Đề án Phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long đến 2020
1. Sự cần thiết lập đề án:
Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng được gọi là vùng đồng bằng Nam Bộ (hay miền Tây Nam Bộ) gồm 12 tỉnh và 1 thành phố là các tỉnh An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một phần của châu thổ sông Mekong có diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, có vị trí nằm liền kề khu vực Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là biển Đông.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát chạy dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp giữa sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu, màu mỡ dọc theo ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đất mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên và bán đảo Cà Mau.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đa dạng sinh học cao với các khu rừng nguyên sinh, vùng đất ngập nước…tạo nên nhiều vườn cây trái xanh tươi, nhiều sân chim…được ví như “vườn địa đàng” là những tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi sinh sống của gần 18 triệu người dân gồm nhiều dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa…với những nét văn hoá độc đáo thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hoá lịch sử…trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị.
Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, nhưng đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tình trạng bị thương lái, các khâu trung gian ép giá ngày càng phổ biến, công nghệ sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế và chính sách bảo hộ tại các thị trường trọng điểm. Chính vì vậy du lịch, vốn được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ là một lối ra quan trọng cho thị trường nông sản đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển du lịch sẽ tạo thêm công ăn việc làm, đa dạng hóa hoạt động kinh tế của vùng và còn góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và ổn định xã hội.
Những năm qua cùng với sự phát triển của du lịch cả nước, du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được quan tâm khai thác phát triển và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Năm 2008, vùng ĐBSCL đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế và trên 8 triệu lượt khách nội địa. Nhưng thành tựu này thể hiện nỗ lực lớn của các địa phương trong vùng, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng phát triển du lịch.
Hiện nay các sản phẩm du lịch chủ đạo của đồng bằng sông Cửu Long là tham quan miệt vườn, hầu hết các địa phương trong vùng đều xây dựng sản phẩm này, bên cạnh đó là tham quan sông nước, chợ nổi (chủ yếu tại Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang). Du lịch biển đảo tại khu vực này không có điều kiện phát triển tốt do phù sa sông Mekong, tuy nhiên đảo Phú Quốc với điều kiện thiên nhiên hết sức ưu đãi là lợi thế quan trọng cho loại hình sản phẩm này, không chỉ của riêng đồng bằng sông Cửu Long mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Mặc dù có hệ sinh thái tự nhiên tương đối đặc thù tại một số khu vực như các vùng đất ngập nước, rừng tràm (ví dụ ở vùng Đồng Tháp và bán đảo Cà Mau), nhưng hoạt động du lịch sinh thái còn phát triển hết sức hạn chế, chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch sinh thái đúng nghĩa và hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc khai thác còn thiếu tầm nhìn tổng thể nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn nên chưa tương xứng với tiềm năng du lịch mà vùng đồng bằng sông Cửu Long có được. Chính vì vậy, việc xây dựng sản phầm đặc thù, hấp dẫn cho từng khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết, nhằm phát huy thế mạnh của từng khu vực, cải thiện khả năng cạnh tranh chung, nâng cao sức hấp dẫn của toàn vùng.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch khu vực góp phần phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long một cách toàn diện về kinh tế, văn hoá – xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường cần thiết phải lập đề án phát triển du lịch cho toàn vùng với tầm nhìn xa hơn trong mối liên hệ du lịch cả nước và toàn khu vực.
2. Các căn cứ lập đề án
- Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005.
- Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001
- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 3/12/2004
- Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008
- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010.
- Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Thủ t¬ướng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch;
- Quyết định số 1683/QĐ-BVHTTDL ngày 05/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giao nhiệm vụ lập đề án phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
- Chiến lư¬ợc phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002.
- Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 24/5/1995.
- Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Quyết định 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Các nghiên cứu về phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong mở rộng;
- Các báo cáo quy hoạch các ngành kinh tế có liên quan trên địa bàn;
- Các tài liệu khác liên quan.
3. Phạm vi nghiên cứu của đề án:
3.1. Không gian
Bao gồm lãnh thổ 13 tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long (gồm: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ). Diện tích tự nhiên khoảng 40.600km2.
3.2. Thời gian
Dự báo và định hướng phát triển đến năm 2020.
4. Mục tiêu, nhiệm vụ đề án
4.1. Mục tiêu của đề án
Đề án phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 là bước cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng nhằm:
- Đánh giá hiện trạng phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua và phân tích đánh giá thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội thánh thức đối với phát triển trong thời gian tới;
- Xây dựng được hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường.
- Liên kết phát triển du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy thế mạnh, tăng cường khả năng cạnh tranh của cả vùng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.
- Đưa ra các chỉ tiêu, các định hướng và giải pháp phát triển du lịch vùng đến 2020 phù hợp với tiềm năng phát triển và mang tính đột phá làm cơ sở để quản lý phát triển du lịch một cách có hiệu quả, góp phần đưa du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với khu vực và thế giới.
4.2. Nhiệm vụ đề án
– Đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch, những cơ hội thuận lợi và khó khăn thách thức phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long.
– Đề xuất quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long gắn với mục tiêu phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng và với TP Hồ Chí Minh.
– Đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, bao gồm:
- Đề xuất các chỉ tiêu phát triển ngành.
- Đề xuất tổ chức không gian phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
- Tính toán nhu cầu đầu tư phát triển du lịch.
- Định hướng phát triển thị trường – sản phẩm, đặc biệt chú trọng định hướng sản phẩm đặc thù cho từng khu vực.
- Định hướng tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đề xuất định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
- Đề xuất chính sách, giải pháp phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long.