến lược phát triển, các nhân viên trực tiếp phục vụ khách du lịch…
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay rất cần có một đội ngũ cán bộ năng động, đủ năng lực trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch với hiểu biết rộng về thị trường, về chiến lược marketing, về các chuẩn mực trong kinh doanh du lịch quốc tế, hạn chế các rủi ro của các doanh nghiệp du lịch trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Chính vì thế, để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thì ngành du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần thiết phải có những chính sách đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ phù hợp.
Để đạt được mục tiêu về đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển trong những năm tới, ngành du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần xem xét thực hiện một số nhiệm vụ sau:
– Các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu phát triển du lịch ở mỗi địa phương trong xu thế hội nhập toàn cầu, coi vấn đề nguồn lực con người và chất lượng con người là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững.
– Cần đánh giá thực trạng đội ngũ lao động ngành du lịch cả về số lượng và chất lượng và căn cứ yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn để có kế hoạch đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ có chất lượng cao.
– Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần thực hiện theo hướng tập trung và chuyên môn hóa cao, đảm bảo chất lượng toàn diện từ cán bộ quản lý, hoạch định chiến lược đến cán bộ quản lý doanh nghiệp và nhân viên phục vụ (kể cả cộng đồng)…
– Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển du lịch thì nội dung chương trình đào tạo cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
. Xu hướng và xu thế toàn cầu hóa trong phát triển du lịch
. Chiến lược và hoạch định chiến lược phát triển du lịch
. Cơ hội và thách thức phát triển du lịch trong xu thế hội nhập
. Chính sách phát triển du lịch – dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch
. Quy hoạch du lịch và các dự án du lịch
. Nghiên cứu thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch
. Marketing và xúc tiến phát triển du lịch
. Du lịch trong nền kinh tế thị trường
. Du lịch, môi trường và du lịch bền vững; du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái
. Văn hóa và giao lưu văn hóa quốc tế
. Những bài học thành công và thất bại về phát triển du lịch của các nước trong khu vực và thế giới…
– Công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng cán bộ cần được tiến hành thường xuyên để đảm bảo việc tuyển dụng lao động trong ngành đúng người, đúng việc, đúng Luật công chức và có hiệu quả cao.
– Trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cần có một chương trình đào tạo đặc biệt cho đội ngũ các nhà quản lý, hoạch định chính sách nhằm nâng cao trình độ tiếp cận với trình độ của đội ngũ ở vị trí tương ứng ở các địa phương trong nước (Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh…), và các nước có ngành du lịch phát triển.
2. Giải pháp về đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch
Đầu tư phát triển du lịch nói chung và đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nói riêng là một hướng đầu tư có hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn về mặt môi trường và xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển du lịch ở các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai trong xu thế hội nhập và cạnh tranh hiện nay cần có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù và khác biệt, đủ khả năng cạnh tranh. Trước mắt, cần tập trung đầu tư đồng bộ để phát triển ở các trọng điểm du lịch, các đô thị du lịch, các khu du lịch quốc gia để làm hạt nhân, làm động lực phát triển và hội nhập với quốc tế (khu vực Đền Hùng, Ao Châu, Thanh Thủy ở Phú Thọ; Hồ Thác Bà ở Yên Bái; Sapa, khu vực Bắc Hà, VQG Hoàng Liên ở Lào Cai…). Căn cứ vào các quan điểm và định hướng đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch thế mạnh của Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai (đã nêu ở phần trên); căn cứ vào tính đặc thù riêng của ngành du lịch cũng như trong điều kiện cụ thể về tài nguyên du lịch của từng địa phương…, các hoạt động đầu tư phát triển du lịch nói chung và đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nói riêng cần tập trung xem xét và thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
+ Đầu tư nghiên cứu đồng bộ, chi tiết và cụ thể các thị trường du lịch trọng điểm của mỗi địa phương riêng biệt…, trong đó chú trọng đến các yếu tố cầu du lịch của từng thị trường. Bên cạnh đó cần tập trung nghiên cứu các yếu tố hình thành cung du lịch của mỗi tỉnh để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Cụ thể:
– UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành ở Trung ương và các ngành chức năng ở địa phương tổ chức nghiên cứu và hoạch định chiến lược phát triển các thị trường và sản phẩm du lịch cụ thể cho địa phương.
– Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thì căn cứ quy mô để có định hướng và chiến lược nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với các thị trường mà doanh nghiệp đang và sẽ khai thác.
+ Đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng hồ và núi với các sản phẩm và dịch vụ bổ trợ đồng bộ, có chất lượng cao: Đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch ở các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai. Hiện nay ở đây chưa có những khu du lịch nghỉ dưỡng có tầm cỡ trong cả nước với các sản phẩm đặc sắc, có sức hấp dẫn cao, có các điều kiện tốt về cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ bổ sung thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu của khách; chưa có những chính sách, mô hình tổ chức quản lý và đội ngũ lao động có chất lượng… Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng hồ và núi có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, mang hình ảnh và thương hiệu cho Du lịch Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai… là một hướng ưu tiên đầu tư và là yêu cầu bức xúc đối với sự phát triển du lịch ở mỗi địa phương.
+ Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống khách sạn có chất lượng với các công trình dịch vụ du lịch bổ trợ có chất lượng cao: Trong tiến trình hội nhập của du lịch cả nước với khu vực và thế giới, các tiêu chuẩn về dịch vụ du lịch phải được nâng cao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập và trong xu thế phát triển đó thì hệ thống khách sạn ở các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các khách sạn, đặc biệt là các khách sạn thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp với đầy đủ các công trình dịch vụ bổ trợ (tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí…) là hết sức quan trọng và cần thiết.
Về hướng đầu tư phát triển không gian hệ thống khách sạn thì cần ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ở các khu du lịch lớn như Sapa, hồ Thác Bà, Ao Châu…, và xây dựng các khách sạn thương mại ở những đô thị lớn như TP.Việt Trì, TP.Yên Bái, TP.Lào Cai. Ở các không gian du lịch khác (các khu, điểm du lịch có ý nghĩa địa phương) chỉ nên đầu tư xây dựng các khách sạn với quy mô và tiêu chuẩn trung bình để đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh. Đối với các khu, điểm du lịch mà sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái hoặc du lịch dựa vào tự nhiên, cộng đồng… cần chú trọng phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, hệ thống lưu trú trong dân…
+ Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống: Phần lớn khách du lịch quốc tế khi đến Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai là để nghiên cứu tìm hiểu về nền văn hóa bản địa. Do vậy, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa của các dân tộc và các lễ hội, làng nghề truyền thống để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ các thị trường khách du lịch quốc tế là rất quan trọng, cần thiết.
+ Đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên tự nhiên, các hệ sinh thái và môi trường du lịch: Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ với môi trường, đồng thời làm tăng thêm giá trị của các sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các tài nguyên tự nhiên. Với giải pháp này, trong khi nghiên cứu xây dựng các dự án du lịch, nhất thiết phải xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường và các phương án khắc phục sự cố về môi trường.
+ Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao để đảm bảo các hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả: Đây là một lĩnh vực đầu tư rất quan trọng, đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai đang bước trên con đường hội nhập với hoạt động phát triển du lịch trong cả nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc đầu tư để xây dựng một chương trình đào tạo toàn diện và đồng bộ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu hiện nay là rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi địa phương. Giải pháp đầu tư về đào tạo có thể được thực hiện đồng bộ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – và người lao động (có thể tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế trong các chương trình hợp tác về đào tạo).
3. Giải pháp về xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch và xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch
– Tập trung xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch nổi bật, có đủ khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và trên thế giới, trên cơ sở đó từng bước hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch cho từng địa phương, từng địa danh cụ thể v.v…
– Các tỉnh đầu tư phát triển hình ảnh, thương hiệu du lịch cho địa phương mình, các doanh nghiệp thì đầu tư xây dựng thương hiệu du lịch cho doanh nghiệp mình…
– Tập trung đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch hướng vào các thị trường mục tiêu, thị trường trọng điểm theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến, quảng bá.
– Cơ quan xúc tiến du lịch ở mỗi tỉnh có vai trò chủ đạo trong hoạt động xúc tiến và quảng bá cho du lịch Tỉnh, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
– Việc xúc tiến quảng bá du lịch ở mối tỉnh có thể được thực hiện thông qua các kênh thông tin ở trong tỉnh và quốc gia. Trong những trường hợp cần thiết, có thể mở Văn phòng đại diện du lịch của mỗi địa phương tại một số thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế để thực hiện vai trò xúc tiến quảng bá du lịch cho địa phương. Gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…
– Cần xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng (cửa khẩu, bến xe, ga tàu, các cơ sở du lịch lớn…), đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn của mỗi tỉnh.
– Thực hiện các chương trình thông tin tuyên tuyền, quảng bá về những sự kiện sẽ diễn ra trên từng địa phương như văn hóa thể thao, lễ hội truyền thống, năm du lịch…; tổ chức các chiến dịch xúc tiến, sự kiện quảng bá, phát động thị trường theo chuyên đề; tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch ở trong nước và quốc tế để giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch của địa phương, kích thích nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.
4. Giải pháp về phối hợp và hợp tác liên kết giữa các ngành trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực, giữa các vùng phụ cận và hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch
4.1. Quan điểm hợp tác
Hợp tác trong phát triển hiện nay là xu thế chung ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm phát huy được các nguồn lực phát triển, tăng cường tính cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển. Điều này càng có ý nghĩa đối với những vùng lãnh thổ có các điều kiện tương đồng và những mục tiêu phát triển chung. Phát triển du lịch ở các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai hiện nay cũng như về sau trong mối quan hệ với các ngành trong tỉnh, với các tỉnh trong vùng, với các vùng phụ cận khác… cũng không nằm ngoài ý nghĩa trên.
Những quan điểm cơ bản trong quan hệ hợp tác phát triển du lịch ở các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai bao gồm:
– Bổ sung khắc phục những hạn chế (về tài nguyên du lịch, về sản phẩm du lịch, tính đa dạng của các dịch vụ), phát huy những thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương trên địa bàn nhằm hấp dẫn khách du lịch cũng như các nhà đầu tư và tạo được sức cạnh tranh chung về du lịch của khu vực này so với các vùng lãnh thổ khác.
– Bình đẳng và cùng có lợi trong hợp tác phát triển du lịch giữa các ngành trên địa bàn mỗi tỉnh, giữa mỗi tỉnh với các tỉnh khác và các vùng lãnh thổ trong cả nước.
4.2. Nội dung và hình thức hợp tác về du lịch giữa các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai
+ Nội dung hợp tác:
– Hợp tác trong việc xây dựng các chương trình du lịch (tour du lịch) chung: Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi tỉnh (theo chiến lược phát triển du lịch của mỗi tỉnh), các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần phối hợp xây dựng một quy hoạch phát triển các chương trình du lịch chung. Trong đó cần chú trọng và làm nổi bật các giá trị đặc thù về tài nguyên và sản phẩm du lịch của mỗi tỉnh thành một chương trình chung cho cả khu vực.
– Hợp tác trong xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến để giới thiệu hình ảnh du lịch của các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai như một điểm đến hấp dẫn: Đây là một nội dung hợp tác quan trọng cần sớm được triển khai trong thực tế bởi kết quả của sự hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, đồng thời giảm được chi phí cho quảng bá xúc tiến của mỗi địa phương.
– Hợp tác trong đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương: Sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng cần được xây dựng trong chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một thực tế là việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai và các tỉnh phụ cận còn dàn trải, thiếu tập trung để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao; đầu tư còn thiếu sự hợp tác giữa các địa phương nên dẫn đến sự trùng lặp về sản phẩm (du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa – cộng đồng…). Kết quả là gây lãng phí trong đầu tư và làm suy giảm sức hấp dẫn du lịch chung cũng như làm gia tăng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Chính vì vậy, việc hợp tác trong nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tránh sự trùng lặp về sản phẩm là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có sự hợp tác chặt chẽ.
– Hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao: Đây là một nội dung hợp tác quan trọng nhằm nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, của các nhân viên phục vụ du lịch trên cơ sở khai thác các lợi thế về vị trí và tiềm năng của của mỗi địa phương trong khu vực. Thông qua sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch và tạo ra được một mặt bằng chung về chất lượng sản phẩm du lịch trên toàn khu vực, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
+ Hình thức hợp tác:
Để thực hiện thành công các nội dung hợp tác trên giữa các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai, một số hình thức hợp tác chủ yếu cần được xem xét bao gồm:
– Cam kết hợp tác chính thức về du lịch giữa Chính quyền (UBND các tỉnh), giữa cơ quan quản lý chuyên ngành ở các địa phương (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) với một số chính sách ưu tiên đặc thù.
– Hợp đồng liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch ở các tỉnh trong khu vực với sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương.
– Cần thiết thành lập Chi hội Du lịch Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) để bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
4.3. Hợp tác quốc tế trong khuôn khổ dự án Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng
Chương trình phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là một chương trình phát triển ưu tiên nằm trong khuôn khổ hợp tác chung của các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông từ Vân Nam (Trung Quốc) đến đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Chương trình này nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước trong khu vực cũng như của các tổ chức quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động du lịch ở các lãnh thổ có liên quan, trong đó có các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai.
Đường Hồ Chí Minh (điểm xuất phát từ Cao Bằng, qua Bắc Kạn, Phú Thọ…) được xác định là một tuyến du lịch quan trọng của Phân đoạn 6 trên lãnh thổ Việt Nam trong tổng thể hoạt động du lịch GMS kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) – Myanmar – Lào – Campuchia – Thái Lan – Việt Nam – Trung Quốc. Ngoài ra, tuyến hành lang kinh tế và du lịch kéo dài từ Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) cũng đã đựơc chính phủ hai nước ký kết thực hiện. Với vị trí này, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai nói riêng là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động du lịch của chương trình GMS và Tuyến hành lang Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Côn Minh.
Căn cứ vào định hướng phát triển của du lịch GMS, của tuyến hành lang Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Côn Minh, một số hoạt động hợp tác của du lịch các tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai cần quan tâm bao gồm:
– Phát triển tuyến du lịch đường bộ từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, đi Yên Bái – Việt Trì – Hà Nội. Từ Hà Nội có thể đi vào Nam theo Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh; và từ Hà Nội có thể đi Hải Phòng – Hạ Long.
– Phát triển tuyến du lịch đường bộ từ Trung Quốc qua Cao Bằng (điểm Pắc Bó) theo đường Hồ Chí Minh đến Phú Thọ rồi đi vào phía Nam.
Cũng trong khuôn khổ của dự án phát triển du lịch GMS, trong phạm vi cả nước có thể hợp tác phát triển du lịch lên vùng, liên quốc gia theo các hướng sau:
– Phát triển tuyến du lịch từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) theo tuyến đường xuyên Á qua TP. Hồ Chí Minh rồi theo quốc lộ 1A đến Phan Thiết – Nha Trang và các tỉnh khác ra Hà Nội rồi đến Phú Thọ – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trung Quốc (theo đường Hồ Chí Minh); hoặc Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Trung Quốc (theo quốc lộ 2 và 70).
– Phát triển tuyến du lịch trực tiếp từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và từ Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh – Gia Lai (khi cửa khẩu này được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế) vào các tỉnh Tây Nguyên, sau đó theo đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam – Thừa Thiên Huế rồi ra Hà Nội đến Phú Thọ – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trung Quốc (theo đường Hồ Chí Minh); hoặc Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Trung Quốc (theo quốc lộ 2 và 70).
– Phát triển tuyến du lịch đường bộ từ Trung Lào qua các cửa khẩu Cầu Treo – Hà Tĩnh (theo quốc lộ 8), Cha Lo – Quảng Bình (theo quốc lộ 12), Lao Bảo – Quảng Trị (theo quốc lộ 9), từ đó nối với đường Hồ Chí Minh hoặc quốc lộ 1A rồi ra Hà Nội đến Phú Thọ – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trung Quốc (theo đường Hồ Chí Minh); hoặc Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Trung Quốc (theo quốc lộ 2 và 70)…
(*) Tham luận tại Hội thảo xúc tiến đầu tư ba tỉnh Phú Thọ-Yên Bái-Lào Cai