Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Điện ảnh – Kênh quảng bá hữu hiệu cho du lịch Việt Nam

       Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là một trong những cách làm hiệu quả đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng tuy nhiên với Việt Nam, đây là một hình thức quảng bá còn khá mới. Việt Nam là một quốc gia giàu tài nguyên tự nhiên và nhân văn đặc sắc. Giả định rằng hình ảnh Việt Nam được các đoàn làm phim trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi trong các cảnh quay thì đây sẽ là kênh quảng bá hữu hiệu, rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế.

    DL-ĐA

       Tại Thái Lan, năm 2015, có tới 585 lượt làm phim thuộc nhiều thể loại truyền hình, điện ảnh và doanh thu đạt 83,6 triệu USD. Ngoài tạo ra doanh thu, thì việc các nhà sản xuất phim chọn Thái Lan làm bối cảnh quay cũng có tác dụng quảng bá du lịch đất nước Thái Lan rất lớn. Ví dụ điển hình như sau thành công của bộ phim Trung Quốc “Lost in Thailand” được quay tại Chiang Mai – Thái Lan chiếu tại Trung Quốc năm 2012, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan đã tăng mạnh từ 2,8 triệu lên 4,6 triệu người vào năm 2013. Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hỗ trợ tài chính 2 triệu Baht (khoảng 60 nghìn USD cho bộ phim này). Thái Lan đang nghiên cứu một số cơ chế để tăng cường thu hút các đoàn làm phim nước ngoài như: xây dựng bộ phận một cửa về thủ tục để phục vụ các đoàn làm phim nước ngoài, đào tạo cho các nhà làm phim trong nước về cách thức làm việc với các đoàn phim nước ngoài, hỗ trợ tài chính.

       Tại Hàn Quốc, phim truyền hình cũng tham gia quảng bá rất hiệu quả cho hoạt động du lịch của đất nước xứ sở kim chi này. Du khách đến du lịch Hàn Quốc chắc chắn không thể không đến thăm các địa điểm như: Đảo Jeju, đảo Nami, tháp N Seoul, Changdeokgung (Xương Đức Cung),…đây là những địa điểm xuất hiện trong những bộ phim Hàn ăn khách như “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Chang Kum”… và gần đây nhất là bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc “Tuổi thanh xuân” với những địa điểm thu hút giới trẻ như: Công viên Sky Park, tháp Namsan, Ssamziegil….

       Tại Việt Nam, một vài năm gần đây quảng bá du lịch qua điện ảnh đã được đề cập đến. Tuy nhiên hoạt động này chỉ dừng ở thu hút các đoàn làm phim trong nước, việc hợp tác với các đoàn làm phim quốc tế còn hạn chế do nhiều nguyên nhân.

       Bộ phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không những tạo một cơn sốt tại phòng vé mà còn tạo nên một cơn sốt đối với các bạn trẻ đam mê du lịch. Bởi bộ phim mang đến cho người xem những cảnh quay mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình – đây những cảnh quay được thực hiện tại Phú Yên. Sau khi công chiếu, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên đã đón một số lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cũng như vậy, phần 2 của bộ phim “Tuổi thanh xuân” được quay phần lớn ở Việt Nam. Trong phim nhiều cảnh quay được thực hiện ở các địa điểm như: Hồ Gươm, cầu Long Biên, Hồ Tây (Hà Nội); khu nghỉ dưỡng InterContinental, Bà Nà Hill (Đà Nẵng); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là cơ hội tốt để khán giả truyền hình quốc tế có thêm hiểu biết về những danh lam, thắng cảnh của Việt Nam. Năm 2015, bộ phim “Pan và vùng đất Neverland” – của Hollywood, một số cảnh được quay tại các địa danh nổi tiếng như Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Tràng An (Ninh Bình), tuy nhiên, với bộ phim này ngành Du lịch đã “bỏ lỡ” một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Sự kiện tiêu biểu đầu năm 2017, bộ phim bom tấn Hollywood “Kong: Skull Island” được công chiếu, sự ra mắt này có tác động mạnh mẽ đến ngành Du lịch của Việt Nam, bởi Kong là bộ phim quốc tế đầu tiên lấy phần lớn bối cảnh là những danh lam thắng cảnh ở Việt Nam (Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình). Đây có thể coi là cơ hội vàng cho ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

       Từ kinh nghiệm thành công của việc quảng bá du lịch qua điện ảnh của một số quốc gia cũng như một số kết quả thực tế tại Việt Nam, có thể khẳng định rằng: điện ảnh là một hình thức quảng bá du lịch rộng rãi, sinh động và mang lại hiểu quả cao. Nắm bắt cơ hội đó, ngành du lịch Việt Nam cần có các động thái để tận dụng triệt để sức lan tỏa của các bộ phim “bom tấn” nhằm thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, mặt khác phải có biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng, quy mô dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng, đông đảo đối tượng du khách, tránh “hệ lụy” quá tải.

    Diệu Linh

    Bài cùng chuyên mục