Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Đề tài NCKH cấp Bộ “Các giải pháp thích ứng và ứng phó, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam”

    Dưới tác động của các quy luật tự nhiên và phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là là các hoạt động phát triển năng lượng, công nghiệp, lượng khí thải vào bầu khí quyển tăng lên không ngừng, đã và đang làm gia tăng hiệu “ứng nhà kính” và qua đó làm nhiệt độ Trái đất tăng lên. Theo Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC), lượng khí thải hiệu ứng nhà kính (Green House Gases – GHG) năm 2004 trên phạm vi toàn cầu là 49 Gigatonnes (Gt), trong đó khí CO2 chiếm tới 37,5 Gt. Lượng khí thải trên chủ yếu từ các hoạt động cung cấp năng lượng (26%), từ hoạt động công nghiệp (19%), từ sự thay đổi sử dụng đất và rừng (17%), từ hoạt động nông nghiệp (14%), từ hoạt động giao thong vận tải (13%), từ các hoạt động các khu đô thị, các ngành thương mại và dịch vụ (8%) và từ các chất thải (3%). Đây được xem là nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu (BĐKH) trên phạm vi toàn cầu. Sự BĐKH sẽ trực tiếp gây ra thay đổi các điều kiện sinh thái vốn đã tồn tại hàng triệu năm ảnh hưởng đến sự tồn tại và thay đổi nhiều hệ sinh thái; làm tan băng ở các cực dẫn đến hiện tượng mực nước biển dâng, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia có biển; gây ra nhiều tai biến tự nhiên như bão, lũ, hạn hán, v.v. với cường độ và tần xuất ngày một cao; v.v.

    Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng, các biểu hiện bất thường của thời tiết như nắng nóng kéo dài, mưa lớn, bão, lốc xoáy…

    Du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên và nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên vì vậy được xem là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp dưới tác động của BĐKH. Tại Việt Nam, hầu hết các hoạt động phát triển du lịch đều liên quan đến các yếu tố biến đổi khí hậu, như vị trí, quy mô của các khu du lịch ven biển chịu ảnh hưởng về mực nước biển dâng, diễn biến mưa bão; số giờ nắng, lượng mưa, nền nhiệt độ ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động du lịch. Chính vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá sơ bộ các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch” trong năm 2010 là nhiệm vụ mở đầu và mang tính cấp thiết cao, có ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng Kế hoạch ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch và qua đó góp phần thực hiện đề án “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2009 – 2015, được ban hành kèm theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ .

    Cơ sở pháp lý của nhiệm vụ

    – Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (1992) đã được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn ngày 16/11/1994;
    – Nghị định thư Kyoto (1997) về “Công ước khung của Liên hợp quốc về sự BĐKH Trái đất” đã được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn ngày 25/9/2002;
    – Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
    – Luật Du lịch và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 1/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
    – Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2005;
    – Luật Đa dạng sinh học, 2008
    – Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto về “Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH”
    – Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2009 – 2015
    – Quyết định số 3320/QĐ-BVHTTDL ngày 20/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vieech thành lập Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu
    – Quyết định số 4082/QĐ-BVHTTDL ngày18/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí nhiệm vụ “Đánh giá sơ bộ ảnh hưởng biến đổi khí hậu của Bộ VHTT&DL năm 2010”

    Mục tiêu của nhiệm vụ

    – Xác lập cơ sở khoa học và đánh giá sơ bộ các tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch tại Việt Nam.

    Phương pháp nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ:

    Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sẽ được áp dụng để thực hiện các nhiệm vụ trên bao gồm :
    – Phương pháp tổng hợp và phân tích hệ thống : Đây là phương pháp cơ bản và quan trọng được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động nghiên cứu. Nghiên cứu về phát triển du lịch có quan hệ chặt chẽ với các điều kiện tự nhiên, trong trường hợp này là các hiện tượng khí hậu cực đoan (lũ lụt, hạn hán, bão, v.v.), những biến đổi quy luật thời tiết, mực nước biển dâng do BĐKH và những tác động của chúng; các điều kiện về văn hóa và kinh tế – xã hội, vì vậy phương pháp này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ . Tính hệ thống còn được thể hiện ở việc kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình có liên quan cho đến thời điểm nhiệm vụ này được triển khai thực hiện.

    – Phương pháp khảo sát, điều tra thực địa: Công tác khảo sát điều tra thực địa trong khuôn khổ nhiệm vụ là nhằm xác định sơ bộ mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan (lũ lụt, hạn hán, bão, v.v.), những biến đổi quy luật thời tiết do BĐKH và mực nước biển dâng đối với một số dạng tài nguyên du lịch chủ yếu; đối với sự hoạt động lữ hành ở các khu vực/lãnh thổ trọng điểm phát triển du lịch, v.v.; thu thập tài liệu bổ sung và trong một số trường hợp để lấy mẫu môi trường cho mục đích kiểm chứng, so sánh sự biến đổi môi trường dưới tác động của BĐKH.

    Bên cạnh hoạt động điều tra thực địa tại các khu vực trọng điểm du lịch, việc khảo sát học tập kinh nghiệm quốc tế về ứng phó với tác động của BĐKH trong lĩnh vực du lịch cũng rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.

    – Phương pháp thống kê: Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu những vấn đề định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ về mặt định tính của các hiện tượng và quá trình, đối chiếu biến động về tài nguyên, môi trường du lịch, hoạt động du lịch với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, phương pháp thống kê còn được vận dụng nghiên cứu trong đề tài, nhiệm vụ để xác định hiện trạng hoạt động du lịch thông qua các chỉ tiêu cơ bản đối với phát triển ngành.

    – Phương pháp viễn thám và GIS : Đây là phương pháp rất hiệu quả đối với nghiên cứu biến động. Đối với nghiên cứu tác động của mực nước biển dâng đối với các điểm tài nguyên, các khu/điểm du lịch hiện hữu và trong quy hoạch phát triển cho giai đoạn 10 – 20 – 50 năm tới, phương pháp này sẽ là phương phps chính được sử dụng.
    – Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Đây là phương pháp cần thiết trong quá trình nghiên cứu biến động liên quan đến tổ chức lãnh thổ. Bản đồ được sử dụng chủ yếu theo hướng chuyên ngành để phân tích đánh giá khả năng biến động về không gian/lãnh thổ đối với sự phân bố tài nguyên du lịch dưới tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan (lũ lụt, hạn hán, bão, v.v.), những biến đổi quy luật thời tiết và mực nước biển dâng do BĐKH.

    – Phương pháp chuyên gia : Ngoài các phương pháp tự thân thì phương pháp chuyên gia cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ. Bản thân du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, do vậy muốn đảm bảo cho các đánh giá tổng hợp ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan (lũ lụt, hạn hán, bão, v.v.), của những biến đổi quy luật thời tiết và của mực nước biển dâng do BĐKH đến những lĩnh vực có liên quan đến hoạt động phát triển du lịch đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan như văn hóa, khí tượng – thủy văn, môi trường, v.v.

    Bài cùng chuyên mục