Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

    bvds cque 2015   Quan điểm và mục tiêu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ) là phát triển du lịch bền vững gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường… Điều này nói lên vai trò, tầm quan trọng di sản là một trong các loại tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ cho phát triển du lịch. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị giá trị di sản đối với thực hiện các nội dung của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là việc hết sức quan trọng và cần thiết.
       1. Hiện trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
        Theo Luật Di sản, di sản bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, di sản có rất nhiều loại, được đánh giá và phân loại theo nhiều loại khác nhau; tính chất mức độ quy hiếm khác nhau. Tính đến nay, Việt Nam có 02 di sản thiên nhiên, 01 di sản thiên nhiên và văn hóa, 05 di sản văn hóa vật thể được Unesco công nhận là di sản thế giới. Đồng thời, Việt Nam có đã có 09 di sản được Unesco công nhận là di sản phi vật thể, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), Không gian văn hoá Cồng Chiêng (Tây Nguyên), Quan họ (Bắc Ninh), Ca Trù, Hội Gióng, Hát xoan (Phú Thọ), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), Đờn ca tài tử (Nam bộ), Ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ngoài ra: Mộc Bản triều Nguyễn, Bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) được Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới.
        Về di tích cấp quốc gia đặc biệt, hiện nay đã có 05 đợt xét công  nhận với 62 di tích được công nhận và trao chứng nhận, ngoài ra cò hàng ngàn di tích cấp quốc gia và cấp địa phương… nằm rải rác trên mọi miền của Tổ quốc.
        Phải nói rằng, hệ thống di sản của Việt Nam hết sức phong phú về chủng loại, có giá trị và quý hiếm. Đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong nước mà đặc biệt thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thời gian hình thành di tích, tác động của tự nhiên, môi trường và kể cả con người dẫn đến nhiều di sản có nguy cơ bị hư hỏng, biến dạng, thậm chí bị thất lạc.., do vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản là việc làm cần thiết và mang tính bền vững.
       Trước kia, bảo tồn được hiểu như là việc bảo vệ giữ gìn càng cẩn thận, càng chắc chắn càng tốt. Theo phương châm đó, nhiều nơi đã bảo tồn một cách nghiêm ngặt, kỹ càng di tích, di sản hoặc cấm mọi người tiếp cận, nhất là những công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị. Trong mấy năm gần đây, đâu đó lại xuất hiện tư tưởng bảo tồn và phục chế là làm mới, xây mới di tích dẫn đến biến dạng di sản và mất hết giá trị ban đầu vốn có giá trị của nó hoặc hiện tượng sân khấu hóa giá trị di sản với mục đích thương mại dẫn đến di tích bị méo mó hoặc lai căng theo giá trị kinh tế thị trường. Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm mới về bảo tồn di sản – gọi là “bảo tồn tích cực”, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các di sản văn hoá phải được bảo vệ, tôn tạo và tổ chức giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết.

    bvds cque 20151

        Là một nước có nhiều di sản, đặc biệt là di sản vật thể cần phải được bảo tồn, trùng tu với khoản kinh phí cho công tác này  rất lớn. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích từ ngân sách Nhà nước, có sự giúp sức và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và từ vấn đề xã hội hóa trong cộng đồng nên tạo ra quỹ khá dồi dào, góp phần không nhỏ cho công tác bảo tồn trong thời gian qua. Trọng góc độ khai thác giá trị di sản để nhìn nhận công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản có mấy ý kiến đánh giá như sau:     
       Thứ nhất, nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của di tích đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình và hoạt động cụ thể.
       Thứ hai, lúng túng trong việc xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di sản trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Cá biệt, có nơi vẫn tồn tại xu thế thương mại hóa di tích, đặt các mục tiêu, dự án phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu bảo vệ di tích.
       Thứ ba, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được qui tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước một cách chặt chẽ nên không được định hướng để sử dụng một cách có hiệu quả nhất.
       Thứ tư, công tác tuyên truyền về di tích chưa được chú trọng, thông tin về Luật Di sản còn hạn chế. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại điểm có tiềm năng chưa được khoa học, bài bản, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác cho phát triển du lịch và phát triển văn hóa.
       Thứ năm, năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở đã có những chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa  chưa thực sự hiệu quả.  
       Thứ sáu, nhiều khu vực di sản vẫn có dân cư sinh sống, đa số có đời sống khó khăn, thiếu đất canh tác nên ít nhiều tác động đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị cho phát triển du lịch.
       Thứ bảy, Nhiều dự án tu bổ di tích được thực hiện nhưng vẫn thiếu sự đầu tư đồng bộ cho di tích, từ tu bổ kiến trúc, nội thất tới tôn tạo cảnh quan sân vườn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng chống cháy, trộm, cải tạo hệ thống đường đi lối lại trong và xung quanh di tích, xây dựng các khu quản lý và dịch vụ… Cơ sở hạ tầng tại các di tích còn yếu, hệ thống giao thông đến di tích không phải đã hoàn toàn thuận lợi, thậm chí với nhiều di tích còn rất khó khăn trong việc tiếp cận, nhất là các di tích ở miền núi.
       2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá di sản phục vụ phát triển du lịch
       2.1. Những vấn đề cần quan tâm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch
       – Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cũng có nghĩa là bảo vệ người kế thừa di sản văn hoá – những nghệ nhân dân gian.
       Hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân và phải gắn với lợi ích của họ. Cộng đồng – chủ thể văn hoá, là người đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn một cách bền vững di sản văn hoá. Người dân, với vai trò là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, họ có đủ năng lực và thẩm quyền để đánh giá các giá trị của di sản văn hóa, quyết định lựa chọn các hiện tượng văn hóa nào là cần thiết để bảo tồn. Ví dụ như Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, không phải chỉ công nhận Cồng Chiêng mà còn là cả cộng đồng, không  gian, chủ thể văn hóa,… đã tạo nên kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
       – Bảo vệ, tôn tạo di sản phải nhằm mục đích giới thiệu di sản đến với công chúng.
       Do vậy, cần chuẩn bị tốt nội dung giới thiệu về di sản. Đây cũng là yêu cầu của phục vụ phát triển du lịch. Trong quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản – văn hoá đến năm 2020 của Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du Lịch cũng đã nêu rõ:“Ưu tiên cho công tác tư liệu hoá qua việc xây dựng hồ sơ khoa học, phim, ảnh tư liệu hoặc hình thức ghi nhận sự kiện bằng bia, đài kỷ niệm”. Nội dung giới thiệu cho du khách không cần thiết phải thật sự chi tiết, nhưng phải đầy đủ và chọn lọc.
       – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
       Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chỉ có thể được đẩy mạnh và đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng, để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình.
       – Bảo tồn các di sản văn hóa còn đồng nghĩa với việc bảo vệ và tôn tạo môi trường tại các khu di sản.
       Bảo vệ môi trường khu vực di sản là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch. Một môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, cũng như môi trường văn hoá xã hội thiếu lành mạnh, sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của các giá trị di sản đối với khách du lịch, và đương nhiên làm giảm tính hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Do vậy, trong công tác bảo tồn các di sản, cũng cần thiết đánh giá tác động môi trường và có những giải pháp triệt để, nhằm bảo vệ môi trường du lịch.
       Như vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch là một việc làm cần thiết và cấp bách. Chính vì thế, phát triển du lịch cần tuân theo những nguyên tắc về bảo tồn di sản văn hóa. Việc nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa, để tạo thành những sản phẩm du lịch mới, tại các khu vực có di sản, là cần thiết nhằm làm tăng thêm giá trị cho các di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch và có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng người dân trong khu vực.

    bvds cque 20152

       2.2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch
       – Hoàn chỉnh hệ thống chính sách về di sản, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt là những quy định của các Luật thuế cho phép các doanh nghiệp, cá nhân được giảm một phần thuế kinh doanh, thuế thu nhập… nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân đó có những đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng bảo tàng nhà nước, tài trợ cho những chương trình nghiên cứu về di tích.v.v. Thông qua đó, nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
       – Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, với quan điểm di tích là cái đang có, cái không thể thay thế, nên vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau thì cái mới, cái xây dựng sau cần phải hết sức tôn trọng di sản gốc.
       – Thực hiện nghiêm chỉnh 6 nguyên tắc của Công ước quốc tế về du lịch văn hóa đã được ICOMOS thông qua tại kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 12 ở Mexico năm 1999. Du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, và di sản thiên nhiên và đã thành một phức hợp đóng một vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ…đó là mối tương tác giữa du lịch và di sản văn hóa. Công ước đã đưa ra 6 nguyên tắc về du lịch văn hóa, 6 nguyên tắc này hoàn toàn có thể và cần được áp dụng trong điều kiện Việt Nam, các nguyên tắc đó là:
       + Tạo ra những cơ hội quản lý tốt và có trách nhiệm cho các thành viên của cộng đồng, chủ nhà và các khách tham gia để họ thấy được và hiểu được trực tiếp di sản và văn hóa của cộng đồng đó.
       + Mối quan hệ giữa các địa điểm Di sản và Du lịch là có tính động và có thể có giá trị xung đột nhau. Phải quản lý mối quan hệ đó một cách bền vững cho hôm nay vì các thế hệ mai sau.
       + Lên kế hoạch Bảo vệ và Du lịch cho các địa điểm Di sản, phải bảo đảm cho du khách sẽ cảm nhận được là thoải mái, thích thú và ấn tượng.
       + Các cộng đồng chủ nhà và dân chúng bản địa phải được tham gia vào việc lập kế hoạch bảo vệ và du lịch.
       + Hoạt động du lịch và bảo vệ phải có lợi cho cộng đồng chủ nhà.
       + Các chương trình xúc tiến du lịch phải bảo vệ và phát huy các đặc trưng của di sản thiên nhiên và văn hóa. Vì vây, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết./.

    TS. Võ Quế – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục