Đề tài NCKH cấp Bộ “Đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên, môi trường khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh”
Tính cấp thiết
Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt tại quyết định số 307/TTg ngày 24/5/1995 đã xác định khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh là một trong 7 trọng điểm phát triển du lịch của cả nước cần được tập trung đầu tư phát triển. Đối với trọng điểm này, khu vực Hạ Long – Cát Bà đóng một vai trò đặc biệt có tính chất là hạt nhân cơ bản và sẽ được ưu tiên quy hoạch phát triển thành một khu du lịch biển lớn có tầm cỡ quốc tế ở nước ta.
Sự phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác trên địa bàn khu vực nghiên cứu trong những năm qua đã chỉ ra những bất cập giữa khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên, giữa lợi ích trước mắt và phát triển lâu dài… và nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi có sự phối kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong vấn đề nghiên cứu biến động môi trường và từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu.
Mục tiêu nghiên cứu: đánh giá được những tác động chủ yếu của hoạt động du lịch đến tài nguyên và môi trường làm căn cứ đề xuất các giải pháp giảm thiểu, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững ở khu vực trọng điểm phát triển du lịch duyên hải Đông Bắc.
Nội dung nghiên cứu:
§ Đánh giá các tiềm năng tài nguyên du lịch, hiện trạng và định hướng phát triển ngành du lịch tại khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, xác định mức độ đóng góp của du lịch vào quá trình gây ô nhiễm Vịnh Hạ Long – Quảng Ninh – Hải Phòng.
§ Trên cơ sở phát triển du lịch, xây dựng các định hướng chiến lược để phát triển du lịch bền vững theo quan điểm tài nguyên và môi trường, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến tài nguyên và môi trường thuộc khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh.
Các kết quả chủ yếu :
– Đã hệ thống được những tài nguyên du lịch chủ yếu ở khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, trong đó xác định những dạng tài nguyên nhạy cảm dễ biến đổi dưới tác động của hoạt động du lịch. Ngoài ra, hiện trạng một số thành phần môi trường tự nhiên cũng được xác định.
– Đã tổng quan được hiện trạng phát triển du lịch ở khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh đến thời điểm nghiên cứu (2004), trong đó xác định được những loại hình du lịch/hoạt động du lịch có khả năng gây những tác động đến tài nguyên, môi trường du lịch như hoạt động xây dựng phát triển các khu du lịch; hoạt động tham quan du lịch ở các khu bảo tồn thiên nhiên,cảnh quan gắn với văn hoá, lễ hội ở khu vực vịnh Hạ Long, Cát Bà và Đồ Sơn.
– Dự báo sự phát triển của hoạt động du lịch ở khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh và khả năng tác động của sự phát triển này đến tài nguyên, môi trường khu vực. Một số tác động được lượng hoá như thải lượng (chất thải lỏng, chất thải rắn) từ hoạt động phát triển du lịch cũng đã được tính toán. Đây là căn cứ quan trọng để xem xét mức độ tác động của hoạt động du lịch trong những năm tới đây đối với tài nguyên và môi trường khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trong mối quan hệ với những tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội khác;
– Trên cơ sở những đánh giá và dự báo trên đối với tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên và môi trường và kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế tác động của hoạt động du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững ở khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh. Những giải pháp cơ bản bao gồm : giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch; giải pháp về hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy đối với việc quản lý các tác động từ hoạt động phát triển du lịch; giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước (tổ chức bộ máy, đội ngũ và các phương tiện); giải pháp về nâng cao nhận thức xã hội mà trước hết là các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch về phát triển du lịch bền vững; và giải pháp khuyến khích sự phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm với tài nguyên, môi trường, trong đó du lịch sinh thái là ưu tiên
Một số kiến nghị
– Đối với chính quyền các địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh : cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống quy hoạch du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng việc liên kết trong phát triển các tuyến điểm du lịch; trong điều tra đánh giá và bảo tồn các giá trị tài nguyên, môi trường du lịch cho phát triển du lịch bền vững ở khu vực này;
– Đối với các doanh nghiệp du lịch : cần tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch trong các hoạt động kinh doanh du lịch. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế thể hiện trách nhiệm vật chất của doanh nghiệp đối với việc bảo tồn tài nguyên và môi trường cho phát triển du lịch bền vững; cần hướng tới việc xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường trong chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.