Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xâm thực bờ biển ảnh hưởng đến ngành du lịch biển đảo ở Việt Nam – Giải pháp khắc phục

    Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế có uy tín, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Trung tâm Nghiên cứu các Hệ thống môi trường (CESR), Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA)… với 3.260 km đường bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam qua 28 tỉnh, thành phố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hiện tượng thiên tai cực đoan do nước biển dâng như xâm ngập mặn, biển xâm thực, bão, lốc… Trong nhiều năm qua, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng và gây ra những tác hại đối với khu du lịch, điểm du lịch ven biển đảo mà còn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng trong ngành du lịch ở khu vực ven biển, đảo, thậm chí còn đe dọa tính mạng con người (khách du lịch).

    Xâm thực biển tác động đến ngành du lịch ven biển đảo.

    Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi về biển – đảo. Lãnh thổ đất liền của Việt Nam được bao bọc bởi bờ biển trải dài trên 3.200 km theo 3 hướng: Đông, Nam và Tây Nam với diện tích vùng biển rộng trên 1 triệu km2. Vùng biển ven có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ các loại, với diện tích khoảng 1.700km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100km2, 23 đảo có diện tích 10km2 và lớn hơn, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2 và hàng nghìn đảo chưa có tên. 

    Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài với các hoạt động kinh tế, vận tải trên biển, du lịch ven biển, đảo nên thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các cơn bão hình thành từ Thái Bình Dương (một trong 05 ổ bão lớn nhất thế giới); trung bình hàng năm có từ 11 ÷12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Năm 2013, có 14 cơn bão và 05 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có siêu bão Haiyan với sức gió cấp 16 ÷ 17 và đặc biệt năm 2017 có kỷ lục về số lượng bão và áp thấp nhiệt đới, với 16 cơn bão, 04 áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11÷ 12 giật cấp 13÷15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). 

    Năm 2020 cũng là năm nhiều thiên tai dịch bệnh đối với ngành du lịch, trong đó có 13 cơn bão đổ bộ vào đất liền, với tần suất và cường độ tăng liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch tại các đảo Việt Nam, Như cơn bão số 10 ảnh hưởng rất mạnh đến đảo Lý Sơn – Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), tính đến hết ngày 3-11, tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra tại đảo là trên 215 tỷ đồng: Trong đó, có trên 1.800 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; gần 100 phương tiện tàu thuyền, ca nô du lịch bị sóng biển đánh chìm và hư hại; Ngoài ra, một số trụ sở làm việc, trường học, cơ sở di tích, cơ sở hạ tầng như một số khu du lịch điểm du lịch ven biển, chợ, hệ thống giao thông trên đảo…. cũng bị hư hại nặng, ảnh hưởng về hệ thống cơ sở hạ tầng, CSVCKT du lịch trên đảo, chương trình tour tuyến bị hủy bỏ… Do ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt từ sau cơn bão số 9 năm 2020 đến nay, tại khu vực bờ biển thôn An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, triều cường dâng cao, gây ra xói mòn và sạt lở đất. Nhiều khu, điểm sạt lở còn đe dọa đến công trình danh lam thắng cảnh của huyện đảo. Không những vậy, diện tích đất sản xuất hành tỏi của bà con nông dân đã bị nước biển xâm thực. 

    Tình trạng xâm thực đã gây sạt lở khoảng 500 mét bờ biển, ăn sâu vào đất liền khoảng 50 mét, nhiều diện đất sản xuất của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng. Sạt lở bờ biển tại đây không chỉ gây mất đất sản xuất của người dân Lý Sơn, mà còn đe dọa đến khu vực danh lam thắng cảnh ở khu vực Hang Câu, một điểm du lịch nổi tiếng của hòn đảo tiền tiêu này. 

    Các địa phương ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Ven biển cả nước phát triển được chuỗi các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (4-5 sao) ở hầu hết các địa phương ven biển. Phát triển một số trung tâm du lịch biển có tầm trong khu vực, như: Vân Đồn, Đà Nẵng, Phan Thiết, Phú Quốc… thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm. Du lịch biển, đảo hiện đóng góp khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm của ngành du lịch cả nước.

    Tình trạng xói lở do biển xâm thực của bờ biển Việt Nam rất khác nhau tùy theo địa hình của từng khu vực và được ghi nhận ở cả 3 miền: Miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình), miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và miền Nam (từ Vũng Tàu đến Kiên Giang). Với những đoạn duyên hải không còn rừng phòng hộ, sóng đánh thẳng vào chân đê gây sạt lở kết cấu hạ tầng, thiệt hại kinh tế và nguy hiểm cho nhân dân sống ở khu vực đó. Tại Phan Thiết, vào đầu tháng 3/2018, khoảng 10 resort nằm dọc bãi biển Hàm Tiến bị biển xâm thực nghiêm trọng, có nơi biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 10 m; chiều dài bờ biển bị sạt lở kéo khoảng trên 1.000 m; trong đó, một số nhà hàng bị biển cuốn trôi hoàn toàn. Bãi biển dài nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng cũng đang bị xâm thực biển đe dọa khiến cho nhiều trình công cộng như công viên, nhà tắm, nhà vệ sinh, lối đi bộ… bị nứt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa sự an toàn của người dân và du khách; riêng phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) có hơn 350 hộ dân bị đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp. Tại Thừa Thiên Huế, với đặc thù biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh như một số địa phương khác, gió, nước, xâm thực, sạt lở hầu như trực tiếp và xói mòn đất bờ biển. Thời tiết bình thường, tốc độ sạt lở xảy ra trên địa bàn xã từ 3-5 m/năm, những năm nhiều bão, áp thấp, tốc độ sạt lở tăng từ 5-7 m/năm. Trước thực trạng sạt lở càng ngày càng mạnh, những năm qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư nhiều dự án chống sạt lở bờ biển, tuy vậy, hiện vẫn còn khoảng 7 km đang phải đối mặt với nạn biển xâm thực.

     Bãi biển Bảo Ninh, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình là một trong những bãi biển đẹp và nằm ngay trung tâm thành phố, song bãi biển Bảo Ninh đang dần bị thu hẹp khi tình trạng xâm thực diễn ra mạnh trong thời gian qua. Đặc biệt, từ ngày 22/1/2024, khi không khí lạnh tràn về, tình trạng xâm thực và xói lở bờ biển ngày một nghiêm trọng hơn, đe dọa đến cơ sở vật chất trên bãi biển như hệ thống chiếu sáng, hệ thống dẫn nước ngọt. Lượng lớn cát vùng bờ bị cuốn đi, nhiều điểm tạo thành vực sâu 3-5 m.

    Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ tính riêng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5 đến 45m/năm, trung bình mỗi năm mất hàng trăm héc-ta đất. Trong đó, điển hình là bờ biển: Gò Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau)… Sự tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng ở khu vực Cà Mau, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187/254 km, làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã).

    Ngoài ra, mưa lớn, lũ lụt cũng là yếu tố thường xuất hiện với tần suất trung bình từ 3-4 trận/năm, nguy hiểm nhất là xảy ra cùng với các cơn bão lớn. Mưa lớn thường gây ra ngập lụt, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Lũ, lụt gây xâm thực bờ sông, bờ biển, hư hỏng các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch ven biển – hải đảo Việt Nam.

    Nguyên nhân dẫn đến xâm thực biển ở Việt Nam

    Nguyên nhân do con người như: Trong khi xâm thực biển đang trực tiếp làm suy giảm diện tích rừng phòng hộ quốc gia thì chính sự suy giảm rừng phòng hộ cũng góp phần làm cho hậu quả của xâm thực biển ngày càng nghiêm trọng và nặng nề hơn. Trong đó, sự suy giảm diện tích rừng phòng hộ không chỉ do biển xâm thực mà còn do hoạt động chặt phá rừng của con người để phục vụ phát triển du lịch, xây dựng các khu du lịch ven biển, nhu cầu sản xuất, làm kinh tế. Trong khi những cánh rừng phòng hộ, rừng ngập mặn có vai trò như một hệ thống sinh học có tác dụng giảm cường độ của gió, sóng và dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi để bùn cát tích tụ, giúp bờ biển chống xói lở thì rất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển đã bị chặt phá để nạo vét chuyển đổi thành đầm nuôi tôm tự phát, nuôi tôm quảng canh, làm khu du lịch sinh thái, các resort du lịch, các khách sạn, nhà hàng… lấy gỗ để xây dựng mà không có quy hoạch hợp lý, không có kế hoạch tái tạo rừng. 

    Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số và nhu cầu nhà ở – việc lấy cát để xây dựng, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tăng cao đã làm phát sinh thêm nhiều công trình hạ tầng ven biển. Việc xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch ven biển, hạ tầng kỹ thuật du lịch ven biển đã làm thay đổi quy luật tự nhiên của các luồng khí, gió đối lưu, làm thay đổi dòng chảy của biển – đảo và ảnh hưởng đến sự tác động của sóng biển vào bờ, khiến xâm thực bờ biển xảy ra ngày càng cao và liên tục. Điển hình như, ở một số bờ biển Việt Nam, hầu như ở vị trí nào làm kè chắn sóng vươn ra biển để xây dựng cảng hoặc khu neo đậu tàu thuyền phục vụ phát triển du lịch, kinh tế thì sau một thời gian, ở vị trí gần đó về phía nam bờ biển sẽ bị xói lở, xâm thực do tác động sóng biển, mỗi lần xây kè lấn biển chắn sóng, hay khi xây dựng khu dân cư mới tại vị trí biển xâm thực thì lại xuất hiện vị trí xói lở mới.

    Nguyên nhân từ yếu tố tự nhiên: Tác động của gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất, vị trí của đường bờ, biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng thì tình trạng xâm thực biển diễn biến phức tạp ở Việt Nam có thể kể đến như: 

    Nước biển dâng cùng với sóng, gió, triều cường và nước dâng do bão gia tăng làm tăng ngập lụt và xói lở bờ biển, tác động trực tiếp đến các công trình xây dựng trên biển, ven bờ như các cảng du lịch, các nhà máy điện chạy khí và hệ thống chuyển tải, phân phối điện, bến bãi, kho tàng, các công trình xây dựng công nghiệp, hệ thống giao thông ven biển, hệ thống đê biển, các thành phố, đô thị, khu công nghiệp, làm gia tăng chi phí cho việc bảo vệ, gia cố, duy tu, bảo dưỡng hoặc di dời. Một số công trình du lịch ven biển, hải đảo đã bị phá hủy do không có khả năng bảo vệ.

    Một số khu du lịch ven biển, các resort, khu nhà hàng, khách sạn do tác động của nước biển dâng đã phải di dời gây tổn hại lớn cho các nhà đầu tư cũng như ngành du lịch. Mức độ tác động phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương và tình trạng của các công trình hạ tầng kỹ thuật.

    Biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng tác động đến các nơi cư trú của cộng đồng dân cư ven biển và cơ sở hạ tầng về du lịch (khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển) ảnh hưởng đến đời sống dân cư và làm giảm tính hấp dẫn của các khu nghỉ dưỡng và du lịch trên vùng núi cao. Những điều trên đây sẽ ảnh hưởng đến số lượng khách du lịch hàng năm, nhất là về mùa hè.

    Theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 của Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện năm 2020, cho thấy: nếu mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu dâng cao 100 cm thì sẽ xảy ra nguy cơ sau:

    + Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh: 13,20% diện tích đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập, trong đó, tỉnh Nam Định có thể bị ngập lên tới 43,67% diện tích; 1,94% diện tích tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập, trong đó, 23,21% diện tích thị xã Quảng Yên có thể bị ngập. 

    + Dải ven biển miền Trung từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận: Khoảng 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ bị ngập, trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có 5,49% diện tích nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ ngập. 

    + Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: Khoảng 17,15% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, khoảng 4,84% diện tích tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập 

    + Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có diện tích chịu nguy cơ ngập cao nhất 47,29% diện tích, trong đó, cao nhất là tỉnh Cà Mau với 79,62% và tỉnh Kiên Giang với 75,68% diện tích có nguy cơ ngập, 

    + Đối với hệ thống các đảo ven bờ có nguy cơ ngập cao nhất là Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc. Kéo theo đó là 27% diện tích rừng ngập mặn và 20% diện tích rừng đầm lầy ở Việt Nam sẽ bị mất vĩnh viễn. 

    Đặc biệt, vùng đất ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định là các khu vực dự báo sẽ bị xâm thực mạnh. Ngoài ra, đối với bờ biển Duyên hải miền Trung, có đường bờ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tương tác giữa lũ thượng nguồn và triều cường biển Đông cũng là đối tượng dự báo sẽ bị xâm thực khá mạnh. Nước mặn sẽ xâm thực theo hướng vào sâu trong đất liền. Không chỉ gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến ngành du lịch như các khu du lịch, điểm du lịch ven bờ, các đảo bị xói mòn mất diện tích, cảnh quan, bãi tắm.

    Giải pháp chống xâm thực, bảo vệ diện tích bờ biển gắn với ngành du lịch

    Nhóm giải pháp cứng gồm có: Xây dựng các công trình đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông, đắp đê, xây kè biển, kè biển mỏ hàn, đê ngầm phá sóng, kè mỏ hàn kết hợp với đê ngầm phá sóng, mũi đất nhân tạo… Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, nước ngọt một cách hiệu quả nhất để gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn, giảm thiệt hại do nước gây ra, đồng thời thay đổi các dòng chảy xói lở thành bồi đắp. Với các chân đê bằng bê tông cốt thép, để chống lại sự ăn mòn kim loại do nước biển có thể thay thế sử dụng sắt thép bằng sợi thủy tinh. Nhóm giải pháp này được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng ở những vùng có bờ biển sạt lở rất trầm trọng như Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định), Hải Dương – Hòa Duân (Thừa Thiên Huế), Mũi Né (Bình Thuận), Gò Công Đông (Tiền Giang), Gành Hào (Cà Mau). Tuy nhiên nếu giải pháp cứng được đem ra áp dụng ở những vùng này, điều cần thiết là phải bảo đảm không làm xói lở chân công trình và hủy hoại hệ sinh thái của vùng bờ biển phía dưới công trình.

    Nhóm giải pháp mềm là trồng rừng phòng hộ ven biển: Trồng phi lao và các cây họ dừa dọc theo bờ biển ở tất cả những bãi sình lầy vùng ven biển châu thổ sông Hồng và châu thổ ĐBSCL, có thể trồng các loại cây cây bần, cây đước, cây vẹt, cây tràm… với chiều rộng từ 300-1000 m. Nhóm giải pháp này được cho là dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường, nhưng lại mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn vì tùy thuộc vào các điều kiện khí hậu của từng vùng, chế độ thủy văn và lý hoá tính của đất đai. Song song với công tác trồng rừng, cần kết hợp nuôi trồng thủy sản ở chân rừng ngập mặn nhằm đẩy mạnh kinh tế và bảo vệ chân rừng.

    Đối với ngành du lịch cần có sự chung tay bảo vệ để hạn chế sự xâm thực bờ biển và hải đảo như: 

    Tổ chức các buổi trồng rừng cho khách du lịch – nhất là khách du lịch là học sinh, sinh viên: Đồng thời tuyên truyền cho khách du lịch hiểu được rừng ngập mặn không chỉ giúp chắn gió, bão, cát biển mà còn thu hút các loài chim đến cư trú, các loài thủy hải sản cư trú ở khu rừng ngập mặn để sinh sản. 

    Dưới các luồng lạch, các loài thủy sản như cá, tôm, cua xuất hiện ngày càng nhiều được phục hồi, đang góp phần hạn chế được gió Đông, bão, ngăn chặn cát bay vào nhà dân; đồng thời, góp phần điều hòa môi trường trong khu vực. Đồng thời tạo được cảnh quan để khách du lịch có thể đến tham quan rừng, tham gia đánh bắt thủy hải sản dưới những tán rừng ngập mặn.

    Khai thác du lịch sinh thái trải nghiệm đối với rừng ngập mặn ven biển: Tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về thực vật (cây sú vẹt, cây đước, cây mắm, cây dừa nước…)

    Xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch từ hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với các làng nghề ven biển như: làm muối, làm mắm, đánh bắt hải sản, làng nghề sản xuất các dụng cụ đánh bắt thủy hải sản đảm bảo chất lượng dịch vụ, tăng giá trị, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

    Mặt khác, cần tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực biển phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ hệ sinh thái, tài sản và sự an toàn của khách du lịch, các nguồn tài nguyên du lịch vùng ven biển và trên các đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có đường bờ biển để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp ứng phó cho ngành du lịch phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, việc phủ xanh những cánh rừng phòng hộ chính là giải pháp kinh tế, bền vững và hiệu quả nhất để bảo vệ hệ sinh thái ven biển, chống xâm thực và xói lở.

    Tài liệu tham khảo

    1. Bộ Tài nguyên Môi trường “Kịch bản Biến đổi khí hậu năm 2020”, năm 2020, Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và bản đồ Việt Nam.
    2.  “Báo động đỏ” sạt lở biển Cà Mau (kinhtedothi.vn)
    3. Sạt lở bờ biển đe dọa tới an sinh người dân ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế – Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn)

    Bài cùng chuyên mục