Khảo sát làng nghề truyền thống các huyện ven biển Thanh Hóa, Nghệ An phục vụ phát triển du lịch
Thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch” thuộc Chương trình Hành động quốc gia về du lịch 2019, từ ngày 26 – 29/8/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát do ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế làm trưởng đoàn cùng các cán bộ nghiên cứu tham gia nhiệm vụ khảo sát tại một số huyện ven biển thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Tại Thanh Hóa, đoàn đã đến khảo sát nghề chế biển thủy sản thuộc Phường Quảng Tiến, và làng nghề đồ lưu niệm từ sản phẩm biển thuộc Phường Trường Sơn, Thành phố Sầm Sơn, Làng nghề mắm Nga Bạch – Xã Nga Bạch và làng nghề chiếu cói Nga Tiến – Xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn. Tại huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa, Đoàn khảo sát đã đến thăm làng nghề nước mắm Do Xuyên – Ba Làng nổi tiếng, và làng nghề chế biến thủy sản Liên Thịnh, Liên Đình thuộc xã Hải Bình. Đa phần tại các làng nghề này đều ghi nhận một thực trạng chung là số hộ còn theo nghề truyền thống rất ít, chủ yếu ở quy mô gia đình, đáp ứng nhu cầu của cá nhân hộ, sản phẩm còn chưa đa dạng, phong phú và lượng khách du lịch biết đến những sản phẩm của địa phương cũng còn rất thưa thớt. Bên cạnh đó, bà con tại các chợ cá, cảng cá và các làng nghề cũng ghi nhận rằng hiện nay, nghề đi biển đánh bắt cá gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có vốn lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thanh niên chủ yếu đi học, đi làm ở thành thị hoặc xuất khẩu lao động chứ không theo nghề biển nữa.
Tại Sầm Sơn, đoàn đã đến thăm xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản của công ty cổ phần Thanh Bình. Công ty cũng chia sẻ những khó khăn, cụ thể như sản lượng đánh bắt thủy hải sản ngày càng giảm, lực lượng lao động chính tại các xưởng chế biến chủ yếu là nữ ở độ tuổi trung niên hoặc có trình độ học vấn thấp, còn số lượng thanh niên tham gia đi biển đánh bắt thủy hải sản cũng ngày càng ít do tính rủi ro cao, thu nhập lại thấp, bấp bênh.
Riêng tại Xã Nga Bạch là đồng bằng giáp biển nằm ở phía Nam huyện Nga Sơn, người dân địa phương có nghề truyền thống đánh bắt hải sản, hiện nay trên địa bàn xã có 35 thuyền đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có 6 thuyền có công suất từ 230CV trở lên, còn lại là thuyền nhỏ từ 90 CV trở xuống. Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 1400 – 1500 tấn. Các hộ dân chủ yếu chỉ sản xuất mắm theo hình thức hộ gia đình. Toàn xã hiện có 4 cơ sở sản xuất và 21 hộ gia định chế biến mắm. Sản lượng nước mắm hàng năm đạt trên 2 triệu lít. Số lao động hoạt động trong nghề gần 200 người.
Với Làng nghề chiếu cói Nga Sơn trước đây trong cơ chế cũ đã từng có thời kì hoàng kim, khi mà các sản phẩm làm ra từ cây cói được xuất khẩu đi các nước Đông Âu, phục vụ cho nội địa cơ quan, trường học, công an, bộ đội, sản xuất các mặt hàng dân dụng như làn, túi xách, mũ nón, cốc, chén, thảm… Nhưng trong giai đoạn hiện nay do cơ chế thị trường việc sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển làng nghề truyền thống đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thị trường Trung Quốc tiếp cận thuận tiện hơn với các nước Đông Âu, nên chủ yếu cây cói và các mặt hàng sản xuất từ cây cói xuất sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc sản xuất mặt hàng tiểu thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây cói chưa được nhà nước quan tâm, chưa có thương hiệu trên thị trường, sản phẩm làm ra phụ thuộc vào tư nhân và thị trường Trung Quốc nên giá thành sản phẩm không cao, đồng thời trong cơ chế thị trường người dân đã và đang từng bước chuyển đổi ngành nghề sang việc khác, đem lại thu nhập cao hơn và không còn thiết tha với nghề truyền thống này.
Trong chuyến khảo sát tại Huyện Tĩnh Gia, đoàn công tác cũng có cơ hội ghé thăm và tìm hiểu về mô hình hoạt động của khu nghỉ dưỡng Nghi Sơn Eco Island. Tại đây đoàn đã có buổi trao đổi với Ông Nguyễn Văn Nghiêm – Phó Giám đốc của Nghi Sơn Eco Island về mô hình hoạt động thân thiện với môi trường, về ý tưởng kết nối du lịch làng nghề cói Huyện Nga Sơn, cụ thể là việc đặt hàng các sản phẩm từ cói như túi, mũ, ô, dép cói, ống hút, lót cốc, thảm và các sản phẩm trang trí trong khu nghỉ dưỡng…, cung cấp cho khách túi, mũ từ cói như một món quà tặng kèm khi khách thuê phòng, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, đồng thời cũng tạo ra nét riêng, độc đáo cho khu nghỉ dưỡng, giới thiệu được một phần văn hóa đặc trưng của địa phương. Đây có thể coi như ý tưởng khởi đầu cho việc kết nối doanh nghiệp có tiềm lực với các làng nghề truyền thống, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tìm đầu ra cho các làng nghề.
Tại Nghệ An, đoàn đã đến thăm nhà máy nuôi cấy Tảo Xoắn thuộc xã Quỳnh Bảng, Huyện Quỳnh Lưu, làng nghề nước mắm truyền thống Phú Lợi thuộc xã Quỳnh Dị, và làng nghề nước mắm Hải Giang 1 tại thị xã Cử Lò.
Đối với làng nghề nước mắm truyền thống Phú Lợi, khó khăn lớn nhất của người dân là việc xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, thu hút khách du lịch tới tham quan và mua sản phẩm do thiếu quỹ đất, vốn đầu tư còn hạn hẹp để xây dựng không gian văn hóa của làng nghề và trưng bày sản phẩm, khó tập trung được bà con để thống nhất một quy trình chung sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống vì phần lớn các hộ trong làng đều tự làm nước mắm theo cách riêng của gia đình, nên việc kiểm định, đánh giá chất lượng chung để đưa ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn.
Tại làng nghề nước mắm Hải Giang 1, đoàn cũng đã đến thăm các hộ gia đình chế biến nước mắm theo phương thức truyền thống, tuy nhiên một thực tế tại đây là mặc dù nằm ngay gần trung tâm hút khách du lịch của thị xã Cửa Lò, nhưng hầu như khách du lịch cũng không hề biết đến Làng nghề cũng như sản phẩm của Làng nghề mà thường chỉ mua nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản kém chất lượng hơn với giá thành cao theo sự hướng dẫn các lái xe điện quanh khu vực Cửa Lò.
Sáng ngày 29/8/2019, đoàn khảo sát cũng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Nghệ An về tình hình phát triển du lịch và thực trạng làng nghề truyền thống của tỉnh, thu thập thông tin và trao đổi nhằm tìm ra giải pháp duy trì, phát triển những làng nghề truyền thống, hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế gắn với phát triển du lịch địa phương.
Chuyến khảo sát đã kết thúc tốt đẹp với những thông tin, tư liệu có ý nghĩa để đánh giá một cách khách quan được thực trạng làng nghề truyền thống ven biển hiện nay tại hai tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An, những tiềm năng đối với việc gìn giữ và phát huy các làng nghề gắn với việc phát triển du lịch. Từ đó, nhiệm vụ sẽ nghiên cứu tìm ra giải pháp chuyển đổi và mở rộng sinh kế cho người dân trước những khó khăn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, thiếu vắng nguồn nhân lực, sự thờ ơ của thế hệ trẻ đối với văn hóa và nghề truyền thống, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương.
Phương Mai