Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030”
1. Sự cần thiết lập quy hoạch
Vùng Đông Nam Bộ (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là hạt nhân then chốt của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 đã xác định quan điểm phát triển dịch vụ vùng Đông Nam Bộ là “cần tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh và chất lượng cao, trở thành trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á…”. Đối với du lịch là “sớm trở thành vùng trọng điểm du lịch cả nước với những sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế”. Mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch là “đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Du lịch cuối tuần, du lịch MICE, du lịch mua sắm, du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng núi, nghỉ dưỡng biển; du lịch sinh thái; du lịch dưỡng bệnh… Phấn đấu đến năm 2015 đón được 15 triệu lượt khách, trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu từ khách du lịch đạt 3 tỷ USD; đến năm 2020 đón được 18 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế là 5 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch đạt 5 tỷ USD”.
Thời gian qua, du lịch vùng Đông Nam Bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội; tạo nên nhiều công ăn việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn… thể hiện qua các chỉ tiêu cơ bản như đến năm 2013 đã đón được 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 18,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 65,4 ngàn tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD); tạo ra được 87,9 ngàn lao động trực tiếp và 160 ngàn lao động gián tiếp. Có được kết quả trên là do ngành Du lịch đã nhận được quan tâm của Tỉnh, Thành uỷ, HĐND, UBND các tỉnh, thành và sự giúp đỡ, phối hợp của các ngành, các cấp trong Vùng, đồng thời có sự cố gắng và nổ lực của cán bộ công nhân viên trong ngành du lịch.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta hòa nhập toàn diện sâu rộng với thị trường thế giới và khu vực, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, cạnh tranh trên thị trường sẽ xảy ra gay gắt hơn bao giờ hết; không chỉ xảy ra trên thị trường quốc tế mà còn trong thị trường nội địa, không chỉ một phạm vi, một địa bàn, một tỉnh mà lan tỏa ra trên diện rộng, nhiều lĩnh vực sẽ tác động và thách thức đến phát triển bền vững du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ vẫn còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể ổn định, bền vững và sự liên kết phát triển du lịch toàn Vùng.
Để thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển du lịch đối với Vùng, cần phải có những định hướng mang tính đột phá gắn với việc liên kết phát triển du lịch các địa phương trong Vùng, khai thác hợp lý tài nguyên, xây dựng thương hiệu du lịch Vùng. Theo đó, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là cần thiết.
2. Căn cứ lập quy hoạch
2.1. Căn cứ pháp lý
– Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật Di sản văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/06/ 2009;
– Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11ngày 29/11/2005;
– Luật Đầu tư số 59/2005/QH11ngày 29/11/2005;
– Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;
– Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009.
2.2. Các căn cứ khác
– Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX và kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam;
– Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và accs Nghi quyết của Chính phủ xét duyệt Quy hoạch sử đất cho ĐNB;
– Nghị định 92/2007/NĐ – CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định 180/2013/NĐ – CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2007/NĐ – CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/7/2012 của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
– Thông tư 01/2007/TT- BKH ngày 07/2/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ – CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT ngày 9/2/2012 của Bộ KH-ĐT về hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
– Quyết định số 1594/QĐ-BVHTTDL ngày 3/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ soạn thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Quyết định số 3624/QĐ-BVHTTDL ngày 21/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt nội dung đề cương “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
– Các báo cáo quy hoạch các ngành kinh tế và sản phẩm chủ yếu có liên quan trên địa bàn Đông Nam Bộ;
– Tiềm năng và phát triển du lịch các tỉnh trong vùng đến năm 2013; nhu cầu và xu thế phát triển du lịch quốc tế, khu vực và trong nước trong giai đoạn mới;
– Các số liệu thống kê, sách báo và tài liệu khác liên quan.
3. Giới hạn, phạm vi lập quy hoạch
3.1. Về không gian
Không gian vùng ĐNB gồm TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
Phía Bắc và phía Tây Bắc giáp với Campuchia; phía Tây và Tây Nam giáp với Đồng bằng sông Cửu Long; phía Đông – Đông Nam giáp với biển Đông và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phía Đông giáp Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Diện tích tự nhiên: 23.597,9 km2. Dân số: 15.304.752 người (2012); mật độ trung bình: 617 người/ km2.
3.2. Về thời gian
– Số liệu hiện trạng dùng để phân tích, đánh giá từ năm 2000 đến năm 2013 (trong đó chủ yếu phân tích các số liệu giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2013).
– Định hướng trong Quy hoạch từ 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ lập quy hoạch
4.1. Quan điểm
Bảo đảm các nguyên tắc về quy hoạch được quy định trong Luật Du lịch:
– Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐNB; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch các ngành có liên quan trên địa bàn.
– Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
– Bảo vệ, phát triển tài nguyên và môi trường du lịch giữ gìn và phát huy các giá trị di tích và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Vùng.
– Bảo đảm tính khả thi, cân đối cung và cầu du lịch.
– Phát huy lợi thế du lịch của Vùng, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch.
– Bảo đảm công khai trong quá trình lập và công bố quy hoạch.
Tăng cường tính liên kết vùng để phát huy lợi thế Vùng, địa phương trong Vùng, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, đáp ứng nhu cầu du lịch.
4.2. Mục tiêu
– Từng bước cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
– Làm cơ sở lập các quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch các địa phương; quy hoạch các khu, điểm du lịch quốc gia.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất… bảo đảm phát triển bền vững.
4.3. Nhiệm vụ
1. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của Vùng;
2. Phân tích, đánh giá các nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch Vùng;
3. Xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất và quy mô phát triển;
4. Dự báo và luận chứng các phương án phát triển du lịch Vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
5. Định hướng: Thị trường và sản phẩm du lịch; tổ chức không gian du lịch, kết cấu hạ tầng; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đầu tư phát triển du lịch; nguồn nhân lực du lịch; liên kết phát triển du lịch; nhu cầu sử dụng đất du lịch;
6. Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường;
7. Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch.
5. Phương pháp lập quy hoạch
5.1. Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp: Phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
5.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Điều tra, kiểm tra chứng các tư liệu và số liệu trên thực tế. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên).
5.4. Phương pháp chuyên gia: Tham vấn ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện các kết quả phân tích đánh giá, các dự báo phát triển phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển chung.
5.5. Phương pháp bản đồ: Được sử dụng để thể hiện các số liệu, tư liệu về tiềm năng, hiện trạng và định hướng phát triển du lịch trên toàn bộ lãnh thổ vùng Đông Nam Bộ cũng như vị trí vai trò du lịch vùng trong mối liên hệ phát triển du lịch quốc gia và khu vực
Toàn văn Báo cáo tổng hợp: