Solo travel: Xu hướng được dự báo sẽ tăng trưởng trong những năm tới
Trở thành xu hướng du lịch mới trên thế giới từ năm 2016, nhưng phải đến năm 2019, solo travel mới thực sự phát triển và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo.
Solo travel là gì?
Theo trang Solotravelworld và Solofriendly thì solo travel là hình thức du lịch một mình đến những nơi khác nhau mà trong đó, mọi khâu của hành trình từ lựa chọn điểm đến tới dịch vụ và các hoạt động đều do du khách tự đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu, sở thích của bản thân. Hiểu theo nghĩa tiếng việt thì solo travel có nghĩa là du lịch một mình, du lịch cá nhân. Tuy nhiên cụm từ du lịch một mình phổ biến và được sử dụng nhiều hơn.
Hình thức du lịch một mình hướng đến những trải nghiệm riêng biệt, nhưng không có nghĩa là buộc phải hoàn toàn tự túc, du khách tự đưa ra quyết định và lựa chọn của mình nhưng vẫn có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ của đơn vị lữ hành.
Solo travel trên thế giới
Nếu những năm trước, solo travel chỉ được coi là một thị trường ngách thì từ năm 2016, hình thức này bắt đầu trở thành xu hướng khi có mức tăng trưởng đáng kể mỗi năm và đến năm 2019, đã chiếm tới 11% thị trường du lịch. Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng các tìm kiếm liên quan đến từ khoá “solo travel” tăng 131% trên google.
Một điều vô cùng ngạc nhiên đó là xu hướng này không chỉ phổ biến đối với giới trẻ, thế hệ 8x-10x. Theo số liệu từ Booking.com trong năm 2018, có tới 40% số lượng khách có độ tuổi từ 50-64 đã sử nền tảng này để đặt dịch vụ cho chuyến du lịch một mình của họ vào năm trước đó (2017) và 21% cho biết họ sẽ thực hiện hình thức du lịch này trong tương lai. Một điều thú vị nữa đó là nam giới chỉ chiếm 16%, trong khi đó có tới 84% nữ giới thích và lựa chọn solo travel.
Số liệu thống kê về Solo travel
(Theo https://www.condorferries.co.uk/solo-travel-statistics)
- Solo travel là xu hướng đứng đầu danh sách xu hướng du lịch năm 2019 trên Klook.
- 131% là mức tăng trưởng tìm kiếm từ khoá về solo travel trên Google trong thời gian từ năm 2016 -2019.
- 84% trên tổng số lượng khách đi du lịch một mình là nữ giới.
- Du lịch một mình chiếm tới 11% thị trường du lịch.
- #solotravel hiện đang liên kết tới 5,2 triệu bài đăng trên trang Instagram.
- 71% khách đi du lịch một mình đã lựa chọn Úc khiến đất nước này trở thành điểm đến số 1 về du lịch một mình.
- 72% khách du lịch nữ tại Mỹ cho biết họ thích đi du lịch một mình, không chỉ để tìm hiểu về những điểm đến độc đáo mà còn tạo động lực và khám phá bản thân.
- 25% du khách tham gia khảo sát trên trang Solo travel cho biết họ sẽ cân nhắc việc đi du lịch một mình trong 12 tháng tới.
- 25% thuộc thế hệ 10x tại Anh cho biết họ dự tính sẽ đi du lịch một mình trong 12 tháng tiếp theo.
- 26% những người đi du lịch một mình cho biết họ lựa chọn hình thức này chỉ đơn giản họ thích tự mình khám phá điểm đến mới.
- 1 trong 6 người (chiếm 15%) trong số khách du lịch cho biết họ đã thực hiện việc du lịch một mình.
- Số lượng đặt phòng của khách du lịch một mình tăng 42% trong 2 năm trở lại đây.
Năm 2018, số lượng người đăng ký nhận bản tin từ trang web Solo travel world (một trang web cung cấp thông tin và dịch vụ về du lịch môt mình) đã tăng từ 35.000 người lên 46.000 người ( năm 2017 là 25.500 người). Bên cạnh đó, Solo travel world còn cho biết, đa số những người đi du lịch một mình là những người có trình độ. Theo dữ liệu khảo sát do trang web này thực hiện năm 2018 thì 50% người được hỏi cho biết họ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. 35% cho biết họ đã có bằng sau đại học. Những người lựa chọn hình thức đi du lịch một mình cũng là những người thường xuyên đi du lịch, với trung bình 3 chuyến du lịch mỗi năm. Đối tượng lựa chọn solo travel cũng là những người có thu nhập cao bởi số tiền chi trả cho việc đi du lịch một mình luôn cao hơn so với đi theo nhóm, theo tour.
Với mức tăng trưởng mạnh được thể hiện qua những con số nêu trên, solo travel hay du lịch một mình đang là một trong những xu hướng du lịch mới và “nóng” nhất hiện nay. Nắm bắt được thị trường tiềm năng còn tiếp tục phát triển mạnh, hàng loạt công ty du lịch đã cung cấp dịch vụ và thông tin nhắm tới đối tượng khách này. Trang web nổi tiếng thế giới về du lịch là TripAdvisor thậm chí còn mở hẳn một diễn đàn về hình thức solo travel với số lượng thành viên đáng kinh ngạc lên tới hàng chục nghìn người.
Tại sao du lịch một mình trở thành xu hướng và có sức hấp dẫn?
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải về sức hút của hình thức du lịch một mình như: sự linh hoạt về điều kiện, thời gian làm việc, sự thuận lợi, chủ động đối với khách du lịch, tăng cường sự độc lâp…
Nhìn nhận một cách tổng thể, so với du lịch truyền thống, rõ ràng khách đi du lịch một mình không bị ràng buộc bởi hành trình đã được lên sẵn, không bị phụ thuộc vào thời gian của cả đoàn hoặc người đi cùng. Du khách lựa chọn hình thức này có thể làm những điều họ thích như đi đâu, đi bằng phương tiện gì, ăn gì, ở đâu, làm gì, thời gian nào…tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn cho riêng họ.
Dữ liệu khảo sát của Agoda năm 2018 cho biết 61% số người tham gia lựa chọn đi du lịch một mình để thư giãn và giảm căng thẳng. 39% còn lại dành cho hai mục đích đó là tạm xa cuộc sống, thói quen thường ngày và khám phá những nền văn hoá mới. Ngoài ra những người tham gia khảo sát cũng cho biết thêm việc du lịch một mình ngoài mục đích chính còn giúp họ trau dồi, rèn luyện được sự tự tin, độc lập cùng nhiều kỹ năng mới như khả năng quản lý tài chính, thời gian đồng thời giúp họ củng cố, trau dồi ngoại ngữ…
46.000 thành viên của Solo travel world đã tham gia khảo sát và trả lời các câu hỏi về lý do lựa chọn hình thức du lịch một mình.Theo đó, 58.99% cho biết, họ lựa chọn hình thức du lịch một mình vì muốn khám phá thế giới mà không phải chờ đợi người khác. Trong khi có 12,65% đi du lịch một mình bởi không có người cùng đi và 10.18% chưa bao giờ đi du lịch một mình.
Bảng lý do lựa chọn hình thức du lịch một mình
được thực hiên bởi Solo travel world
Ngoài những lý do trên, thì sự phát triển của công nghệ trong thời đại 4.0 cũng là một trong những nguyên nhân và tác động tới sự phát triển của hình thức du lịch một mình. Với sự hỗ trợ của công nghệ, hàng loạt các ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch đã trở nên phổ biến trên thế giới, từ việc đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, nhà hàng, cho tới thuê xe, mua vé tham quan…đều có thể thực hiện trên điện thoại cầm tay.
Công nghệ không chỉ giúp phát triển các ứng dụng phục vụ trực tiếp ngành du lịch mà còn tác động tới sự phát triển của nhiều ngành khác trong đó có ngân hàng. Những ứng dụng thanh toán ra đời làm thay đổi thói quen chi tiêu truyền thống từ tiền mặt hoặc thẻ sang thanh toán chuyển khoản và quét mã QR. Thực tế này đã tác động gián tiếp tới sự phát triển các ứng dụng về du lịch, nói cụ thể hơn thì việc thanh toán đơn giản, nhanh gọn ngay trên điện thoại góp phần rất lớn trong việc tăng số lượng người sử dụng ứng dụng đặt phòng, mua vé máy bay, thuê xe hay mua vé tham quan…
Không chỉ có vậy, những ứng dụng tiện ích như chỉ đường, phiên dịch, dự báo thời tiêt…cũng ngày càng trở nên phố biến và dễ dàng sử dụng đối với mọi đối tượng người dùng. Tất cả những ứng dụng này khiến cho việc đi du lịch ngày nay trở nên đơn giản và dễ dàng hơn bao giờ hết ngay cả với những người không thông thạo ngoại ngữ, không thông thuộc địa lý…
Cuộc sống bận rộn hơn cũng là lý do khiến solo travel phát triển. Bởi sự bận rộn, không dễ để sắp xếp được thời gian cùng đi du lịch với gia đình, bạn bè vì thế nhiều người lựa chọn hình thức du lịch một mình tránh việc bị phụ thuộc và phải chờ đợi. Một lý do cũng không thể không nhắc đến chính là sự phát triển của mạng xã hội tác động đã tới nhu cầu thể hiện bản thân của con người. Một số người lựa chọn du lịch một mình như một cách thách thức bản thân để rồi “khoe” thành tích đó trên mạng xã hội hoặc để trở thành người có kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm của họ với bạn bè, người quen hoặc trên các diễn đàn du lịch.
Sức hấp dẫn lớn là như vậy, song du lịch một mình cũng có những mặt hạn chế và đôi khi tiềm ẩn cả rủi ro. Ví dụ như khi khách du lịch lạc đường, thất lạc hoặc mất hành lý, giấy tờ tùy thân… họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể trở về (đặc biệt nếu như khách đi du lịch một mình không sử dụng dịch vụ của công ty lữ hành), ngay cả việc liên lạc với người thân tại quê nhà để yêu cầu trợ giúp cũng không đơn giản. Thực tế này một lần nữa được khẳng định rõ nét hơn khi ngành du lịch toàn cầu phải đối mặt với những vấn đề dịch bệnh, thiên tai như đại dịch COVID 19 năm 2020. Khi đó khách du lịch lựa chọn hình thức solo travel mắc bệnh trong hành trình của họ, việc một mình điều trị tại bệnh viện hay phải chấp thuận cách ly theo quy định của nước sở tại khi không có người thân, bạn bè bên cạnh để trợ giúp hẳn sẽ là một cú sốc tinh thần lớn đối với bất kỳ ai.
Solo travel tại Việt Nam
Mặc dù đã và đang là xu hướng du lịch của thế giới nhưng du lịch một mình vẫn còn là khái niệm và hình thức mới ở Việt Nam.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đạt được nhiều thành tích với hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 720.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là hàng loạt các giải thưởng quốc tế như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019; Điểm đến hàng đầu Châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu Châu Á; Điểm đến Ẩm thực hàng đầu Châu Á… Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO cũng đã xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019.
Những con số trên để minh chứng rằng Việt Nam không còn giữ “khoảng cách” xa so đối với những quốc gia phát triển về du lịch. Việt Nam những năm gần đây rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt các xu hướng mới của thế giới để có thể tạo đột phá về du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn những xu hướng du lịch mới trên thế giới chưa được ngành du lịch Việt Nam “nắm bắt” và khai thác, trong đó có hình thức solo travel – du lịch một mình. Một lý do khiến loại hình du lịch này chưa thực sự phát triển đó là yếu tố văn hoá, truyền thống khác nhau của mỗi quốc gia. Nếu như việc sống độc lập, xa gia đình phổ biến tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu thì tại Châu Á, đặc biệt trong đó có Việt Nam, sống cùng gia đình và thói quen sinh hoạt có cộng đồng, có tập thể vẫn là truyền thống. Từ nét văn hoá, truyền thống dân tộc này, du lịch một mình không dễ để trở nên phố biến và phát triển ở thị trường Việt Nam.
Mặc dù vậy, không có nghĩa là xu hướng này sẽ không được quan tâm, chú ý bởi thế hệ Gen Z ở Việt Nam đang chứng minh khả năng độc lập và tự chủ trong cuộc sống ngày môt mạnh mẽ hơn. Họ cũng là những người tiên phong cập nhật và thử thách những xu hướng mới của thế giới.
Bên cạnh đó, đời sống xã hội đang được nâng cao khiến nhu cầu du lịch của người dân tăng theo, nhưng không phải tất cả đều có thể sắp xếp thời điểm phù hợp cùng đi với gia đình/ bạn bè của họ. Từ đây, nhu cầu du lịch một mình được hình thành. Nếu các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và cung cấp được dịch vụ phù hợp thì thị trường này hứa hẹn sẽ là một thị trường không nhỏ tại Việt Nam trong thời gian tới. Để thích ứng và dễ chấp nhận hơn với văn hoá, truyền thống Việt, các doanh nghiệp du lịch thay vì chỉ cung cấp từng gói dịch vụ có thể xây dựng chương trình du lịch một mình theo tour. Như vậy, người tham gia vẫn có thể đi du lịch mà lại không hoàn toàn “một mình” bởi khi họ tham gia các tour solo travel như vậy, họ có thể gặp gỡ những người có cùng sở thích, điều kiện hoàn cảnh, họ cũng không quá đơn độc tại một vùng đất mới, nhưng vẫn có đủ không gian, thời gian riêng tư để thư giãn, khám phá cũng như phát triển bản thân.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.condorferries.co.uk/solo-travel-statistics
2. https://solotravelerworld.com/about/solo-travel-statistics-data/
3. https://www.travelandleisure.com/trip-ideas/solo-travel
4. https://solofriendly.com/category/solo-travel/
ThS. Nguyễn Lan Hương – Trung tâm TV&ĐTDL – Viện NCPT Du lịch