Thúc đẩy tăng trưởng du lịch vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững
Tóm tắt
Vùng Bắc Trung Bộ bao gồm sáu tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, là khu vực có vị trí địa lý chiến lược, kết nối giữa miền Bắc và Duyên hải Nam trung Bộ. Khu vực này sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, từ thiên nhiên đến văn hoá, với nhiều di sản thế giới, bãi biển đẹp và khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy nhưng du lịch Bắc Trung Bộ vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển bền vững và đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định. Bài viết phân tích thực trạng du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, những tiềm năng và thách thức mà khu vực đang gặp phải, đồng thời đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Từ khoá: du lịch Bắc Trung Bộ; thúc đẩy tăng trưởng du lịch; giải pháp phát triển du lịch Bắc Trung Bộ; Chiến lược phát triển du lịch.
- Đặt vấn đề
Vùng Bắc Trung Bộ với lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hoá phong phú và đa dạng, trong đó sỡ hữu hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử, văn hoá danh lam thắng cảnh thế giới, cấp quốc gia… được phân bố trải dài khắp các tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, theo định hướng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định tập trung phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, với các sản phẩm du lịch chủ đạo nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch văn hoá gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, lịch sử, truyền thống dân tộc, trong đó vùng Bắc Trung Bộ là một trong những khu vực động lực phát triển du lịch. Cùng với việc hệ thống giao thông kết nối 6 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ với các tuyến quan trọng trên trục Bắc – Nam là quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường Hồ Chí Minh có thể kết nối với các thị trường quốc tế thông qua quốc lộ 7A, 8A với các nước Lào, Thái Lan thuận lợi, tạo tiền đề quan trọng cho vùng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch từ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác, phát huy các giá trị tài nguyên đối với phát triển du lịch với hiệu quả mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh đang có. Nguyên nhân có nhiều, một trong những vấn đề hạn chế sự phát triển chính có thể như về yếu tố khí hậu khắc nghiệt của vùng, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc, nguồn nhân lực du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, hoạt động xúc tiến, quảng bá, đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế… cũng trở thành một trong những vấn đề cần được quan tâm, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững về du lịch của vùng trong thời gian tới.
- Tổng quan về du lịch Bắc Trung Bộ
* Tiềm năng phát triển du lịch
Vùng Bắc Trung Bộ bao gồm sáu tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò là cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam, với diện tích khoảng 51.500km2 (chiếm 15,6% diện tích cả nước); dân số hơn 11,3 triệu người (chiếm khoảng 11,4% dân số cả nước).
Lợi thế về tiềm năng văn hoá: Vùng Bắc Trung Bộ sở hữu kho tàng các di sản văn hóa đặc sắc trải đều khắp các tỉnh trong vùng, bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc, như: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thành nhà Hồ, Mộc bản triều Nguyễn và di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, chính trị Việt Nam như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, cùng với sự phong phú về phong tục tập quán sinh hoạt, văn hoá ẩm thực, tâm linh… Đây là những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, mang tính đặc trưng văn hóa đặc sắc của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng tạo thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ.
Lợi thế về tự nhiên: vùng sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng, với cảnh quan không chỉ mang lại giá trị sinh thái mà còn có tiềm năng, lợi thế rất lớn đối với phát triển du lịch.
– Địa hình và hệ thống núi non: Hoành Sơn (Hà Tĩnh – Quảng Bình) ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh, với những dãy núi hùng vĩ chạy dọc biển từ Bắc vào Nam tạo nên cảnh quan đặc sắc, nổi bật Hoành Sơn Quan, nằm trên đỉnh đèo Ngang đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình; Dãy Trường Sơn (Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế) đây là một phần hệ thống núi Trường Sơn Đông, mang lại hệ sinh thái rừng phong phú. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) nằm trong hệ thống dãy Trường Sơn và đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
– Tài nguyên biển đảo:
Bờ biển và các bãi tắm: Bắc Trung Bộ có bờ biển dài 670km với 23 cửa sông, trong đó có nhiều cửa sông lớn có thể xây dựng cảng phục vụ cho vận tải, Ven biển với 30.000ha nước lợ cửa sông, đầm phá có khả năng nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, rừng ngập mặn và phát triển du lịch sinh thái, biển đảo… vùng sở hữu nhiều bãi tắm đẹp như: Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá), bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình), bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)… là một trong những bãi tắm đẹp, đặc biệt là về mùa hè với bờ cát dài, nước biển trong xanh, hải sản tươi ngon càng tăng thêm những trải nghiệm thú vị hấp dẫn khách du lịch.
Biển đảo: nổi tiềng với Vinh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) với hệ sinh thái biển đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, là những điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái biển hấp dẫn du khách và nhà nghiên cứu.
– Hệ thống hang động độc đáo: vùng Bắc Trung Bộ nổi bật với hệ thống hang động kỳ vĩ, đặc biệt là tại Quảng Bình như: Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) với hơn 300 hang động lớn nhỏ, nổi bật là Hang Sơn Đoòng, động Phong Nha và Thiên Đường một trong những hang động được mệnh danh là thiên đường trong lòng đất.
– Hệ sinh thái rừng và vườn quốc gia: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) là một trong những nơi có hệ sinh thái rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động thực vật quý hiếm, khí hậu mát mẻ, thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như du khách đam mê khám phá thiên nhiên.
– Hệ thống sông ngòi và hồ nước: Sông Mã (Thanh Hoá), Sông Lam (Nghệ An), Sông Nhật Lệ (Quảng Bình), Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) là một trong những sông, hồ có giá trị lớn về thuỷ lợi, vận chuyển đường thuỷ, cảnh quan tự nhiên, và gắn với những câu chuyện lịch sử trong quá trình phát triển đất nước, tạo nên những giá trị đẹp về văn hoá và tự nhiên.
* Hiện trạng khách du lịch vùng Bắc Trung Bộ
Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch đến vùng Bắc Trung Bộ năm 2023 đạt 33,46 triệu lượt, (chiếm 27,6% tổng lượt khách cả nước), trong đó cao nhất là Thanh Hoá với 12,1 triệu lượt, thấp nhất là Quảng Trị với 2 triệu lượt. Có thể nói, lượng khách du lịch đến các tỉnh Bắc Trung Bộ sau đại dịch đã từng bước phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên lượng khách đến vùng còn thấp, thấp hơn vùng Đông Nam Bộ với 52 triệu lượt.
Năm 2023, kinh tế nói chung và du lịch vùng Bắc Trung Bộ nói riêng tiếp tục có sự tăng trưởng khá, trong đó đối với ngành nông nghiệp và thuỷ sản đóng góp thêm 0,34% vào GDP cả nước, ngành công nghiệp – xây dựng là 3,02%, khối ngành dịch vụ có sự đóng góp cao nhất với 6,82% và chiếm tỷ trọng 42,54% GDP, phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của các ngành liên quan đến dịch vụ, bảo gồm du lịch.
Nhìn chung, vùng Bắc Trung Bộ hoạt động phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chịu ảnh hưởng nặng nề từ khí hậu, sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch hạn chế… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch theo hướng bền vững.
* Đánh giá chung về thực trạng phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ
– Điểm mạnh: là vùng có nhiều di sản văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc tế và quốc gia, rất thuận lợi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch về văn hoá, giáo dục truyền thống cách mạng, sản phẩm du lịch sinh thái, biển đảo…; hệ thống giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư hoàn thiện, bao gồm đường bộ, đường sắt và hàng không; nguồn nhân lực khá dồi dào.
– Điểm yếu: cơ sở hạ tầng du lịch phát triển chưa đồng bộ, thiếu các dịch vụ cao cấp; chương trình xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu, ít thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế; môi trường du lịch chưa được bảo vệ tốt, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách du lịch.
– Cơ hội: xu hướng du lịch trải nghiệm và khám phá du lịch văn hoá, biển đảo đang gia tăng; sự quan tâm của Chính phủ đối với phát triển du lịch bền vững; các sự kiện chính trị, văn hoá, lễ hội được tổ chức thường xuyên, tạo nên sức lan toả thông tin, hình ảnh điểm đến, thu hút đông đảo du khách.
– Thách thức: sự cạnh tranh từ các điểm đến khác trong nước và quốc tế; sự biến đổi khí hậu và những tác động đến môi trường tự nhiên, tính mùa vụ trong du lịch; sự thiếu đồng bộ giữa các chính sách phát triển du lịch và công tác bảo tồn văn hoá và thiên nhiên.
- Một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững
Để thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững và hiện thực hoá các mục tiêu đã xác định, các tỉnh trong vùng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:
– Thứ nhất, Thể chế hóa chính sách về tăng trưởng bền vững, các nội dung cơ bản trong các văn bản. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… đưa vào trong kế hoạch hành động, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của điểm đến cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động du lịch. Xây dựng chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch.
– Thứ hai, nâng cao nhận thức cộng đồng người dân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch bền vững. Chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch về lợi ích của phát triển bền vững, về vai trò, lợi ích của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội – môi trường.
– Thứ ba, Tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế, vùng, giữa các tỉnh trong phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế hợp tác liên kết du lịch phù hợp, đánh giá kết quả thực hiện theo giai đoạn, đặc biệt là chống phá giá, bảo vệ môi trường du lịch văn minh, cạnh tranh lành mạnh; hợp tác, liên kết phát triển tuyến du lịch liên quốc gia, liên vùng nhằm phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch cũng như tận dụng tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây để phát triển du lịch như kết nối với Lào, Thái Lan và Myanmar qua các cửa khẩu Lao Bảo, Cha Lo; thúc đẩy chương trình “Một hành trình – nhiều điểm đến” giữa các tỉnh trong vùng để chia sẽ tài nguyên và tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
– Thứ tư, Phát triển hạ tầng du lịch bền vững. Chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là một số khu vực đã và đang phát triển du lịch trên tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường kết nối các điểm du lịch trọng điểm; tăng cường kết nối hàng không tại các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên Huế) nhằm khai thác tối ưu các nguồn khác du lịch từ các địa phương trong vùng; Tăng cường đầu tư cơ sở lưu trú cao cấp, đặc biệt là cơ sở lưu trú xanh, trong đó khuyến khích đầu tư, xây dựng các khu nghỉ dưỡng xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế phát thải; Phát triển hạ tầng số, áp dụng công nghệ vào hoạt động du lịch (ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ số, hệ thống vé điện tử, an ninh, ánh sáng…), triển khai các giải pháp chuyển đổi số, phương tiện truyền thông, mạng xã hội để hỗ trợ quảng bá và quản lý khách du lịch.
– Thứ năm, Đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hướng vào phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, thân thiện với môi trường, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên và bối cảnh kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh du lịch vùng. Đặc biệt, khai thác hiệu quả về du lịch di sản văn hoá như: phát triển các tour khám phá cố đô Huế, nhã nhạc cung đình, di sản Phong Nha – Kẻ Bàng và các làng truyền thống; tổ chức lễ hội và sự kiện văn hoá đặc sắc theo mùa (Festival Huế hoặc lễ hội Lam Kinh – Thanh Hoá); phát triển du lịch biển và sinh thái, trong đó cần tăng cường bảo vệ hệ sinh thái các bãi biển như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, kết hợp các hoạt động thể thao biển và du lịch khám phá biển đảo; phát triển du lịch sunh thái tại Pù Luông (Thanh Hoá), Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) và khu vực động Phong Nha (Quảng Bình); đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các tour trải nghiệm đời sống văn hoá địa phương (homestay, ẩm thực vùng miền, nghề thủ công truyền thống).
– Thứ sáu, Chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, địa phương thúc đẩy việc lồng ghép bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong chiến lược, quy hoạch du lịch tại các điểm đến; Đầu tư vào việc bảo vệ môi trường du lịch, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh, trật tự và văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch; đầu tư tăng cường năng lực của các cơ sở dịch vụ du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu; năng lực phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, chú trọng công tác nâng cao nhận thức, bảo tồn di sản thiên nhiên: tăng cường quản lý và bảo vệ các khu vực nhạy cảm như Phong Nha – Kẻ Bàng, rừng quốc gia, vườn quốc gia; hạn chế khai thác quá mức tại các khu vực ven biển để bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu rác thải nhựa và tăng cường tái chế tại các điểm du lịch; nghiên cứu xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình giới hạn lượng khách để tránh quá tải, đặc biệt tại các di sản UNESCO.
– Thứ bảy, Tăng cường năng lực quản lý, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong vùng để tránh chồng chéo trong quản lý và quy hoạch du lịch, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ tài chính và chia sẽ kinh nghiệm phát triển bền vững; cần tổ chức các khoá đào tạo chuyên sâu về du lịch cho nhân lực ngành du lịch đặc biệt là về quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng; khuyến khích người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch thông qua hỗ trợ kỹ năng và tài chính.
– Thứ tám, Chú trọng, tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch. Cần tổ chức các chương trình kích cầu du lịch nội địa với các gói ưu đãi theo mùa, tăng cường sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để quảng bá hình ảnh du lịch vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó tập trung quảng bá các di sản văn hoá và thiên nhiên độc đáo như cố đô Huế, nhã nhạc cung đình và Phong Nha – Kẻ Bàng, ngoài ra tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế để tăng cường tiếp cận, khai thác các thị trường khách du lịch mới.
– Thứ chín, Nâng cao năng lực đo lường, thực hiện và giám sát phát triển du lịch bền vững. Cần phải có bộ máy đủ năng lực, kinh nghiệm về phát triển du lịch theo hướng bền vững từ trung ương xuống địa phương để triển khai thực hiện các kế hoạch hành động phát triển du lịch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trong đó, cần thiết lập hệ thống chỉ số giám sát du lịch bền vững, đo lường tác động của du lịch lên môi trường, văn hoá và kinh tế địa phương; tăng cường báo cáo định kỳ và minh bạch trong quản lý để có điều chỉnh kịp thới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững mà ngành du lịch đã đề ra.
- Kết luận
Vùng Bắc Trung Bộ với tiềm năng lợi thế lớn về tài nguyên du lịch, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên không chỉ giúp thúc đẩy phát triển du lịch vùng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch và người dân, nền kinh tế khu vực và cả nước. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch bền vững cần sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, trong đó ưu tiên vào các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, quy hoạch đồng bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 ngày 01/10/2021;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngày 22/01/2020;
- Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030;
- Chiến lược phát triển kinh tế vùng giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- ThS. Nguyễn Quốc Hưng, 2022. Một số giải pháp phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững;
- Tổng cục Thống kê, Báo cáo kinh tế – xã hội năm 2023.
Trần Doãn Cường, Phòng NCTTSPĐT&QLKH