Tính mùa vụ và các yếu tố ảnh hưởng đến tính mùa vụ của hoạt động du lịch
Không thể phủ nhận du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế – xã hội của nhiều địa phương, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Du lịch thực sự đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng đất.
Tuy vậy, do bản chất của hoạt động, sản phẩm cũng như của thị trường du lịch, hoạt động du lịch không diễn ra đều đặn, ổn định cả về thời gian và không gian. Những sự biến động, mất ổn định có tính quy luật theo thời gian hàng năm của hoạt động du lịch tại một điểm đến, một không gian du lịch cụ thể được gọi là tính mùa vụ của hoạt động du lịch.
Tính mùa vụ gắn liền với hoạt động du lịch ở mọi nơi trên thế giới. Mùa vụ du lịch có thể được hình thành do nhiều nguyên nhân rất đa dạng với những cơ chế tác động phức tạp trong đó bao gồm các nguyên nhân tự nhiên, có nguyên nhân kinh tế – xã hội, tổ chức kỹ thuật, có nguyên nhân mang tính cá nhân. Một số nguyên nhân tác động chủ yếu lên cầu du lịch, số khác tác động chủ yếu vào cung, có những nguyên nhân tác động lên cả cung và cầu du lịch. Nguyên nhân tự nhiên, trong đó yếu tố khí hậu tại điểm du lịch đóng vai trò quan trọng nhất.
Hoạt động du lịch có thể thay đổi cường độ, độ dài và tần suất ở một điểm đến, hoặc khu vực theo thời gian. Sự khác biệt về các giá trị này của mùa du lịch dẫn đến sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của mùa vụ du lịch đối với hoạt động du lịch. Tính mùa vụ du lịch tại một đơn vị lãnh thổ nào đó là tập hợp các biến động có tính chu kỳ theo thời gian trong năm của cung và cầu du lịch. Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch được xác định bởi số thời gian thích hợp nhất trong năm của các điều kiện khí hậu, thời tiết đối với sức khỏe của du khách và số thời gian trong năm thuận lợi nhất cho việc triển khai các hoạt động du lịch. Tính mùa vụ du lịch ở một khu vực là sự dao động có tính chu kỳ trong năm của mối quan hệ cung và cầu du lịch xảy ra dưới tác động của cùng một nhóm các yếu tố tác động. Sự khác biệt của thời gian tác động và các chỉ số về sự xuất hiện của mỗi loại là nguyên nhân dẫn đến sự dao động trong toàn bộ các hoạt động du lịch. Tính mùa vụ thường có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành du lịch nói chung và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương – nơi có hoạt động du lịch diễn ra nói riêng. Tính mùa vụ của tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến hướng khai thác, đầu tư, quy hoạch, kinh doanh du lịch, được đánh giá cho tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Tính mùa vụ tác động đến tất cả các thành phần của quá trình hoạt động du lịch như tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, lao động trong du lịch và cả khách du lịch. Mùa du lịch ngắn là nguyên nhân của việc phần lớn các cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như lao động chuyên ngành chỉ được sử dụng có hiệu quả trong một quãng thời gian nhất định trong năm, dẫn đến việc tăng chi phí cố định và giá thành của hàng hoá, dịch vụ. Điều này làm giảm khả năng xây dựng một chính sách giá linh hoạt, mềm dẻo, gây khó khăn cho việc tổ chức và suy giảm khả năng cạnh tranh. Không những thế, nó còn hạn chế các khả năng của du khách trong việc tìm ra một điểm đến thích hợp trong thời gian mong muốn. Tính mùa vụ còn đem lại sự tập trung cao của du khách trong một thời gian nhất định đối với các phương tiện vận chuyển, gây ách tắc giao thông ở các điểm du lịch, làm mất đi sự tiện lợi trong quá trình di chuyển, lưu trú, làm giảm chất lượng phục vụ và tạo nên sức ép về môi trường đối với các tài nguyên du lịch. Có thể khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của tính mùa vụ do điều kiện tự nhiên mang lại cho mỗi điểm du lịch bằng việc quy hoạch, tổ chức phát triển du lịch một cách hợp lý. Một điểm du lịch có thể có một hoặc nhiều mùa vụ du lịch tuỳ thuộc vào khả năng đa dạng hoá các loại hình du lịch ở đó: (i) Mùa du lịch chính: là khoảng thời gian có cường độ tiếp nhận khách du lịch lớn nhất, trong giai đoạn này số lượng khách khá ổn định; (ii) Thời kỳ đầu mùa và cuối mùa chính: là thời kỳ có cường độ du lịch nhỏ hơn ngay trước mùa chính (đầu mùa) và ngay sau mùa chính (cuối mùa) và (iii) Ngoài mùa du lịch chính: là khoảng thời gian có cường độ thu hút khách du lịch thấp nhất.
Tính mùa vụ được hiểu là sự mất cân đối về “cung” và “cầu du lịch” trong một không gian cụ thể như một hiện tượng của du lịch và được thể hiện ở sự thay đổi số lượng khách, mức chi tiêu của khách, lao động trong du lịch và tính hấp dẫn của điểm du lịch. Tính mùa vụ gây nên những khó khăn trong kinh doanh du lịch, duy trì đội ngũ cán bộ, giảm hiệu quả đầu tư và gây nên những rủi ro hoặc tạo nên sự quá tải về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong mùa du lịch và ngược lại sự lãng phí cơ sở vật chất trong mùa vắng khách.
Mặc dù việc tập trung một số lượng lớn khách du lịch tại một không gian trong một thời điểm (hoặc một khoảng thời gian nhất định) cũng là một dạng biểu hiện của tính mùa vụ. Tuy nhiên thông thường khi nói tới tính mùa vụ và các giải pháp khắc phục tính mùa vụ ta thường đề cập tới việc thiếu hoặc không có khách du lịch của một điểm đến.
Một số đặc điểm có thể nhận thấy của tính mùa vụ bao gồm:
– Tính phổ quát: có thể nói tính mùa vụ là một đặc điểm chung nhất của hoạt động du lịch do bản chất của hoạt động du lịch và các yếu tố cấu thành hoạt động du lịch. Tính mùa vụ du lịch xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, các vùng, và các điểm đến.
– Một điểm đến, một vùng, hoặc một quốc gia có thể có 1, 2 hoặc nhiều mùa du lịch phụ thuộc vào loại hình du lịch và thị trường du lịch.
– Cường độ của mùa du lịch không đồng đều trong các tháng của năm. Thời gian mà du lịch có cường độ mạnh nhất gọi là mùa chính, thời gian mà cường độ nhỏ hơn gọi là trước mùa, cường độ bổ sung sự kéo dài mùa chính là sau mùa và phần còn lại gọi là ngoài mùa hay mùa thấp điểm.
– Cường độ và độ dài của mùa du lịch là không tương đồng cho các loại hình du lịch. Du lịch chữa bệnh có thời gian kéo dài hơn nhưng cường độ yếu hơn trong mùa du lịch chính.
– Cường độ và thời gian của mùa du lịch phụ thuộc vào cơ cấu thị trường khách du lịch.
– Cường độ và thời gian kéo dài của mùa du lịch phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống cơ sở lưu trú: ở vùng có nhiều cơ sở lưu trú chính như xây dựng kiên cố như khách sạn, khu nghỉ dưỡng… thì mùa du lịch kéo dài còn ở những vùng cắm trại.
Có thể thấy tính mùa vụ có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau nhưng có thể nhóm thành 3 nhóm chính:
– Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch
– Các yếu tố liên quan đến thị trường du lịch
– Các yếu tố nền tạo điều kiện cho hoạt động du lịch diễn ra
Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tạo ra tính mùa vụ của sản phẩm du lịch có thể là một khoảng thời gian xác định hàng năm khi diễn ra một hoạt động, hiện tượng là đối tượng chính của sản phẩm du lịch. Các yếu tố này có thể là lễ hội định kỳ, hoặc mùa hoa, sự kiện thể thao định kỳ.
Các yếu tố đặc điểm của thị trường du lịch liên quan đến thời gian và các điều kiện cụ thể của thị trường du lịch, hoặc cụ thể hơn là một hoặc một vài thị trường chủ yếu của một điểm đến. Ví dụ một số điểm đến nghỉ dưỡng biển ở miền Bắc nước ta có thị trường chủ yếu là khách nội địa sẽ chịu ảnh hưởng lớn của tính mùa vụ do thời gian đi du lịch của thị trường này chủ yếu là các tháng hè và các dịp nghỉ lễ dài ngày.
Các yếu tố nền thường là các yếu tố về môi trường, ví dụ các điểm đến biển đảo ở phía bắc Đèo Hải Vân sẽ có điều kiện thời tiết không thuận lợi vào mùa Đông.
Tuy nhiên có thể nhóm các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch và các yếu tố nền thành nhóm các yếu tố “cung” và các yếu tố đặc điểm của thị trường du lịch khi đó là các yếu tố “cầu”.
Trong nhóm các yếu tố cung, có thể nhìn thấy rõ nhất tác động của thời tiết, do đây là yếu tố nền, là môi trường chứa đựng hoạt động du lịch. Chu kỳ thời tiết hàng năm có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch, ví dụ mùa đông lạnh sẽ không phù hợp với hoạt động tắm biển, hoặc mưa, bão sẽ là điều kiện không thuận lợi phần lớn hoạt động du lịch. Ngoài mưa thì nhiệt độ cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch, nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng không thuận lợi cho du lịch.
Thậm chí thời tiết còn là một thành phần của sản phẩm du lịch trong một số trường hợp như trượt tuyết.
Tác động của tính mùa vụ đến hoạt động du lịch:
Tính mùa vụ luôn có ảnh hưởng tới ngành du lịch và thông qua nó, ảnh hưởng đến sự hoạt động kinh tế – xã hội của các điểm đến.
Tính mùa vụ có thể gây ra tác động tiêu cực đến tất cả các thành phần của du lịch từ tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, doanh nghiệp du lịch, lao động du lịch cũng như khách du lịch. Mùa du lịch ngắn là nguyên nhân của việc phần lớn các cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như lao động ngành du lịch chỉ được khai thác sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, dẫn đến việc giảm hiệu quả khai thác sử dụng các công trình hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch. Điều này làm giảm khả năng xây dựng một chính sách giá mềm dẻo, linh hoạt, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh. Không những thế, nó còn hạn chế sự lựa chọn điểm đến của du khách. Tính mùa vụ thường còn tạo ra tình trạng quá tải nhất thời tại các điểm đến, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng trải nghiệm du lịch cũng như gia tăng sức ép lên môi trường.
Tính mùa vụ gây khó khăn cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh của ngành du lịch. Lượng khách tăng lên đột ngột với số lượng lớn trong mùa du lịch đồng nghĩa với việc các nhu cầu cần được đáp ứng của du khách tăng lên với số lượng lớn hơn và đa dạng hơn rất nhiều. Các nhà tổ chức quản lý gặp nhiều khó khăn từ khâu xây dựng các tour, dịch vụ vận chuyển khách, lưu trú, ăn uống… cho đến kiểm soát giá cả, chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ.
Tình trạng cung vượt quá cầu thường gắn liền với sự tăng giá các dịch vụ và giảm sút chất lượng và như thế làm giảm uy tín của khu du lịch, dẫn đến việc giảm lượng khách trong thời gian tiếp theo.
Thêm vào đó là lượng rác thải lớn từ khách du lịch thiếu ý thức sẽ góp phần tác động do vượt công suất của các hệ thống quản lý chất thải, gây đến môi trường của điểm đến.
Kết cấu hạ tầng thường được thiết kế cho công suất sử dụng trung bình chứ không thiết kế cho các thời điểm cao điểm cực đoan để đảm bảo hiệu quả đầu tư, chính vì vậy việc tập trung quá đông khách du lịch vào mùa cao điểm cũng thường gây ra tình trạng quá tải cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Việc mất cân đối trong khai thác sử dụng các công trình cơ sở vật chất du lịch là vấn đề dễ nhận thấy nhất và thể hiện rõ nhất tác động của tính mùa vụ.
Sức chứa của một đối tượng du lịch thường là hữu hạn. Do vậy việc tập trung quá mức khách du lịch tại một số thời điểm trong mùa cao điểm gây ra những tác động nhất định. Thời gian thấp điểm thường được coi là thời gian để sửa chữa, chỉnh trang cảnh quan, cơ sở vật chất du lịch, tái đào tạo lực lượng lao động… tuy nhiên trong nhiều trường hợp, khi mùa thấp điểm quá dài, nhiều khu dịch vụ rơi vào cảnh đóng cửa hoàn toàn thì việc xuống cấp do dừng hoàn toàn hoạt động cũng là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Một số tác động điển hình nhất của tính mùa vụ tới du lịch ở Việt Nam:
Một số trường hợp điển hình về tính mùa vụ của du lịch Việt Nam được trình bày dưới đây để làm rõ tính đa dạng và phức tạp cũng như những tác động hết sức sâu sắc của tính mùa vụ đối với một số khu vực ở Việt Nam.
Du lịch biển: Du lịch biển ở Việt Nam là một trong những loại hình du lịch có tính mùa vụ rõ rệt nhất.
Du lịch tắm biển kết hợp nghỉ dưỡng biển là loại hình du lịch khai thác các nguồn tài nguyên biển và ven biển như các bãi biển, các phong cảnh đẹp, các điều kiện khí hậu thích hợp phục vụ cho mục đích nghỉ dưỡng và giải trí. Đây là loại hình du lịch phụ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên, chính vì vậy tính mùa vụ trong hoạt động du lịch ở loại hình này khá rõ nét và mùa vụ du lịch ở các khu du lịch nghỉ dưỡng biển thường trùng với mùa của khí hậu. Đặc diểm cơ bản của loại hình du lịch này là khai thác các tài nguyên ven biển và hải đảo với hoạt động chủ yếu là tắm biển và nghỉ dưỡng biển. Chính vì vậy ngoài việc phải đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về bãi biển, phong cảnh… thì điều kiện khí hậu, thời tiết thích hợp cho hoạt động tắm biển, nghỉ dưỡng biển là yếu tố hết sức quan trọng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tính mùa vụ trong hoạt động du lịch ở loại hình du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển.
Đối với loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, đặc biệt với hoạt động tắm biển kết hợp nghỉ dưỡng biển, các điều kiện khí hậu thuận lợi nhất, được du khách ưa thích nhất là số ngày mưa ít, số giờ nắng trung bình trong ngày cao, nhiệt độ không khí trung bình trong ngày không cao lắm, nhiệt độ nước biển điều hoà, thích hợp nhất đối với hoạt động tắm biển là nhiệt độ nước biển từ 200-250C; nếu nhiệt độ nước biển dưới 200C và trên 300C là không thích hợp… Ngoài ra các hiện tượng thời tiết đặc biệt như bão, lũ, gió mùa đông bắc… là các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch biển nói riêng cũng góp phần tạo nên tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
Nhìn chung, đặc điểm của tính mùa vụ ở loại hình du lịch tắm biển kết hợp nghỉ dưỡng biển ở các khu du lịch biển Việt Nam là tương đối giống nhau. Song, do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình dẫn đến sự phân hoá điều kiện khí hậu nên mùa vụ ở các điểm du lịch biển Việt Nam có sự khác nhau về thời gian, độ dài và cả tính chất, dẫn đến ảnh hưởng của mùa vụ đến hoạt động du lịch cũng có đôi chút khác biệt.
Tính mùa vụ đối với du lịch biển do vậy thể hiện đặc biệt rõ ở vùng biền miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam, nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân do đặc điểm khí hậu, có mùa đông lạnh với nền nhiệt độ thấp, gió mùa đông bắc khô hanh và lạnh giá nên hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển ở các khu du lịch biển vào thời điểm này không thể diễn ra được. Tuy vậy những địa phương nằm sát khu vực này như Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng tương đối rõ rệt. Chính vì thế mùa du lịch ở các khu du lịch biển miền Bắc rất rõ và ngắn với biên độ dao động về khách rất cao vì các tháng còn lại không có khách đi nghỉ ở biển nữa. Mùa du lịch rõ ràng, sâu sắc ở các khu du lịch biển miền Bắc đã hình thành nên bức tranh toàn cảnh về hoạt động du lịch ở các khu du lịch này với sự phân hoá rất rõ rệt. Hoạt động du lịch diễn ra hết sức sôi động trong mùa du lịch – mùa hè – với lượng du khách rất lớn và những người làm dịch vụ tập trung trong một khoảng thời gian rất ngắn khiến cho các khu du lịch biển ở đây luôn ở tình trạng quá tải trong mọi lĩnh vực kinh doanh và giá cả dịch vụ tăng một cách đột biến. Mùa du lịch ở các khu du lịch này thường chỉ kéo dài trong 3 tháng, có ít nơi kéo dài được 4 tháng. Sau thời gian 3, 4 tháng này là thời gian vắng khách và hầu như không có khách. Thời gian này các hoạt động kinh doanh du lịch ngừng trệ hẳn. Thời gian ngừng trệ này kéo dài 8-9 tháng trong năm. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức kinh doanh, đầu tư và nâng cấp… cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong đợt khảo sát gần đây, tính mùa vụ của du lịch biển tại một số địa phương Bắc Trung Bộ thực tế còn cực đoan hơn nhiều. Cụ thể thời gian đông khách ở Sầm Sơn chỉ kéo dài khoảng 70 ngày, và giảm dần vào phía Nam chỉ còn khoảng 50-60 ngày ở Cửa Lò và ở Thiên Cầm (Hà Tĩnh) chỉ còn khoảng 40 ngày.
Ở các khu du lịch biển miền Nam, do khí hậu thuận lợi, nền nhiệt độ cao đều trong năm, ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa đông bắc khô lạnh nên có thể phát triển du lịch biển quanh năm. Khí hậu miền Nam không có hai mùa nóng lạnh mà trong năm chỉ có hai mùa khô, ẩm. Mùa khô là mùa thuận lợi nhất cho hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng biển nói riêng. Thời gian mùa mưa ở đây, điều kiện để phát triển du lịch biển chỉ kém thuận lợi hơn mùa khô chút ít vì mưa ở đây thường tập trung vào buổi chiều dưới hình thức mưa rào và dông, thời gian còn lại ban ngày vẫn có nắng và ấm, vẫn có thể tiến hành hoạt động tắm biển, chính vì thế, mùa du lịch ở các khu du lịch biển miền Nam không mang tính chất như mùa du lịch ở các khu du lịch biển miền Bắc. Mùa du lịch biển ở đây chủ yếu phụ thuộc vào thời gian rỗi của khách, đặc biệt là các khu du lịch không nằm gần các trung tâm công nghiệp và thành phố lớn có giao thông thuận tiện. Lượng khách đến với các khu du lịch biển ở đây đông nhất là vào mùa hè. Đây là mùa nghỉ hè của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, yếu tố truyền thống của thị trường nội địa là đi nghỉ mát vào mùa Hè cũng góp phần không nhỏ vào nguyên nhân gây ra tính mùa vụ của du lịch biển Việt Nam.
Vì mùa du lịch phụ thuộc vào thời gian rỗi của khách du lịch nên mùa vụ du lịch ở đây còn có đặc trưng là tính thời vụ thể hiện ngay cả trong đơn vị tuần. Các ngày nghỉ cuối tuần ở các khu du lịch lượng khách tăng lên một cách đáng kể, còn các ngày khác trong tuần vắng khách hơn. Trong một số khu du lịch thì hầu như chỉ có khách vào 2 ngày cuối tuần với lượng khách rất lớn, nhưng trong các ngày khác trong tuần thì hầu như không có khách.
Đối với loại hình du lịch biển, ngoài những ảnh hưởng chung đã nêu trên, mùa du lịch còn có ảnh hưởng cụ thể về một số mặt khác. Đặc thù của loại hình du lịch này là du khách dành phần lớn thời gian nghỉ của mình sử dụng các bãi biển cho các hoạt động như tắm biển, phơi nắng, chơi các trò chơi như đá bóng, bóng chuyền trên cát…và thường ăn uống ngay ngoài bãi biển.
Du lịch lễ hội: với bản chất của lễ hội là chỉ diễn ra trong một khung thời gian nhất định, thường là rất ngắn chỉ trong vài ngày, thậm chí chỉ 1 ngày thì tính mùa vụ thực chất gắn liền với loại hình du lịch này. Đây là loại hình du lịch có tính mùa vụ rõ nét nhất trong các loại hình du lịch. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của người dân. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tập thể của nhân dân sau những ngày lao động vất vả, hoặc là một dịp để mọi người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, hoặc liên quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, hoặc chỉ đơn thuần là những hoạt động có tính chất vui chơi giải trí. Do vậy lễ hội có tính hấp dẫn cao đối với du khách. Các lễ hội, bên cạnh các tập quán là các nghi lễ tôn giáo, đã được ấn định vào các thời kỳ khác nhau trong năm và vì thế các hoạt động du lịch lệ thuộc vào thời gian diễn ra các lễ hội đó.
Các lễ hội không phải diễn ra quanh năm mà chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Ở Việt Nam, các lễ hội thường diễn ra vào mùa xuân. Có lễ hội chỉ diễn ra trong một vài ngày, nhưng cũng có những lễ hội lại diễn ra trong một vài tháng. Trong thời gian lễ hội, khách du lịch đến rất đông nhưng sau khi hội tan thì hầu như không còn du khách nữa.
Ở loại hình du lịch này, mùa vụ du lịch được quyết định bởi yếu tố “cung” chứ không phụ thuộc vào yếu tố “cầu”. Du khách tập trung rất đông trong thời gian lễ hội, nhất là những lễ hội nổi tiếng, được nhiều người biết đến và gắn với các di tích lịch sử có giá trị. Do thời gian khai thác ngắn, thậm chí rất ngắn nên việc đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật ở các điểm du lịch lễ hội là vấn đề cần xem xét một cách kỹ lưỡng.
Đối với các lễ hội có thời gian dài hơn, kéo dài khoảng 2, 3 tháng thì việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật có được quan tâm hơn. Tuy nhiên mức đầu tư không lớn vì hiệu quả kinh doanh không cao.
Tính mùa vụ đối với loại hình du lịch lễ hội có thể thấy rất rõ tại một số khu vực như chùa Hương, đền Hùng, núi Sam…
Một số gợi ý đối với các giải pháp khắc phục tính mùa vụ của du lịch:
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là hướng đi cơ bản khắc phục tính mùa vụ của hoạt động du lịch, do đây là giải pháp trực tiếp liên quan đến các yếu tố “cung”, là nguyên nhân chủ yếu của tính mùa vụ của du lịch Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch sẽ góp phần mang lại những cơ hội mới, hoạt động mới cho du lịch một điểm đến cũng như yếu tố mới của những sản phẩm cũ.
Đa dạng hóa sản phẩm ở quy mô vùng hoặc tính có thể được thực hiện thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở những tiềm năng chưa được khai thác của vùng, địa phương đó. Ví dụ phát triển du lịch sinh thái ở khu vực phía Tây của các tỉnh Bắc Trung Bộ góp phần giảm tải khách du lịch vào mùa cao điểm đối với khu vực ven biển và do không chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết mùa Đông, sản phẩm này vẫn có thể khai thác hiệu quả vào mùa thấp điểm của du lịch ven biển.
Ở quy mô điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm du lịch có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động có thể khai thác được vào mùa thấp điểm như xây dựng các khu vui chơi giải trí, phát triển các sản phẩm ở khu vực lân cận như các làng du lịch cộng đồng. Hoặc tổ chức các lễ hội vào mùa thấp điểm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều nước, các lễ hội không nên tổ chức quy mô lớn mà là những lễ hội nhỏ, có chi phí đầu tư, tổ chức thấp (được gọi là Low-cost high-efficiency festivals). Là những lễ hội không có vốn đầu tư lớn, để có khả năng thu hút thị trường cao đòi hỏi tính sáng tạo đặc biệt cao để mang lại sự độc đáo, khác biệt cho điểm đến
Ở quy mô từng cơ sở dịch vụ lưu trú (là đối tượng bị ảnh hưởng rõ rệt nhất), việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ cụ thể hơn, ví dụ bên cạnh các dịch vụ lưu trú, ăn uống thông thường thì có thể phát triển các hoạt động nghỉ dưỡng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, tổ chức hội nghị hội thảo, tiếp đón phục vụ các đoàn khách hoạt động tập thể của các doanh nghiệp…
Đa dạng hóa thị trường là một hướng đi quan trọng khác, do tính mùa vụ gắn chặt với không chỉ sản phẩm mà còn gắn chặt với yếu tố thị trường. Ví dụ sản phẩm du lịch biển vùng Bắc Trung Bộ có tính mùa vụ cao do sự kết hợp của yếu tố tự nhiên là khí hậu mùa Đông lạnh, và yếu tố thị trường nội địa là thị trường chủ yếu của khu vực này, và thị trường nội địa có tính mùa vụ rất cao. Do vậy sự kết hợp giữa tính mùa vụ của sản phẩm và thị trường tạo ra tính mùa vụ đặc biệt cực đoan của du lịch biển vùng Bắc Trung Bộ. Để khắc phục, việc đa dạng hóa thị trường, phát triển thêm các thị trường mới, tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp với những sản phẩm mới là hết sức hiệu quả. Ví dụ phát triển thị trường khách lưu trú đi nghỉ dưỡng trái mùa đối với khu vực ven biển miền Trung. Phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng phục hồi chăm sóc sức khỏe hoặc phát triển thị trường khách du lịch thể thao (golf, chạy việt dã…).
Trên đây là những phân tích và một số gợi ý đối với phương hướng khắc phục tính mùa vụ của hoạt động du lịch. Để có thể khắc phục, giảm nhẹ các tác động tiêu cực của một khu vực, một điểm đến bên cạnh những giải pháp nêu trên cần có nghiên cứu cụ thể đối với từng đối tượng, và đặc biệt là có điều tra thị trường bài bản. Các biện pháp này, kết hợp với những hỗ trợ của chính sách (ví dụ như điều chỉnh thuế xuất và giá điện, nước vào mùa thấp điểm; hỗ trợ lãi suất cho vay để cải tạo cơ sở dịch vụ để cung cấp các dịch vụ mới…) và công tác quảng bá, xúc tiến… sẽ hoàn toàn có thể mang lại hình ảnh mới, sức sống mới cho những điểm đến cũ, truyền thống vốn gắn liền với tính mùa vụ sâu sắc hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
– Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Các Khoa học Trái đất và Môi trường, Tập 33, Số 2 (2017) 21-30 Tính mùa vụ và giải pháp marketing cho phát triển bền vững du lịch biển Đồ Sơn (Vũ Trí Dũng*, Phạm Thị Kim Thanh)
– Đề tài khoa học: Nghiên cứu ảnh hưởng của tính mùa vụ đến hoạt động du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
– eReview of Tourism Research: Seasonality in tourism: review; eRTR Vol.7 No.5, 2009, Jin Young Chung
Hoàng Đạo Cầm
Phòng Chính sách, Quy hoạch & Môi trường Du lịch