Khảo sát đánh giá thực trạng các cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí tại Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh
Thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ TXTCN năm 2023 “Đánh giá thực trạng các cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch tại Việt Nam”, từ ngày 28/5 – 02/6/2023, đoàn công tác Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch dưới sự chỉ đạo của Phó Viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa đã tiến hành khảo sát và làm việc trực tiếp tại 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc.
Trong chuyến công tác, đoàn đã có buổi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước là UBND TP. Phú Quốc và cán bộ quản lý của một số khu/tổ hợp VCGT, công viên chủ đề, các doanh nghiệp du lịch để thảo luận và làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động và tương lai phát triển của các cơ sở cung cấp dịch vụ VCGT. Đoàn cũng đã đến khảo sát và làm việc trực tiếp với các cán bộ quản lý và làm việc tại các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề trên địa bàn 2 địa phương khảo sát như Vin Wonder, Safari, Khu tổ hợp VCGT Hòn Thơm ở Phú Quốc; Công viên văn hóa, du lịch Đầm Sen, Công viên văn hóa Suối Tiên ở TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, một số vấn đề nổi bật cần đề cập tới trong việc hoạt động và phát triển của các cơ sở, tổ hợp VCGT, công viên chủ đề:
– Đối với các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề mới được xây dựng, đầu tư bởi các tập đoàn lớn như Vin wonder, Hòn Thơm hay Vin safari… nhìn chung đều có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại; sản phẩm và dịch vụ tương đối đa dạng đáp ứng nhu cầu VCGT hiện đại của du khách, nhưng không làm rõ được bản sắc văn hóa riêng của địa phương; nguồn nhân lực về cơ bản được đào tạo kĩ lưỡng ngay sau khi tuyển dụng, tuy nhiên, không tránh khỏi việc còn hạn chế về chất lượng đầu vào cũng như số lượng lao động, mặc dù cơ chế, chính sách và đãi ngộ tương đối tốt. Về định hướng tương lai, các khu/ tổ hợp này đều có định hướng mở rộng quy mô hoạt động, vừa vận hành, vừa đầu tư xây dựng.
– Trong khi đó, đối với các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề đã xây dựng và vận hành từ lâu như Đầm Sen, Suối Tiên tại TP. HCM sẽ rất khó để cạnh tranh với các khu/ tổ hợp giải VCGT hiện đại mới về cơ sở vật chất, kĩ thuật, về chất lượng nguồn nhân lực cũng như về việc bắt kịp những xu hướng hiện đại trong nhu cầu của khách du lịch do sự hạn chế nguồn vốn. Bên cạnh đó, riêng đối với Đầm Sen, vấn đề còn nằm ở việc quy hoạch đất đai, diện tích của khu đang bị thu hẹp do sự thu hồi đất của nhà nước, cũng như cơ chế quản lý, vận hành cũ từ một đơn vị nhà nước được cổ phần hóa nhưng thiếu hụt vốn để phát triển; chính sách thu hút nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn do thiếu chế độ đãi ngộ phù hợp. Tuy nhiên, không thể phủ định các đơn vị này cũng đang rất nỗ lực trong việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng như phát triển những sản phẩm, dịch vụ như workshop trải nghiệm mang tính giáo dục môi trường, tổ chức các sự kiện truyền thống thường niên… phù hợp với nhu cầu của thị trường khách tiềm năng của cơ sở cũng như mang ý nghĩa giáo dục, văn hóa- lịch sử và tâm linh, cũng như những nét văn hóa riêng của địa phương.
Kết thúc chuyến khảo sát, đoàn công tác đã thu thập được một số những tài liệu cần thiết, cũng như nắm bắt được hiện trạng chung của các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề ở 2 địa phương là TP. HCM và Phú Quốc. Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số 03 đợt khảo sát theo kế hoạch triển khai của nhiệm vụ. Sau chuyện khảo sát ngày, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát tại các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Quảng Nam. Các tài liệu và kết quả khảo sát thu về sau các chuyến khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng để tổng hợp và làm rõ hiện trạng hoạt động của các khu/ tổ hợp VCGT, công viên chủ đề tại Việt Nam hiện nay, cũng như là căn cứ để đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp, tạo điều kiện để các cơ sở này hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của du lịch trong thời gian tới.
Tin: Phương Mai