Các mục tiêu phát triển bền vững tác động tới APEC và Du lịch Việt Nam
Khái quát về các mục tiêu phát triển bền vững tác động tới phát triển Du lịch APEC[1]
Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì Phát triển bền vững (SDGs) nhằm mục tiêu xóa đói, nghèo và bất bình đẳng trên toàn cầu, đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau được 193 quốc gia thông qua ngày 25/9/2015 tại Liên hợp quốc. Nghị trình 2030 là một bước ngoặt đánh dấu thành tựu, đảm bảo đạt được tầm nhìn toàn cầu chung hướng tới sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.[2]
SDGs được xây dựng trên cơ sở các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đã được thế giới cam kết trước đó vào năm 2000 với 8 mục tiêu đến năm 2015. MDGs đã đạt được các kết quả hết sức khả quan với việc hoàn thành tốt các mục tiêu về xóa đói nghèo cùng cực, tiếp cận nguồn nước sạch, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục. Song bên cạnh đó, còn một số lĩnh vực MDGs tiếp tục gặp khó khăn, như: mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ, phổ cập giáo dục tiểu học và bền vững về môi trường.
SDG có nghị trình mang tính tham vọng hơn và kêu gọi không để ai bị bỏ rơi, phấn đấu xóa đói nghèo hơn là giảm nghèo. Các mục tiêu đề xuất bao gồm nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và bình đẳng giới. Chương trình nghị sự cũng gồm nhiều vấn đề khác không đề cập đến trong MDGs như biến đổi khí hậu, tiêu dùng bền vững, sáng tạo và tầm quan trọng của hòa bình và công bằng cho tất cả mọi người.[3]
Tại cuộc họp APEC diễn ra từ ngày 19-20/11/2016 với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và Phát triển con người”, Lima – Peru 2016, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế đã thống nhất tuyên bố chung về việc ghi nhận sự liên quan trực tiếp của SDG đối với an ninh lương thực và xóa nghèo. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để đẩy lùi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.[4] Các nền kinh tế quốc gia thành viên APEC khẳng định nhiệm vụ đặt ra cho nghị trình sau 2015 là tăng trưởng bao trùm và sáng tạo, trong đó chú trọng tới vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). MSMEs chiếm tỉ lệ lớn nhất, tới khoảng 97% trong số các doanh nghiệp, đóng góp 60% GDP và tạo ra 60% việc làm tại các nền kinh tế thành viên APEC.[5] Các nhà lãnh đạo APEC đã một lần nữa khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu giảm cường độ năng lượng kết hợp (aggregate energy intensity) xuống còn 45% vào năm 2035, tăng gấp đôi năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng khu vực (regional energy mix) vào năm 2030, và hợp lý hóa, xóa bỏ dần trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch vì không đem lại hiệu quả trong trung hạn.[6]
Năm 2015 khu vực APEC đón được trên 396 triệu lượt khách du lịch, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Du lịch là nguồn thu nhập chính của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và số lượt khách du lịch đến khu vực này đã tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua.
Một kết quả nghiên cứu của APEC gần đây đã cho biết các cộng đồng nghèo khó được hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng của ngành Du lịch, cụ thể là cứ mỗi 10% tăng trưởng số lượt khách du lịch là tương quan với việc giảm 1,26% tỷ lệ nghèo. Theo ông Emmanuel San Andres, chuyên gia phân tích Ban Hỗ trợ Chính sách APEC: “Du lịch tăng trưởng với tỷ lệ 5,6% hàng năm, và kèm theo đó là việc xây dựng các chính sách đúng đắn dự kiến số lượt khách du lịch sẽ đạt 800 triệu trong thập kỷ tới và tạo ra thêm 21,1 triệu việc làm nữa”. Kết quả này tạo ra tác động lớn lao đối với mục tiêu giảm nghèo.”
Việc thực hiện SDGs trong mối liên hệ với Du lịch Việt Nam
Việt Nam là một trong số 21 nền kinh tế thành viên của APEC bên cạnh Úc, Bru-nây; Ca-na-đa; Chi-lê; Trung Quốc; Hồng Kông; In-đô-nê-xi-a; Nhật Bản; Hàn Quốc; Ma-lai-xi-a; Mê-hi-cô; Niu Di-lân; Papua Niu Ghi-nê; Pê-ru; Phi-líp-pin; Nga; Xinh-ga-po; Đài Bắc; Thái Lan; và Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, mô hình thực hiện lồng ghép toàn diện các mục tiêu của MDGs vào chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Bình quân cả nước mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 2 lần trong cùng thời kỳ.[7] Tuy nhiên, do những thay đổi mau lẹ đang diễn ra ở Việt Nam, việc hoàn thành tầm nhìn của Chương trình nghị sự 2030 đòi hỏi phải có sự chuyển dịch tổng thể nhưng chủ động nhằm giải quyết những bất bình đẳng trong phân phối dịch vụ công. Bài viết này nhấn mạnh tới tình hình thực hiện 3 Mục tiêu 8, 12, 14 có liên quan trực tiếp tới sự phát triển ngành Du lịch.
Tình hình thực hiện Mục tiêu 8: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, toàn diện, bền vững và tạo việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững cho tất cả mọi người.
Cho tới nay, khả năng tiếp cận bình đẳng việc làm bền vững, đặc biệt trong những ngành có năng suất cao và ở khu vực nông thôn có lẽ vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Chính vì vậy, trong những năm gần đây việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và khuyến khích các doanh nhân tiềm năng có thể thành lập doanh nghiệp (startup) được xem là yếu tố sống còn để duy trì đầu tư lâu dài và tạo ra năng suất và công việc cao hơn.
Một trong số các thách thức của việc thực hiện mục tiêu này, trong phát triển du lịch, là khoảng thiếu hụt kỹ năng nghề của lao động ngành du lịch và ngành dịch vụ khác.
Tình hình thực hiện mục tiêu 12: Đảm bảo mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch đóng góp 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú. Các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước, cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Nhưng ở một khía cạnh khác, du lịch cũng là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên. Khí hậu biến đổi, sạt lở đất, nước biển dâng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC.[8]
Những thách thức trong việc bảo vệ môi trường là một trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã thúc đẩy phát triển mô hình du lịch có trách nhiệm (do dự án EU-ESRT thực hiện) đã kết hợp các nguyên tắc phát triển bền vững và nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm vào các chính sách và chương trình phát triển du lịch quốc gia. Nhìn chung, việc xử lý chất thải hóa chất, chất thải thực phẩm, vấn đề ô nhiễm công nghiệp vẫn là những vấn đề cấp thiết đối với mục tiêu thực hiện bảo vệ môi trường, đảm bảo tính bền vững và phát triển du lịch Việt Nam.
Tình hình thực hiện mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững
Tốc độ phát triển các ngành công nghiệp đã có tác động tiêu cực đối với môi trường. Việc mở rộng các hoạt động kinh tế ở khu vực ven biển, tạo ra lượng chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch cần được xem là một trong số những nhân tố tác động tới việc bảo vệ môi trường biển, vì chính ngành Du lịch phụ thuộc vào tình trạng xanh – sạch – đẹp của các khu vực ven biển và sinh thái biển.
Kết luận
Vai trò của các doanh nghiệp nhỏ đối với việc làm của địa phương: Khách du lịch sử dụng các dịch vụ của các công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do người dân địa phương làm chủ, khiến các doanh nghiệp này trở thành nguồn chủ yếu tạo việc làm cho điểm đến. Điển hình là các doanh nghiệp khách sạn quy mô nhỏ giúp nâng cao cơ hội làm việc cho người lao động không có tay nghề hoặc tay nghề chưa cao.
Giảm các rào cản về thị thực: Kết quả thu hút thêm khách du lịch đối với các quốc gia được miễn thị thực đơn phương và song phương trong những năm gần đây là điều kiên tất yếu để phát triển du lịch. Rõ ràng, thủ tục cấp thị thực là một rào cản đi du lịch đối với công dân buộc phải có thị thực. Ngành Du lịch đang tiếp tục đề xuất với Chính phủ tiếp tục miễn thị thực trong thời hạn 5 năm đối với các quốc gia Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, và Bê-la-rút), kéo dài thời gian được miễn thị thực lên 30 ngày và khi khách quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày thì không cần làm visa, đồng thời gỡ bỏ quy định thời gian giữa hai lần nhập cảnh cách nhau ít nhất 30 ngày mới được miễn visa. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao sự thuận tiện trong thủ tục cấp visa điện tử.
Tăng cường kết nối: Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng các sân bay quốc tế mang tính cấp thiết và để phù hợp với bối cảnh phát triển du lịch nhanh chóng hiện nay. Vì vậy, cần nghiên cứu các giải pháp mở rộng thêm các cảng hàng không quốc tế và tạo điều kiện cho các hãng hàng không mới được đưa vào khai thác./.
[1] http://www.apec.org/Press/Features/2016/1219_tpr
[2] http://ec.europa.eu/environment/sustainable-development/SDGs/index_en.htm
[4] http://www.apec.org/Meeting-Papers/Leaders-Declarations/2016/2016_aelm.aspx
[6] http://sdg.iisd.org/news/apec-ministers-commit-to-implementing-un-goals-address-energy-intensity/
[7] Thực hiện Phát triển bền vững ở Việt Nam – Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của LHQ về PTBV
[8] https://www.un.org/press/en/2016/ecosoc6787.doc.htm
Chiến Thắng