Đề án “Phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2030”
1. Sự cần thiết phải triển khai đề án
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2012, Việt Nam đón được trên 6,5 triệu khách du lịch quốc tế; 35 triệu khách du lịch nội địa; thu nhập du lịch đạt 160 ngàn tỷ đồng, đóng góp trên 5,0% vào tổng GDP cả nước. Phát triển du lịch còn tạo nhiều việc làm cho xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu Đến năm 2020, du lịch cả nước cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…; sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch cả nước, mỗi vùng, miền; mỗi địa phương cần phải thực hiện chiến lược và mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.
Tỉnh Thanh Hóa nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trên địa bàn thành phố, các tài nguyên du lịch chủ yếu bao gồm Khu di tích thắng cảnh Hàm Rồng (với điểm nhấn là Cầu Hàm Rồng anh hùng – Biểu tượng của Chiến thắng, Đền thờ Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng…); Làng cổ Đông Sơn với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng; Khu di tích thắng cảnh núi Mật Sơn (mà tiêu biểu là núi Long, núi Hổ, và các di tích lịch sử…); Khu di tích thắng cảnh An Hoạch (nổi tiếng với Hòn Vọng Phu); Bảo tàng Lịch sử Thanh Hóa; Tượng đài Vua Lê Lợi… Xung quanh thành phố Thanh Hóa là các điểm du lịch nổi tiếng như khu du lịch nghỉ dưỡng biển Sầm Sơn, vườn quốc gia Bến En, Di sản thế giới Thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh, di chỉ khảo cổ hang Con Moong, suối cá Cẩm Lương, động Từ Thức, đền Bà Triệu… Với tài nguyên du lịch phong phú đa dạng như vậy, Thành phố Thanh Hóa có đủ điều kiện để phát triển ngành du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch thành phố Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, mang thương hiệu Thanh Hóa để hấp dẫn khách du lịch. Chính vì vậy, hàng năm số lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến TP.Thanh Hóa còn hạn chế, đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế – xã hội của Thành phố chưa cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng chưa thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển tương xứng với tiềm năng là Thành phố chưa có một chiến lược tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn trên cơ sở đánh giá có hệ thống những tiềm năng, những điều kiện về kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Chính vì thế, việc thu hút các nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Với thực trạng như trên, việc nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2030” là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, tạo cơ sở cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch nhằm đưa du lịch thành phố Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Thành ủy về phát triển du lịch của Thành phố và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy về phát triển kinh tế đến năm 2020 của thành phố Thanh Hóa.
2. Tên và phạm vi đề án
– Tên đề án: Phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2030
– Phạm vi: Toàn bộ phạm vi ranh giới thành phố Thanh Hóa (với diện tích tự nhiên là 146,77km2; gồm 20 phường, 17 xã).
3. Các căn cứ xây dựng đề án
– Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009;
– Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
– Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định 98/2009/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Nghị quyết 11/TU ngày 3/2/1996 của Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đảng bộ lần thứ 15 về vấn đề tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả các vùng, cụm, điểm du lịch của Thanh Hóa;
– Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến 2020;
– Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;
– Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010-2015 về xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch của tỉnh. Xây dựng du lịch thành phố thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa du lịch TP.Thanh Hóa trở thành trọng điểm quốc gia.
– Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07/11/2008 của Thành ủy Thanh Hóa về phát triển du lịch của Thành phố Thanh Hóa;
– Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày …/…/….. của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Thanh Hóa về huy động nội lực phát triển kinh tế Thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2012 – 2020.
– Chương trình hành động số 1778/CT-UBND ngày 09/8/2012 của Chủ tịch UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về huy động nội lực nhằm phát triển kinh tế thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2012 – 2020.
– Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035;
– Một số dự án đã được quy hoạch: Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (Quyết định số 396/QĐ-TTG ngày 05/3/2013), Khu di tích thắng cảnh Mật Sơn (Quyết định số 682/QĐ-UBND ngày 25/02/2013), Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê (Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 26/3/2007), Khu du lịch, di tích văn hóa lịch sử khảo cổ Hàm Rồng – Núi Đọ và các danh thắng thuộc vành đai xanh Tây Bắc (Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 18/12/2012)…
4. Quan điểm và mục tiêu của đề án
4.1. Quan điểm
– Đảm bảo các nguyên tắc về xây dựng các đề án phát triển du lịch được quy định trong Luật Du lịch.
– Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035; phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
– Phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên và các điều kiện khác của địa phương trong phát triển du lịch; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch…
4.2. Mục tiêu
Mục tiêu chủ yếu của đề án là cụ thể hóa các nội dung trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội thành phố Thanh Hóa, nhằm:
– Thực hiện công tác quản lý phát triển du lịch có hiệu quả và thống nhất trong mối liên hệ trong toàn tỉnh và với các tỉnh vùng phụ cận.
– Tạo cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm; xây dựng các dự án trọng điểm đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch.
5. Phương pháp thực hiện
5.1. Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong đề án. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong đề án như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
5.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa và điều tra xã hội học: Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên). Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành Du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập đề án.
5.4. Phương pháp dự báo, chuyên gia: Áp dụng phương pháp dự báo, chuyên gia để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức… có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của Thanh Hóa nói riêng. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian lãnh thổ du lịch; trong việc đề xuất các trọng điểm, các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.
5.5. Phương pháp bản đồ: Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của đề án. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên biểu đồ; cũng như xác định đặc điểm và sự phân bố theo lãnh thổ của các đối tượng được nghiên cứu trên bản đồ (sự phân bố nguồn tài nguyên và mức độ hấp dẫn của chúng, sự phân bố của hệ thống kết cấu hạ tầng, các tuyến điểm du lịch, các hạt nhân du lịch, các dự án ưu tiên đầu tư phát triển…).
6. Quy trình nghiên cứu của đề án
Căn cứ vào mục tiêu, nội dung và giới hạn nghiên cứu của đề án, quy trình nghiên cứu được tiến hành theo các bước cơ bản sau:
Bước 1: Xác lập mục tiêu và nội dung nghiên cứu: Đây là bước khởi đầu quan trọng đối với việc thực hiện đề án. Việc xác lập mục tiêu và nội dung nghiên cứu càng xác thực, càng chi tiết và cụ thể, thì việc tổ chức nghiên cứu và thực hiện càng thuận lợi.
Các mục tiêu, nội dung cũng như giới hạn nghiên cứu của đề án sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp với các điều kiện thực hiện trong những hoàn cảnh cụ thể, cũng như căn cứ vào các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại các buổi hội thảo của đề án.
Bước 2: Thu thập số liệu, tài liệu liên quan và tổ chức khảo sát thực địa
+ Thu thập các số liệu, tài liệu chủ yếu:
– Số liệu thống kê về các chỉ tiêu phát triển du lịch, về các nguồn lực phát triển du lịch trên địa bàn thành phố và cả tỉnh Thanh Hóa.
– Các tài liệu về công tác tổ chức, quản lý và khai thác tài nguyên du lịch.
– Các tài liệu, các văn bản pháp quy hiện hành về đầu tư phát triển du lịch và các văn bản khác có liên quan…
+ Khảo sát thực địa và điều tra xã hội học: Nhằm bổ xung, chỉnh lý, kiểm chứng lại các số liệu, tài liệu đã thu thập được, đồng thời xác định khả năng tiếp cận đến các đối tượng nghiên cứu; mặt khác điều tra khách du lịch nhằm thu thập thụng tin khách quan về tính hấp dẫn của các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Bước 3: Nghiên cứu, đánh giá, phân tích và xử lý dữ liệu: Từ nguồn cơ sở dữ liệu, các tư liệu liên quan đến đề án đã được thu thập, sẽ tiến hành phân tích xử lý nhằm thực hiện các nội dung chính sau:
– Nghiên cứu đánh giá thực trạng về phát triển du lịch; thực trạng về các nguồn lực phát triển du lịch; về công tác tổ chức, quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng về công tác đầu tư phát triển du lịch… để từ đó đưa ra những nhận định, những kết luận cần thiết.
– Nghiên cứu bối cảnh phát triển trong và ngoài nước trong xu thế hội nhập toàn cầu. Kết quả nghiên cứu, đánh giá về thực trạng cũng như bối cảnh phát triển sẽ là cơ sở cho việc xây dựng định hướng phát triển và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa.
– Xây dựng dự thảo báo cáo của đề án dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trên (báo cáo tổng hợp và hệ thống các sơ đồ, bản đồ).
Bước 4: Tổ chức hội thảo: Sau khi xây dựng dự thảo báo cáo của đề án, sẽ tổ chức hội thảo nhằm tiếp thu các ý kiến nhận xét, đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp… Đây là bước quan trọng trong quy trình nghiên cứu nhằm đảm bảo cho kết quả nghiên cứu của đề án có tính khoa học và thực tiễn cao.
Bước 5: Xây dựng báo cáo cuối cùng và tổ chức nghiệm thu: Căn cứ vào kết quả hội thảo với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp, báo cáo dự thảo sẽ được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện để xây dựng báo cáo chính thức cuối cùng để trình cấp có thẩm quyền đánh giá và nghiệm thu.
Với các bước thực hiện nghiên cứu trên, có thể tổng hợp đưa ra sơ đồ quy trình nghiên cứu của đề ánn như sau:
7. Nội dung chủ yếu của đề án
1. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của ngành du lịch thành phố Thanh Hóa trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, của vùng và cả nước cũng như trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
2. Phân tích, đánh giá tiềm năng các nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa.
3. Xác định quan điểm mục tiêu, tính chất quy mô phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Xây dựng định hướng không gian du lịch, kết cấu hạ tầng; định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, định hướng về đầu tư, về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch…
5. Xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch; nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư phát triển du lịch… thành phố Thanh Hóa.
6. Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa theo các định hướng phát triển.