Thực trạng phát triển du lịch hồ Hòa Bình
1. Vị trí địa lý khu du lịch Hồ Hòa Bình
Hồ Hòa Bình là một trong 46 khu du lịch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch Quốc giá. Hồ nằm trong vùng Trung du miền núi phía Bắc , liền kề với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, khách công vụ, đặc biệt là khách nghỉ cuối tuần từ Hà Nội và các tỉnh thuộc tiểu vùng Tây bắc đến thăm quan nghỉ dưỡng.
Hồ Hòa Bình có chiều dài khoảng 70 km, nằm trải rộng trên địa bàn 17 xã ở 5 huyện, thành phố là: huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và Thành phố Hòa Bình. Hồ được hình thành sau khi có công trình thuỷ điện Hoà Bình, rộng từ 1- 2 km, sâu từ 80 – 110 m, dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích 157,5 ha.
Theo các quy hoạch trước đây, ranh giới Khu du lịch Hồ Hòa Bình được xác định như sau:
– Phía Đông Bắc – Thành phố Hòa Bình có: Xã Thái Bình, xã Thái Thịnh, phường Tân Thịnh và phường Phương Lâm.
– Phía Đông Nam – Huyện Cao Phong có: Xã Bình Thanh và xã Thung Nai.
– Phía Nam – Huyện Tân Lạc có: Xã Ngòi Hoa và xã Trung Hoà.
– Phía Bắc- Huyện Đà Bắc có: Xã Đồng Ruộng, Toàn Sơn, Hiền Lương, Tiền Phong, Vầy Nưa, Yên Hoà, Tân Dân và một phần xã Cao Sơn (Có bản Xưng).
– Phía Tây, Tây Nam – Huyện Mai Châu có: Xã Phúc Sạn, Tân Mai.
– Khu bảo tồn rừng Quốc gia Pu Canh – Đà Bắc.
2. Đặc điểm tự nhiên khu du lịch Hồ Hòa Bình
2.1. Địa hình
– Địa hình phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách.
– Địa hình bị che cắt bởi nhiều ngòi, khe, suối, độ dốc bình quân 300, độ che phủ bình quân 30%.
– Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích 157,5 ha. Phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, hai bên bờ hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng.
– Theo số liệu thống kê của của Cục thống kê tỉnh Hoà Bình, độ cao trung bình so với mặt nước biển của 5 huyện:
+ Huyện Đà Bắc độ cao trung bình 560m.
+ Huyện Mai Châu độ cao trung bình 500m.
+ Huyện Cao Phong độ cao trung bình 251m.
+ Huyện Tân Lạc độ cao trung bình 318m.
+ Thành phố Hòa Bình độ cao trung bình 20m.
– Trong đó, tại huyện Đà Bắc có núi Phu Canh, Phu Xúc (Độ cao 1.373m), núi Đức Nhân (Độ cao 1.320m), núi Biều (Độ cao 1.196m), núi Hêu (Độ cao 1.162m), núi Phú Bua (Độ cao 1.078m), núi Mường Chiềng (Độ cao 1.011m). Huyện Mai Châu có núi Spai Lĩnh (Độ cao 1.278m). Huyện Tân Lạc có núi Thạch Bi (Độ cao 1.108m), là những huyện có núi cao trên 1000m so với mặt nước biển.
2.2. Khí hậu, thuỷ văn
2.2.1 Khí hậu
– Nhiệt độ: Hồ Hoà Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có ảnh hưởng nội khí hậu vùng hồ. Mùa đông ngắn, lạnh, ít mưa. Mùa hè dài, nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ cao nhất trong năm thường từ tháng 5 – 9 và nhiệt độ thấp nhất tập trung vào tháng 1 – 2.
– Độ ẩm trong năm: Độ ẩm trung bình: 83,3%; Độ ẩm cao nhất :86,0%; Độ ẩm thấp nhất: 81,0%.
– Lượng mưa bình quân 167,8mm/năm, mưa tập trung vào tháng 4 đến tháng 9. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 5,6,7,8. Có những trận mưa kéo dài liên tục từ 2 đến 3 ngày. Tháng 01, 03, 10, lượng mưa không đáng kể, dễ gây hạn hán.
2.2.2. Thuỷ văn
a. Nguồn nước mặt
Lưu vực Sông Đà có hệ thống sông suối dày đặc, với khoảng 200 chi lưu, có tổng chiều dài 4.495km. Mật độ sông suối bình quân 0,17km/km2.
Nước Hồ Hoà Bình được điều tiết trong năm, vào cuối mùa mưa, nước được trữ trên thượng lưu ở cốt 117, trước mùa lũ, ở cốt 90. Sự chênh lệch cốt này khiến việc giao thông trên dòng sông không thuận lợi, cảnh quan thay đổi bất lợi cho việc khai thác du lịch. Mặt khác, trong mùa mưa, việc giao thông trên lòng hồ gặp rất nhiều trở ngại (Do lũ, do rác, củi gỗ trôi trên sông, dòng sông bị đục, ngoại trừ Vịnh Ngòi Hoa).
b. Nguồn nước ngầm
Nước sinh hoạt: Nhờ sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình định canh định cư, chương trình nước sạch nông thôn, chương trình 135, đến nay khoảng 90% đồng bào vùng cao đã có nước sinh hoạt từ các công trình tự chảy.
Tuy chưa có những nghiên cứu đầy đủ, nhưng hiện nay, tại các địa phương ven hồ, nguồn nước giếng được dùng ở mặt nông, nên vẫn là các nguồn nước mặt, còn ở phạm vi bên trong, khu vực xa hồ, nguồn nước ngầm không đồng nhất ở từng vị trí. Do đó cần có những khảo sát tính toán và xác định cụ thể trữ lượng nước của từng địa phương trong quá trình tiến hành làm du lịch tại các địa phương đó.
2.3. Địa chất, thổ nhưỡng, rừng và hệ sinh thái
2.3.1. Địa chất thổ nhưỡng
Lưu vực sông Đà nằm trọn trong đới kiến tạo sông Đà, được hình thành chủ yếu vào thời kỳ hoạt hoá, tách dãn, sụt lún vào cuối niên đại Cổ sinh (Poleozoi), đầu đại Trung sinh (Mezozoi), cách đây khoảng 248 triệu năm. Các loại đá mẹ tạo đất chủ yếu gồm:
– Phức hệ đá trầm tích và đá biến chất có nguồn gốc trầm tích là đá trầm tích và đá vôi.
– Đá Macma bao gồm Macma axit và Macma bazơ.
Các loại đá mẹ phân bố xen kẽ nhau, tuỳ theo mức độ phong hoá mà hình thành nên các loại đất khác nhau.
Tài nguyên đất: Đất đai ven hồ, quanh khu vực quy hoạch phù hợp với nhiều loại cây trồng như cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Đó là nguồn tài nguyên quý để phát triển sản xuất.
Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản trong khu vực Hồ Hòa Bình chủ yếu là đá vôi, với nhiều núi đá có thể sử dụng, khai thác vào sản xuất vật liệu xây dựng như đá làm cầu đường, đá xây dựng v.v. Ngoài ra còn có quặng sắt, mỏ than đá, mỏ vàng v.v…
3. Hiện trạng phát triển du lịch tại khu du lịch Hồ Hòa Bình
3.1. Số lượt khách
Bảng 1: Số lượt khách đến KDL Hồ Hòa Bình và so sánh với Tỉnh giai đoạn 2010 – 2014
STT |
Các chỉ tiêu |
Đv tính |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
Tỷ lệ % |
TTBQ |
Huyện Đà Bắc |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
33.500 |
35.700 |
46.600 |
66.000 |
76.500 |
25.25 |
23% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
20 |
0 |
20 |
80 |
100 |
|
||
– Khách nội địa |
Lượt |
33.480 |
35.700 |
46.580 |
65.920 |
76.400 |
|
||
Huyện Cao Phong |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
79.900 |
84.700 |
82.700 |
84.500 |
116.600 |
38.48 |
10% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
7.500 |
2.700 |
3.400 |
2.900 |
2.700 |
|
||
– Khách nội địa |
Lượt |
72.400 |
82.000 |
79.300 |
81.600 |
113.900 |
|
||
Huyện Tân Lạc |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
17.100 |
19.700 |
21.300 |
24.500 |
25.900 |
8.55 |
11% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
140 |
300 |
340 |
40 |
100 |
|
||
– Khách nội địa |
Lượt |
16.960 |
19.400 |
20.960 |
24.460 |
25.800 |
|
||
Huyện Mai Châu |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
4.900 |
5.700 |
6.900 |
8.700 |
9.500 |
3.14 |
18% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
600 |
700 |
900 |
1.200 |
1.400 |
|
||
– Khách nội địa |
Lượt |
4.300 |
5.000 |
6.000 |
7.500 |
8.100 |
|
||
TP. Hòa Bình |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
61.600 |
64.400 |
66.500 |
68.900 |
74.500 |
24.59 |
5% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
5.900 |
8.700 |
10.100 |
10.500 |
14.000 |
|
||
– Khách nội địa |
Lượt |
55.700 |
55.700 |
56.400 |
58.400 |
60.500 |
|
||
Vùng Hồ Hòa Bình |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
197.000 |
210.200 |
224.000 |
252.600 |
303.000 |
100 |
11% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
14.160 |
12.400 |
14.760 |
14.720 |
20.300 |
|
||
– Khách nội địa |
Lượt |
182.840 |
197.800 |
209.240 |
237.880 |
282.700 |
|
||
Tỉnh Hòa Bình |
Tổng lượt khách du lịch |
Lượt |
1.105.000 |
1.385.830 |
1.641.866 |
1.732.787 |
2.104.207 |
|
17% |
– Khách quốc tế |
Lượt |
85.000 |
90.850 |
92.056 |
161.838 |
185.361 |
|
|
|
– Khách nội địa |
Lượt |
1.020.000 |
1.294.980 |
1.549.810 |
1.570.949 |
1.918.846 |
|
|
|
Tỷ lệ so với Tỉnh |
Tổng lượt khách du lịch |
% |
17,8 |
15,2 |
13,6 |
14,6 |
14,4 |
|
|
– Khách quốc tế |
% |
16,7 |
13,8 |
16,0 |
10,0 |
11,0 |
|
|
|
– Khách nội địa |
% |
17,9 |
15,3 |
13,5 |
15,1 |
14,7 |
(Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hòa Bình)
Vùng Hồ Hòa Bình giáp với 5 huyện và Thành phố: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, và Thành phố Hòa Bình, trong đó khách đi du lịch Hồ Hòa Bình qua Huyện Cao Phong là nhiều nhất, chiếm 38.48%, sau đó là Thành phố Hòa Bình chiếm 24.59%.
Tăng trưởng bình quân về số lượt khách đến Hồ Hòa Bình giai đoạn 2010 – 2014 tăng 11%, năm 2014 đạt 303.000 lượt.
Biểu đồ 1: Số lượt khách đến KDL Hồ Hòa Bình giai đoạn 2010 – 2014
Năm 2010, Hồ Hòa Bình chiếm 17.8% số lượt khách so với toàn Tỉnh, tuy nhiên năm 2014 chỉ chiếm 11.4%, trong đó khách Quốc tế đạt 20.300 lượt chiếm 11%, khách nội địa đạt 282.700 lượt chiếm 14.7%.
3.2. Tổng thu từ du lịch
Bảng 2: Tổng thu từ khách du lịch của KDL Hồ Hòa Bình so với toàn Tỉnh
STT |
Các chỉ tiêu |
Đv tính |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
TTBQ |
Vùng Hồ Hòa Bình |
Tổng thu từ du lịch |
Lượt |
31.600 |
41.140 |
43.020 |
49.690 |
57.700 |
16% |
– Tổng thu từ khách QT |
Triệu đồng |
4.870 |
4.510 |
1.720 |
5.960 |
5.782 |
|
|
– Tổng thu từ khách NĐ |
Triệu đồng |
27.730 |
36.630 |
40.300 |
43.730 |
51.918 |
|
|
Tỉnh Hòa Bình |
Tổng thu từ du lịch |
Triệu đồng |
343.000 |
490.000 |
553.000 |
617.000 |
759.000 |
22% |
– Tổng thu từ khách QT |
Triệu đồng |
110.000 |
134.000 |
125.000 |
183.000 |
180.000 |
|
|
– Tổng thu từ khách NĐ |
Triệu đồng |
231.000 |
356.000 |
428.000 |
434.000 |
569.000 |
|
|
Tỷ lệ so với Tỉnh |
Tổng thu từ du lịch |
% |
9.21 |
8.40 |
7.78 |
8.05 |
7.60 |
|
– Tổng thu từ khách QT |
% |
4.43 |
3.37 |
1.38 |
3.26 |
3.21 |
|
|
– Tổng thu từ khách NĐ |
% |
12.00 |
10.29 |
9.42 |
10.08 |
9.12 |
(Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hòa Bình)
Giai đoạn 2010 – 2014, tổng thu từ du lịch của Hồ Hòa Bình đã tăng lên đáng kể, mức tăng trưởng bình quân đạt 16%, chiếm 7.6% so với toàn tỉnh,
Biểu đồ 2: Tổng thu từ du lịch tại KDL Hồ Hòa Bình giai đoạn 2010-2014
Đơn vị: Triệu đồng
Năm 2014 tổng thu từ du lịch của KDL Hồ Hòa Bình đạt 57.700 triệu đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 5.782 triệu đồng, tổng thu từ khách nội địa đạt 51.918 triệu đồng. Qua đó, cho thấy khách du lịch trong nước vẫn là nguồn thu chính tại KDL Hồ Hòa Bình.
3.3. Hiện trạng cơ sở vật chất phục vụ du lịch
Bảng 3: Hiện trạng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch tại KDL Hồ Hòa Bình
CSLT |
Năm 2010 |
Năm 2011 |
Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Khách sạn |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Nhà nghỉ/ Số buồng |
01 |
01 |
01 |
01 |
01 |
07 |
07 |
07 |
11 |
11 |
|
CSLT khác/ Số buồng |
01 |
01 |
01 |
01 |
02 |
02 |
03 |
03 |
03 |
04 |
|
Tổng số CSLT |
02 |
02 |
02 |
02 |
03 |
(Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hòa Bình)
Tính đến hết năm 2014, KDL Hồ Hòa Bình đã có 03 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 nhà nghỉ với 11 buồng và 02 cơ sở khác với 04 buồng, không có khách sạn. Như vậy có thể thấy, số lượng và chất lượng CSLT tại khu vực này chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, do vậy trong thời gian tới cần chú trọng đầu tư để phù hợp với tiêu chí khu du lịch Quốc gia cũng như xu hướng phát triển của du lịch Hòa Bình.
3.4. Hiện trạng về nguồn nhân lực du lịch
Bảng 4: Hiện trạng nguồn nhân lực KDL Hồ Hòa Bình
Nguồn nhân lực |
Năm 2010 |
Năm 2011 |
Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Tổng số lao động |
180 |
206 |
240 |
262 |
294 |
LĐ trực tiếp |
163 |
190 |
218 |
230 |
239 |
LĐ gián tiếp |
17 |
16 |
22 |
32 |
55 |
Trình độ LĐ |
|
||||
Đại học và trên đại học |
05 |
04 |
04 |
04 |
06 |
Cao đẳng, trung cấp |
03 |
09 |
08 |
10 |
08 |
Đào tạo khác |
73 |
96 |
113 |
122 |
130 |
Chưa qua đào tạo |
99 |
97 |
115 |
126 |
150 |
(Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hòa Bình)
Biểu đồ 3: Hiện trạng nguồn nhân lực KDL Hồ Hòa Bình giai đoạn 2010-2014
Đơn vị: Người
Đến năm 2014, tổng số lao động du lịch tại KDL Hồ Hòa Bình 294 người, trong đó lao động trực tiếp 230 người chiếm 81.29%, lao động gián tiếp 55 người chiếm 18.71%.
Biểu 4: Trình độ nguồn nhân lực KDL Hồ Hòa Bình giai đoạn 2010-2014
Đơn vị: Người
Về trình độ nguồn nhân lực lao động du lịch, trong tổng số 294 người thì có 150 người chưa qua đào tạo, do vậy có thể nhận thấy, công tác đào tào nguồn nhân lực tại đây chưa được chú trọng, trong thời gian tới cần phải mở các lớp nghiệp vụ để nâng cao trình độ cũng như tăng cường chất lượng phục vụ.
3.4. Hiện trạng về đầu tư du lịch
Tính từ năm 2002 năm 2013, ngành du lịch Hòa Bình có 32 dự án đã được cấp phép đầu tư về hạ tầng kỹ thuật du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 4.383 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa đầu tư hoặc đầu tư dở dang xin giãn tiến độ đầu tư. Các dự án đầu tư tập trung vào các khu du lịch sinh thái, khu du lịch văn hoá, làng du lịch văn hoá- sinh thái, khu du lịch kết hợp trồng rừng,…
Về hạ tầng cơ sở, từ năm 2006 đến nay, tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 177,440 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 154,413 tỷ đồng, vốn địa phương 23,027 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư trên, hạ tầng du lịch Hòa Bình đã có nhiều cải thiện.
Tại KDL Hồ Hòa Bình, hiện nay đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng như sau:
– Sở VH -TT&DL đang được giao làm chủ đầu tư dự án hạ tầng tu bổ, tôn tạo đền Thác Bờ, nơi đặt bia đá thờ vua Lê Lợi (xã Vầy Nưa – huyện Đà Bắc). Dự kiến đến hết năm 2015 đầu tư khoảng 9 tỷ đồng trong tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo do 1 tổ chức cá nhân thực hiện.
– Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đền Thác Bờ để có thể tổ chức lễ hội đền Bờ vào năm 2016 nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, Công ty du lịch Hòa Bình đầu tư đóng mới 2 tàu du lịch 3 sao với tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng.
– Xây dựng cảng Thung Nai, nâng cấp tuyến đường Bình Thanh – Thung Nai (Cao Phong);
– Nâng cấp một số điểm đến tại các bản, làng người Mường, Dao, Thái…
3.5. Hiện trạng về công tác xúc tiến quảng bá du lịch
Trong thời gian qua, ngành du lịch Hòa Bình đã chú trọng và có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch như tổ chức các buổi hội thảo, làm việc nhằm tuyên truyền các chính sách của tỉnh, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ngành du lịch cũng đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, liên hoan du lịch trong nước, qua đó tuyên truyền những tiềm năng, thế mạnh và cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, khu du lịch Hồ Hòa Bình vẫn chưa có ban quản lý riêng, do vậy, công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu du lịch chưa đủ sức mạnh, chưa huy động được sức mạnh xã hội hoá tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương, các đơn vị, cá nhân chưa nhiệt tình, hưởng ứng thực hiện chương trình hành động du lịch.
Mặt khác Trung tâm xúc tiến du lịch của Tỉnh mới được thành lập lại, đang trong thời gian kiện toàn nên chưa có nhiều hoạt động nhằm quảng bá du lịch của tỉnh nói chung và du lịch Hồ Hòa Bình nói riêng.
3.6. Thị trường và sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh: Khu du lịch Hồ Hòa Bình có hệ thống các điểm du lịch tâm linh như: Đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên… Lễ hội Đền Bờ được tổ chức mỗi năm một lần, diễn ra từ mùng 7 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn không phải riêng của người Mường Hòa Bình mà còn có sự tham gia của nhiều dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan và làm lễ; Tượng đài Bác Hồ cao 18 m bằng đá granit trắng trên đồi ông Tượng đây là điểm du lịch tâm linh và là nơi dâng hương vào những dịp quan trọng; Ngoài ra còn có nhà truyền thống nơi lưu giữ bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau và đài tưởng niện những công nhân Việt nam và chuyên gia Liên Xô hy sinh trên công trình thuỷ điện
– Sản phẩm du lịch cộng đồng: Đây là một trong số các sản phẩm du lịch có giá trị tại khu du lịch Hồ Hòa Bình. Điểm du lịch Đảo Dừa nằm trong khu du lịch Hồ Hòa Bình thuộc địa phận xã Vầy Nưa của huyện vùng cao Đà Bắc, và đã được UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 98/QĐ-UB ngày 24/01/2013 công nhận là điểm du lịch địa phương, mỗi năm có khoảng 14.400 đến 16.800 lượt khách trong đó số lượng khách nghỉ lại qua đêm chiếm khoảng 25%.
– Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng: Khu du lịch Hồ Hòa Bình hiện nay đang khai thác và đầu tư loại hình tắm các lá thuốc chữa bệnh của đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Thái… để phục vụ khách du lịch.
Những sản phẩm du lịch trên đây đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến Hồ Hòa Bình, thể hiện qua số lượt khách Quốc tế và nội địa những năm qua. Tuy nhiên, có thể thấy, sản phẩm du lịch ở Hồ Hòa Bình chưa đa dạng, chất lượng còn thấp, các dịch vụ bổ trợ còn thiếu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch.
3.7. Tổ chức không gian phát triển du lịch
* Các điểm du lịch đang khai thác: Với những cơ sở hiện có và tiềm năng du lịch Hoà Bình, các điểm du lịch đang được khai thác ở Hồ Hoà Bình bao gồm:
– Các điểm di tích lịch sử văn hóa: di tích đền Thác Bờ, Động Tiên Phi, quần thể thắng cảnh khu vực công trình nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và lòng Hồ Hòa Bình.
– Các điểm du lịch thắng cảnh, nghỉ dưỡng: Động Thác Bờ, Thung Nai, Động Hoa Tiên, Vịnh Ngòi Hoa, Đảo Dừa, Đảo Xanh, Cối xay gió…
– Các bản làng dân tộc thiểu số: bản làng người Mường; bản làng người Dao; bản làng người Thái…
* Tuyến du lịch:
*Tuyến du lịch nội tỉnh:
Tuyến du lịch đường thuỷ Thành phố Hoà Bình – Cao Phong – Đà Bắc –Tân Lạc – Mai Châu trên hồ Hoà Bình.
* Tuyến du lịch liên tỉnh:
– Tuyến du lịch đường thuỷ từ nhà máy thủy điện Hoà Bình – thủy điện Sơn La trên Hồ Hòa Bình.
– Tuyến Hoà Bình – Phú Thọ – Vĩnh Phúc: Là tuyến đường dọc sông Đà (tỉnh lộ 434).
3.8. Quản lý nhà nước về du lịch
Quản lý Nhà nước về du lịch của tỉnh Hòa Bình nói chung đã đạt được những kết quả khả quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện được nhiều việc liên quan đến công tác quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn. Bước đầu đã quản lý và giám sát được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành.
Có thể nói, những năm qua, Hòa Bình đã có những thành công lớn trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về du lịch, tạo tiền đề cho du lịch Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới. Hiện nay, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đang từng bước được hoàn thiện từ tỉnh đến các địa phương để nâng cao hiệu lực quản lý.
Khu du lịch Hồ Hòa Bình hiện nay chưa có Ban quản lý riêng, nên các hoạt động quản lý đều do cán bộ chuyên trách của sở theo dõi, đảm nhận và báo cáo lãnh đạo. Với lực lượng cán bộ mỏng và trình độ nghiệp vụ chưa đồng đều việc quản lý một khu du lịch có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia là rất khó khăn.
3.9. Đánh giá chung về hiện trạng phát triển du lịch
3.9.1. Những kết quả đạt được
Với những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng du lịch và điều kiện cơ sở hạ tầng, thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh; sự nỗ lực của ngành du lịch, công tác quản lý và phát triển du lịch tại KDL Hồ Hòa Bình đã đạt những kết quả chủ yếu sau:
– Lượng khách du lịch Quốc tế và nội địa đạt mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2010 – 2014 đạt trên 11%/năm.
– Tổng thu từ hoạt động du lịch từng bước được nâng cao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch chung của cả Tỉnh.
– Đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; tạo được nhiều việc làm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng quanh khu du lịch; góp phần xóa đói giảm nghèo.
– Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hoá và nâng cao chất lượng.
– Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang từng bước được xây dựng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch.
3.9.2. Tồn tại và những vấn đề đặt ra
Thực trạng phát triển du lịch những năm qua ở Hòa Bình cũng đã bộc lộ những vấn đề nhất định:
– Mặc dù lượng khách du lịch đến Hồ Hòa Bình tăng qua các năm nhưng lượng khách du lịch lễ hội và đi lại trong ngày vẫn chiếm tỷ lệ lớn và chi tiêu của khách còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, cơ cấu chi tiêu chưa hợp lý phần lớn là chi tiêu vào dịch vụ lưu trú và ăn uống. Điều này làm tổng thu du lịch và đóng góp của du lịch Hồ Hòa Bình vào du lịch cả Tỉnh phần nào bị hạn chế.
– Nhiều điểm du lịch như Thung Nai, Đảo Dừa do chưa được quy hoạch cụ thể và chưa có kế hoạch bảo vệ nên đang có dấu hiệu xuống cấp; môi trường du lịch đã và đang bị ảnh hưởng mạnh từ hoạt động du lịch.
Nguyên nhân:
– Xuất phát điểm của du lịch tỉnh Hòa Bình còn thấp; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ; hệ thống bến cảng du lịch trên sông Đà, trong giai đoạn vừa qua chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
– Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn kém, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du lịch. Sản phẩm du lịch còn nghèo, chưa thực sự đặc sắc, kém sức cạnh tranh để hấp dẫn khách, thiếu các loại hình vui chơi giải trí để kéo dài thời gian lưu lại của khách, dịch vụ bán hàng lưu niệm chưa phát triển.
– Hoạt động xã hội hóa du lịch chưa được phát huy đúng mức, chưa có cơ chế và giải pháp để kích thích và thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc đầu tư, kinh doanh du lịch (đặc biệt trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch).
– Công tác đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, thiếu nguồn vốn đầu tư.
– Lực lượng lao động ngành du lịch còn thiếu, chất lượng hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của hoạt động kinh doanh du lịch; chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về du lịch trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
Ngoài những vấn đề trên, còn có những nguyên nhân khách quan như những biến động phức tạp đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hòa Bình nói riêng như: Khủng khoảng kinh tế tài chính trên phạm vi toàn cầu, nạn khủng bố, dịch bệnh, thiên tai… Sự cạnh tranh, chia sẻ thị trường của các trung tâm du lịch lớn cả nước ngày càng gay gắt; hơn nữa, nhu cầu; thị hiếu của khách có xu hướng đổi mới với yêu cầu ngày càng cao.
ThS. Nguyễn Thùy Vân – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch