Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên du lịch trong giai đoạn vừa qua
Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu ra đời năm 1992 là một trong những điều ước quốc tế quan trọng để các nước cùng chung sức đối phó với thách thức này. Việt Nam đã tham gia Công ước ngày 16/11/1994 và ký tham gia Nghị định thư Kyoto (kèm theo Công ước khung về biến đổi khí hậu) năm 1998.
Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi chế độ nhiệt, chế độ nước trên trái đất. Trong thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất tăng và có sự chuyển dịch các đới khí hậu. Đây là hai trong số các hậu quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu dẫn đến mưa nhiều hơn, nhưng lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian và làm cho nhiều nơi trên trái đất bị lũ lụt, trong khi nhiều khu vực bị hạn hán nghiêm trọng.
Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1,5-4,5oC trong vòng 100 năm tới. Trong thế kỷ trước, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã dâng lên khoảng 15 cm; dự đoán đến năm 2030, mực nước biển sẽ dâng thêm 18 cm nữa. Nếu tiếp tục xu thế phát thải khí nhà kính như hiện nay thì mức dâng lên của mực nước biển vào năm 2100 có thể tới 65 cm so với hiện nay. Mực nước biển dâng lên có thể làm nhiễm mặn các nguồn cung cấp nước ngọt cho các hoạt động sản xuất và đời sống và đe doạ các quốc đảo và vùng đất thấp.
Các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, vận tải, công nghiệp, quản lý rác thải … là những lĩnh vực gây phát thải nhiều các khí nhà kính vào khí quyển. Các nước tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu đã cam kết tiến hành kiểm kê và công bố quốc gia về khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Nước ta đã tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đã triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đã có các chương trình tăng cường các bể hấp thụ CO2 như chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, bảo vệ và phát triển các khu dự trữ sinh quyển được công nhận; triển khai rộng rãi các hầm khí biogas nhằm hạn chế phát thải khí mêtan, thành lập Cơ quan thẩm quyền quốc gia để xem xét, phê duyệt các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Các dự án đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo (thuỷ điện, phong điện), thu gom khí mêtan, phát triển hầm biogas, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu động cơ… là những dự án được khuyến khích ở nước ta.
1. Tác động của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên tự nhiên
Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
1.1. Tác động của biến đổi khí hậu đến các yếu tố tự nhiên (khí hậu, địa chất, địa hình, địa mạo, thủy văn…)
Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển du lịch, tác động xấu đến tài nguyên du lịch, Những khu vực được xác định chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như sau:
– Hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra những biến đổi hoàn lưu khí quyển và đại dương, đặc biệt là hoàn lưu gió mùa và hoàn lưu nhiệt – muối dẫn đến những biến động về nhiệt độ, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết.Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình ở nước ta tăng khoảng 0,1°C/thập niên. Hiện tượng Elnino ngày càng có tác động mạnh đến chế độ thời tiết và khí hậu ở nhiều khu vực. Nhiệt độ gia tăng và nắng gắt, khô hạn đã gây ảnh hưởng tới mực nước của các con sông, lòng hồ, khe suối,…vốn được dùng để khai thác du lịch đường sông, hoặc những con suối đẹp không có nước chảy làm mất đi cảnh quan du lịch.
Hình 1: Sông Hồng cạn nước, không thể khai thác được tuyến du lịch đường sông
– Tăng lượng bốc hơi trên lục địa và đại dương dẫn đến tăng hàm lượng ẩm trong khí quyển và tăng hội tụ ẩm từ đại dương vào lục địa làm tăng khả năng mưa lớn trên lục địa.Mùa bão kéo dài và dịch lùi dần về các tháng cuối năm, quỹ đạo của các cơn bão cũng có xu hướng chuyển dần về các vĩ độ phía Nam. Các tỉnh và thành phố duyên hải miền trung chịu ảnh hưởng khoảng 70% tổng số các cơn bão đổ bộ vào nước ta, trong đó, 60 – 65% số cơn bão có sức mạnh từ cấp 8 – cấp 12 kèm với triều cường nên hậu quả gây ra đối với môi trường và đời sống của nhân dân là rất nghiêm trọng. Mưa to với mật độ dày gây làm ngập lụt các đoạn đường đến các địa điểm du lịch, gây sụt lún, bào mòn hệ thống hang động, núi đá vôi,… làm mất đi cảnh quan sinh thái khu, điểm du lịch.
– Kết quả quan trắc trong vòng nửa thế kỷ tại ba trạm Hòn Dấu, Cô Tô và Hòn Ngư mực nước biển đã dâng lên trung bình từ 2,5 – 3 cm/thập niên. Nước biển dâng làm thay đổi địa hình và thềm biển, làm thu hẹp và thay đổi độ sâu của các bãi tắm.
– Dòng chảy lũ đã tăng lên ở hầu hết các vùng, nhất là Bắc và Trung Trung Bộ, trong khi đó dòng chảy kiệt giảm đi ở các vùng có lượng mưa mùa khô giảm, đặc biệt là Tây Nguyên, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, những nơi có nhiều tài nguyên du lịch nhưng hàng năm vẫn chịu hạn hán nặng nề vào mùa khô.Như vậy, trên cả 2 sông lớn, tác động của BĐKH làm cho dòng chảy năm của sông Hồng và sông Cửu Long giảm đi. Điều đó có nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn.
Ở vùng ven biển, đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu (hiện tượng estuary) trên những diện rộng. Rõ nhất là vùng hạ du hệ thống sông Thái Bình – Bạch Đằng, ở vùng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hệ thống sông Đồng Nai, ở vùng ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Vào mùa khô, các nhánh sông và dòng sông ở các khu vực này đã không thể đóng vai trò tiêu thoát nước về phía biển, biến thành những dòng sông, kênh tù đọng với mức độ ô nhiễm nhân tạo gây ảnh hưởng đến cảnh quan nguy hại cho đời sống của những vùng dân cư thuộc các lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Châu Giang ở phía tây nam Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Thành phố Hội An có bờ biển kéo dài khoảng 7km, từ năm 2009 đến nay tình trạng mất đất do nước biển xâm thực đã xảy ra liên tục đặc biệt ở khu vực biển Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tuyến đường ven biển Âu Cơ ở khu vực biển Cửa Đại trước đây cách biển hơn 200m nhưng đến năm 2014 nước biển đã xâm thực chỉ còn cách đường khoảng 40m; sóng biển đã cuốn đi nhiều bãi tắm đẹp ở khu vực này.
Tại khu vực Nam Bộ, các chỉ số cực đoan liên quan đến lượng mưa cho thấy: Các hiện tượng cực đoan liên quan đến mưa lớn giảm đáng kể trên khu vực Nam Bộ, đặc biệt là ở Vũng Tàu, Côn Đảo và Rạch Giá, tuy nhiên, cực đoan liên quan đến mưa lớn lại xuất hiện nhiều hơn ở Cần Thơ. Đối với hai đảo có giá trị cao trong khai thác phát triển du lịch như Phú Quốc và Côn Đảo, lượng mưa giảm dẫn đến lượng nước ngọt giảm sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt và kinh doanh du lịch trên đảo.
Hình 2: Hồ Dương Đông – đảo Phú Quốc cũng cạn nước vào mùa khô
1.2. Tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên
Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, dự tính khoảng 20 – 30% các loài thực vật và động vật được đánh giá là ở trong tình trạng nguy cơ bị tiêu diệt tăng lên. Theo đó, tài nguyên du lịch tại các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, Khu Ramsar bị mất đi một phần hoặc phần lớn, do vậy giảm sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, trong 50 năm trở lại đây, tần suất xảy ra các đợt nắng nóng đã tăng từ 2-4 lần. Nhiều khả năng trong 40 năm tới, số lượng các đợt nắng nóng sẽ tăng 100 lần.
Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt quá 1,5 – 2,5oC, kết hợp với hàm lượng khí CO2 trong khí quyển tăng, sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái, sự tương tác sinh thái của các loài và sự phân bố địa lý của chúng với những hậu quả tiêu cực là chính đối với tính đa dạng sinh học.
Nhiệt độ tăng lên ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và hệ sinh thái nước ngọt, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng, một số loài có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới bị mất đi dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học.
Do nhiệt độ trên đại dương và trong khí quyển tăng đã đẩy tốc độ cơn bão đạt mức cao. Khi một số nơi trên thế giới đang phải hứng chịu cảnh ngập lụt do mực nước biển dâng và bão lũ, thì ở nhiều nơi khác lại đang bị hạn hán. Các chuyên gia ước tính tình trạng hạn hán sẽ tăng ít nhất 66% do khí hậu ngày càng ấm hơn. Hạn hán xảy ra thường xuyên sẽ thu hẹp nguồn cung cấp nước, làm giảm chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, khiến nguồn cung ứng lương thực bị giảm…
Nhiệt độ tăng cùng với khô hạn đã làm tăng các vụ cháy rừng vào mùa khô, làm mất đi những cánh rừng nguyên sinh, các khu bảo tồn có thể dùng để khai thác du lịch sinh thái, du lịch leo núi mạo hiểm.
Hệ sinh thái biển và ven biển bị thay đổi do mực nước biển dâng, nhiệt độ và độ mặn thay đổi cùng với những thay đổi về dòng chảy, sóng, biên độ thủy triều, xâm nhập mặn và xói lở bờ biển. Các rạn san hô rất dễ bị tổn thương do nhiệt độ nước biển tăng lên vì khả năng thích ứng kém. Nhiệt độ mặt nước biển tăng đã làm cho san hô bị biến màu thành trắng và chết hàng loạt như ở Phú Quốc (56.6%). Vùng đất ướt ven biển bao gồm cả đầm lầy và rừng ngập mặn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do mực nước biển dâng, nhất là ở những nơi chúng bị áp lực từ phía bờ hoặc bị chết đói do bồi lắng.
Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong số 10 thành phố bị ngập lụt nhất thế giới dưới tác động của nước biển dâng. Tại Hải Phòng, trong 1 thập kỷ qua, mực nước biển đã tăng cao hơn 20 cm. Một số vùng cửa sông ven biển ở Hải Phòng có hiện tượng bị nước biển xâm thực, đặc biệt mạnh tại khu vực Phù Long, đảo Cát Hải, Đình Vũ, ven đê biển 1, đê biển 2. Một số vùng cửa sông nền địa chất yếu, xuất hiện nhiều vùng xoáy nguy hiểm, tình trạng xói lở bờ sông có chiều hướng gia tăng, không theo quy luật. Một số vùng bãi triều xuất hiện rất rõ tình trạng nước biển dâng cao, thủy triều lên xuống bất thường…Các điều kiện tự nhiên thay đổi cũng khiến thói quen sống và sinh sản của thủy, hải sản có những biến động. Nhiều loài sinh vật biển cũng bị suy giảm nghiêm trọng và giảm dần về chất lượng cũng như trữ lượng.
Nước biển dâng đã làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn/các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước, các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa bao gồm cả – các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh quyển. Vùng cửa sông, ven biển Đồng bằng Nam Bộ từ Vũng Tàu đến Hà Tiên bao gồm các tỉnh, thành là thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang với chiều dài trên 700km. Dọc theo đường bờ biển có tới 23 cửa sông, trong đó đặc biệt quan trọng là các cửa sông Cửu Long và cửa sông Đồng Nai – Sài Gòn, đây là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng mạnh của triều Biển Đông và Biển Tây.
Hiện tượng sạt lở bờ biển trên nhiều đoạn kéo dài với tốc độ phá hủy bờ sâu vào đất liền hàng chục, thậm chí hàng trăm mét, xảy ra thường xuyên trong nhiều năm gần đây, liên quan đến sự tàn phá do gia tăng bão, sóng lớn và sự thay đổi của động lực biển ở đới bờ. Hiện tượng này đã hình thành các cồn cát chắn và tái trầm tích bồi lấp luồng vào các cửa sông, gây trở ngại lớn cho hoạt động vận tải ra vào các cảng biển, khiến cho những công trình nạo vét rất tốn kém đều nhanh chóng bị vô hiệu hóa.
Hình 3: Sạt lở tại bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam
Việt Nam có đa dạng sinh học cao, nhưng đang bị suy thoái nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biến đổi khí hậu, cùng với các hệ quả của nó như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất sẽ thúc đẩy cho sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, trầm trong hơn, nhất là những hệ sinh thái rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn và các loài đang nguy cấp với số lượng cá thể ít. Khi mức nước biển dâng lên cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng mức quốc gia, sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu và nội địa, giết chết nhiều loài động và thực vật nước ngọt của hệ sinh thái quan trong này và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng.
Bảng Khái quát các tác động của BĐKH đến HST và DĐSH
STT |
Hệ sinh thái |
Tác động đến HST |
Tác động đến loài |
|
1 |
Hệ sinh thái biển và ven biển |
|||
HST biển vùng nông và gần bờ |
– Điều kiện sinh thái thay đổi, – Phân bố và cấu trúc quần xã thay đổi |
– Cấu trúc , thành phần và trữ lượng của hải sản/ cá thay đổi/ giảm – Sinh vật thức ăn tầng trên và giữa giảm – Cá nhiệt đới tăng, cá ôn đới (giá trị cao)giảm, Di cư bị động |
||
HST rừng ngập mặn |
Mất hoặc thu hẹp diện tích |
Mất nơi sống của các loài, mất loài. |
||
HST ven biển |
Vùng dân cư bị thu hẹp, mất đất ở và canh tác |
Mất nơi sống của các loài, mất loài. |
||
2 |
Hệ sinh thái rừng |
– Ranh giới các kiểu thảm thực vật thay đổi – Chỉ số tăng trưởng sinh khối giảm – Nguy cơ cháy rừng tăng, – Dich và sâu bệnh thay đổi và tăng, khó phòng chống |
– Cấu trúc thành phần loài thay đổi – Nguy cơ diệt chủng loài gia tăng |
|
3 |
Hệ sinh thái Nông nghiệp |
– Diện tích mặn hóa tăng (ven biển), – Cấu trúc quần xã cây trồng thay đổi
|
– Sinh vật nước ngọt thu hẹp – Cây trồng nhiệt đới mở rộng (lên cao và phía Bắc), – Cây trồng ôn đới thu hẹp |
1.3. Tác động đến các di sản thiên nhiên
Biến đổi khí hậu đã góp phần làm cho Động Phong Nha trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) bị ngập lụt vào mùa mưa thường niên. Nước lũ đã tác động làm giảm thiểu độ bền của hang, nước xoáy, va đập gây xói lở lòng hang động và đục khoét lòng sông dẫn vào hang.
Trong thời gian qua, kèm với lũ lụt và không khí nóng ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, mối mọt, cây cối mọc ký sinh trên các công trình, dẫn đến sự phá hủy di tích.
Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, hơn một triệu km2 lãnh hải và trên 3.000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp ven biển, trong đó có trên 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và trên 30% diện tích đồng bằng sông Hồng – Thái Bình có độ cao dưới 2,5m so với mặt biển. Các bãi biển phân bố trải dài ven biển, đặc biệt là Vịnh Hạ Long và hệ thống gần 3.000 đảo ven bờ như các khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), U Minh thượng (Kiên Giang), hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới tại các Vườn quốc gia v.v… thay đổi. Hàng năm, các di sản này vẫn đe dọa bị nhấm chìm khi mực nước biển dâng cao.
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hệ thống núi đá và hang động Karster… sẽ bị ảnh hưởng bởi các trận mưa kéo dài, mưa axit gây bào mòn, đứt gãy, sụt lún làm mất đi cảnh quan và kiến trúc tự nhiên của tài nguyên du lịch.
2. Tác động của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên du lịch nhân văn
Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
2.1. Tác động đến các yếu tố văn hóa
Biến đổi khí hậu mà biểu hiện là nước biển dâng cao đã có hiện tượng xâm nhập mặn, những vùng thấp, ven biển. Hiện nay, Vùng Đồng bằng sông Hồng, lưu lượng về hạ du giảm, mực nước sông Hồng xuống thấp và nước biển dâng cao kết hợp triều cường dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng phức tạp. Kết quả quan trắc, đánh giá số liệu đo độ mặn cho thấy vào mùa kiệt nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có độ mặn vượt quá nồng độ cho phép. Do vậy, với nền văn minh lúa nước nổi tiếng là sản phẩm đặc thù của vùng sẽ bị mai một. Ngoài ra, hệ thống miệt vườn sông nước Cửu Long cũng bị ảnh hưởng tương tự… Mặt khác, nước biển dâng sẽ làm mất đi nơi sống của các cộng đồng lâu đời với các nét văn hóa, truyền thống đã và đang được khai thác du lịch.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai (bão lụt, lũ quét, hạn hán, sạt lở) xảy ra với cường độ và tần suất cao, làm mất đi các hệ sinh thái nông nghiệp như ruộng bậc thang, các vườn hoa, cây cảnh, …
Quá trình ứng phó với BĐKH đã làm ảnh hưởng đến tập quán canh tác cũng như sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc miền núi, đặc biệt là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…
Hình 4: khô hạn nên nhiều diện tích trông lúa phải chuyển sang trồng màu
– Các thiết chế văn hóa như nhà bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc và các công trình văn hóa cũng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được xây dựng của đồng bào dân tộc thiểu số khi xây dựng các công trình này, người thiết kế chưa phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu thấu đáo bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tộc người dân. Do vậy, nhiều nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau khi khánh thành vẫn không thu hút được nhân dân đến sinh hoạt.
– Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tác động đến các nghệ nhân – chủ nhân của các biểu hiện và hoạt động văn hóa. Đó là làm thay đổi lối sống, cách làm việc, thờ tự của các cộng đồng và xã hội tại các công trình xây dựng và cảnh quan, có khả năng làm cho con người phải di chuyển chỗ ở và từ bỏ di sản của họ.
2.2. Tác động đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể
Biến đổi khí hậu với biểu hiện là nước biển dâng các thiên tai như bão lụt, sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến các di sản như Quần thể di tích kiến trúc Huế (Thừa Thiên – Huế), Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), Nhà vườn Huế, hệ thống đền – tháp Chăm ở khu vực miền Trung. Những di sản này hàng năm phải đón nhận các trận mưa, bão, lốc… gây ra hiện tượng ngập lụt, các công trình kiến trúc bị mối mọt, nấm mốc là cho xuống cấp, tàn phá… Các nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, các di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài, bị sụp đổ hoặc mất hoàn toàn do tác động vật lý của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng (bão kết hợp thủy triều; lốc xoáy kết hợp mưa lớn, v.v…).
Hình 5: Phố cổ Hội An bị ngập trong nước lũ
Các cộng đồng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian, đặc biệt là ở những vùng tập trung nhiều rủi ro sẽ bị tổn thương nhiều nhất vì khả năng thích ứng kém và phụ thuộc nhiều vào các tài nguyên thiên nhiên.
Đối với di sản thiên nhiên thế giới Không gian văn hóa cồng chiêng. Biến đổi khí hậu đã góp phần làm thay đổi địa bàn cư trú của các tộc người, cùng với ảnh hưởng của tập quán du canh du cư, nhiều cánh rừng thiêng đã lần lượt biến mất. Do đó, môi trường sinh thái nhân văn mất đi cũng đồng nghĩa với sự mất đi của không gian văn hóa cồng chiêng, mất đi những dấu tích vật chất lưu giữ những giá trị của văn học dân gian.
2.3. Tác động của BĐKH đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật ven biển
Nước biển dâng cùng với sóng, gió, triều cường và nước dâng do bão gia tăng làm tăng ngập lụt và xói lở bờ biển, tác động trực tiếp đến các công trình xây dựng trên biển và ven bờ như các cảng du lịch, các nhà máy điện chạy khí và hệ thống chuyển tải, phân phối điện, bến bãi, kho tàng, các công trình xây dựng công nghiệp, hệ thống giao thông ven biển, hệ thống đê biển, các thành phố, đô thị, khu công nghiệp, làm gia tăng chi phí cho việc bảo vệ, gia cố, duy tu, bảo dưỡng hoặc di dời. Một số công trình đã bị phá hủy do không có khả năng bảo vệ.
Một số khu du lịch ven biển, các resort, khu nhà nhà hàng, khách sạn do tác động của nước biển dâng đã phải di dời hoặc biến mất gây tổn hại lớn cho các nhà đầu tư cũng như ngành du lịch. Mức độ tác động phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương và tình trạng của các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng tác động đến các nơi cư trú của cộng đồng dân cư ven biển và cơ sở hạ tầng về du lịch (khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển) ảnh hưởng đến đời sống dân cư và làm giảm tính hấp dẫn của các khu nghỉ dưỡng và du lịch trên vùng núi cao. Những điều trên đây sẽ ảnh hưởng đến số lượng khách du lịch hàng năm, nhất là về mùa hè.
2.3. Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường du lịch
Môi trường trong lành, mát mẻ vốn là một trong số những yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch, do vậy có thể coi đó như 1 loại tài nguyên du lịch quan trọng và cần phải bảo vệ trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trong thời gian vừa qua, môi trường du lịch tại một số khu du lịch đã phải hứng chịu các tác động tiêu cực không nhỏ từ biến đổi khí hậu.
Ở vùng ven biển, đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu (hiện tượng estuary) trên những diện rộng, nhất là ở hạ du các hệ thống sông nghèo phù sa. Tiêu biểu là vùng hạ du hệ thống sông Thái Bình – Bạch Đằng, ở vùng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hệ thống sông Đồng Nai, ở vùng ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Vào mùa khô, các nhánh sông và dòng sông ở các khu vực này đã không thể đóng vai trò tiêu thoát nước về phía biển, biến thành những dòng sông, kênh tù đọng gây ô nhiễm môi trường, phá hủy cảnh quan ảnh hưởng đến việc khai thác kinh doanh du lịch.
Ở vùng núi, đặc thù của BĐKH đó chính là nhiệt độ cao tăng và mùa đông ngắn hơn so với trước đây. Theo số liệu quan trắc nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè. Lượng mưa và mùa mưa thay đổi tùy theo các vùng. Hậu quả là cường độ bão lũ gia tăng, hạn hán và thiếu nước kéo dài. Hạn hán năm 2009, kéo dài đến 2010 trên hầu hết các tỉnh Miền núi phía Bắc làm thiệt hại rất lớn, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, điển hình là cháy rừng ở Vườn Quốc Gia Hoàng Liên vào tháng 1/2010 thiêu chụi hơn 1.000 héc ta rừng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan du lịch và môi trường không khí trong lành tại VQG.
Bão lụt và hạn hán tăng đe dọa lớn tới chất lượng môi trường sống của con người, bởi bão lụt tạo môi trường sống lý tưởng cho các loài muỗi và ký sinh trùng, chuột và nhiều sinh vật mang bệnh khác phát triển mạnh. Những khu du lịch miền núi, cộng đồng ít có sự đầu tư về công tác vệ sinhmôi trường và công nghệ xử lý ô nhiễm sẽ bị ảnh hưởng của tác động trên, làm giảm sức hấp dẫn đối với du khách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, “Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam”;
2. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, “Các giải pháp thích ứng và ứng phó, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam”
3. Hoàng Văn Đại, Đặng Thu Hiền, Phan Văn Thành, Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích, Đặng Thị Lan Phương, Cập nhật mô hình dự báo lũ trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình và một số kết quả dự báo lũ năm 2012.
4. Trần Đình Phương, Hoàng Lê Nhung, Xâm nhập mặn mùa khô các năm 2011-2013 ở Đồng bằng sông Cửu Long và công tác dự báo mặn của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ;
5. Trần Thanh Xuân, Hoàng Minh Tuyển, Lương Hữu Dũng, Ngô Thị Thủy, Diễn biến mặn ở đồng bằng sông Cửu Long,
6. Đinh Đức Trường, Lê Hà Thanh, Phan Thị Anh Đào, Lê Xuân Tuấn, Lượng giá giá trị du lịch của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
7. Mai Văn Khiêm, Hoàng Đức Cường, Nguyễn Đăng Mậu, Nguyễn Thị Bình Minh , Lương Quang Huy, Nghiên cứu sự biến đổi của cực đoan khí hậu khu vực Nam Bộ thời kỳ 1961-2010
8. Nguyễn Thị Liễu, Huỳnh Thị Lan Hương Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Ảnh hưởng của BĐKH đến tính mùa vụ trong hoạt động du lịch biển ở Việt Nam.
9. Đặng Thanh Bình, Phan Thị Hoàn, Biến đổi khí hậu và thiên tai ở Miền Trung.
10. Báo cáo Đánh giá tác động của BĐKH – NBD đối với ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050, VNMC, 2011.
ThS. Nguyễn Thùy Vân – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch