Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tác động của biến đổi khí hậu tới các di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam

    Về vị trí địa lý: Quảng Nam thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, cùng với Đà Nẵng được xem là hai tỉnh, thành phố nằm ở vị trí trung độ của nước ta. Đồng thời, Quảng Nam cũng được xem là trung tâm của Đông Nam Á. Quảng Nam tiếp giáp với Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế ở phía Đông Bắc và Bắc, tiếp giáp với Quảng Ngãi và Kon Tum ở Nam và Đông Nam, phía Tây giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp với biển Đông rộng lớn. Quảng Nam có ba tuyến đường xuyên Việt đi qua là quốc lộ (QL)1A dài 85km (đồng thời là một bộ phận của đường xuyên Á), đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc Nam. Ngoài ra, còn có tuyến QL14 nối với Tây Nguyên. Vị trí gần với đường biển quốc tế (cách 198 km). Đồng thời, Quảng Nam thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là ngã ba của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây, và là một phần quan trọng trên Con đường di sản miền Trung. 

    Về khí hậu: Vị trí Quảng Nam ở vĩ độ tương đối thấp nên hàng năm nhận được lượng bức xạ phong phú, khoảng 125-145 kcal/cm2/năm, cán cân bức xạ dương khoảng 80 -100 kcal/cm2/năm, số giờ nắng trên 1700 giờ/năm, tổng nhiệt độ khoảng trên 8900 giờ/năm. Đồng thời vị trí gần biển nên khí hậu chịu sự tác động của nhiều yếu tố thời tiết khí hậu khác nhau như gió mùa Đông Bắc, Tây Nam và chịu tác động sâu sắc của biển Đông. Bên cạnh đó, sự phân hóa của địa hình cũng ảnh hưởng đến sự phân hóa tác động của các yếu tố trên, làm cho khí hậu có sự phân hóa theo mùa và phân hóa theo chiều Đông – Tây (phân hóa theo độ cao của địa hình).

    – Chế độ nhiệt: Chế độ nhiệt được chia thành 2 vùng được thể hiện qua hai trạm đo là Trà My và Tam Kỳ. Ở vùng đồng bằng, số ngày có nhiệt độ trung bình (TB) ngày < 300C có khoảng 365 ngày/năm. 

    – Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình khá lớn, ở Tam Kỳ 2770,6mm/năm, Trà My là 4169mm/năm. Khí hậu phân hóa làm hai mùa là mùa mưa và mùa khô (nhưng không rõ rệt). Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8. Đây là thời gian có lượng mưa thấp nhất trong năm, khoảng 300-600mm, chiếm 20-30% tổng lượng mưa cả năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, lượng mưa trung bình khoảng 2000-2500mm, chiếm 70-80% lượng mưa cả năm. Những tháng mưa nhiều nhất là tháng 10 và 11; trung bình hàng năm có từ 115 – 195 ngày mưa: TP Hội An 115 ngày, huyện Bắc Trà My có số ngày mưa nhiều nhất là 195 ngày, nhiều địa phương có thời kỳ không mưa liên tục tương đối dài như ở Đông Giang, Tây Giang 130 ngày, Tiên Phước 108 ngày, Hội An 71 ngày; thấp nhất là Trà My có 21 ngày. Những tháng có số ngày mưa nhiều là tháng 10 và tháng 11. Các tháng ít mưa tập trung từ tháng 1 đến tháng 8.

    – Chế độ ẩm: Độ ẩm không khí ở Quảng Nam tương đối cao và ở mức trung bình của cả nước. Độ ẩm tương đối trung bình/năm ở các địa phương từ 84 đến 87%, độ ẩm tuyệt đối khoảng 26,2mb. Điều kiện ẩm khá thích hợp cho hoạt động du lịch. 

    – Chế độ gió, bão: Hàng năm bão, áp thấp tác động đến Quảng Nam năm nhiều đến 2-3 đợt, năm ít thì 1 đợt. Tốc độ gió trung bình 1,8m/s ở Tam Kỳ và 1,3m/s ở Trà My. Tốc độ gió mạnh nhất là từ tháng 5-11 ở Tam Kỳ và tháng 2-3 ở Trà My. Mưa bão kết hợp với địa hình dốc gây ra hiện tượng trượt, lở đất, lũ quét ở các huyện miền núi và gây ngập lũ ở khu vực đồng bằng ven biển. Mực nước biển dâng và các tác động do biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa đối với sự tồn tại của phố cổ Hội An, Mỹ Sơn, các công trình phục vụ du lịch, hệ thống các bãi biển. Vào mùa bão lũ (tháng 9,10): lượng khách đến Quảng Nam giảm mạnh, trong đó các tour đi Mỹ Sơn giảm 60%, tour Cù Lao Chàm giảm 100%. Ngược lại, mùa cao điểm nắng nóng, lượng khách tăng đến 73% (2008), 33,6% (2009).

    Với đặc điểm vị trí và khí hậu như trên, tỉnh Quảng Nam là một trong số những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu rõ rệt nhất, hàng năm phải gánh chịu nhiều tổn thất lớn do thiên nhiên gây ra. Thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với đó là tình trạng lũ lớn, sạt lở đất vào mùa mưa, tình trạng hạn hán, thiếu nước, nhiễm mặn vào mùa nắng; tình trạng sạt lở ven sông, ven biển, tình trạng biển xâm thực diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân. 

    Mặt khác, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên du lịch văn hóa với 307 di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, danh thắng, trong đó 63 di tích quốc gia, 365 di tích cấp tỉnh, hai di sản văn hoá thế giới – di tích quốc gia đặc biệt là Phố cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn.

    * Phố cổ Hội An

    Phố cổ Hội An được biết đến như một khu đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Nam. Và chính lối kiến trúc cổ đã giúp Hội An trở thành một trong những địa điểm du lịch cực kì nổi tiếng tại Việt Nam. Hằng năm chào đón một số lượng lớn khách du lịch tới tham quan và khám phá, trở thành một trong số những địa điểm phải đến nếu bạn ghé Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sau khi xem xét những nét kiến trúc văn hóa đặc trưng và những gì mà thành phố Hội An đã chứng kiến bên cạnh sông Thu Bồn trong suốt nhiều thế kỷ, tại kỳ họp lần thứ 23 ngày 4/12/1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí, cụ thể là: (1) Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. (2) Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

    * Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Từ năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tân thời và hiện đại tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (III) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

    * Tác động của biến đổi khí hậu tới các di sản văn hóa thế giới

    Hiện nay, du lịch trên toàn cầu nói chung và du lịch tại Quảng Nam nói riêng là ngành bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu trên nhiều phương diện, từ tài nguyên thiên nhiên, đến di sản văn hoá, hạ tầng và cả môi trường du lịch. BĐKH làm tăng mức độ trầm trọng của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm; mực nước biển dâng cao; chế độ thời tiết bình thường thay đổi, kéo theo các ảnh hưởng đến các công trình, CSVCKT du lịch, làm mất đi hoặc tổn hại các giá trị tài nguyên du lịch, giảm khả năng cung cấp các sản vật tự nhiên cũng như gia tăng các dịch bệnh từ đó ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động du lịch. 

    Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đồng nghĩa với các dạng thiên tai cực đoan như bão  – áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, lũ quét, trượt lở đất, sự thất thường của thời tiết khí hậu…. Những dạng thiên tai này diễn ra thường xuyên, kéo dài, trên diện rộng và biến đổi bất ngờ đã tác động một cách trực tiếp và gián tiếp đến các tài nguyên du lịch và hạ tầng du lịch. Do đó, khi thiên tai xảy ra dễ phá hủy rất nhiều loại tài nguyên như cháy rừng, sạt lở đất, xâm lấn, sạt lở   bờ biển, mưa lũ, nhiệt độ tăng làm cho các tài nguyên tự nhiên bị biến đổi, các di tích lịch sử văn hóa nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng. 

    Đối với Di sản văn hóa Hội An:  Hội An là nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố thời tiết cực đoan như triều cường cao, siêu bão, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới, nhiễu động gió đông, lũ thượng nguồn… Nếu kết hợp thêm mưa lớn, lũ đầu nguồn sẽ gây ngập úng trầm trọng, kéo dài hơn. Hội An đã từng ngập sâu 3,5 m nên tương lai, dưới tác động của BĐKH, mức ngập có thể tăng thêm từ 3,5 – 4,5 m. Với địa hình cao dần từ Nam lên Bắc, phố Bạch Đằng ven sông Hoài là nơi ngập sâu nhất. Các tuyến đường sâu hơn bên trong như Trần Phú, có thể bị ngập trên 3,5 mét. Thời gian lũ lớn kéo dài có thể tới 2 tuần, sẽ làm hư hại nghiêm trọng các công trình cổ với vật liệu bằng gỗ. Khoảng 70 ngôi nhà cổ, tức 10% số nhà cổ của Hội An đã xuống cấp, có thể sẽ bị sụp đổ do lũ lớn. Lũ lụt cũng gây nhiều tai hoạ khác cho đời sống cộng đồng, phát sinh dịch bệnh.

    Hiện trong phố cổ Hội An có 1.107 ngôi nhà và di tích, trong đó nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng do mưa lũ. Tác động của BĐKH, cùng với sự xả lũ ồ ạt của các đập thủy điện làm cho tình trạng lũ lụt ở phố cổ Hội An ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo kịch bản BĐKH của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, Hội An là địa phương bị ngập nặng nề nhất do nước biển dâng. Dự báo sẽ có khoảng 17,5km2  bị ngập trong nước, chiếm 27,63% diện tích tự nhiên. Các di sản kiến trúc ở Hội An với niên đại khởi dựng từ hàng trăm năm; vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói với tuổi thọ vật liệu đã “tới hạn” lại chịu tác động của mưa, nắng, bão, lụt… nên có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thì mỗi năm cũng có hàng chục công trình (thường là nhà ở trong khu phố cố) được khuyến cáo, yêu cầu người dân phải di dời trong thời gian có bão để đảm bảo an toàn…Kết hợp với bão lụt ẩm mốc, mối mọt phát sinh cũng gián tiếp gây sụt lún các nền móng và biến dạng các kết cấu công trình khiến các di tích nhanh xuống cấp.

    Đối với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn: Đợt mưa lớn ngày 15/11/2013 gây ngập úng diện rộng ở Mỹ Sơn, trong đó có các khu vực bị ảnh hưởng của lũ, lụt như đoạn suối trước khu tháp B,C,D, khu vực đoạn cống Bốn Hồng, đường vào khu tháp E, F. Ngay trong đợt lũ quét vào giữa tháng 10 năm 2014, cả Khu di tích Mỹ Sơn bị ngập trên diện rộng; Hầu hết các tháp bị ngập quá nửa, có tháp chìm giữa dòng nước lũ từ trên núi đổ về. Trong Vùng lõi khu di sản, tình trạng sạt lở đất cũng diễn ra ở một số ngọn đồi, núi thấp gây ảnh hưởng đến các đền, tháp. Ví dụ nhóm G sau những cuộc khai quật, tu bổ, cây cối bị chặt hạ nhiều, nước mưa thường kéo theo đất đá trôi, trượt xuống chân đồi và có thời gian Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phải dùng hàng trăm bao cát chằng dưới chân đồi. Tình trạng sạt lở, biến đổi dòng chảy Khe Thẻ cũng thường xuyên xảy ra. Trong lịch sử cũng đã ghi nhận một phần nhóm tháp A bị cuốn dưới lòng suối do Khe Thẻ đổi dòng. Cũng do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên cũng có biến đổi lớn trong những năm gần đây, độ ẩm khu vực cao hơn, mưa lũ diễn ra bất ngờ với cường độ lớn hơn, gây ra rêu mốc tường tháp, các loại cây sống ký sinh trên tháp phát triển nhanh hơn. Lượng mưa lớn và kéo dài làm cho sự ẩm ướt nhiều hơn dẫn đến vài mảng tường gạch tách đổ ra, vết nứt trên tường rộng hơn, vài khung cửa đá có dấu hiệu xô lệch, nguy cơ phá hoại cảnh quan và các phế tích kiến trúc. Theo kịch bản BĐKH cho thấy trong thời gian tới lượng mưa năm tăng 16,5-17,8 % sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lớn đến khu di sản (gia tăng mưa lũ, ngập úng).  

    Đặc biệt, tại Mỹ Sơn với điều kiện khí hậu ẩm thấp trong mùa mưa, nóng khắc nghiệt trong mùa nắng đã có nhiều tác động lên quần thể di tích Chăm tại đây. Theo Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, sự thay đổi của khí hậu đã tác động lên môi trường dẫn đến sự phát triển của các sinh vật gây hại, nấm mốc. Riêng độ ẩm và nền nhiệt độ tăng cao làm cho bề mặt di tích có nguy cơ mục nhũn cao, dễ bong tróc ở những mảng tường có kết cấu yếu. Ngoài tác động trực tiếp lên di tích, sự biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến môi trường rừng tự nhiên xung quanh. Nhiều năm liền, tại các tháp của Mỹ Sơn, nhiều loại địa y trắng có vảy cứng mọc rất nhanh trên bề mặt tường làm ảnh hưởng tới các bề mặt trang trí, chạm khắc. Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phải thực hiện các biện pháp cấp thiết bao gồm giám sát hằng ngày, đánh giá báo cáo hiện trạng, can thiệp gia cố, gia cường cấp thiết, bảo tồn, bảo vệ từ xa, dùng công nghệ sinh học tiêu diệt cây cỏ trên di tích…

    Thách thức bảo tồn di sản trước tác động của tự nhiên ngày một khó lường hơn khi các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nhiều. Năm 2021, UBND Quảng Nam đã ban hành “Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Kế hoạch đặt mục tiêu tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, lồng ghép nhiệm vụ thích ứng với biến đổi vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trên địa bàn. Đây chính là cơ hội để các di tích, di sản thích ứng và có phương pháp bảo tồn thích hợp trước những tác động ngày một mạnh mẽ của tự nhiên.

    UNESCO cũng khuyến cáo các địa phương cần xác định trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn và các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể. Bên cạnh đó, cần tìm ra những kinh nghiệm tốt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bao gồm cả những kinh nghiệm dân gian truyền thống và kỹ thuật tiên tiến. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm đó trong mạng lưới các di sản và trong cộng đồng. Kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Báo cáo về hoạt động du lịch của Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam qua các năm.
    2. Báo cáo về tình hình mưa lũ, thiên tai của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam qua các năm.
    3. Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030. – UBND tỉnh Quảng Nam.

    4. Phạm Trung Lương, 2009, “Biến đổi khí hậu với phát triển du lịch ở Việt Nam”. Tuyển tập Hội thảo “Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đối với hoạt động quản lý, phát triển du lịch ở Việt Nam”. Hà Nội, ngày 9/11/2010;

    ThS. Bùi Thị Nhẹ

    Viện NCPT Du lịch

    Bài cùng chuyên mục