Viện NCPT Du lịch thực hiện nhiệm vụ khảo sát và làm việc, học tập kinh nghiệm quy hoạch phát triển du lịch tại quần đảo Manđivơ
Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2018 về việc khảo sát quần đảo Manđivơ, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện đoàn công tác khảo sát và làm việc, học tập kinh nghiệm quy hoạch phát triển du lịch tại nước Cộng hòa Manđivơ, từ ngày 24 đến 29 tháng 11 năm 2018. Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm học tập điển hình tốt trong quy hoạch phát triển du lịch tại quần đảo Manđivơ, phục vụ quy hoạch phát triển du lịch biển đảo và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Đoàn công tác đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều đối tác là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và doanh nghiệp du lịch của Manđivơ. Qua đó, đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong phát triển du lịch nói chung và quy hoạch phát triển du lịch biển đảo nói riêng. Cụ thể, đoàn công tác đã khảo sát thực địa các điểm du lịch thuộc đảo san hô vòng phía Nam Male, bao gồm khu nghỉ dưỡng đảo Maafushi, Adaaran Rannalhi và Adaaran Prestige Vadoo; Làm việc với Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Lữ hành; Bộ Du lịch Manđivơ.
Về phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường, đoàn nhận thấy có một số đặc điểm nổi bật có thể là những bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam, như sau:
– Các điểm du lịch đạt chuẩn là khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, theo tiêu chí đánh giá của Bộ Du lịch Manđivơ, được cấp nhãn Gold Travelife – Đảm bảo tính bền vững trong du lịch. Thiết kế khu nghỉ dưỡng độc đáo, vừa đảm bảo an toàn, xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, vừa có tính truyền thống.
– Dịch vụ chuyên nghiệp, chu đáo của nhân viên, thể hiện được đào tạo bài bản và sự quan tâm về cơ sở vật chất dành cho người lao động, bao gồm y tế, khu nghỉ ngơi, sinh hoạt, thể thao, giải trí, học tập…
– Thông tin đầy đủ và hướng dẫn khách du lịch đảm bảo rõ ràng bằng tiếng Anh, đặc biệt về vấn đề an toàn.
Về quản lý nhà nước và sự phối hợp với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, có một số điểm quan trọng đoàn ghi nhận sau khi trao đổi với Bộ Du lịch và Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành Manđivơ, cụ thể như sau:
– Bộ Du lịch Manđivơ được quy định thực hiện nhiều chức năng quản lý rất cụ thể: xây dựng quy định, quy chế trình Chính phủ phê duyệt, về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, hoạt động thể thao… Bộ Du lịch kiểm soát việc thực hiện du lịch của các đảo theo đúng quy định; Đào tạo nguồn nhân lực; Cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế; Cấp hạng sao cho cơ sở lưu trú… Làm việc theo cơ chế quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP). Các văn bản được xử lý và thông tin theo mô hình chính phủ điện tử. Bộ Du lịch trực thuộc Chính phủ, bao gồm 1 Bộ trưởng (thành viên nội các), Tổng Giám đốc (Director General) – vai trò như Tổng cục trưởng và các Vụ, phòng ban chức năng.
– Phát triển chính sách: Chính sách 1 đảo 1 khu nghỉ dưỡng được bắt đầu áp dụng từ năm 1972; Chiến lược trong 5 năm, đến nay đã xây dựng 5 chiến lược phát triển du lịch quốc gia; Bảo vệ môi trường một cách có hệ thống đảm bảo tác động tối thiểu tới môi trường và hầu như không có tác động tiêu cực đến xã hội.
– Việc xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia được giao cho công ty chuyên trách về marketing MMPRC, dưới mô hình công ty phi lợi nhuận, trực thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về việc gây quỹ phát triển du lịch, chủ yếu chi tiêu cho việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, tạo hình ảnh điểm đến quốc gia.
Tuy vậy, một số điểm hạn chế về khách quan và chủ quan trong phát triển du lịch của nước bạn cũng được chỉ ra, theo nhận xét của đoàn công tác, bao gồm:
– Các khu nghỉ dưỡng gặp khó khăn, thách thức đối với việc kinh doanh chủ yếu trên các phương diện như: giao thông đến đảo chủ yếu bằng phương tiện tàu cao tốc, hoặc thủy phi cơ. Vì vậy, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
– Ngoài ra, yếu tố mùa vụ du lịch cũng là một thách thức chung cho các khu nghỉ dưỡng.
– Bên cạnh đó, yếu tố thiếu nguồn nhân lực địa phương về số lượng và chất lượng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược đào tạo liên tục và giữ chân nhân viên ở lại.
Thông qua các nội dung trao đổi, thảo luận có trọng tâm, xúc tích với các đối tác Chuyến công tác khảo sát và làm việc, học tập kinh nghiệm quy hoạch phát triển du lịch tại quần đảo Manđivơ đã thu được kết quả trên nhiều phương diện: kinh nghiệm quý báu phục vụ quy hoạch phát triển du lịch biển đảo và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới; Cơ chế và chính sách thu hút đầu tư của Manđivơ; Phát triển mối quan hệ đối tác công – tư của Maldives và vai trò của khu vực tư nhân trong xây dựng và tư vấn chính sách và quản lý du lịch./.
Đoàn công tác thăm và làm việc với Bộ Du lịch Manđivơ
Chiến Thắng