Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thời cơ và thách thức phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine Covid-19

    Đặt vấn đề:

    Việc bào chế và tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện nay đang tiến triển theo chiều hướng tích cực và bước đầu thu được những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có nên cho phép khách du lịch quốc tế miễn cách ly khi đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Sars-CoV-2 bằng cách chấp thuận “Hộ chiếu vaccine” hay Chứng nhận miễn dịch hay không; vấn đề liên quan tới việc công nhận lẫn nhau giữa các nước về sự xác nhận miễn dịch này đối với tính hiệu quả của các loại vaccine khác nhau đang được sử dụng… Bài viết đề cập đến các khía cạnh nêu trên và đưa ra một số nhận định về thời cơ và thách thức đối với phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine Covid-19.

     1. Thực trạng dịch bệnh và tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 trên thế giới:

    Theo các số liệu thống kê của trang Worldometer, Statista và công bố thống kê trên chuyên trang y tế của hãng tin CNN, số người nhiễm Covid-19 trên thế giới tính đến ngày 31/03/2021 đã lên tới gần 130 triệu chiếm hơn 1,6% dân số toàn cầu, trong đó gần 3 triệu người tử vong, chiếm khoảng 2.3 % số ca nhiễm, nhưng có tới 104 triệu người đã khỏi bệnh chiếm tới 80% số ca nhiễm, số còn lại đang được điều trị (Pettersson et al., 2021).

    Bảng 1. Tình hình tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới

    Nguồn: (Worldometers, 2021), CNN Health và Statista – Cập nhật đến ngày 31/03/2021 (Màu xanh: các nước đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Màu đỏ: các thị trường du lịch cạnh tranh với Việt Nam)

    Sau khi nhiều hãng dược phẩm quốc tế bào chế thành công các loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, điển hình như Pfizer BioNtech, Modena, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Sputnik, Sinovax, Covaxin…, việc tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này đang được triển khai một cách nhanh chóng và rộng khắp trên thế giới. Bước đầu, một số tín hiệu tích cực, khả quan và hiệu quả cao đã được ghi nhận trong công tác phòng chống lây nhiễm. Vì vậy, tình hình dịch bệnh nhìn chung đang từng bước được đẩy lùi và kiểm soát tốt, tiến tới việc khống chế và triển vọng đẩy lùi đại dịch trong thời gian tới. Theo số liệu đã nêu ở Bảng 1, hiện đã có hơn 500 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng trên toàn thế giới. Đặc biệt một số nước và vùng lãnh thổ đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, U.E.A, Seychelles, Maldives, Qatar. Những người đã được tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch bệnh Covid-19 hầu hết đều được các nước thống kê, lưu trữ trên hệ thống dữ liệu y tế quốc gia và cấp xác nhận bằng cả hai hình thức là giấy và điện tử nếu có yêu cầu. Đáng lưu ý, phần lớn các nước nêu trên đều là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của du lịch Việt Nam.

    Theo thông tin từ Bộ Y Tế, từ nay đến hết năm 2021 và đầu năm 2022, nước ta sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine phòng ngừa Covid-19 và hướng tới mục tiêu đạt 150 triệu liều vào cuối năm 2022. Ngoài các loại vaccine tự đặt mua và phân bổ từ nguồn COVAX Facility của tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam cũng đã nghiên cứu bào chế, tiến hành thử nghiệm lâm sàng và tiêm thử nghiệm thành công trên người hai loại vaccine Nano Covax và Covivac. Hiện công tác tiêm chủng đang được triển khai trên cả nước và đã có hơn 44 nghìn liều vaccine đã được tiêm. Tình hình khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao, trở thành một điểm lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam liên quan tới việc nâng cao hình ảnh điểm đến an toàn trên thế giới.

    Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến khó lường đặt ra thách thức cho các quốc gia về việc vừa phát triển du lịch an toàn vừa phòng chống dịch hiệu quả hơn.

     2. Điển hình thế giới về việc áp dụng chính sách chứng nhận hộ chiếu vaccine đối với khách du lịch quốc tế:

     Nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “Hộ chiếu vaccine” cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế. Theo đó, những du khách này được tự do đi lại.

    Những thành quả bước đầu của việc tiêm vaccine phòng ngừa lây lan dịch bệnh đang nổi lên như là một sự cứu cánh nhằm vãn hồi tình thế.

    Các nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhóm họp để thảo luận về vấn đề này và dự kiến triển khai áp dụng tự do đi lại trong toàn khối vào tháng 7/2021. Trong số các quốc gia đi đầu áp dụng tự do đi lại đối với du khách mang hộ chiếu vaccine, Tây Ban Nha đã quyết định áp dụng chính sách này ở một số khu vực ngay trong tháng 4 năm nay. Một giải pháp công nghệ mang tên Hộ chiếu kháng thể cũng đã được đề xuất nhằm tái khởi động thị trường khách du lịch Nga. Một số nước và vùng lãnh thổ gần như đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, điển hình nhất là Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Seychelles, U.E.A, Qatar, Maldives… còn triển khai áp dụng ngay cơ chế này không giới hạn trong mọi hoạt động giao thương quốc tế.

    Các thị trường du lịch cạnh tranh với Việt Nam trong khu vực cũng đang nhanh chóng áp dụng cơ chế này: Thái Lan dự kiến khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế tại đảo Phuket và một số điểm du lịch khác; Trung Quốc cũng đã cấp và chấp nhận xác nhận y tế như là điều kiện cho các hoạt tự do trong nước và giao thương quốc tế; Singapore áp dụng mô hình giải pháp “Bong bóng du lịch” và thoả thuận “Làn xanh đối ứng”…(Statista, 2021).

    Hiện nay, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) giới thiệu chương trình Thẻ thông hành IATA. Theo đó, chính phủ có thêm một phương thức lựa chọn kiểm chứng, an toàn để đánh giá hiệu lực của giấy tờ thông hành, với một độ tin cậy để chống lại việc sử dụng giả mạo giấy tờ thông hành. Thẻ thông hành IATA là một giải pháp chuẩn hóa toàn cầu để đánh giá hiệu lực và xác thực tất cả các quy định của quốc gia liên quan đến yêu cầu đối với việc đi lại của hành khách trong đại dịch Covid-19. Thẻ thông hành IATA sẽ hợp nhất bốn hợp phần nguồn mở và có khả năng tương kết. Những hợp phần này có thể phối kết hợp để tạo ra một giải pháp trọn gói (IATA, 2021).

     3. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh áp dụng hộ chiếu vaccine hiện nay:

    Hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt trên các khía cạnh về nguyên tắc, kỹ thuật, thời điểm và hệ lụy khi áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine giữa các nước và khu vực. Việc thống nhất xác nhận tình trạng miễn dịch và công nhận lẫn nhau về tính hiệu quả của các loại vaccine cho hoạt động giao thương quốc tế vẫn là chủ đề đang được thảo luận rộng rãi liên quan đến các khía cạnh pháp lý, vấn đề bình đẳng, tự do đi lại, phân biệt đối xử, kỳ thị, xa lánh, xua đuổi, phân phối vaccine và hiệu quả của nó cũng như các biện pháp phòng ngừa rủi ro, vấn đề cách lý, xét nghiệm, giá trị và hình thức xác nhận (hộ chiếu, visa, giấy chứng nhận y tế hay xác nhận điện tử)…

    Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu, quản lý có nhận định rằng: công tác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã được triển khai rất tốt, được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao. Nhà nước có chủ trương và chỉ đạo cần phải nhanh chóng chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật, áp dụng cơ chế để thực hiện chứng nhận miễn dịch y tế vào thời điểm thích hợp phục vụ cho mục tiêu kép trên cơ sở phải bảo đảm an toàn là trên hết.

     4. Cơ hội và thách thức trước việc áp dụng xác nhận miễn dịch Covid-19 cho hoạt động giao thương quốc tế đối với ngành du lịch Việt Nam:

     Cơ hội:

    Chúng ta cần phải xem đây là điểm mạnh về năng lực cạnh tranh để quảng bá, khôi phục các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế tại Việt Nam.

    Nếu Việt Nam sớm chuẩn bị, đề ra các giải pháp kỹ thuật và sẵn sàng ban hành cơ chế, chính sách hợp lý áp dụng xác nhận miễn dịch y tế trong các hoạt động giao thương và du lịch quốc tế thì sẽ tạo ra thế mạnh cho sự an toàn của điểm đến du lịch Việt Nam. Việt Nam sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu đang bị kìm nén đối với việc được đi du lịch trở lại của những người miễn dịch toàn cầu, đồng thời giành lấy cơ hội to lớn trước các đối thủ cạnh tranh như: Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… Bên cạnh đó, chính sách hộ chiếu vaccine cũng góp phần kịp thời khôi phục các hoạt động vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác cứu vãn tình trạng mất việc làm và thiếu nhân sự trong ngành du lịch, dịch vụ và hàng không quốc tế của Việt Nam, hoàn thành các mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội đã đề ra và một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Thách thức:

    Vẫn còn không ít thách thức đặt ra về tính hiệu quả và mức độ phòng ngừa của từng loại vaccine. Hiệu quả của vaccine hiện mới chỉ được công bố bởi các hãng dược phẩm mà chưa có sự kiểm chứng chính thức. Tác dụng phụ như dị ứng, sốc phản vệ, hiện tượng đông máu, tử vong, nhiễm bệnh sau tiêm, tái nhiễm bệnh và kháng tiêm… của một số trường hợp cũng là những rào cản đối với quyết định đi du lịch của khách quốc tế.

    Việc cách ly xã hội được sử dụng như là một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây là một thách thức đối với hoạt động du lịch. Cách ly xã hội tạo ra tâm lý nặng nề cho du khách, làm gián đoạn và đình trệ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

    Những rủi ro, tiềm ẩn khó lường trước nguy cơ lây nhiễm qua đồ dùng, vật dụng, thời gian ủ bệnh và thời gian có khả năng phòng ngừa trước, trong và sau tiêm chủng, các biến thể mới, chủng mới kháng thuốc, các ca bệnh kín không triệu chứng, không được phát hiện trong những lần xét nghiệm đầu tiên…. cũng là những điều khiến khách du lịch quan ngại.

    Việc đo lường mức độ hiệu quả và ý thức tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của du khách và cộng đồng đòi hỏi phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp ở từng thời điểm, từng khâu đón tiếp, phục vụ để kịp thời phát hiện những nguy cơ, rủi ro tiềm tàng, khống chế, khoanh vùng, dập dịch và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho việc phòng chống dịch bệnh đồng thời chống các biểu hiện gian lận, giả mạo kết quả xét nghiệm, giấy xác nhận miễn dịch, tiêm chủng… cũng là vấn đề được đặt ra đối với các cơ quan hữu quan bên cạnh việc đảm bảo an ninh, an toàn trong các hoạt động này trước những phản ứng xã hội như kỳ thị, xa lánh, thậm chí sợ hãi, xua đuổi, ngăn chặn, phản đối…

     5. Khuyến nghị, đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện:

    Khuyến nghị:

    Ở cấp quốc tế, để cơ chế này có thể sớm được đưa vào thực hiện và áp dụng trong các hoạt động giao thương quốc tế cần có sự tham gia của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm đạt được sự đồng thuận và công nhận lẫn nhau. Các lĩnh vực công nhận quốc tế gồm: cơ sở đánh giá tính hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh của các loại vaccine; kết quả xét nghiệm; tiêu chí, hình thức, điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị và nhân sự của các trung tâm xét nghiệm; chứng nhận miễn dịch y tế ở mỗi nước, mỗi khu vực và trên toàn thế giới nhằm xóa bỏ các rào cản, sự khác biệt để khơi thông giao thương quốc tế.

    Ở cấp quốc gia, Việt Nam cần có những hành động thiết thực và giải pháp phù hợp nhằm khai thác và vận dụng tối đa những tiềm năng, lợi thế của mình để giành lấy thời cơ nhằm đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội. Việt Nam cần luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn sàng áp dụng chế độ chứng nhận miễn dịch y tế để đón tiếp, phục vụ các đối tượng đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 đảm bảo an toàn cho các hoạt động giao thương quốc tế như du lịch, hàng không, thương mại, ngoại giao, giáo dục, xuất khẩu lao động…; tiếp tục duy trì và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình đón tiếp phục vụ, kiểm dịch y tế, hàng không, biên phòng, an ninh cửa khẩu, hải quan, du lịch, cơ sở lưu trú…; chủ động, tích cực và sáng tạo trong hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, hợp tác song phương và đa phương trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí và điều kiện kỹ thuật thống nhất chấp nhận các hình thức xác nhận miễn dịch Covid-19 trong hoạt động giao thương quốc tế;

    Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện:

    Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện chính sách hộ chiếu vaccine Covid-19 như sau:

    Hình 1. Qui trình thực hiện chính sách hộ chiếu vaccine Covid-19

    Ghi chú: 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế

    Nguồn: Đề xuất của tác giả

    Chính sách áp dụng hộ chiếu vaccine đã được đưa ra thảo luận và triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh bình thường mới, du lịch an toàn sẽ là một xu hướng tất yếu và chắc chắn thế giới sẽ cần một biện pháp thống nhất để đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch. Hộ chiếu vaccine là một trong số những biện pháp như thế. Chỉ khi được tiêu chuẩn hóa và được các quốc gia chấp nhận rộng rãi, hộ chiếu vaccine hoặc một loại giấy thông hành đảm bảo khác mới phát huy đầy đủ hiệu quả của nó, góp phần phục hồi và phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    IATA. (2021). IATA Travel Pass Initiative. Travel Pass. https://www.iata.org/en/programs/%0Apassenger/travel-pass/)%0A

    Pettersson, H., Manley, B., Hernandez, S., & McPhillips, D. (2021). Tracking Covid-19 vaccinations worldwide. CNN Health. https://edition.cnn.com/interactive/2021/health/global-covid-vaccinations/

    Statista. (2021). Total number of coronavirus COVID-19 vaccination doses administered in China from December 15, 2020 to March 28, 2021. Statista.

    Worldometers. (2021). COVID-19 CORONAVIRUS PANDEMIC. Worldometers. https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeADemocracynow(2020)%20dvegas1?

     

    [1] Ghi chú: Màu xanh: các nước đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Màu đỏ: các thị trường du lịch cạnh tranh với Việt Nam.

    ThS. Nguyễn Văn Gia

    – Chuyên gia độc lập về Phát triển điểm đến du lịch

    Bài cùng chuyên mục