Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xu hướng các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích trên toàn cầu

    Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù, ngày càng phát triển và dần có vị thế quan trọng trong phát triển du lịch toàn cầu.

    Trải qua giai đoạn dịch COVID – 19, đến nay xu hướng nhu cầu du lịch của khách hàng có sự thay đổi nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, một điều chắc chắn là du lịch mạo hiểm vẫn phát triển tốt bất chấp đại dịch. Một nghiên cứu do Destination Analysts thực hiện  kết luận rằng hơn một nửa số du khách được điều tra nói rằng họ có kế hoạch tránh các điểm đến đông đúc sau khi phần lớn các hạn chế được nới lỏng, do đó, có rất nhiều tiềm năng cho các hoạt động/chuyến đi tập trung vào nhóm nhỏ, không gian mở và ngoài trời. Yêu cầu duy nhất là phải nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch để đảm bảo điểm đến trở nên tốt hơn so với trước đây. Theo báo cáo của Hội đồng du lịch thế giới (WTTC), bốn xu hướng chung cần lưu ý sau đại dịch COVID – 19: sự thay đổi về cầu; sức khỏe và an toàn vệ sinh; số hóa và chuyển đổi số; tính bền vững.

    Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Du lịch Mạo hiểm 2022 (Adventure Travel Trade Association–ATTA), top 10 xu hướng các chuyến đi du lịch mạo hiểm trên thế giới dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và đặt tour theo thứ tự từ 1 đến 10 gồm: (1) Du lịch dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng du khách; (2) Du lịch “Xanh”/bền vững/ ít tác động; (3) Du lịch chậm; (4) Du lịch nội địa/nội vùng; (5) Chuyến đi có hướng dẫn viên du lịch hoặc hướng dẫn viên chuyên nghiệp; (6) Du lịch tới các điểm đến xa xôi; (7) Du lịch chăm sóc sức khỏe và chánh niệm (8) Du lịch di sản văn hóa/đa dạng-bình đẳng-hòa nhập; (9) Chuyến đi sử dụng xe đạp điện; (10) Chuyến đi cùng với gia đình/nhiều thế hệ. Trong bối cảnh đó, động cơ chủ yếu đi du lịch mạo hiểm của khách đó là: Tìm kiếm trải nghiệm mới; Tìm kiếm điểm đến mới lạ; Trải nghiệm du lịch như người bản địa; Giao lưu văn hóa; Mục tiêu cải thiện, chăm sóc sức khỏe; Văn hóa; Du lịch mạo hiểm được coi như một biểu tượng trạng thái; Nghỉ ngơi và tiện nghi sang trọng; Du lịch để tạm ngừng sử dụng các thiết bị điện tử (Digital detox); Công tác kết hợp giải trí (Bleisure)/du lịch kết hợp làm việc (workation).

    Các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích có thể kể đến là: đi bộ/hiking/trekking, đạp xe, ô tô địa hình, ẩm thực, chụp ảnh, văn hóa, safaris/ quan sát động vật hoang dã, quan sát chim muông, các hoạt động tập trung cho sức khỏe, chạy, leo núi, thám hiểm bằng thuyền, lướt ván đứng, lặn, câu cá, khóa tập huấn sinh tồn, các cuộc đua mạo hiểm… Xem các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích nhất năm 2019, 2020, 2021 tại Hình 1 và  Hình 2.

    Các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích năm 2021 so sánh với năm 2020

    Nguồn: ATTA, Adventure Travel Industry Snapshot 2022 (Recap of 2021)

    Các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích năm 2020 so sánh với năm 2019

    Nguồn: ATTA, Adventure Travel Industry Snapshot 2021 (Recap of 2020)

              Các sản phẩm du lịch mạo hiểm được ưa thích do Hiệp hội Thương mại Du lịch Mạo hiểm (ATTA) xếp hạng hàng năm cũng có sự thay đổi trước và sau đại dịch COVID – 19. Năm 2021, đầu năm 2022, đạp xe bằng xe đạp điện đã thay thế đi bộ/hiking/trekking để trở thành hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích nhất. Đi xe đạp điện có sự tăng trưởng ổn định từ xếp hạng thứ 5 năm 2019 lên thứ 3 năm 2020 và đến nay đạt vị trí quán quân. Tất cả các hoạt động đi xe đạp đều tăng trong năm 2020, nhưng đến năm 2021, chỉ có xe đạp điện lên ngôi, còn xe đạp địa hình tụt hạng từ thứ 4 xuống thứ 7 và xe đạp đường mòn giữ nguyên vị trí xếp hạng thứ 9.

    Đi bộ/hiking/trekking là sản phẩm ưa thích đứng đầu trong 3 năm liên tiếp 2018-2020 và chỉ chịu tụt hạng xuống thứ hai trong năm 2021.

    Các hoạt động ẩm thực có sự thay đổi thất thường, năm 2020 tụt hạng từ thứ 2 xuống thứ 6, những đến năm 2021 lại trở nên được ưa thích hơn (xếp hạng thứ 4).

    Mức tăng đáng chú ý nhất năm 2021 là đi bộ trên tuyết, chèo thuyền vượt thác và dù lượn, tương ứng thứ hạng #10, #14 và #18 và đây là các hoạt động thậm chí không có trong danh sách vào năm 2020.

    Năm 2020, du lịch cắm trại (xếp thứ 33 lên 13) và du lịch phượt (xếp thứ 19) đều có mức tăng ngoạn mục nhưng đến năm 2021 đều giảm mức độ ưa thích, tương ứng thứ hạng #19 và #34.

    Quan sát chim muông từ thứ 20 lên 12 trong thứ bậc xếp hạng hoạt động du lịch mạo hiểm ưa thích năm 2020 và giữ nguyên vị trí trong năm 2021.

    Đối với các môn thể thao dưới nước, ngược với lướt ván đứng có mức tăng các năm 2019, 2020, 2021 theo thứ tự tương ứng #18, #18 và #15, chèo thuyền kayak đang có xu hướng giảm và giữ nguyên mức độ ưa thích giai đoạn trước và sau COVID – 19 (được xếp hạng #8, #11 và #11 trong các năm 2019, 2020, 2021).

    Chụp ảnh cuộc sống hoang dã/ thiên nhiên có mức độ ưa thích trước và sau COVID – 19 dao động mức xếp hạng quanh vùng #7 – #9.

    Mười hoạt động du lịch mạo hiểm ưa thích năm 2021 và đầu năm 2022 xếp hạng từ cao xuống thấp bao gồm: đạp xe (xe đạp điện); đi bộ/hiking/trekking; safaris/ quan sát động vật hoang dã; ẩm thực/ nấu ăn; các hoạt động tập trung cho sức khỏe; văn hóa; đạp xe (địa hình vùng đồi núi); chụp ảnh (cuộc sống hoang dã/ thiên nhiên); đạp xe (đường mòn); đi bộ trên tuyết.

    Đối với các hoạt động du lịch mạo hiểm có xu hướng hàng đầu phân theo vùng/ châu lục năm 2021 (xem bảng 1), khu vực châu Á nổi bật lên hàng đầu với hoạt động văn hóa. Tiếp đến là hoạt động đi bộ/ hiking/ trekking, đạp xe (xe đạp điện), chèo thuyền vượt thác. Riêng hoạt động câu cá lần đầu được lọt vào top 5 các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích của châu lục.

    ưa thích phân theo vùng/ châu lục

    Vùng/

    châu lục

    #1 #2 #3 #4 #5
    Bắc Mỹ Đạp xe

    (xe đạp điện)

    Safaris/

    quan sát động vật hoang dã

    Đi bộ/

    hiking/

    trekking

    Đạp xe (đường mòn) Chèo kayak/ chèo thuyền trên biển/ vượt thác
    Trung Mỹ/ khu vực Caribê Ẩm thực Chụp ảnh (cuộc sống hoang dã/ thiên nhiên) Safaris/

    quan sát động vật hoang dã

    Văn hóa Các hoạt động tập trung cho sức khỏe
    Nam Mỹ Đi bộ/

    hiking/

    trekking

    Ẩm thực Đạp xe

    (xe đạp điện)

    Safaris/

    quan sát động vật hoang dã

    Các hoạt động tập trung cho sức khỏe
    Châu Phi Thám hiểm khảo cổ khóa tập huấn sinh tồn Chèo thuyền vượt thác Văn hóa Đi bộ/

    hiking/

    trekking

    Châu Âu Đạp xe

    (xe đạp điện)

    Ẩm thực Đi bộ/

    hiking/

    trekking

    Đạp xe (địa hình vùng đồi núi) Đi bộ trên tuyết
    Châu Á Văn hóa Đi bộ/

    hiking/

    trekking

    Đạp xe

    (xe đạp điện)

    Chèo thuyền vượt thác Câu cá

    Nguồn: ATTA, Adventure Travel Industry Snapshot 2022 (Recap of 2021)

    ThS. Trần Thị Tuyết Mai

    Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và Quản lý khoa học

    Bài cùng chuyên mục