Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa và những giá trị cho khai thác phát triển du lịch tại Đắk Nông

    1. Mở đầu

    Đắk Nông là vùng đất cổ, nằm trên cao nguyên M’Nông, phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình từ 600 – 700m, có nơi lên đến 1.970m so với mực nước biển. Ranh giới hành chính tỉnh với các tỉnh sau: phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk; phía Đông giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng; phía Tây giáp tỉnh Bình Phước; tỉnh Mondulkiri/Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng; tỉnh Bình Phước. Toàn tỉnh có 40 dân tộc cùng sinh sống, với tổng số 168.841 hộ. Trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) có 47.321 hộ, chiếm 28,02% số hộ toàn tỉnh, chiếm 31,47% dân số. Đây là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc bản địa là M’nông, Mạ và Ê Đê,với 15.409 hộ/69.756 khẩu chiếm 32,56% tổng số hộ DTTS toàn tỉnh, chiếm 32,25% số khẩu DTTS toàn tỉnh.

    Đắk Nông là tỉnh có bề dày văn hóa, lịch sử, nằm trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Nơi đây các giá trị văn hóa bản địa mang đậm nét truyền thống và bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số như M’Nông, Mạ, Ê đê… được bảo tồn và phát huy với nhiều nét văn hóa đặc trưng thể hiện qua những áng sử thi, hàng trăm lễ hội dân gian, kiến trúc nhà truyền thống, ẩm thực đặc sắc, các điệu múa dân gian truyền thống là nguồn tài nguyên giàu tiềm năng cho phát triển du lịch. Đối với ngành du lịch tỉnh Đắk Nông, những giá trị văn hóa này là nền tảng quan trọng để xây dựng đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách du lịch, tạo môi trường và điều kiện cho du lịch của tỉnh Đắk Nông phát triển. 

    2. Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa và khả năng khai thác cho phát triển du lịch tại Đắk Nông

    • Kiến trúc truyền thống

    Cùng với phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc dân gian… kiến trúc nhà ở là một trong những yếu tố góp phần hình thành nên văn hóa truyền thống tộc người. Cũng giống như các dân tộc khác trên dải đất Việt Nam, cộng đồng các tộc người bản địa ở Đắk Nông cũng đã trải qua quá sinh sống và thích nghi lâu dài với môi trường tự nhiên, từ đó sáng tạo cho mình một không gian sinh hoạt không chỉ là đơn giản là nơi để ở, nơi trú ngụ mà còn qua đó thể hiện nếp sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian bản địa của các dân tộc. Kiến trúc nhà truyền thống của các tộc người bản địa: dân tộc M’nông – nhà trệt; dân tộc Ê đê, dân tộc Mạ – nhà dài mang nét độc đáo và sắc thái riêng, rất có giá trị và hấp dẫn đối với khai thác phục vụ du lịch.

    a. Thông tin về tài nguyên

    • Nhà trệt của dân tộc M’nông

    Ngôi nhà trệt truyền thống của người M’nông có kiến trúc khá đặc biệt, nhà dài và thấp, được làm từ các vật liệu: tre, nứa, gỗ, lợp tranh hoặc lá mây buông dài xuống gần đất, cửa ra vào có cấu trúc vòm như tổ tò vò. Ngôi nhà trệt là nơi sinh sống tập trung từ 5 – 10 hộ gia đình có quan hệ huyết thống, trước hết là vừa có thể quây quần, đùm bọc giúp đỡ nhau, sau đó là tiết kiệm nguyên vật liệu trong quá trình dựng nhà. Tuy sống chung nhưng mỗi hộ đều quản lý tài sản, kho lúa và nấu ăn riêng biệt. Nhà thường có 3 cửa: cửa chính là nơi thường xuyên ra vào của các thành viên trong gia đình và khách đến chơi; cửa bên hông được bố trí thuận tiện cho việc bếp núc và chăn nuôi; cửa để giao lưu với hàng xóm. Kiến trúc nhà trệt là một thành tố cấu thành nên văn hóa của người M’nông, là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình khám phá văn hóa của khách du lịch khi đến với Đắk Nông.

    • Nhà dài Ê đê

    Nhà dài Ê đê là công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của người Ê đê, mang dấu ấn đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Nhà được làm theo hướng Bắc – Nam, vật liệu được sử dụng gồm có: gỗ dùng để làm khung cột và vì dọc, tre nứa làm xương mái và sàn, cây bương hoặc tre già dùng làm vách nhà; cỏ tranh dùng lợp mái. Kết cấu nhà sàn thấp, gầm sàn cách mặt đất khoảng hơn 1m, để thoáng có tác dụng tránh thú dữ, thiên tai. Về hình dáng nhà dài Ê đê có hình dáng giống như một con thuyền. Nhà gồm có hai phần: Gah là không gian tiếp khách, sinh hoạt chung, là nơi cúng lễ và đặt các vật quý của gia đình (ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng, trống…); Ôk là nơi đặt bếp, chỗ nấu ăn và là chỗ ở của các đôi vợ chồng được chia đôi theo chiều dọc, phần bên trái chia thành nhiều gian nhỏ, phần bên phải là hành lang đi lại. Nhà dài chính là một phương diện biểu trưng văn hóa độc đáo của người Ê đê: sự gắn kết chặt chẽ của gia đình, tính cộng đồng, niềm tin tín ngưỡng, vai trò người phụ nữ được đề cao. Tất cả những giá trị văn hóa nêu trên đều là chất liệu đáng quý cho khai thác phát triển du lịch.  

    • Nhà dài của người Mạ: 

    Cũng giống như người Ê đê, người Mạ sinh sống trong những ngôi nhà sàn dài với nhiều gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống với nhau. Ngôi nhà truyền thống của người Mạ là nhà sàn dài khoảng 20 – 30m, cao cách mặt đất khoảng 0,5- 1m. Nguyên vật liệu được sử dụng là những thứ có sẵn trong tự nhiên, gồm có: gỗ dùng để làm khung nhà, tre dùng để lát sàn, lá mây rừngcỏ tranh dùng để lợp mái… Ngôi nhà gồm có hai cửa là cửa chính và cửa phụ, không gian trong nhà cũng được chia thành hai phần: phòng khách dùng để tiếp khách, tổ chức nghi lễ cúng thần linh và trưng bày các vật dụng quý như chiêng, ché, sừng trâu…; không gian còn lại là chỗ nghỉ của các thành viên trong gia đình và bếp nấu ăn riêng. Có thể nói ngôi nhà truyền thống là một phần trong dòng chảy văn hóa của cộng đồng người Mạ nói nói riêng và đồng bào các dân tộc bản địa nói chung tạI Đắk Nông.

    b. Khả năng khai thác cho phát triển du lịch

    Kiến trúc nhà ở là công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của mỗi tộc người, được hình thành cùng với quá trình phát triển của tộc người đó, là một di sản quý giá, biểu hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, do tác động của đời sống hiện đại, cùng quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông đang bị mai một dần, trong đó có kiến trúc nhà ở. Hiện nay trong các bon/buôn của người M’nông, Ê đê, Mạ ở Đắk Nông, những ngôi nhà truyền thống không còn tồn tại nhiều, hầu hết được xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Tại buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là buôn cổ nhất của người Ê đê ở Tây Nguyên và đã triển khai dự án bảo tồn từ năm 2007, trước đây có cả trăm ngôi nhà dài truyền thống nhưng hiện chỉ còn chưa đến 20 ngôi nhà. Đa phần các ngôi nhà truyền thống còn lại hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nguyên nhân là do công tác bảo tồn được thực hiện chưa đúng cách, thiếu thốn về kinh phí, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền các cấp tại địa phương. 

    Giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch là việc làm cần thiết không chỉ riêng tại Đắk Nông mà còn tại các địa phương, các vùng miền trên cả nước nói chung. Khách du lịch ngày nay rất thích thú với việc được trải nghiệm không gian sống, tham gia sinh hoạt văn hóa của cộng đồng địa phương nơi có tài nguyên du lịch. Với những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa đang sinh sống tại Đắk Nông, nơi đây hoàn toàn có khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Điều cần thiết và cốt lõi là phải gìn giữ, phục hồi, được các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc nhà ở, đặc biệt tại các bon/buôn đã được lựa chọn thí điểm làm mô hình du lịch cộng đồng như: Bon N’Jriêng, xã Đắk Nia; bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (TP Gia Nghĩa); buôn Buôr, buôn Nui, xã Tâm Thắng; Làng văn hóa dân tộc Dao, xã Ea Pô (huyện Cư Jút); bon Ja Ráh, xã Nâm Nung; thôn Nam Tân, xã Nam Đà (huyện Krông Nô); bon Kon Hao, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong). Đối với những bon/buôn còn lưu giữ được các ngôi nhà truyền thống, chính quyền địa phương cần quan tâm và đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, phục dựng trên quan điểm bảo vệ tối đa được các yếu tố gốc. Đối với những nơi không còn giữ được các ngôi nhà truyền thống, có thể đầu tư xây dựng các ngôi nhà mới mang kiến trúc truyền thống cung cấp dịch vụ homestay phục vụ lưu trú, ăn nghỉ cho khách du lịch, để du khách tham gia vào các hoạt động sinh hoạt thường ngày cùng người dân bản địa. 

    • Phong tục tập quán và lễ hội truyền thống
    • a. Thông tin về tài nguyên

    Mỗi dân tộc hình thành trên một khu vực sẽ mang đặc điểm văn hóa bao trùm của khu vực nhưng cùng với đó lại nảy sinh những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt trong quá trình hình thành và phát triển, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và sống động. Các giá trị văn hóa gắn liền với các tộc người như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội được biểu hiện qua các nếp sống hàng ngày, trong các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng… luôn là yếu tố hấp dẫn đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, và trải nghiệm sự khác biệt văn hóa. Đắk Nông là vùng đất chứa đựng những dấu ấn văn hóa rõ nét của nền văn minh nương rẫy được thể hiện qua phong tục tập quán, các nghi lễ và lễ hội truyền thống vô cùng đặc sắc của cộng đồng các dân tộc bản địa – những chủ thể đầu tiên định cư và sinh sống nơi vùng đất này, tiêu biểu như: người M’nông có một số lễ hội: lễ hội “Tăm Blang M’prang Bon” (lễ hội cầu an của người M’nông), lễ hội “N’găp Bon” (lễ gặp mặt đoàn kết các bon), lễ cúng mừng mùa, lễ cúng cổng bon làng, lễ cúng bến nước, lễ cầu sức khỏe…; một số lễ hội của người Mạ: lễ mừng nhà mới, lễ cúng thần rừng đầu nguồn, lễ hội Iun Jông (lễ gắn kết tình thân), lễ hội Rnglăp bon (lễ sum họp cộng đồng)…; một số lễ hội của người Ê đê: lễ rước K’pan, lễ mừng mùa, lễ ăn cơm mới… Nếu được khai thác đúng hướng, những tài nguyên văn hóa đó sẽ là chất liệu quý giá góp phần xây dựng nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. 

    Ngoài các lễ hội liên quan đến yếu tố nông nghiệp, lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng, các dân tộc bản địa ở Đắk Nông còn có nhiều nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến vòng đời của con người với các giai đoạn từ khi có thai, khi sinh ra đến trưởng thành, cưới xin, tang ma. Tiêu biểu, người M’nông trong cuộc đời của mình phải trải qua các nghi lễ: khi mang thai (lễ cúng khi có thai, lễ bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ); sau khi sinh (lễ cúng cho sản phụ, lễ mở mắt con, lễ cắt nhau, lễ đặt tên, cúng hồn cho đứa trẻ mới sinh); giai đoạn đứa trẻ từ 1 – 12 tuổi (lễ cắt tóc, lễ xỏ tai, lễ thổi tai); khi trưởng thành (lễ cà răng, lễ trưởng thành); khi lập gia đình (lễ dạm hỏi, lễ đính hôn, lễ cưới); khi tuổi già (lễ mừng sức khỏe); khi qua đời (lễ khi quàn người chết trong nhà, lễ chôn người chết, lễ sau khi chôn người chết, lễ tiễn hồn người chết, lễ vĩnh biệt linh hồn người chết)

      Một nét đặc sắc truyền thống khác trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Đắk Nông đó là hình thức quản lý xã hội bằng luật tục (những quy định được lưu truyền qua nhiều thế hệ), được sử dụng trong các trường hợp: xâm phạm thân thể, vu khống, xúc phạm danh dự, tranh chấp tài sản, trộm cắp, ngoại tình… đều được xử lý bằng các hình phạt cụ thể do chủ bon/buôn, già làng đứng ra phân xử.

    b. Khả năng khai thác cho phát triển du lịch 

    Trong quá trình cư trú lâu dài tại vùng đất Đắk Nông với sức sáng tạo văn hóa không ngừng, các dân tộc bản địa nơi đây đã làm nên những đặc thù riêng về văn hóa thể hiện trong phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội. Vốn văn hóa đó không chỉ thể hiện được bản sắc văn hóa tộc người mà còn có giá trị đối với văn hóa của khu vực Tây Nguyên và rộng hơn là văn hóa Việt Nam. Hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội (thay đổi phương thức canh tác, sự biến đổi môi trường tự nhiên và xã hội mà cư dân sinh sống, sự bùng nổ của công nghệ thông tin)… khiến cho đời sống của cư dân nơi đây đã có nhiều thay đổi, vì vậy nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội đang dần mai một và có nguyên cơ biến mất. Đây là tình trạng không chỉ xảy ra đối với riêng đồng bào dân tộc bản địa ở Đắk Nông, mà chung của nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta. Trước tình hình đó, tỉnh Đắk Nông thời gian qua đã thực hiện nhiều đề án, dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, bao gồm: “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội – hoa văn – cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc Mnông tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2005 – 2009 và giai đoạn 2010 – 2015”; Đề án “Xã hội hóa hoạt động văn hóa giai đoạn 2006 – 2010”; Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”,… Qua đó, đã khôi phục được gần 70 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ M’nông, Ê đê, Mạ, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển du lịch tại tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, một điểm hạn chế trong khai thác loại hình du lịch lễ hội đó chính các lễ hội chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, không diễn ra hầu khắp trong năm, gây bất tiện đối với khách du lịch vì không phải du khách nào cũng có thể sắp xếp được thời gian đi du lịch trùng với thời điểm diễn ra lễ hội. Song cùng với đó, theo hướng tích cực có thể thấy việc lễ hội diễn ra theo mùa cũng sẽ tạo nên tính độc đáo, riêng biệt. Việc được trải nghiệm không gian lễ hội đặc biệt trong năm, hòa chung không khí của cộng đồng các dân tộc, trong những nghi lễ, tiếng cồng chiêng, tham gia các trò chơi… sẽ gia tăng sự hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu sắc đối với khách du lịch. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng khai thác và thu hút khách du lịch. Một số bon/buôn được lựa chọn thí điểm mô hình du lịch cộng đồng như: buôn Buôr, buôn Nui, xã Tâm Thắng (huyện Cư Jut); bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô); bon Kon Hao, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong)… mới chỉ đang trong giai đoạn đầu xây dựng nên cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cũng như số lượng khách du lịch nhất định. Đối với các lễ hội thu hút số lượng lớn khách du lịch, điều kiện về cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ở các bon/buôn này chưa đủ để đáp ứng, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Để góp phần phát triển du lịch nơi đây, ngoài việc bảo tồn, khôi phục và duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống trong vùng, cần đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đến hạ tầng giao thông, nước sạch; cơ sở vật chất kỹ thuật gồm cơ sở lưu trú (ưu tiên loại hình homestay), cơ sở ăn uống, mua sắm sản vật của địa phương… nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi của khách du lịch. 

    2.3. Nghệ thuật dân gian

    Thông tin về tài nguyên

    Được mệnh danh “Xứ Sở của những âm điệu”, Đắk Nông không chỉ mang âm hưởng vang vọng từ thiên nhiên như: âm điệu của sông suối, thác ghềnh, thiên nhiên kỳ vĩ, nơi đây còn chứa đựng những âm điệu phong phú và đặc sắc của các loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian: âm điệu diễn tấu của các loại nhạc cụ được chế tác từ những nguyên liệu của núi rừng như Goong Rêng, Goong Lú, R’lét, M’Boat… (Mnông), Đinh Năm, Đinh Pút, Tăc Tà… (Ê Đê); âm điệu của cồng chiêng trong các lễ hội, và âm điệu diễn xướng của các làn điệu dân ca Nau M’pring… (M’nông); Ai rey, Kưưt… (Ê Đê); Nao ring lêu, Yal yau… (Chao Mạ). Bên cạnh đó, âm điệu từ các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc di cư đến sinh sống tại vùng đất này như: đàn Tính, hát Then của người Tày, Nùng; tiếng khèn, tiếng sáo, làn điệu Xuối, Khắp, nhảy sạp, múa xòe của người Thái;… đã làm giàu thêm kho tàng âm điệu của vùng đất nơi đây. Tiêu biểu có Sử thi Ót N’drông và dân ca (Nau M’pring) của người M’nông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014 và năm 2020. Đặc biệt Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (trong đó có Đắk Nông) đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch của Đắk Nông, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của vùng đất này.

    Khả năng khai thác cho du lịch

    Khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế luôn có xu hướng trải nghiệm giá trị văn hóa bản địa trong những chuyến đi của mình. Với 01 di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên) và 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Sử thi Ót N’drông của người M’nông, Dân ca của người M’nông (Nau M’pring)), CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác các nguồn tài nguyên này cho phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa.  

    Nghệ thuật dân gian của các dân tộc bản địa trong ở Đắk Nông là chất liệu góp phần hình thành nên các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, và một trong những điều kiện để có thể khai thác tốt các giá trị tài nguyên này chính là vấn đề bảo tồn và thực hành. Đối với “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, hiện nay toàn tỉnh Đắk Nông có 336 bộ chiêng (304 bộ chiêng M’nông, 20 bộ chiêng Ê đê, 12 bộ chiêng Mạ), 17 bộ goong, 02 bộ đàn đá; nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng khoảng 834 người, trong đó chiếm đa số là nghệ nhân người M’nông với 716 người. Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, tỉnh Đắk Nông đã sưu tầm và phục dựng được 52 bài chiêng, trong đó dân tộc M’nông có 20 bài, dân tộc Mạ có 18 bài và dân tộc Êđê có 14 bài; mở các lớp truyền dạy cồng chiêng; thành lập các đội văn nghệ dân gian… Về “Dân ca Nau M’pring”, hiện nay trong cộng đồng người Mnông còn 213 nghệ nhân am hiểu và biết hát dân ca; số lượng nghệ nhân có thể hát kể “Sử thi Ót N’drông” hiện còn khoảng 20 người, đây là một con số khiêm tốn và đang có xu hướng giảm dần do đa phần là các nghệ nhân cao tuổi. Văn hóa nghệ thuật dân gian gắn liền với lễ hội, với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được diễn xướng trong không gian sản sinh ra các loại hình nghệ thuật ấy sẽ tạo được sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Nhìn chung, hiện trạng bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian tại tỉnh Đắk Nông hoàn toàn có thể đáp ứng được cho khai thác phục vụ phát triển du lịch của Đắk Nông. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả tài nguyên này thì song song với việc khôi phục các lễ hội – môi trường diễn xướng truyền thống của các loại hình nghệ thuật dân gian, cần phải sân khấu hóa, tạo môi trường và không gian diễn xướng văn hóa cộng đồng phù hợp với điều kiện mới tại các bon/buôn có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa nghệ thuật dân gian như: bon Đắk R’moan (xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa); buôn Buôr, buôn Nui (xã Tâm Thắng, H. Cư Jút)… Bên cạnh đó cần tích cực nâng cao nhận thức, truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian cho chính cộng đồng nắm giữ di sản, đặc biệt là thế hệ trẻ; thành lập các đội cồng chiêng, đội văn nghệ tại các bon, buôn trên địa bàn. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của khách du lịch bất cứ thời điểm nào trong năm mà không phụ thuộc vào các dịp lễ hội.

    2.4. Ẩm thực

    Thông tin về tài nguyên

    Ẩm thực không chỉ đơn giản là thưởng thức những món ăn mà bản thân nó còn chứa đựng và truyền tải những giá trị văn hóa như: câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến, cách thức ăn uống và cách ứng xử, giao tiếp trong ăn uống của cộng đồng địa phương, cho đến ý nghĩa của các món ăn cũng mang đến những giá trị tinh thần, tạo nên sự thú vị đối với du khách. Nền văn minh nương rẫy cùng sự đa dạng các tộc người đã mang đến cho vùng đất  Đắk Nông một văn hóa ẩm thực độc đáo, vừa phong phú lại vừa đồng nhất. Do địa bàn cư trú thường là khu vực có rừng, hai bên sông suối, gần nguồn nước nên đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê đã tận dụng các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: cà đắng, lá tàu bay, lá bép, đọt mây, măng le, quả núc nác, củ mài, củ nầng, cá suối, cua, tôm, ếch nhái, các loại côn trùng không có độc, thịt thú rừng… để chế biến thành những món ăn đa dạng, đặc trưng của dân tộc mình. Điểm chung của các món ăn đều mang tính dân dã, mang hương vị của ẩm thực miền núi. Một số món ăn tiêu biểu: muối kiến vàng, canh thụt, canh chua kiến vàng, thịt băm gói lá chuối nướng, cơm lam thịt nướng,…

    Bên cạnh các món ăn tiêu biểu, đặc sắc được chế biến mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên, nơi đây còn có những sản vật nổi tiếng như: cá lăng sông Sêrêpôk, cá kìm hồ Tà Đùng, nấm mối rừng, bơ sáp, ổi Đắk G’long, hạt tiêu Đắk N’rưng (huyện Đắk Song), sầu riêng Đắk Mil, rượu cần…

    Khả năng khai thác cho du lịch

    Phát triển văn hóa ẩm thực là một trong những lợi thế thu hút khách du lịch đến với các điểm đến du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ăn mới lạ, hấp dẫn, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch vì đôi khi sự hấp dẫn của ẩm thực địa phương trở thành động cơ và mục đích đi du lịch. Với tiềm năng về văn hóa ẩm thực nêu trên, có thể khai thác phát triển loại hình du lịch khám phá ẩm thực kết hợp với du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch nông thôn tại một số bon/buôn như: bon Đắk R’Moan xã Đắk R’Moan – (TP. Gia Nghĩa); Buôn Buôr, Buôn Nui xã Tâm Thắng, Làng văn hóa dân tộc Dao xã Ea Pô (huyện Cư Jút); Buôn Choah (huyện Krông Nô); bon Kon Hao xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long)…, góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch của vùng đất này.

    2.5. Nghề truyền thống

    Thông tin về tài nguyên

    Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có một số nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, bao gồm: dệt thổ cẩm, đan lát bằng mây – tre – nứa, làm rượu cần, rèn sắt… Các nghề này vẫn được duy trì trong một số bon, buôn trên địa bàn một số xã tại các huyện/thành phố như: Cư Jut, Krông Nô, Đắk Song, Đắk G’long, Gia Nghĩa…, trong đó phổ biến nhất là nghề dệt thổ cẩm và nghề làm rượu cần: 

    • Nghề dệt thổ cẩm

     Dệt thổ cẩm là biểu tượng và nét đẹp cổ truyền trong văn hóa các tộc người thiểu số bản địa ở Đắk Nông. Trước đây, với lối sống tự cung tự cấp, dệt thổ cẩm được tạo ra không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu trong gia đình, mà còn là tài sản để trao đổi hàng hóa và cũng là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Thổ cẩm của người M’nông, Mạ, Ê đê mang vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên  và cuộc sống, thể hiện đặc trưng riêng có của đồng bào dân tộc nơi đây. Giá trị tinh hoa văn hóa đặc sắc, văn hóa nghề được thể hiện:

    – Nguyên liệu dệt truyền thống: nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông. Hạt bông được gieo trên nương rẫy vào tháng năm và thu hoạch quả bông vào tháng 12, trải qua các công đoạn: phơi quả, tách hạt, lấy bông, đánh cho bông tơi, se tơ, kéo sợi, nhuộm màu bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên (các màu chủ đạo thường là đen, đỏ, vàng, tím, trắng, xanh) và phơi khô sợi nhuộm trước khi dệt.

    – Công cụ dệt: bộ khung dệt truyền thống của người M’nông, Mạ, Ê đê khá tương đồng, hoàn toàn làm bằng tre, nứa, gỗ tự nhiên thô sơ. Cấu tạo của khung dệt đơn giản gồm những thanh tre nứa được bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ. Khung dệt có nhiều loại phù hợp với các sản phẩm có kích thức khác nhau: dệt váy, dệt chăn, dệt túi thổ cẩm, dệt khăn địu, dệt khố…

    – Kỹ thuật và hoa văn dệt: kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống bao gồm các công đoạn quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, vì vậy đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dệt. Các mẫu hoa văn thổ cẩm của mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng tựu chung lại là sự kết hợp giữa đường nét và hoa văn với tỷ lệ hài hòa, tái hiện lại cuộc sống hàng ngày, văn hóa truyền thống đặc trưng: người M’nông thường sử dụng các hoạt tiết trang trí là hình tam giác nối kết lồng kết ghép vào nhau, được điểm xuyết bằng hình ảnh chim, thú, cỏ cây, dãy núi, con sông, hoặc những hình ảnh sinh hoạt cộng đồng; người Mạ chủ yếu trang trí hoa văn hình học, sóng nước, hình người, muông thú và các vật dụng gần gũi quen thuộc gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày; người Ê đê trang trí họa tiết hình cây dương xỉ, bò cạp ấp con, trứng thằn lằn, con rùa, trứng đại bàng, con rồng đất… 

    – Sản phẩm: Trang phục truyền thống và đồ sinh hoạt thường ngày của đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê bao gồm: váy, áo ngắn, tấm choàng, khố, khăn đội đầu, vải địu trẻ, chăn… đều là sản phẩm dệt thổ cẩm. 

    • Nghề làm rượu cần

     Rượu cần là một trong những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của các đồng bào dân tộc bản địa tại Đắk Nông nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung. Để có được thành phẩm là những ché rượu ngon thì cần phải trải qua các công đoạn khá kì công, bao gồm:

    – Nguyên liệu: Rượu cần được làm bằng những nguyên liệu sẵn có như sắn, ngô, gạo nếp, gạo tẻ, bo bo, nếp than, hạt kê…, nhưng đa phần ưa chuộng sử dụng gạo nếp và gạo tẻ. Bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nằm trong men rượu – loại men được làm từ các loại lá và rễ cây trong rừng. 

    – Phương thức ủ và lưu giữ rượu cần: Quá trình ủ được bắt đầu từ khi cho hỗn hợp men, gạo, trấu vào ché. Hỗn hợp chiếm khoảng 2/3 dung tích ché, bỏ một lớp trấu mỏng lên hỗn hợp, rồi dùng lá rừng đậy kín miệng ché lại. Điều đặc biệt, việc làm rượu cần còn phụ thuộc rất nhiều vào những chiếc ché. Ché càng cổ rượu càng ngon vì ruột những chiếc ché cổ không tráng men dễ dàng để cho men rượu bám và lên men. Trước khi đem ra ủ rượu, ché phải được khử trùng, phơi khô. Thời gian ủ rượu phải hơn 10 ngày trở lên, ngon hơn thì để vài tháng. 

    – Những kiêng kị trong quá trình làm rượu: Trong quan niệm truyền thống của người M’nông, Ê đê, Mạ, rượu cần vừa là sản vật, đồng thời cũng là lễ vật của đồng bào các dân tộc nơi đây dâng cho thần linh, trời đất mỗi dịp cúng tế, lễ hội. Vì vậy, trong quá trình làm rượu cần tuân thủy những nguyên tắc: phải giữ cho thân thể sạch sẽ; phụ nữ mang thai không được làm men hoặc đến gần ché rượu; khi giã men người trong gia đình không được đi rừng hay đi xa; nhà có người chết kiêng không làm rượu cần trong một tuần (chết do bệnh) hoặc ba năm (chết do tai nạn, tự tử…)

    – Văn hóa uống rượu cần: Rượu cần được coi là sản vật dâng lên thần linh, là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng. Vì vậy, rượu cần được coi là thức uống quý giá, chỉ được sử dụng trong các dịp cúng tế, lễ hội, các cuộc vui, đón khách quý hay bạn bè phương xa. Uống rượu cần là bản sắc văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc. Thứ tự uống bắt đầu từ người lớn tuổi nhất hoặc người quan trọng nhất, sau đó mới theo thứ tự lứa tuổi hoặc người có vai trò quan trọng tiếp theo. Cách uống rượu cần rất đa dạng: uống đơn, uống đôi, uống nhiều người, uống thi đấu, uống tự do. Nếu là khách nhận lời mời uống thì phải uống thật lòng, không được rời tay khỏi cần rượu khi chưa uống xong, như vậy mới thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà. Những nội dung hoạt động trong khi uống rượu cần, gồm có: truyền khẩu các kiến thức về luật tục, truyền thuyết, hát đối, đánh cồng chiêng,…Khả năng khai thác cho du lịch

    • Đối với nghề dệt thổ cẩm

     Những sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công cùng với những câu chuyện về văn hóa luôn có sức hút đối với du khách tại các điểm du lịch. Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê thì các dân tộc miền núi phía Bắc như Dao, Thái, Tày, H’mông… khi di cư đến sinh sống trên vùng đất Đắk Nông đã mang theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, đến nay một số vẫn còn duy trì. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 895 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm, trong đó: nghệ nhân người dân tộc M’nông 647 người, dân tộc Mạ 66 người, dân tộc Ê đê 80 người, dân tộc Dao 25 người, dân tộc Thái 20 người, còn lại là dân tộc Tày, dân tộc Mông… Đây là nguồn lực quan trọng trong việc lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm trong phát triển du lịch trên toàn tỉnh Đắk Nông. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình, dự án để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của thổ cẩm như: tổ  Lễ hội Văn hóa thổ cẩm (năm 2019, 2020); Dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm thuộc Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo (năm 2020); Dự án đầu tư trang bị khung dệt, máy may, sợi chỉ… cho 19 hộ trong đó có các hộ thuộc 3 bon Ka La Dơng, Phi Mur, Ka Nur, (xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long) (năm 2020); Đề án Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023 – 2025;…

    Với tiềm năng đã có và sự quan tâm của các cấp chính quyền, điều cần thiết để phát huy có hiệu quả nghề dệt thổ cẩm là phải gắn nghề vào các hoạt động du lịch cộng đồng của du khách với hình thức “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, để du khách có cơ hội trải nghiệm quy trình làm ra những thước vải kỳ công, vừa khám phá màu sắc văn hóa độc đáo của các bon/buôn tiêu biểu như: bon N’Jiêng – xã Đắk Nia, bon Đắk R’Moan – xã Đắk R’Moan (TP. Gia Nghĩa); Buôn Buôr, Buôn Nui – xã Tâm Thắng, Làng văn hóa dân tộc Dao – xã Ea Pô (huyện Cư Jút); bon Kon Hao xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long)…

    • Đối với nghề làm rượu cần

    Năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận nghề truyền thống làm rượu cần cho Tổ hợp tác rượu cần tại xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa). Tổ hợp tác được thành lập gồm có các thành viên là những người có kinh nghiệm làm rượu cần trong bon Ting Wel Đơm, bon Bu Sóp và bon N’Jriêng. Sản phẩm rượu cần Đắk Nia đã đăng ký sở hữu trí tuệ, có logo và nhãn hiệu riêng. Việc thành lập tổ hợp tác là hướng đi đúng đắn, mở ra cơ hội phát triển của nghề góp phần giữ gìn nghề truyền thống làm rượu cần, tăng thu nhập cho đồng bào thiểu số bản địa. Xây dựng các bon, buôn du lịch cộng đồng, tạo điểm đến cho du khách trải nghiệm văn hóa sẽ tạo cơ hội cho rượu cần tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng: khách du lịch mua về làm quà, cung cấp rượu cần cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch… Việc cần thiết là nhân rộng hơn nữa mô hình du lịch cộng đồng tại các bon, buôn có tiềm năng du lịch và thành lập thêm các tổ hợp tác nghề truyền thống làm rượu cần, xây dựng rượu cần trở thành sản phẩm OCOP… Phát triển các nghề truyền thống nói chung và rượu cần nói riêng gắn với hoạt động du lịch của Đắk Nông sẽ mang lại lợi ích kép: bảo tồn bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. 

    • Kết luận

    Có thể khẳng định, đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa của Đắk Nông sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, là nguồn lực văn hóa giàu giá trị để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa, văn nghệ dân gian; du lịch gắn với các lễ hội truyền thống; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống, lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch nông nghiệp – nông thôn; du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề, nghề truyền thống;… Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu, để phát triển du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số hiệu quả đòi hỏi phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tộc người; dựa vào các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống, mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc (M’nông, Mạ, Ê Đê) để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề du lịch cho cộng đồng;… Khai thác tốt các giá trị văn hóa này sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách du lịch, góp phần tạo môi trường và điều kiện cho du lịch của tỉnh Đắk Nông phát triển trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2020, đã vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất năm 2023 và chính thức được tái công nhận danh hiệu giai đoạn 2024 – 2027./.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bùi Trọng Hiền (2021), Âm nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên, NXB Văn hóa Dân tộc.
    2. Cục Thống kê tỉnh Đắk Nông (2022), Niên giám thống kê tỉnh Đắk Nông năm 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội.
    3. Trần Văn Lập (2022), “Giá trị của dân ca dân tộc M’nông ở tỉnh Đắk Nông”, Tạp chí Dân tộc học, số 2-2022, tr.95-105.
    4. Trương Quang Hải (2016), Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, Mã số KHCN-TN3/11-15.
    5. Trương Thị Lan Hương (2017), Đánh giá tiềm năng và nghiên cứu phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Đắk Nông, Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh Đắk Nông.
    6. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Báo cáo thuyết minh quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Dự thảo tháng 11/2022.
    7. UBND tỉnh Đắk Nông, Báo cáo kết quả thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm báo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình cùa các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2020, tháng 02/2020.
    8. UBND tỉnh Đắk Nông, Đề án Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023 – 2025, năm 2023.

    ThS. Trần Thị Hồng Trang

    Phòng Chính sách, QH&MT Du lịch







    Bài cùng chuyên mục