Thẩm định cấp Bộ Dự án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Chiều 18/4, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị Hội đồng thẩm định cấp Bộ nghiệm thu Dự án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo quyết định số 1331/QĐ-BVHTTDL ngày 10/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định, nghiệm thu và báo cáo Bộ trưởng về kết quả để ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược.
Hội đồng thẩm định gồm có 15 thành viên, bao gồm: Thứ trưởng Lê Quang Tùng là Chủ tịch Hội đồng; Ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) – Phó chủ tịch; PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh, Nguyên Phó Tổng cục trưởng TCDL – Ủy viên phản biện 1; GS. TS Nguyễn Văn Đính, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Hà Tĩnh – Ủy viên phản biện 2 và các thành viên Hội đồng khác đại diện cho các cơ quan, đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc các Sở Du lịch Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sở VHTTDL Bình Thuận, các nhà khoa học có uy tín trong ngành du lịch. Hội nghị còn có đại diện khách mời từ các Bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…
Về phía đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược có sự tham dự của TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
Phát biểu khai mạc Hội nghị thẩm định, theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch đã đạt được những thành tựu đáng tự hào như kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngành du lịch đã hoàn thành và vượt xa các chỉ tiêu dự báo của Chiến lược đặt ra cho thời kỳ đến năm 2020, đặc biệt với sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân với những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh…
Đặc biệt hơn, vai trò mũi nhọn của ngành du lịch đã được Đảng và Nhà nước cũng như xã hội ghi nhận – là ngành đóng góp lớn vào GDP đất nước cũng như thúc đẩy nhiều ngành và lĩnh vực khác cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Du lịch vẫn còn những hạn chế và bất cập; kết quả tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững, hạ tầng du lịch còn chưa đồng bộ và hiện đại, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, môi trường du lịch còn ô nhiễm… Bên cạnh đó, ngành du lịch thế giới có nhiều xu hướng mới, đặc biệt là những tác động đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những yêu cầu phải xây dựng một chiến lược phát triển du lịch mới với hệ thống quan điểm, mục tiêu, giải pháp hoàn toàn mới, đáp ứng với yêu cầu mới đối với ngành du lịch.
Sau phần phát biểu khai mạc, Hội nghị thẩm định đã nghe TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPTDL thay mặt cho đơn vị chủ trì xây dựng Chiến lược báo cáo tóm tắt về những nội dung chính của Chiến lược. Theo đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã xây dựng Chiến lược du lịch mới với hệ thống quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp được tiếp thu từ tư tưởng của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiếp thu những tư tưởng mới từ Luật du lịch sửa đổi năm 2017 cùng những chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Chính phủ, của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đã được gửi xin ý kiến của 30 Bộ, ngành và các địa phương trọng điểm về du lịch, cùng ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch, cùng các ý kiến đóng góp của các Tổ chức quốc tế có uy tín như: Ngân hàng thế giới, Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), hãng tư vấn quốc tế Pricewater House Coopers (PwC),…
Các thành viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu dự Hội nghị sau khi nghe báo cáo kết quả đã có những đóng góp thẳng thắn, tâm huyết với mong muốn giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng một chiến lược tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đa phần các ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị thẩm định đều nhất trí cho rằng: Dự thảo Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được soạn thảo công phu, nghiêm túc, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Chiến lược đã bám sát và quán triệt được đường lối, chủ trương phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với hoạt động du lịch. Chiến lược du lịch đã có sự phân tích, đánh giá tương đối đầy đủ và toàn diện bối cảnh, tình hình phát triển của nền kinh tế thế giới, cập nhật được những xu hướng tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một trong những thành công của Dự thảo Chiến lược là nghiên cứu, đánh giá thuyết phục về hiện trạng và các nguồn lực phát triển du lịch, các chỉ tiêu phát triển du lịch về khách, tổng thu, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tổ chức không gian,…
Chiến lược đã có chọn lọc các yếu tố tích cực của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam ở các thời kỳ 2001-2010, 2011-2020, giúp cho việc xây dựng báo cáo Chiến lược mới với các quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển mang tính chất khả thi.
Ngoài ra, về các kịch bản tăng trưởng cho du lịch Việt Nam, đơn vị xây dựng Chiến lược đã đưa ra dự báo về 3 kịch bản tăng trưởng (thấp, trung bình và cao), đa số các đại biểu tán đồng với lựa chọn kịch bản 2 là kịch bản trung bình, theo đó tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2019-2020 là 25,2%, giai đoạn 2021-2025 là 9,9%, giai đoạn 2025-2030 là 8%/năm.
Các đại biểu cũng thống nhất cần nhấn mạnh Giải pháp 2 là “Đổi mới,hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế và đầu tư phát triển du lịch”. Đây là mảng công việc chủ yếu thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cũng là vấn đề khó khăn nhất, yếu nhất của Du lịch Việt Nam. Dự thảo cần nhấn mạnh các vấn đề cốt lõi như đổi mới chính sách thị thực, tiến tới mở rộng diện miễn visa cho khách du lịch nhiều nước hơn, mở cửa bầu trời để có thêm nhiều hãng hàng không mới, tăng cường tính cạnh tranh trong vận chuyển du lịch, hoàn thiện cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch,… đều là các chính sách quyết định đến sự phát triển của du lịch.
Ngoài các ý kiến của các thành viên Hội đồng, Hội nghị thẩm định còn được nghe nhiều ý kiến tâm huyết đến từ đại diện các Bộ, ngành.
Sau khi nghe ý kiến giải trình của cơ quan chủ trì Dự thảo, Hội đồng nghiệm thu tổ chức họp kín. Thứ trưởng Lê Quang Tùng – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: thống nhất thông qua Dự án “Xây dựng Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với kết quả 15/15 ý kiến đồng ý của các thành viên Hội Đồng. Đồng thời, Hội đồng yêu cầu Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch hoàn thiện, chỉnh sửa theo Kết luận của Hội đồng để báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược.
Văn Dương