Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tân Trào – tiềm năng và khả năng khai thác du lịch

    Tân Trào là một “địa chỉ đỏ” – Thủ đô Khu Giải phóng – Trung tâm thủ đô trong thời kỳ kháng chiến nên luôn được Nhà nước, địa phương quan tâm, hỗ trợ bảo tồn, phục hồi,  tôn tạo thường xuyên. Tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, đầu tư bảo tồn làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Tân Lập (Tân Trào) gắn với phát triển du lịch. Huyện Sơn Dương, Yên Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tu bổ, tôn tạo các cụm, điểm di tích lịch sử gồm cụm di tích lịch sử Nà Nưa (Nà Lừa), cụm di tích lịch sử Chủ tịch Phủ, Thủ tướng Phủ, dựng bia tại cụm di tích lịch sử Đồng Man – Lũng Tẩu, cụm di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành, cụm di tích ATK Kim Quan…

    Tân Trào cũng là một địa điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình đô thị hóa. Địa hình có sông, núi, rừng tự nhiên rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Tân Trào có có những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ đến ngày nay như: kiến trúc nhà sàn, lễ hội, văn nghệ, ẩm thực… và đặc biệt là sự thân thiện của người dân.

    1. Tài nguyên du lịch nhân văn

    1.1. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa: Các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa của quần thể các di tích Khu du lịch lịch sử – văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào là cốt lõi để khai thác phát triển du lịch cho khu du lịch. Khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến Tân Trào được cả nước và quốc tế biết đến bởi nơi đây, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn làm đại bản doanh là “Thủ đô Khu Giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến” để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ 9 năm giành thắng lợi. Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào ATK có 183 điểm di tích; trong đó có 41 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, tiêu biểu là các di tích: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ… và 47 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hiện tại đã có 25 bộ, ngành, các cơ quan trung ương đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến xây dựng nhà bia ghi dấu sự kiện tại khu vực này.

    a) Cụm di tích Nà Lừa (Nà Nưa): Lán Nà Nưa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh (tức “ông Ké Tân Trào”) đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Tại đây, trước diễn biến khẩn trương của tình hình cách mạng trong nước và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngoài lán Nà Nưa còn lán Cảnh vệ là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ, đảm bảo an toàn cho Bác; lán Điện Đài, nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh; lán Đồng Minh, nơi ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Phái đoàn Đồng Minh; lán họp Hội nghị Cán bộ Toàn quốc của Đảng diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945. Khu vực này hiện nay đang thu hút rất đông đảo các đoàn khách song các hiện vật của di tích vẫn còn rất sơ sài, chưa hấp dẫn được khách du lịch.

    Cảnh quan khu vực rừng núi xung quanh di tích còn tương đối đối nguyên vẹn, gợi lại được hình ảnh, không gian hoạt động Cách mạng trước đây. Đường dẫn vào từng di tích đã được tôn tạo kiên cố bằng bê tông, đá tuy nhiên hình thức, màu sắc đôi chỗ còn chưa phù hợp. Do nằm ở khu vực tách biệt với khu dân cư, ở địa hình cao nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đơn giản. Đã có hệ thống thùng để thu gom rác thải. Cụm di tích mới được tôn tạo sử dụng các loại vật liệu bền vững hơn để kéo dài tuổi thọ của di tích. 

    + Di tích lán Hang Bòng thuộc thôn Bòng, xã Tân Trào nằm ở lưng chừng dãy núi Bòng. Núi Bòng có hai hang đá nhỏ tự nhiên gọi là hang 1 và hang 2, nằm cách quốc lộ 2C khoảng 200m. Đây là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5/1951 đến cuối năm 1952. Tại đây, Người đã lãnh đạo quân và dân cả nước giành thắng lợi lớn trong giai đoạn tổng phản công chiến lược, thay đổi cục diện chiến tranh. Hiện tại, đường vào Hang Bòng là đường đất, các bậc thang vào lán và hang đã được đầu tư bậc bê tông đi lại thuận tiện, phía dưới chân núi Bòng còn có di tích giếng nước đã được  đầu tư bảo tồn. Tuy nhiên khu vực di tích không có rào chắn, không có người trông coi nên sẽ nhanh xuống cấp.

    b) Làng Tân Lập và cây đa Tân Trào: Làng Tân Lập trước đây còn gọi là Kim Long, nằm ở phía Đông xã Tân Trào trong một thung lũng bốn bề núi rừng bao bọc, nơi đây có búi chắn, sông ngăn, đảm bảo an toàn bí mật, tiến có thể đánh, lui cỏ thể giữ nên được chọn làm trung tâm thủ đô giải phóng. Cây đa Tân Trào nằm ở đầu làng Tân Lập, tại đây chiều ngày 16/8/1945, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội. Khách du lịch có thể nghỉ homestay ở đây và thưởng thức các món ăn đặc sản và xem biểu diễn văn nghệ đặc sắc.

    c) Đình Tân Trào: Đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, dựng năm 1853, với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, sàn lát ván. Đình dựng lên nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Dân Lập. Tại đây, ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân đại hội đã họp thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trong cả nước, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), quy định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam.

    d) Đình Hồng Thái: Đình Hồng Thái thuộc thôn Cả, xã Tân Trào, dựng năm 1919. Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ tại Tân Trào khi Người từ Pắc Pó (Cao Bằng) về Tân Trào ngày 21/5/1945. Ngoài ra, đình được chọn là điểm đón tiếp các vị đại biểu về dự Quốc dân đại hội; là trạm thường trực “An toàn khu Trung ương” đóng ở Tân Trào. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là trạm giao liên, là nơi huấn luyện quân sự của an toàn khu. Đình nằm ngay cạnh quốc lộ 2C và giáp với thị trấn Tân Trào, rất thuận tiện cho du khách và tham quan. Đình đã được đầu tư tôn tạo, cảnh quan đẹp xung quanh rất hấp dẫn du khách.

    đ) Cụm di tích trụ sở phân khu Nguyễn Huệ: tại thôn Ao Búc, xã Trung Yên, là nơi Khu ủy quyết định thành lập chính quyền cách mạng ngày 10/3/1945 và thành lập Ủy ban Lâm thời Châu Tự Do – chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước ngày 16/3/1945.

    e) Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ: Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ đóng trụ sở tại Thác Dẫng, thôn Lập Bình, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương từ năm 1947 đến năm 1954, có nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng điều hành Chính phủ kháng chiến; phục vụ một phần hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch và Chính phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có thể tiếp cận di tích này bằng đường bộ cũng như đường thủy. Tuy nhiên hiện nay chưa có bến thuyền cho khách du lịch.

    f) Cụm di tích Trung Yên: Xã Trung Yên, huyện Sơn Dương là một trong các xã an toàn khu có nhiều cơ quan đóng trụ sở làm việc trong cuộc kháng chiến chống Pháp như:

    + Di tích Việt Nam Thông tấn xã: tại thôn Hoàng Lâu, là nơi tuyên truyền, khích lệ nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và thông tin liên lạc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

    + Di tích Bộ Nội vụ: tại thôn Yên Thượng, là nơi chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ.

    + Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: tại thôn Chi Liền, là nơi chủ trì Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt (tháng 2 năm 1953), Hội nghị Toàn quốc của Ủy ban Liên Việt (tháng 11 năm 1953), Kỳ họp lần thứ ba của Quốc hội Khóa I (từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12 năm 1953) và nhiều cuộc họp quan trọng khác…

    g) Cụm di tích xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương:

    + Di tích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: tại thôn Cầu là nơi làm việc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    + Di tích Nha Công an: tại thôn Đồng Đon, là nơi đóng quân đầu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương, tiền thân của Bộ Công an ngày nay.

    + Di tích Nha thông tin: tại thôn Mới, là nơi đăng tải những bản tin, bài thơi, bài hát cách mạng… trên đài phát thanh, phản ánh trung thực đời sống tinh thần, tình hình chiến sự của đất nước và tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ đến nhân dân

    + Di tích Đình Thanh La: tại thôn Mới, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước (Ngày 10/3/1945). Đình được dựng cuối thế kỷ XIX, trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi đình hiện nay được trùng tu năm Đinh Sửu (1937) “Bảo Đại thập nhị niên” (năm thứ 12 triều Bảo Đại). Dân làng dựng đình để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa. Đình thờ thành hoàng làng và các vị sơn thần trong vùng.

    Đình Thanh La dựng trên một khu đất rộng gần suối Lê, vật liệu thuần gỗ. Nhìn tổng thể về kiến trúc đình có dáng dấp một ngôi nhà sàn miền núi gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp lá cọ. Phía trên 3 gian có sàn lửng được chia làm hai phần: thượng cung là nơi để đồ cúng tế, vọng cung để đồ tế khí. Sàn đình dùng làm nơi hội họp và ăn uống. Kiến trúc của đình đơn giản, ít chạm trổ, không cầu kỳ như đình ở miền xuôi. Hàng năm, nhân dân trong vùng tập trung tại đình tổ chức các ngày lễ: cầu mùa, thượng điền, hạ điền. Đình Thanh La là công trình kiến trúc, nghệ thuật, nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào địa phương, đồng thời đình còn có giá trị lịch sử quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công của Cách mạng Tháng Tám và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

    + Di tích Bộ Tư pháp: tại thôn Mới, là nơi làm việc của Bộ Tư pháp.

    Các di tích trên đều dễ tiếp cận, tuy nhiên đường vào còn nhỏ, các di tích nằm tương đối rải rác, chưa có sự kết nối với nhau để tạo một tour khép kín.

    h) Cụm di tích ATK Kim Quan: Cụm di tích ATK Kim Quan thuộc thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ ở, làm việc trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953-1954). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ chính trị, bàn và quyết định nhiều vấn đề về quân sự, kinh tế, ngoại giao, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giàng thắng lới trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn.

    Cụm di tích ATK Kim Quan nằm trải dài trên khu rừng Nà Lơi thuộc thôn Khuôn Điển xã Kim Quan, nơi đây đảm bảo an toàn bí mật cũng như thuận tiện liên lạc bằng đường bộ cũng như đường thủy. Dưới chân núi Nà Lơi là dòng sông Phó Đáy chảy xuôi bao quanh xuống Kim Quan Hạ đến Tân Trào. Cũng từ chân núi Nà Lơi có con đường mòn qua Đạo Viện ra thị xã Tuyên Quang ngược dòng Lô lên Chiêm Hóa sang Bắc Kạn. Nơi đây có phong trào cách mạng rất tốt.

    Hiện nay, cụm di tích này có cảnh quan rất đẹp, bên cạnh dòng sông Phó Đáy thơ mộng, các điểm di tích không cách xa nhau quá, có thể đi bộ được. Nơi này rất thích hợp cho du khách tham quan di tích kết hợp đi dạo, ngắm cảnh, pic nic…

    1.2. Lễ kỷ niệm, lễ hội văn hóa dân gian: Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hóa, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Nơi đây có 16 dân tộc anh em sinh sống từ lâu đời, bản sắc văn hóa dân tộc cơ bản vẫn còn lưu giữ được. Một số lễ hội gồm điển hình của  Khu Du lịch Tân Trào là:

    – Lễ hội Cầu May: Được tổ chức vào ngày 3 và 4 tháng Giêng âm lịch tại đình Hồng Thái với sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và du khách trong nước. Đây là một cơ hội lớn để quảng bá và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

    – Lễ hội Cầu Mùa: Là lễ hội lớn của nhân dân các dân tộc trong vùng để dân làng cầu thần sông, thần núi và Thành Hoàng làng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người mạnh khỏe, nhà nhà no đủ…. Lễ hội được tổ chức vào các ngày 3 và 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đình Tân Trào với các phần lễ, phần hội, văn hóa ẩm thực dân tộc, múa, hát, biểu diễn các tiết mục thể thao và nhiều hình thức văn hóa khác của các dân tộc địa phương rất hấp dẫn khách du lịch. Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian như: ném còn, bắt trạch trong chum, đánh yến, chơi đu… Các phiên chợ của khu vực này vừa là nơi để trao đổi hàng hóa vừa là nơi để các dân tộc thiểu số giao lưu văn hóa.

    Lễ hội Lồng Tồng: Là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, là lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Lễ hội này có từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng Phồn thực cổ xưa kết hợp với thờ Thành hoàng làng, bao gồm: Thiên thần, Nhân thần, những người có công với đất nước, những người có công khai khẩn đất đai, lập làng. Đây là lễ hội cổ truyền lớn, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội Lồng Tồng thường được tổ chức tại một thửa ruộng lớn, hội tụ đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi”. Đất đai màu mỡ, có nhiều ánh sáng, ở vị trí trung tâm của làng, bản…

    Ngoài ngày lễ và hội lớn, ở đình còn có hai ngày lễ trong năm (cả 3 ngôi đình: Đình Tân Trào, đình Hồng Thái và đình Thanh La đều làm cùng 1 ngày), đó là ngày 4 tháng 5 âm lịch là ngày lễ hạ điền, 14 tháng 7 âm lịch là ngày lễ hạ điền. Hai ngày lễ này ít người tham dự hơn ngày lễ chính. Tổ chức hay ngày lễ này để mong muốn tạ ơn trời đất đã ban cho nhân dân một mùa vụ tốt tươi, dân làng no đủ.

    Hiện nay, hội đình làng ở các địa phương đã có nhiều nét đổi khác so với trước kia, các trò chơi đã được cải tiến nhiều, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, kéo co… Phần hội được tổ chức từ giữa buổi sáng và kéo đến hết ngày.

    Lễ hội trước và nay của nhân dân vùng Tân Trào là nét đặc trưng của tín ngưỡng thờ thần thành hoàng làng, một nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Lễ hội là dịp để nhân dân giao lưu, học hỏi, truyền cho nhau những bí quyết trong lao động sản xuất, và là dịp để nhân dân ăn mừng sau một năm lao động vất vả, lòng cảm tạ đến sự ủng hộ của thành hoàng trong suốt một năm qua và mong muốn năm mới thành hoàng cũng sẽ giúp đỡ nhân dân tránh được thiên tai, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng… Với nhiều nét tương đồng trong lối kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng, lễ hội của đình ở vùng Tân Trào với các ngôi đình ở vùng đồng bằng. Như vậy, có thể khẳng định sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc của Việt Nam là rất phong phú và đa dạng. Với những ý nghĩa lịch sử đã diễn ra tại đình Tân Trào, đình Hồng Thái và đình Thanh La cùng các giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có, cần bảo vệ, khôi phục và phát huy những giá trị đó để phục vụ cho phát triển du lịch.

    1.3. Làng nghề truyền thống: Tháng 10/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định công nhận làng nghề Chè Vĩnh Tân, đây là làng nghề đầu tiên của tỉnh. Hợp tác xã sản xuất chè Vĩnh Tân nằm trên địa bàn thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 178,7 ha, trong đó, điện tích đất trồng chè thâm canh chiếm 120 ha. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình mùa hè 28oC, nhiệt độ trung bình mùa đông 160C, khí hậu rất thuận lợi cho việc phát triển cây chè, năng suất luôn đạt 13 – 15 tấn/ha. Tuy nhiên Hợp tác xã Chè Vĩnh Tân hoạt động chưa thực sự đem lại hiệu quả cao, chưa thu hút được khách du lịch. Đường đi vào khu đồi chè còn rất nhỏ, hiện nay chưa có tour nào đưa khách du lịch vào tham quan cánh đồng chè.

    1.4. Các đặc sản tự nhiên và ẩm thực:Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong mỗi hành trình khám phá của du khách. Những đặc sản tự nhiên và món ăn dân tộc như: Xôi ngũ sắc, Cơm Lam, cá bống suối, rượu hai lần nếp đều hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu, trải nghiệm.

    1.5. Các tài nguyên du lịch nhân văn khác: Các điệu hát Then của dân tộc Tày, trò chơi tung còn, bắt trạch trong chum là nét sinh hoạt văn hoá phổ biến của đồng bào Tày, Nùng ở Tân Trào. Đó là hình thức múa hát tập thể, mọi người cầm tay nhau múa theo vòng tròn khép kín hoà theo nhịp trống chiêng uyển chuyển, đẹp mắt, mê say lòng người.

    Những bài Then này không những mang những nét đặc trưng nhất của nghệ thuật hát Then mà nó còn gắn liền với môi trường diễn xướng dân gian của đồng bào. Đó là những nghi lễ tâm linh độc đáo, giàu bản sắc văn hóa cần được lưu giữ và phát huy. 

    1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

    Khu vực Tân Trào có địa hình phong phú và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Hầu hết các di tích đều nằm ở các vị trí có rừng núi bao bọc, hoặc ven sông, suối như Núi bòng, núi Hồng, núi Thia, sông Phó Đáy, hồ Nà Nưa, thác Đồng Man – Lũng Tẩu, suối Khuổi Kịch, Khuôn Pén… hay các khu rừng đặc dụng với nhiều loại gỗ quý như đinh, lim sến táu, trai, lát.. từ lâu đã được giữ gìn bảo tồn.

    a) Cảnh quan khu vực Đồng Man – Lũng Tẩu:

     Đồng Man – Lũng Tẩu nằm trong quần thể Khu Du lịch lịch sử văn hoá và sinh thái Tân Trào, thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Với tổng diện tích gần 2.000 ha, nơi đây có hệ động, thực vật phong phú, vì vậy Đồng Man – Lũng Tẩu thực sự là điểm tham quan các di tích và du lịch sinh thái lý tưởng. Nơi đây Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

    Từ đầu cầu Nà Lừa rẽ phải theo đường mòn 1km là đến khu Đồng Man – Lũng Tẩu. Vào mùa hè, Đồng Man – Lũng Tẩu đẹp hơn, xanh hơn và khắp vùng rừng rộng lớn, lộng lẫy hơn bởi hoa phách nở rợp một màu tím biếc. Hoà trong sắc hoa ấy là tiếng suối chảy róc rách. Dòng suối Lũng Tẩu bắt nguồn từ 3 khe nước nhỏ trên đỉnh núi Hồng, xuống đến chân núi thì hợp nhất lại chảy qua cầu Nà Lừa rồi hoà mình vào dòng sông Phó Đáy. Suối Lũng Tẩu có nhiều thác và vụng nước trong vắt tạo nên những bãi tắm lý tưởng cho du khách, nhất là vào những ngày hè oi bức. Hai bên suối là rừng nguyên sinh ngút ngàn với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như chò chỉ, lát hoa… Dưới chân dãy núi Hồng còn có khu rừng trúc rộng khoảng 1.000m2. Dưới tán trúc du khách vừa được tận hưởng không khí mát lành, vừa được ngắm nhìn những cây trúc mọc thẳng tắp với những búp măng non đang độ xuân thì.

    Tại khu Đồng Man – Lũng Tẩu, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và lãnh đạo kháng chiến từ ngày 12-9 đến 16-12-1948 và từ ngày 10-1 đến 6-4-1949. Lán ở của Bác được dựng bên tả ngạn suối Lũng Tẩu, dưới chân núi Tống Thinh. Lán có 2 gian nhỏ theo kiểu nhà sàn, quay theo hướng tây bắc. Cột nhà được làm bằng gỗ rừng, xung quanh nhà được che bằng phên nứa, mái lợp lá cọ. Đường từ dưới suối đi lên lán được làm thành từng bậc và rải sỏi, cạnh đường lên có hai cây nụ to. Cách lán 5m là giếng nước sâu 3m. Từ đáy lên thành giếng được lát đá cuội. Cách giếng nước về hướng tây nam 5m là sân bóng chuyền. Tại đây, Bác Hồ và các đồng chí trong Văn phòng Chủ tịch phủ thường luyện tập thể thao, đánh bóng chuyền sau những giờ làm việc. Điểm di tích nay đã được cắm mốc xác định vị trí. Ban quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hoá và sinh thái Tân Trào đang triển khai việc dựng bia ghi tóm tắt những sự kiện lịch sử diễn ra tại Đồng Man – Lũng Tẩu trong thời kỳ kháng chiến, làm biển chỉ đường vào khu di tích, trồng cây xanh tạo cảnh quan.

    Cũng tại khu Đồng Man, lán ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Thi đua ái quốc Trung ương từ cuối năm 1948 đến cuối năm 1949 được dựng ngay bên dòng suối Lũng Tẩu, dưới tán cây cổ thụ, có cầu gỗ bắc qua suối. Lán có chiều dài khoảng 6 – 7m, rộng 4m chia làm 2 gian nhỏ, xung quanh được che vách nứa, mái lợp lá cọ. Ban quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hoá và sinh thái Tân Trào đang dựng bia và làm biển chỉ đường vào di tích. Điểm di tích lịch sử Đồng Man – Lũng Tẩu hiện nay vẫn còn hoang sơ. Để Đồng Man – Lũng Tẩu thực sự là điểm tham quan và du lịch hấp dẫn du khách thập phương thì bên cạnh sự bảo vệ cảnh quan môi trường, các khu rừng nguyên sinh rất cần tổ chức các tuyến tham quan, du lịch trong khu vực này; đồng thời đầu tư làm đường giao thông, khôi phục các di tích lịch sử, xác định các điểm du lịch sinh thái.

    b) Rừng đặc dụng Tân Trào: Rừng đặc dụng Tân Trào nằm trên địa bàn 5 xã (vùng ATK) của huyện Sơn Dương là Tân Trào, Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên, Minh Thanh. Toàn vùng có diện tích 14.670ha, trong đó đất lâm nghiệp là 11.337,3ha, diện tích đất có rừng là 7.714ha, đất chưa sử dụng quy hoạch cho lâm nghiệp 3.623,3ha. Đây là khu rừng lịch sử, lại giáp ranh với các địa phương Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Yên Sơn (Tuyên Quang) nên việc quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn. Những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước, giao thông của khu vực đi lại thuận tiện, tuy nhiên đây cũng là khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Tân Trào là vùng đất lịch sử, vùng đất này đang ngày càng xanh hơn bởi màu xanh của rừng. Về trồng rừng, chủ yếu thực hiện trồng rừng phòng hộ và đặc dụng, hơn 1.000ha rừng đã được trồng từ năm 1999 đến nay. Cùng với trồng rừng, việc bảo vệ rừng cũng được chú trọng. Vì đây là khu rừng đặc dụng nên việc tổ chức các tour tham quan, nghiên cứu, dã ngoại cần phải kết hợp chặt chẽ với Hạt kiểm lâm rừng để bảo vệ nguồn tài nguyên cũng như đảm bảo an toàn cho du khách./.

    Bùi Thị Hạnh

    Phòng Nghiên cứu Thị trường Sản phẩm Đào tạo và Quản lý Khoa học

    Bài cùng chuyên mục