Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Định hướng cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch

      tcvn2017Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và bước tăng trưởng đáng kể, năm 2016, lần đầu tiênlượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa là 62 triệu lượt khách, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP đạt 6,8%. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém khiến ngành du lịch Việt Nam chưa thực sự bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đặc biệt,được chỉ ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, vấn đề về chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của khách, cũng như chưa đạt được đẳng cấp khu vực và quốc tế, là vấn đề trọng tâm mà ngành du lịch Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới.

       Thực tế quản lý phát triển ngành cho thấy, nhiều mảng hoạt động du lịch còn đang yếu và thiếu công cụ quản lý về chất lượng sản phẩm/dịch vụ như trong hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn, các cơ sở dịch vụ mua sắm du lịch, các khu, điểm du lịch, kinh doanh các loại hình du lịch cụ thể như du lịch thể thao, mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe, du lịch di sản… Đến nay, một số hoạt động du lịch đã có những công cụ quản lý chất lượng khá hiệu quả như hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú, các quy định về cơ sở mua sắm, nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa đầy đủ, chưa có tính hệ thống và hệ thống các tiêu chuẩn, quy định hiện nay chưa bao quát hết các nội dung, yêu cầu của hoạt động du lịch.
       Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực du lịch đã bắt đầu được chú trọng trong những năm gần đây, đầu tư hơn song vẫn là hoạt động còn khá mới mẻ và còn những quan điểm tiếp cận chưa đồng nhất. Ngay từ những năm 80 của thập kỷ trước, ngành Du lịch đã phối hợp với các cơ quan thẩm quyền tiến hành xây dựng tiêu chuẩn trong hoạt động như TCVN 4391: 1986 về Khách sạn Du lịch – xếp hạng. Và đến nay, trong lĩnh vực du lịch đã xây dựng được một số tiêu chuẩn quốc gia liên quan về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch như sau:
       – TCVN 7795: 2009 Biệt thự du lịch – Xếp hạng
       – TCVN 7796: 2009 Tiêu chuẩn bãi cắm trại du lịch
       – TCVN 7797: 2009 Làng du lịch – Xếp hạng
       – TCVN 7799: 2009 Tiêu chuẩn nhà nghỉ du lịch
       – TCVN 7800: 2009 Tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê
       – TCVN 9506: 2012 Cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ liên quan – thuật ngữ và định nghĩa.
       – TCVN 9372:2012 Tàu thủy lưu trú du lịch – xếp hạng.
       – TCVN 7798: 2014 Căn hộ du lịch – Xếp hạng
       – TCVN 4391: 2015 Khách sạn – Xếp hạng
       Bên cạnh đó còn một số tiêu chuẩn về kinh doanh các loại hình du lịch cụ thể đang được xây dựng như tiêu chuẩn về hệ thống quản lý sự kiện du lịch bền vững, tiêu chuẩn về du lịch mạo hiểm, dự kiến sẽ được hoàn thành lần lượt trong năm 2017 và 2018. Các tiêu chuẩn này đang được xây dựng và công bố theo đúng quy định về quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hiện nay ở Việt Nam.
       Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam đã và đang gặp phải một số khó khăn, thách thức, như tính chưa nhất quán trong hệ thống quy định quản lý liên ngành, tính chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước hoạt động du lịch và sự nhận thức chưa đầy đủ của đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch.Điển hình như trường hợp của việc xây dựng bộ tiêu chuẩn về du lịch mạo hiểm (dành cho hệ thống quản lý an toàn, dành cho nhà điều hành và thông tin cho du khách), hoạt động du lịch này có nhiều loại hình đa dạng từ hoạt động leo núi, khám phá hang động, đi bộ trong rừng tới lặn biển, vượt thác… Với những đặc thù của từngloại hình du lịch mạo hiểm, các quy địnhquản lý hoạt động du lịch hiện hành chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo an toàn cho du khách. Do hiện chưa có quy định hướng dẫn từ Trung ương, một số địa phương đã đưa ra những quy định riêng, hoặc áp dụng các quy định đặc thù của ngành, lĩnh vực liên quan (hoạt động thể thao dưới nước, phương tiện giao thông, y tế…), điều này đã gây ra những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp du lịch mạo hiểm. Các đơn vị tổ chức du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp đa số đều tự tìm hiểu từ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn, điều kiện kỹ thuật, nhưng các tiêu chuẩn này lại chưa được chứng nhận bởi các cơ quan quản lý Việt Nam. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm nhưng không đảm bảo các phương tiện kỹ thuật an toàn, đội ngũ hướng dẫn viên không được chứng nhận trình độ chuyên môn, mang lại nhiều bất cập về quản lý chất lượng và an toàn hoạt động du lịch đặc thù này.
       Vì vậy, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch cũng như tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chất lượng hoạt động du lịch, công tác xây dựng tiêu chuẩn cần thiết phải được tăng cường. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, thể hiện tại Nghị quyết 08-NQ/TW, về việc định hướng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Vì vậy,công tác tiêu chuẩn hóa hoạt động du lịch trong thời gian tới nên tăng cường sử dụng, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của nước ngoài trong các hoạt động du lịch. Nghiên cứu quốc tếđể làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, từ đó tiệm cận với hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, hài hòa hóa tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
       Một số lĩnh vực tiêu chuẩn củaTổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa – ISO (International Organization for Standardization)có thể được xem xét tham khảo hoặc chấp nhận để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới như tiêu chuẩn về trung tâm thông tin du lịch (ISO 14785:2014), quản lý bãi biển (ISO 13009:2015), spa chăm sóc sức khỏe (ISO 17679:2016) và chăm sóc sức khỏe bằng liệu pháp biển (ISO 17680:2015), dịch vụ du lịch công cộng cung cấp bởi cơ quan quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (ISO 18065:2015)… Một ví dụ có thể thấy là hiện nay, tại Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn nào liên quan đến dịch vụ spa chăm sóc sức khỏe và trị liệu bằng nước biển. Dịch vụ spa chăm sóc sức khỏe và trị liệu bằng nước biển là ngành nghề kinh doanh không có điều kiện vì vậy các cơ sở dịch vụ này chỉ cần xin giấy phép hoạt động do phòng tài chính – kế hoạch của các địa phương cấp và khi treo biển quảng cáo thì có xin phép phòng văn hoá – thông tin. Bộ Y tế có thông tư số 11/2001/TT-BYT ngày 06/6/2001 về việc hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp, tuy nhiên thông tư này lại không điều chỉnh các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất. ASEAN cũng đã ban hành tiêu chuẩn dành cho spa (ASEAN Spa Standard). Việc tham khảo tiêu chuẩn quốc tế ISO và ASEAN để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về spa sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ đặc thù này đạt được tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
       Ngoài ra, với việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam cũng cần áp dụng các tiêu chuẩn của khu vực vào hoạt động du lịch để đáp ứng những yêu cầu của bối cảnh hội nhập trong giai đoạn tới. ASEAN đến nay đã đưa ra 6 tiêu chuẩn trong lĩnh vực du lịch, trong đó Việt Nam có thể tham khảo hoặc chấp nhận một số tiêu chuẩn, bên cạnh tiêu chuẩn về spa, như: tiêu chuẩn về thành phố du lịch sạch (ASEAN Clean Tourist City Standard); du lịch dựa vào cộng đồng (ASEAN Community-based Tourism Standard); khách sạn xanh (ASEAN Green Hotel Standard); nhà vệ sinh công cộng (ASEAN Public Toilet Standard).Về tiêu chuẩn du lịch cộng đồng, hơn mười năm trở lại đây, du lịch cộng đồng đã phát triển tại nhiều địa phương của Việt Nam, như Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam,… Xét về khía cạnh quản lý nhà nước, hiện tại vẫn chưa có bộ tiêu chí hay quy định cụ thể nào để áp dụng cho loại hình du lịch này trong việc khẳng định chất lượng về du lịch cộng đồng. Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng của ASEAN sẽ là tài liệu tham khảo thích hợp để xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về du lịch cộng đồng, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và giúp người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng đảm bảo chất lượng phòng lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch, nâng cao việc quản lý và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, như về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng, Bộ Y tế đã có quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2011/BYT về nhà tiêu – điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh và Tổng cục Du lịch đã ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch và kế hoạch triển khai theo Quyết định số 225/QĐ-TCDL ngày 8/5/2012. Tuy nhiên Quy định của Tổng cục Du lịch vẫn đang là tạm thời và việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về nhà vệ sinh cho khách du lịch, tham khảo tiêu chuẩn của ASEAN là cần thiết để đảm bảo việc quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
       Đối với những lĩnh vực chưa có tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực thì cần xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia mới, theo hướng hài hòa với các yêu cầu của khu vực và thế giới. Trước mắt cần nghiên cứu lựa chọn các đối tượng ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các chương trình du lịch, tour du lịch, sự kiện du lịch, tiêu chuẩn cho các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách, dịch vụ tại các trạm dừng nghỉ, dịch vụ tại các khu điểm du lịch. Một số tiêu chuẩn có thể được xây dựng trong thời gian tới là tiêu chuẩn về du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch di sản, tiêu chuẩn về nhà hàng phục vụ khách du lịch, khu mua sắm phục vụ khách du lịch,…Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch theo Quyết định số 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016. Đây là bộ tiêu chí áp dụng cho điểm đến là khu du lịch và điểm du lịch chứ không phải là cho từng cơ sở cung cấp dịch vụ cụ thể. Tổng cục Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển bộ tiêu chí, và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về quản lý điểm đến theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
       Tiêu chuẩn hóa đang trở thành xu hướng và nhu cầu thực tiễn đặt ra đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch thế giới và chắc chắn rằng du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững nếu hoạt động du lịch được phát triển trên nền quản lý chất lượng thông qua hệ thống những tiêu chuẩn, quy tắc và những quy chuẩn nhất định./.

     

    ThS. Nguyễn Hoàng Mai – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục