Kết hợp hoài niệm chiến trường xưa và nét văn hóa độc đáo tạo sản phẩm du lịch đặc thù thành Tuyên
Tuyên Quang – tỉnh miền núi phía Bắc của tổ quốc có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng như: cánh rừng nguyên sinh đại ngàn Tát Kẻ-Bản Bung, Chạm Chu, rừng nguyên sinh Na Hang; núi non hùng vĩ, hang động, sông hồ kỳ thú: Động Tiên, hồ Thái Sơn (Hàm Yên), thác Bản Ba, hang Bó Ngoặng (Chiêm Hóa), hồ thủy điện Na Hang; thắng cảnh: Thượng Lâm, bình nguyên Phiêng Bung, thác Pác Ban, thác Nặm me, động Sông Long, núi Pắc Tạ; suối khoáng nóng Mỹ Lâm…Tiềm năng phát triển du lịch tâm linh: trên 60 di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật: đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La, đền Hạ, đền Kiếp Bạc, đền Cảnh Xanh, chùa An Vinh, chùa Trùng Quang, chùa Hang, đền Lang Quán, đền Minh Vương, đình Minh Cầm, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, đền Pác Tạ, chùa Phúc Lâm…Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng: làng văn hóa – du lịch Tân Lập; Giếng Tanh; Tân Lập; Nà Khá, Nà Tông, An thịnh. Đặc biệt trên hết là tiềm năng, thế mạnh về du lịch văn hóa, lịch sử.
Với trên 22 dân tộc, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục tập quán, vốn văn hóa dân gian riêng tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa. Tinh thần đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân xứ Tuyên được minh chứng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Tân Trào (Sơn Dương) làm căn cứ địa cách mạng. Chiến tranh qua đi, để lại cho mảnh đất này hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 123 di tích lịch sử cấp quốc gia phải kể đến những di tích đặc biệt như lán Nà Lừa, đình Tân Trào, lán Hang Bòng, cây đa Tân Trào, di tích Đại hội lần thứ II của Đảng tại Kim Bình…
Du lịch Tuyên Quang đang có những bước phát triển, tuy nhiên sự phát triển đó chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có. Có nhiều giải pháp đang được đặt ra để du lịch Tuyên Quang có thể bứt phá trong thời gian tới như phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển du lịch; thực hiện xã hội hóa hoạt động du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; giải pháp liên kết phát triển du lịch; giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch…nhưng trên hết, để du lịch Tuyên Quang phát triển theo hướng bền vững, có lẽ cần quan tâm đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và sự liên kết đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch.
Trong những năm gần đây, thị trường khách du lịch có mong muốn đến thăm quan các hệ thống di tích lịch sử cách mạng khá đa dạng, có nhiều tiềm năng khai thác, phát triển. Khách nội địa là hàng triệu cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của đội ngũ chiến sỹ cách mạng còn sống hay đã hy sinh; lớp trẻ muốn tri ân công lao của cha anh; khách quốc tế là những người yêu hòa bình, nhà nghiên cứu lịch sử ngưỡng mộ lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam, muốn đến Việt Nam để thăm, trải nghiệm và suy ngẫm về thời chiến tranh Việt Nam, đặc biệt còn là đông đảo cựu chiến binh Pháp, Mỹ cùng thân nhân bạn bè của họ. Hơn nữa, lễ hội thành Tuyên độc đáo, sáng tạo, tinh tế song không kém phần đậm đà bản sắc dân tộc, là lễ hội trung thu lớn nhất Việt Nam cùng với nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Tuyên như: Lễ hội đình Giếng Tanh vào mùa xuân; Lễ hội Động Tiên và chợ quê hàm Yên; Lễ hội chọi trâu và thi trâu kéo gỗ; Lễ hội Lồng Tông…
Trên cơ sở tiểm năng và điều kiện phát triển và sự thành công của sự kiện lễ hội Thành Tuyên, nên chăng cần nghiên cứu đẩy mạnh sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở phát triển du lịch hoài niệm kết hợp với văn hóa. Những hoạt động du lịch trong các nhóm sản phẩm này sẽ giúp tăng cường giáo dục tình yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, củng cố tinh thần Việt Nam cho mọi thế hệ người dân Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung; duy trì và bảo vệ tinh hoa văn hóa, gìn giữ tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam; mang cộng đồng đến gần với du lịch, tăng cơ hội việc làm cho người dân tộc thiểu số, bản làng xa xôi của Tuyên Quang, từng bước xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, nên chăng kết hợp hoài niệm chiến trường xưa và nét văn hóa độc đáo tạo sản phẩm du lịch đặc thù xứ Tuyên.