Họp Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030”
Ngày 26/12/2019, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Đây là nhiệm vụ thuộc Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).
Hội đồng nghiệm thu gồm 6 thành viên, trong đó bà Nguyễn thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch là Chủ tịch hội đồng, các thành viên còn lại là Lãnh đạo các Vụ chức năng thuộc Tổng cục Du lịch.
Theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ, khu du lịch thác Bản Giốc có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Về tài nguyên tự nhiên, khu du lịch thác Bản Giốc có cảnh quan đặc sắc tại sông, suối, thác, hồ, hang động, hệ sinh thái rừng. Về tài nguyên văn hóa có Chùa phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, các di chỉ khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, những cột mốc thiêng liêng khẳng định chủ quyền Tổ Quốc, nghề truyền thống, ẩm thực, lễ hội và văn hóa đặc trưng đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Đặc biệt nhất, có thác Bản Giốc nằm trong khu vực đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4 năm 2018.
Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có cùng với thực trạng phát triển du lịch tại Khu du lịch thác Bản Giốc và tỉnh Cao Bằng, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm chính cho Khu du lịch thác Bản Giốc gồm: Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; Du lịch văn hóa, lễ hội và tâm linh; Du lịch ẩm thực.
Bên cạnh 5 nhóm sản phẩm chính, nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch bổ trợ nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều thị trường khách khác nhau như đối với du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là hoạt động trải nghiệm làm nông dân, đi bộ trekking, tìm hiểu hệ sinh thái rừng, tìm hiểu về công viên địa chất, học nấu ăn, tìm hiểu văn hóa bản làng; đối với du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe là các tour chăm sóc sức khỏe sử dụng bài thuốc của đồng bào dân tộc, rèn luyện sức khỏe với các bài tập và thực đơn ăn uống chuyên biệt, trải nghiệm chăm sóc thu hoạch lá thuốc… Du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm có các sản phẩm bổ trợ như chèo thuyển cao su, thuyển kayak, trượt zipline, dù lượn, trải nghiệm ngắm cảnh quan thác từ kinh khí cầu; Du lịch văn hóa, lễ hội và tâm linh với các chương trình du lịch vào các dịp lễ hội, mua sắm, các tour tâm linh, các khóa tu thiển…Du lịch ẩm thực bên cạnh trải nghiệm ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày Nùng, còn có các chương trình tìm hiểu về ẩm thực dân tộc, học nấu ăn cùng đồng bào dân tộc, mua săm sản vật địa phương…
Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Khu du lịch thác Bản Giốc gồm: Giải pháp về cơ chế chính sách bao gồm cả khu cảnh quan thác Bản Giốc 200ha và Khu du lịch thác Bản Giốc 1000ha; Giải pháp về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; Giải pháp về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch; Giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch; Giải pháp tổ chức quản lý hoạt động du lịch; Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch; Giải pháp liên kết và hợp tác quốc tế; Giải pháp về bảo vệ môi trường du lịch; Giải pháp khuyến khích hỗ trợ cộng đồng trong hoạt động du lịch.
Sau khi nghe báo cáo kết quả nhiệm vụ từ nhóm nghiên cứu, Hội đồng nghiệm thu kết luận nhiệm vụ được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện đạt chất lượng. Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị nên nghiên cứu lựa chọn 2-3 sản phẩm đặc thù, còn lại là sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ để làm nổi bật sản phẩm đặc thù của khu du lịch thác Bản Giốc. Tiếp thu ý kiến của Hội đồng, nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa để đưa ra 2 sản phẩm đặc thù đó là du lịch sinh thái với trải nghiệm tham quan ngắm cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và du lịch cộng đồng với trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Những nhóm sản phẩm còn lại gồm Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; Du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh; Du lịch ẩm thực là những nhóm sản phẩm chính để khai thác kết hợp cùng những sản phẩm bổ trợ làm đa dạng hóa các loại hình du lịch của Khu du lịch thác Bản Giốc.
Kết quả của nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030” là cơ sở để tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm đặc thù cho khu du lịch thác Bản Giốc, góp phần phát triển du lịch tại khu du lịch nói riêng và toàn tỉnh Cao Bằng nói chung.
Lan Hương – Trung tâm TVĐT DL