Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
1. Sự cần thiết lập quy hoạch
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ theo định hướng phát triển du lịch vùng của chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm thành phố Đà Nẵng và 7 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với diện tích tự nhiên 44.376,9 km2, dân số năm 2012 xấp xỉ 9.000.000 người.
Theo tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tiếp giáp vùng Bắc Trung Bộ ở phía Bắc, vùng Tây Nguyên ở phía Tây, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Tây Bắc, vùng Đông Nam Bộ ở phía Tây Nam, phía Đông là biển Đông. Vùng bao gồm lãnh thổ 4 tỉnh và thành phố thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) ở phía Bắc và 4 tỉnh còn lại ở cực Nam Trung Bộ là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vùng có đường bờ biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận dài gần 1.200 km với nhiều vũng, vịnh, đầm, ghềnh, bán đảo, bãi cát. Các đảo ven bờ gồm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) rộng 16,5 km2; Lý Sơn (Quảng Ngãi) rộng 10 km2, Phú Quý (Bình Thuận) rộng 16,4 km2 và nhiều đảo đá lớn nhỏ khác. Hai quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) nằm cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 130 hải lý (240 km) và Trường Sa (Khánh Hòa) nằm cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 250 hải lý (465 km). Đây là vùng có tài nguyên du lịch biển, đảo nổi bật.
Duyên hải Nam Trung Bộ cũng là vùng có nhiều di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống nổi tiếng gắn với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, văn hóa các dân tộc thiểu số Đông Trường Sơn, các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc…trong đó nổi bật là hệ thống di tích của nền văn hóa ChămPa. Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đặc trưng của Vùng.
Hệ sinh thái với các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển, đảo và hệ sinh thái Đông Trường Sơn là các tài nguyên du lịch sinh thái.
Vùng cũng là nơi được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng nhiều sản vật có giá trị phục vụ văn hóa ẩm thực.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí thuận lợi trong mối liên kết vùng để phát triển du lịch. Du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, là cầu nối du lịch Bắc – Nam; điểm đầu của các tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”; cửa ngõ vùng Tây Nguyên; đầu cầu và cũng là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang du lịch Đông – Tây.
Thời gian qua du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã có bước phát triển và đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển du lịch cả nước nói chung. Sự phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và làm thay đổi diện mạo của nhiều tỉnh trong Vùng, tạo nên nhiều công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; củng cố quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo. Những kết quả thu được thực sự đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển du lịch Vùng vẫn còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể và sự liên kết phát triển du lịch toàn Vùng, thiếu ổn định, bền vững.
Để thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển du lịch đối với Vùng, cần phải có những định hướng mang tính đột phá gắn với việc liên kết phát triển du lịch các địa phương trong Vùng, khai thác hợp lý tài nguyên, xây dựng thương hiệu du lịch Vùng. Theo đó, việc lập “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là cần thiết.
2. Căn cứ lập quy hoạch
2.1. Căn cứ pháp lý
– Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/06/ 2009;
– Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
– Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
– Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;
– Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;
– Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 09/02/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
– Nghị quyết số 17/2001/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về quy hoạch sử sụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia;
– Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
– Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) đối với các tỉnh thành phố trên địa bàn Vùng;
– Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
– Quyết định số 1086/2008/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải nam trung Bộ đến năm 2025;
– Quyết định số 1436/2009/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam;
– Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 09/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;
– Quyết định số 1114/QĐ-TTg ngày 09/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020;
– Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
– Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
– Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Thông tư số 01/2007/TT-BKHĐT ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
– Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
– Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “ Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”;
– Quyết định số 1593/QĐ-BVHTTDL ngày 03/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ lập “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Quyết định số 3625/QĐ-BVHTTDL ngày 21/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt nội dung đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Các văn bản pháp lý khác có liên quan.
2.2. Các căn cứ khác
– Định hướng phát triển kinh kinh tế – xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020;
– Các báo cáo quy hoạch các ngành kinh tế và sản phẩm chủ yếu có liên quan trên địa bàn của Vùng;
– Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Vùng đến năm 2012; nhu cầu và xu thế phát triển du lịch quốc tế, khu vực và trong nước trong giai đoạn mới;
– Các số liệu thống kê và tài liệu khác.
3. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung lập quy hoạch
3.1. Quan điểm
Đảm bảo các nguyên tắc về quy hoạch được quy định trong Luật Du lịch:
– Phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – xã hội vùng Duyên hải miền Trung và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020; Quy hoạch các ngành có liên quan trên địa bàn.
– Đảm bảo chủ quyền quốc gia, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
– Bảo vệ, phát triển tài nguyên và môi trường du lịch giữ gìn và phát huy các giá trị di tích và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Vùng.
– Đảm bảo tính khả thi, cân đối cung và cầu du lịch.
– Phát huy lợi thế du lịch của Vùng, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch.
– Đảm bảo công khai trong quá trình lập và công bố quy hoạch.
Tăng cường tính liên kết vùng để phát huy lợi thế vùng, địa phương trong vùng, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, đáp ứng nhu cầu du lịch.
3.2. Mục tiêu
– Là bước cụ thể hóa chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
– Làm cơ sở lập các quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch các địa phương; quy hoạch các khu, điểm du lịch quốc gia.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất…đảm bảo phát triển bền vững.
3.3. Nhiệm vụ và nội dung quy hoạch
1. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của ngành du lịch Vùng.
2. Phân tích, đánh giá các yếu tố nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch Vùng.
3. Xác định quan điểm, mục tiêu; dự báo chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch Vùng.
4. Tổ chức không gian, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Vùng.
5. Xác định danh mục các khu vực, các dự án đầu tư, vốn đầu tư, nguồn nhân lực; thị trường và sản phẩm du lịch Vùng.
6. Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường.
7. Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch.
4. Phương pháp lập quy hoạch
4.1. Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
4.2. Phương pháp phân tích tổng hợp: Phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
4.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Điều tra, kiểm tra chứng các tư liệu và số liệu trên thực tế. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên).
4.4. Phương pháp chuyên gia: Tham vấn ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện các kết quả phân tích đánh giá, các dự báo phát triển phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển chung.
4.5. Phương pháp bản đồ: Được sử dụng để thể hiện các số liệu, tư liệu về tiềm năng, hiện trạng và định hướng phát triển du lịch trên toàn bộ lãnh thổ vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cũng như vị trí vai trò du lịch vùng trong mối liên hệ phát triển du lịch quốc gia và khu vực.
Toàn văn Báo cáo tổng hợp: