Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
1. Sự cần thiết lập quy hoạch
Núi Bà Đen thuộc vùng du lịch Đông Nam Bộ là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch khá phong phú đã được Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Những năm gần đây du lịch có những bước phát triển đáng ghi nhận, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2013, Việt Nam đón trên 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; trên 35 triệu khách du lịch nội địa; thu nhập du lịch đạt 195 ngàn tỷ (tăng 6,5 lần so với năm 2001). Phát triển du lịch còn tạo nhiều việc làm cho xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Du lịch Việt Nam đã khẳng định được vị trí trên thế giới và khu vực.
Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý khá thuận lợi; nằm trên tuyến đường xuyên Á kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các nước ASEAN. Bên cạnh vị trí địa lí quan trọng, Tây Ninh còn có nhiều tiềm năng du lịch, trong đó phải kể đến núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương cục, hồ Dầu Tiếng, Tòa thánh Tây Ninh, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát…
Năm 2013 du lịch Tây Ninh đón gần 1,2 triệu lượt khách du lịch có sử dụng dịch vụ lưu trú, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2013 là 9,7%/năm, trong đó khách quốc tế 9.155 lượt khách, thu nhập từ khách du lịch đạt 530 tỷ đồng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2013 là 21,9%/năm. Riêng khu du lịch Núi Bà Đen năm 2013 đón 2,1 triệu lượt khách (nhiều hơn tổng số khách có sử dụng dịch vụ lưu trú của toàn tỉnh) và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,7%/năm trong giai đoạn 2005-2013.
Vùng núi Bà Đen nằm ở cách trung tâm thành phố Tây Ninh 11 km về phía Đông Bắc, trên tuyến đường từ thành phố đi lòng hồ Dầu Tiếng, trong không gian du lịch gắn liền với hồ Dầu Tiếng, thành phố Tây Ninh, Căn cứ Trung ương cục, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và di tích lịch sử Dương Minh Châu.
Với thế mạnh về tài nguyên và vị trí địa lý, du lịch núi Bà Đen được xác định có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh, vùng cũng như cả nước.
Tiềm năng du lịch núi Bà Đen còn có thể được kết hợp khai thác cùng với các tiềm năng du lịch khác của tỉnh Tây Ninh như du lịch tham quan nghỉ dưỡng hồ Dầu Tiếng, du lịch tìm hiểu truyền thống lịch sử Cách mạng ở Căn cứ Trung ương cục miền Nam, du lịch sinh thái VQG Lò Gò – Xa Mát, du lịch tham quan Tòa thánh Tây Ninh, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phước Đông – Bời Lời, du lịch kết hợp với mục đích thương mại đường biên tại các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát…
Tuy nhiên trong thời gian qua, việc khai thác các tiềm năng du lịch núi Bà Đen còn hạn chế. Các hoạt động đầu tư khai thác mới chỉ dừng lại ở một số hạng mục như cáp treo, một số công trình vui chơi giải trí và công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Các hoạt động du lịch mới ở mức độ sơ khai, quy mô còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch cũng như vị trí của một khu du lịch quốc gia. Các tiềm năng du lịch khác ở khu vực phụ cận cũng hầu như chưa được đầu tư khai thác bài bản và hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng trên là cho đến hiện nay vẫn chưa xây dựng được một quy hoạch tổng thể trên cơ sở đánh giá có hệ thống những tiềm năng của toàn tỉnh và cả khu vực, phát huy lợi thế của tuyến đường xuyên Á, vận dụng các mô hình du lịch hoạt động khai thác khu du lịch tổng hợp quy mô lớn, kết hợp khai thác các loại hình tài nguyên du lịch đa dạng làm cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư, các quy hoạch chi tiết cho từng trọng điểm phát triển du lịch để núi Bà Đen phát triển thực sự xứng tầm một khu du lịch Quốc gia.
Như vậy có thể thấy nếu du lịch núi Bà Đen chỉ khai thác hạn chế với những hoạt động tâm linh, vui chơi giải trí đơn sơ như hiện nay thì khó có thể đạt hiệu quả cao, đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm khác thì Núi Bà Đen còn có thể mất dần thị trường truyền thống.
Chính vì vậy việc thực hiện dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, tạo cơ sở cho việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của khu vực, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, nghiên cứu của khách du lịch vừa góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, phát triển cộng đồng; góp phần vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở khu vực này. Quy hoạch núi Bà Đen sẽ có thể góp phần đưa khu vực trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch miền Đông Nam Bộ, trên tuyến đường xuyên Á và cả nước.
Để làm căn cứ cho việc lập quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch được xây dựng nhằm đảm bảo các nội dung quan trọng được nghiên cứu đánh giá, từ đó du lịch núi Bà Đen và phụ cận thực sự có điều kiện phát triển trở thành một trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, của Vùng Du lịch Đông Nam Bộ và của Tây Ninh.
2. Căn cứ lập quy hoạch
– Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 29/11/2005;
– Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11ngày 29/11/2005;
– Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và sản phẩm chủ yếu;
– Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
– Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020;
– Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 9/1/2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Tây Ninh;
– Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21/1/1989 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Bà Đen;
– Nghị quyết số 03-NQ/TƯ ngày 12/7/2012 của Tỉnh ủy Tây Ninh về xây dựng và phát triển Thị xã Tây Ninh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020;
– Quyết định số 64/2012/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
– Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030;
– Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
– Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 4/10/2012 của Tỉnh ủy Tây Ninh về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch Tây Ninh giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến 2020;
– Quyết định số 1591/QĐ-UBND ngày 14/8/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
– Bản đồ đo đạc địa hình khu vực nghiên cứu;
– Một số tài liệu, tư liệu có liên quan;
– Hiện trạng, tiềm năng, và nhu cầu phát triển du lịch khu vực.
3. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ lập quy hoạch
3.1. Quan điểm
– Đảm bảo các nguyên tắc về quy hoạch được quy định trong Luật Du lịch;
– Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước;
– Phát huy lợi thế khu du lịch, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đáp ứng nhu cầu du lịch và phát triển bền vững.
3.2. Mục tiêu: Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cần đạt được những mục tiêu sau:
– Làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, quy hoạch cụ thể các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng khu vực núi Bà Đen thành khu du lịch đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia góp phần tăng cường thu hút khách du lịch đến khu du lịch nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung
– Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, quỹ đất… nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
4. Phương pháp lập quy hoạch
4.1. Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
4.2. Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
4.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên). Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành Du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.
4.4. Phương pháp dự báo, chuyên gia: Được áp dụng để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức… có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của khu du lịch nói riêng. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian khu du lịch; trong việc đề xuất các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.
4.5. Phương pháp bản đồ: Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của quy hoạch. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên hệ thống bản vẽ quy hoạch.
Toàn văn Báo cáo tổng hợp: