Đầu tư phát triển du lịch Bình Định xứng đáng là địa bàn trọng điểm du lịch khu vực miền Trung
Năm 2015, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định lần thứ nhất. Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc về việc phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định thường niên giai đoạn 2016 – 2018. Đây được coi là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, tạo diễn đàn cho các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, thiết lập các quan hệ hợp tác, liên kết trong thiết lập cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường xúc tiến đầu tư, quảng bá phát triển du lịch tỉnh Bình Định cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung, địa bàn trọng điểm trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ mới.
Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ nhất một lần nữa đã khẳng định vị trí quan trọng, cửa ngõ; điểm kết nối không thể thiếu của Bình Định trong phát triển du lịch của vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, của du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên, của tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông – Tây. Qua phân tích những tiềm năng, thuận lợi và những khó khăn, rào cản, Hội nghị lần thứ nhất đã đưa ra những đề xuất giải pháp đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; tạo ấn tượng, thương hiệu du lịch Bình Định bằng những sản phẩm du lịch có đẳng cấp và hướng vào thị trường mục tiêu, từ đó phát triển Bình Định trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế với hạt nhân là đô thị du lịch biển Quy Nhơn mang những giá trị văn hóa đặc sắc Việt-Chăm.
Hội nghị lần này với mục tiêu đánh giá công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch trong năm qua, qua thực tế và xu hướng phát triển, tiếp tục đề xuất các sáng kiến, giải pháp về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp, tạo dựng thương hiệu; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết giữa Bình Định với các tỉnh/thành phố trong cả nước để phát triển du lịch Bình Định thành điểm đến du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế, một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
1. Tổng quan về tình hình đầu tư phát triển du lịch
Trong giai đoạn 2011 – 2015, giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mặc dù thế giới có những biến động phức tạp ảnh hưởng đến ngành Du lịch nhưng du lịch Việt Nam vẫn thu được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2015, Du lịch Việt Nam đón được gần 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ được khoảng 57 triệu lượt khách du lịch nội địa, đưa tổng thu từ du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng. Trong thành công đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác đầu tư phát triển du lịch.
Trên bình diện quốc gia, những năm qua đã đánh dấu sự thay đổi về chất lượng công tác đầu tư phát triển du lịch. Hiện tại, cả nước có khoảng trên một nghìn dự án trọng điểm du lịch với nguồn vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng được các nhà đầu tư trong nước đầu tư với nhiều hình thức, qui mô khác nhau, trong đó chủ yếu là đầu tư các khu du lịch ở ven biển và vùng núi.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều dự án của một số nhà đầu tư chiến lược với vốn đầu tư khá lớn như: Vinpearl Phú Quốc (17 nghìn tỷ đồng), Cáp treo Phú Quốc (10 nghìn tỷ đồng); Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), Vinpearl Hạ Long (1.200 tỷ đồng), Cáp treo Bà Nà (hơn 6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa – Phan Xi Păng (4.500 tỷ đồng), Khu du lịch FLC Sầm Sơn (5.500 tỷ đồng)…. Các dự án đầu tư trên góp phần hình thành một số sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch và tạo nên diện mạo mới cho ngành Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí nêu trên cần đặt quan tâm hàng đầu tới việc gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ các giá trị văn hóa, tập quán, lối sống truyền thống của cộng đồng địa phương cũng như tạo việc làm và nâng cao mức sống cho cộng đồng địa phương.
Trên cơ sở kết quả công tác đầu tư của giai đoạn trước, các địa phương đã cố gắng huy động mọi nguồn lực và tiếp tục hỗ trợ từ ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu du lịch làm tiền đề cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa phương. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho du lịch còn thấp so với nhu cầu đạt ra theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam (nhu cầu khoảng 18,5 tỷ USD, tương đương 410 nghìn tỷ đồng), hiệu quả đầu tư du lịch còn thấp.
Đối với du lịch Bình Định, giai đoạn vừa qua, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân,… công tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch đã có những bước tiến đáng kể góp phần đưa du lịch Bình Định thay đổi nhanh diện mạo của mình. Theo đánh giá của ngành, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Định đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển du lịch vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa và bảo vệ tài nguyên môi trường.
– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch: Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường mang tính chiến lược, đem lại lợi ích nhiều mặt cho kinh tế – xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng như tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu, tuyến cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội, tuyến Nhơn Hội – Tam Quan…Việc hoàn thành đường Xuân Diệu đã đem lại một bộ mặt mới cho thành phố biển Quy Nhơn ngày càng hấp dẫn khách du lịch hơn.
Việc đầu tư xây dựng nhà ga hàng không mới của sân bay Phù Cát, tăng tần suất các chuyến bay đến Bình Định, đưa máy bay Airbus vào khai thác tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Quy Nhơn; mở đường bay thẳng Hà Nội – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Hà Nội; nâng cấp ga Diêu Trì trên tuyến đường sắt Bắc – Nam và đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch 5 sao từ thành phố Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn và ngược lại…góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách đến với Bình Định.
– Đầu tư phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch: Đây là lĩnh vực đầu tư được diễn ra sôi động, đặc biệt 2 năm 2014-2015. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 50 dự án dự án đầu tư phát triển du lịch, với số vốn đăng ký khoảng 30.000 tỷ đồng, quy mô diện tích khoảng 5.000 ha và đang kêu gọi đầu tư 12 dự án với vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong số hơn 50 dự án có những dự án trọng điểm của các nhà đầu tư Chiến lược như: Dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý của tập đoàn FLC; Dự án KDL Vinpearl Quy Nhơn (khu Hải Giang, khu Mũi Tấn) thuộc tập đoàn Vingroup; Dự án Avani Resort thuộc tập đoàn Avani (Thái Lan); Dự án Khu resort Casa Maria và Khu du lịch biển Casa Marina Island (Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn) thuộc Cty CP Đầu tư Trường Thành Quy Nhơn; Dự án KDL thủy liệu pháp Kỳ Co Nhơn Hội thuộc Công ty CP dịch vụ hậu cần cảng biển Quy Nhơn; Dự án Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam thuộc Tập đoàn Giáo dục Kinder World (Singapore); Dự án KDL nghỉ dưỡng và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ suối nước nóng Hội Vân thuộc Cty TNHH Khoáng sản Tấn Phát.v.v…
– Đầu tư, tôn tạo các di sản văn hóa, giữ gìn, bảo vệ tài nguyên và môi trường: Tỉnh đã quan tâm đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư tôn tạo nhiều công trình văn hóa, di tích quan trọng; đầu tư khôi phục, phát triển một số làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Điển hình là các hạng mục gắn với di tích Tây Sơn Tam kiệt, hệ thống tháp Chăm, môi trường thành phố Quy Nhơn, vịnh Quy Nhơn – đường Xuân Diệu.
Chính nhờ chú trọng công tác đầu tư, ngành Du lịch tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Năm 2015, Du lịch Bình Định đón hơn 2,6 triệu lượt khách, tăng 25% so với năm 2014 (trong đó, khách du lịch quốc tế đạt gần 206 nghìn lượt, tăng 20% so với năm 2014; khách du lịch nội địa đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2014); doanh thu thuần túy từ du lịch đạt gần 1.037,5 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014 (tổng thu từ du lịch ước khoảng 2.700 tỷ đồng).
Đánh giá chung, công tác đầu tư phát triển du lịch Bình Định thời gian qua có thể nhận thấy: Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển du lịch Bình Định để từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều công trình di tích lịch sử – văn hóa tiếp tục được trùng tu, nâng cấp và bước đầu phát huy giá trị gắn với hoạt động du lịch. Nhiều dự án phát triển du lịch đã được triển khai thực hiện góp phần tạo động lực và bước đột phá phát triển trong hoạt động du lịch Bình Định.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa phát huy hết giá trị tài nguyên và tạo nên sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch còn chậm. Hầu hết các dự án đầu tư đều ở giai đoạn đầu phát triển, chưa có khu du lịch lớn nào hoàn thành và đi vào hoạt động. Một số dự án đầu tư chưa được thực hiện theo định hướng quy hoạch. Tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư du lịch lớn nhưng vốn giải ngân thực hiện còn rất thấp.
2. Những định hướng phát triển du lịch Bình Định trong giai đoạn mới
Là địa phương được xác định có vị trí du lịch quan trọng và thuận lợi để liên kết phát triển du lịch, tiềm năng phát triển du lịch toàn diện, kết cấu hạ tầng khá đồng bộ,.. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam, Quy hoạch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng phát triển Bình Định thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định xác định, Du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020 được định hướng trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề để đến năm 2030 du lịch là ngành kinh tế có vị trí mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá Bình Định, thân thiện với môi trường, đưa Bình Định trở thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch và thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố du lịch và giữ vai trò là một trong những trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước. Các mục tiêu cụ thể gồm:
Về khách du lịch, năm 2020 đón được khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 800 nghìn lượt khách quốc tế; năm 2030 đón được 12 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 lượt khách quốc tế.
Tổng thu từ du lịch, năm 2020, tổng thu từ du lịch của tỉnh đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm; năm 2030 đạt khoảng 33.000 tỷ đồng/năm.
Cơ sở lưu trú, năm 2020 đạt được khoảng 7.500 buồng và năm 2030 đạt khoảng 15.000 buồng, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 43% năm 2020 và 45% đến 50% trong giai đoạn đến năm 2030.
Phát triển sản phẩm du lịch, năm 2020, phát triển cơ bản Khu du lịch quốc gia Phương Mai – núi Bà; Hoàn chỉnh 3 tuyến du lịch chính của tỉnh: Tuyến ven biển Quy Nhơn – Nhơn Hội – Tam Quan; Tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu; Tuyến Quy Nhơn – An Nhơn – Tây Sơn để làm động lực phát triển du lịch toàn tỉnh và tiền đề xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định.
Đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, sinh thái chất lượng cao, bên cạnh đó phát triển điểm du lịch quốc gia gắn với di tích Tây Sơn Tam kiệt và các sản phẩm văn hóa đặc trưng khác góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Bình Định.
Tổng nhu cầu đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 dự kiến khoảng 36.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần khoảng 15.000 tỷ đồng.
3. Đầu tư phát triển du lịch Bình Định xứng đáng là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch khu vực miền Trung
Để đạt được những mục tiêu và định hướng phát triển ngành mang tính đột phá như trên, du lịch Bình Định cần xác định mục tiêu, quan điểm và hướng đầu tư phát triển du lịch cụ thể và có tính khả thi để phát triển xứng đáng với tiềm năng, trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của khu vực miền Trung.
Về mục tiêu đầu tư:
– Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại cho ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức cạnh tranh, đẳng cấp quốc tế.
– Đầu tư đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch với việc phát triển các loại hình du lịch có khả năng cạnh tranh, các cơ sở vui chơi giải trí có chất lượng cao, mang đậm bản sắc địa phương và thân thiện với môi trường…xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định để tăng cường thu hút khách du lịch.
– Đầu tư cải thiện môi trường du lịch, đưa Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín trong khu vực, xứng đáng với tiềm năng phát triển.
Về quan điểm đầu tư phát triển du lịch Bình Định:
– Tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác đầu tư phát triển du lịch theo phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải với việc tập trung đầu tư du lịch vào các lĩnh vực then chốt (là du lịch biển, đảo) ở các địa bàn trọng điểm (Phương Mai-núi Bà; Quy Nhơn-Sông Cầu) song song với việc nâng cấp các khu, điểm du lịch quan trọng để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch toàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
– Tiến hành đồng thời nhiều hình thức đầu tư (ngân sách nhà nước, đầu tư nước ngoài, liên doanh liên kết, cổ phần, tư nhân…) trong đó, ưu tiên thu hút và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, của các nhà đầu tư chiến lược có trách nhiệm với môi trường ở trong nước, phát huy nguồn nội lực, đặc biệt là nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế. Mặt khác, Bình Định cũng sử dụng hợp lý nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương cho du lịch, kết hợp với việc sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, thu hút vốn trong dân và các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Về các lĩnh vực tập trung đầu tư: Thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư, trong các lĩnh vực sau:
1. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch (hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch) để đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
2. Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển đảo là chủ lực, sản phẩm du lịch văn hóa gắn với đặc trưng văn hóa Bình Định (như di tích Tây Sơn Tam kiệt, văn hóa Chăm, nghệ thuật Bài Chòi, Võ Bình Định, hát Tuồng…), du lịch khoa học…tạo nên sự khác biệt.
3. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và đặc biệt chú trọng lao động có chất lượng cao.
4. Đầu tư cho công tác nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN trong hoạt động du lịch.
5. Đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định.
6. Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo Quy Nhơn-Bình Định là điểm đến hấp dẫn và ấn tượng.
Các khu vực tập trung đầu tư:
– Khu vực thành phố Quy Nhơn: Gắn đầu tư phát triển du lịch biển với xây dựng thương hiệu: “Quy Nhơn – Thành phố du lịch”.
– Khu du lịch quốc gia Phương Mai – núi Bà: Đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng biển, khu vui chơi giải trí, sinh thái cao cấp…
– Tuyến du lịch Quy Nhơn-Sông Cầu: Đầu tư phát triển du lịch biển, đảo, vui chơi giải trí thể thao cao cấp.
– Tuyến du lịch Quy Nhơn – Tây Sơn: Đầu tư phát triển tuyến du lịch văn hóa kết hợp sinh thái (hệ sinh thái Đông Trường Sơn).
Các dự án ưu tiên đầu tư: Để đạt được mục tiêu phát triển ngành, Du lịch Bình Định định hướng từ nay đến năm 2030 đầu tư gồm 45 dự án và nhóm dự án phát triển du lịch theo các lĩnh vực như sau:
– Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và thực hiện 15 dự án phát triển du lịch thuộc Khu du lịch quốc gia Phương Mai – núi Bà và khu kinh tế Nhơn Hội (trên tuyến du lịch ven biển Phương Mai – núi Bà).
– Thực hiện 10 dự án và nhóm dự án thuộc tuyến ven biển Quy Nhơn – sông Cầu.
– Hoàn thiện 6 dự án thuộc Điểm du lịch quốc gia Bảo tàng Quang Trung – Tây Sơn tam kiệt (tuyến du lịch văn hóa, sinh thái Quy Nhơn – An Nhơn – Tây Sơn) và 14 dự án và chương trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tại các khu vực khác.
Từ những định hướng chiến lược trên, để đạt được hiệu quả và tạo ra bước chuyển quan trọng trong đầu tư phát triển du lịch Bình Định, Hội nghị lần này cần tập trung thảo luận tiếp tục đưa ra các giải pháp trước mắt mang tính đột phá, cũng như những giải pháp mang tính tầm nhìn dài hạn, trong đó tiếp tục cần có sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tỉnh Bình Định, sự chung tay của các bên, các tổ chức liên quan, sự hưởng ứng, vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược, của các doanh nghiệp và của chính cộng đồng người dân Bình Định để những cơ hội đầu tư, các dự án ưu tiên đầu tư cũng như các định hướng phát triển du lịch được hiện thực và tạo ra sự bứt phá, chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển du lịch Bình Định, xứng đáng là địa bàn trọng điểm du lịch của khu vực miền Trung và của Việt Nam./.
TS.KTS Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch