Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xúc tiến quảng bá điểm đến thông qua các sự kiện du lịch – Nghiên cứu điển hình sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2021 “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm”

    Mở đầu

    Năm Du lịch quốc gia 2021 – Hoa Lư, Ninh Bình với chủ đề “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm” với 38 hoạt động được tổ chức tại Ninh Bình và 104 hoạt động hưởng ứng của các tỉnh, thành phố một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử trường tồn của cố đô Hoa Lư cùng các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên và con người tích lũy, giữ gìn, ban tặng cho vùng đất này và cũng nhằm khích lệ và thúc đẩy ngành du lịch cả nước có thêm động lực vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái bình thường mới; tôn vinh các giá trị di sản, quảng bá hình ảnh đất và người Việt Nam. Do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 một số hoạt động, chương trình của năm Du lịch quốc gia 2021 – Hoa Lư, Ninh Bình không được diễn ra theo dự kiến. Tuy nhiên, qua những dự án, đề án tỉnh Ninh Bình có định hướng rõ ràng trong việc nghiên cứu, vinh danh các giá trị lịch sử văn hóa của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, cùng các di tích lịch sử, di tích khảo cổ học, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; chú trọng khai thác các giá trị văn hóa – con người vùng đất Cố đô, tạo nên sự khác biệt, độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa cố đô Hoa Lư gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc; có phương án cụ thể bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, mở rộng nghiên cứu khảo cổ học vùng kinh đô Hoa Lư xưa bổ sung thêm các nghiên cứu mới về lịch sử – văn hóa – đất và người Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung qua các giai đoạn lịch sử; giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân.
    Sự kiện quan trọng này thể hiện nỗ lực đã từng bước tháo gỡ vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa, giữ vững khu, điểm du lịch an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cơ sở vật chất và nhân lực tốt phục vụ nhu cầu khách du lịch trong tình hình mới. Các doanh nghiệp du lịch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, có hành động thể hiện quyết tâm cao vực lại hoạt động của ngành. Tăng cường khả năng liên minh kích cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng và đưa các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cả về giá và chất lượng phục vụ nhằm thu hút lượng khách nội địa, hưởng ứng mạnh chương trình quốc gia “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, công tác truyền thông cho Năm Du lịch quốc gia 2021 đến các đối tác quốc tế thông qua các hội chợ du lịch quốc tế lớn như ITB, WTM, các phương tiện truyền thông trực tuyến như trang thông tin www.vietnamtourism.gov.vn, các mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube…, các phiên họp trực tuyến. Những thông tin về Năm Du lịch quốc gia đều được truyền tải một cách rộng rãi, đầy đủ, qua đó góp phần quảng bá du lịch Việt Nam an toàn, mến khách. Cùng nỗ lực vượt khó để thực hiện các hoạt động theo kế hoạch của Năm du lịch quốc gia 2021: “Hoa Lư – cố đô ngàn năm” nhằm đạt mục tiêu giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên và sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch của cả nước sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

    Lễ khai mạc năm du lịch quốc gia – Ninh Bình 2021

    Phân tích bối cảnh

    Nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ, vừa là gạch nối, vừa là nơi giao thoa của ba nền văn hoá lớn sông Hồng – sông Mã – Hoà Bình. Ninh Bình được thiên nhiên và lịch sử ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều di sản văn hoá nổi tiếng, độc đáo như: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cồn Nổi, Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Núi Non Nước, Nhà thờ đá Phát Diệm, Di tích khảo cổ học Mán Bạc, động Người Xưa .v.v. Nổi bật nhất là Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất ở Đông Nam Á, nơi được ví như cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan môi trường cùng truyền thống cư trú của loài người trải qua hơn 30.000 năm hình thành và phát triển.
    Cùng các di tích khảo cổ ghi dấu người tiền sử cùng nhiều di sản văn hóa có giá trị đang được lưu giữ, bảo tồn, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân và những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất địa mạo và chiều sâu văn hóa, vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình còn ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng, vào năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi Hoàng đế, chọn Hoa Lư làm kinh đô, thành lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, khai mở nền chính thống Quốc gia, là sự tiếp nối Quốc thống các vua Hùng dựng nước. Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, vua Lê Đại Hành cùng các tướng lĩnh đã phá Tống, bình Chiêm xây dựng Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh đến Chiếu dời đô bất hủ của Thái tổ Lý Công Uẩn, sừng sững căn cứ địa vững chắc của nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông đến tiếng vó ngựa thần tốc của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long đại phá quân Thanh…những dấu tích oai hùng đó lưu dấu qua các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và trở thành điểm tham quan, nghiên cứu, học tập của đông đảo du khách, các em học sinh, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế. Ninh Bình nhanh chóng trở thành điểm sáng về phát triển du lịch ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
    Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh nghiêm túc và đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22 đã xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; Văn hóa – xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; Quốc phòng, an ninh được giữ vững; Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch, được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và khu vực. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt trên 11%. Năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, tạo cú hích thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
    Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2020 tạm thời hoãn, hủy. Được phép của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, Ninh Bình tiếp tục nhận trọng trách đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình trước du lịch cả nước, cũng là cơ hội để khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

    Chính sách và hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình

    Năm 2021 là năm đầu tiên Ninh Bình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, là năm thứ hai thực hiện cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nhiều khó khăn thách thức. Việc tổ chức Năm du lịch quốc gia 2021 cho thấy nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân củng cố, phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện bình thường mới.
    Vì vậy năm Du lịch quốc gia 2021 đề ra các mục tiêu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:
    – Tích cực triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương;
    – Huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch theo tiêu chí đạt tiêu chuẩn dịch vụ du lịch quốc tế;
    – Triển khai thi công, hoàn thành các dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt như: Công viên văn hóa Tràng An; giao thông thủy Bích Động – Hang Bụt và Thạch Bích – Thung Nắng
    – Tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
    – Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch để nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch;
    – Tổ chức thanh, kiểm tra về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ Năm du lịch quốc gia 2021 đối với 08 khu, điểm du lịch và 57 cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh;
    – Phát huy tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng để huy động toàn dân tham gia xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Tăng cường quảng bá, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ hiện đại, tạo dựng thương hiệu du lịch Việt Nam…

    Kết quả là:

    Trong bối cảnh kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, song Sở Du lịch đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy dân chủ, khắc phục mọi khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, quyết liệt, sự chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ của Sở Du lịch Ninh Bình và các bên liên quan triển khai thực hiện nội dung kế hoạch Năm du lịch Quốc gia 2021, nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
    Thành công của Lễ khai mạc: Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm” có sự tham gia của các đại biểu trung ương và địa phương, du khách và đông đảo nhân dân trong tỉnh. Ngoài các nghi lễ công bố khai mạc, chương trình có điểm nhấn với màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc do hơn 500 nghệ sĩ, người mẫu và nhân dân tham gia.
    Hoạt động chào mừng sự kiện Năm du lịch quốc gia: Triển khai các đợt tập huấn về du lịch bền vững theo kế hoạch 451/KH-SDL ngày 27/6/2019 của Sở Du lịch Ninh Bình, Sở đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và các bên liên quan tổ chức nhiều đợt tập huấn. Tính đến nay, Sở Du lịch Ninh Bình đã tổ chức được 4 đợt tập huấn cho tổng cộng khoảng 80 học viên, bao gồm chủ sở hữu, quản lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nội dung các khóa tập huấn bao gồm: Tiếp thị du lịch bền vững”; hoạt động kinh doanh bền vững; Xây dựng nhận thức về du lịch bền vững; Phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững… Bên cạnh đó, khóa đào tạo giảng viên hướng dẫn viên di sản, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng du lịch di sản tại Quần thể Danh thắng Tràng An” đã được tổ chức cho 30 học viên. Có thể nói, các khóa tập huấn đã cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản và thiết thực cho các học viên về tổng quan du lịch, marketing du lịch, du lịch bền vững, có trách nhiệm.

     

    Khóa tập huấn hoạt động kinh doanh bền vững

    Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh: Liên tục cập nhật, đăng tải các văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh; tin, bài, hình ảnh về các hoạt động du lịch Ninh Bình, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 và sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2021; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ khách du lịch trên các trang thông tin điện tử của ngành bằng 03 ngôn ngữ (Tiếng Việt, Anh, Pháp) và trang mạng xã hội facebook bằng ngôn ngữ Tiếng Việt đạt hiệu quả, thu hút trên 2,7 triệu lượt khách truy cập; cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch Ninh Bình tại phòng Thông tin du lịch ga Ninh Bình…
    Triển khai xây dựng mới, thay mới bề mặt các biển tên địa điểm du lịch và trụ xoay, bề mặt biển quảng bá tấm lớn và chỉnh trang các áp phích quảng bá du lịch tại các Trạm hỗ trợ khách du lịch; thiết kế và lắp đặt 18 biển quảng bá du lịch Ninh Bình dọc tuyến đường vào Ga Ninh Bình; thiết kế, lắp đặt 05 cụm biển quảng bá đặt tại các tuyến đường lớn của Thành phố Ninh Bình phục vụ tuyên truyền Năm Du lịch Quốc gia 2021.

    Triển khai áp dụng công nghệ số: Triển khai áp dụng công nghệ số; chuyển đổi bài viết thành dạng audio tích hợp vào các bài viết và chuyên mục trên website để cung cấp thông tin cho khách du lịch; thường xuyên ghi hình, xây dựng video, các bài trình chiếu, bản tin du lịch điện tử giới thiệu du lịch Ninh Bình làm tư liệu phục vụ công tác quảng bá xúc tiến du lịch; phối hợp với các bên liên quan xuất bản 38.000 ấn phẩm quảng bá du lịch; hoàn thiện bản thiết kế ấn phẩm quảng bá và xin giấy phép xuất bản sách “Ấn tượng Ninh Bình”; tổ chức trưng bày và cấp phát trên 21.000 ấn phẩm các loại tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình tại các hội nghị, hội thảo, các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh.

    Kết luận

    Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện chương trình Năm du lịch quốc gia “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm” theo kế hoạch dự kiến. Mặc dù ngành du lịch bị tác động mạnh của đại dịch COVID-19, du lịch Ninh Bình xác định đây cũng là cơ hội để củng cố, tổ chức lại cơ cấu ngành để phát triển theo hướng bền vững hơn. Đồng thời, tận dụng cơ hội Năm du lịch quốc gia để xây dựng, phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, trở thành trung tâm du lịch của cả nước, cùng cả nước cùng chung tay, hợp tác và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo động lực để ngành du lịch vững tin vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ trở lại, chuẩn bị cho một “kỷ nguyên phục hồi” sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, để du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển đồng đều giữa các vùng, miền trên cả nước.

    Tài liệu tham khảo:
    1. Báo cáo số 96/BC-SDL ngày 23/6/2021 về Kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của Sở Du lịch Ninh Bình

    Nguyễn Thị Vân
    Phòng Hợp tác Đối ngoại
    BQL Quần thể danh thắng Tràng An

    Bài cùng chuyên mục