Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển sản phẩm du lịch huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa phù hợp với các thị trường du lịch trọng điểm

    Định hướng phát triển sản phẩm du lịch huyện Khánh Sơn cần thực hiện phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Khánh Hoà, dựa trên cơ sở tiềm năng, tài nguyên du lịch của huyện. Một số nguyên tắc cần được đảm bảo khi xây dựng định hướng sản phẩm du lịch của Khánh Sơn:

    • Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Sơn trên cơ sở khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá bản địa.
    • Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Sơn phải phù hợp và hiện thực hoá định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Khánh Hoà.
    • Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Khánh Sơn đảm bảo sự hài hoà về sự tham gia của các bên liên quan, trong đó chú trọng sự tham gia của cộng đồng địa phương để cộng đồng thực sự làm chủ của hoạt động du lịch, mở rộng sinh kế.
    • Xây dựng sản phẩm du lịch Khánh Sơn có sức cạnh tranh so với các điểm đến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu và xu hướng của thị trường khách du lịch.

    Định hướng chung:

    • Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch huyện Khánh Sơn dựa trên lợi thế tài nguyên tự nhiên, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch nông nghiệp – lễ hội trái cây. 
    • Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Sơn đảm bảo chất lượng, độc đáo để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch huyện, đồng thời kéo dài thời gian của khách du lịch và gia tăng chi tiêu.
    • Xây dựng sản phẩm du lịch bổ trợ hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch như du lịch văn hoá-lịch sử, du lịch cộng đồng, vui chơi giải trí đêm, chăm sóc sức khoẻ.

    Hệ thống sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ được định hướng phát triển tại huyện Khánh Sơn: 

    Sản phẩm du lịch chính/đặc thù Sản phẩm du lịch bổ trợ
    Du lịch sinh thái

    • Tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu khám phá rừng, núi và các loài động, thực vật hoang dã;
    • Giáo dục môi trường và đa dạng sinh học rừng;
    • Tham quan thiên nhiên và thắng cảnh đẹp (thác Tà Gụ, săn mây, rừng thông…)
    Du lịch văn hoá – lịch sử:

    • Tham gia lễ hội truyền thống của người Raglai
    • Trải nghiệm tìm hiểu văn hoá bản địa (biểu diễn âm nhạc truyền thống, gặp gỡ nghệ nhân, tham quan khu trưng bày nông cụ, nghề truyền thống…)
    • Tham quan, tìm hiểu về các địa điểm du lịch tâm linh, di tích lịch sử.
    Du lịch mạo hiểm

    – Tham gia các hoạt động du lịch thể thao trên núi và trong rừng khu vực Tà Giang (leo núi, trekking, dù lượn…);

    – Cắm trại trong rừng, trải nghiệm cuộc sống hoang sơ

    Du lịch cộng đồng

    • Trải nghiệm sống cùng người dân địa phương (homestay);
    • Trải nghiệm văn hoá bản địa cộng đồng người Raglai.
    Du lịch nghỉ dưỡng núi

    – Nghỉ dưỡng tại các biệt thự, căn hộ trên núi, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập, khu cắm trại;

    – Tận hưởng khí hậu mát mẻ vùng núi, thiên nhiên, thư giãn, ngắm cảnh, săn mây.

    Vui chơi giải trí – Ẩm thực

    – Nhà hàng địa phương;

    – Quán cà phê, quán bar;

    – Nghe nhạc sống, chương trình biểu diễn nghệ thuật;

    – Điểm chụp ảnh check-in, săn mây.

    Du lịch nông nghiệp – lễ hội trái cây

    – Tham gia lễ hội trái cây 

    – Trải nghiệm quy trình canh tác, trồng cây ăn quả, phương thức làm nông.

    – Trải nghiệm, chụp ảnh check-in mùa hoa, mùa đậu quả, mùa thu hoạch quả chín.

    – Thưởng thức và mua sắm sản vật (trái cây…)

    Du lịch chăm sóc sức khỏe

    • Tập yoga, thiền;
    • Massage trị liệu, xông hơi thảo dược;

    Chương trình eatclean.

    Nguồn: Tổng hợp của chuyên gia

    Định hướng cụ thể:

    Định hướng 1: Chú trọng tập trung phát triển sản phẩm du lịch chính: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch mạo hiểm

    Ưu tiên và tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên nhiên để hình thành thương hiệu du lịch Khánh Sơn và tận dụng lợi thế là một điểm đến núi của một địa phương nổi tiếng với du lịch biển. Đặc biệt, tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm một cách bài bản, chất lượng cao, đảm bảo an toàn tại khu vực thác Tà Gụ và Tà Giang, trở thành sản phẩm đặc thù của huyện Khánh Sơn. 

    Du lịch sinh thái: 

    • Khai thác tài nguyên tự nhiên (thác, rừng, núi, sông suối) để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái theo các cấp độ khác nhau của giai đoạn đầu tư và giai đoạn thu hút thị trường khách du lịch.
    • Khu vực khai thác: Thác Tà Gụ, Hòn Quy – Cô Roá (Sơn Lâm), Sa Gai (Thành Sơn), Tà Giang, đồi thông Sơn Hiệp, đồi thông Thanh Niên.
    • Hoạt động du lịch: du lịch dã ngoại, tham quan thiên nhiên, tìm hiểu đa dạng sinh học, cắm trại trong rừng kết hợp nghỉ cuối tuần, nghiên cứu tìm hiểu thiên nhiên, đi bộ trong rừng, chèo thuyền kayak, câu cá…

    Du lịch mạo hiểm:

    • Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm từ nhẹ đến trung bình, phù hợp với từng đối tượng khách, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho khách du lịch.
    • Khu vực khai thác: Tà Giang, thác Tà Gụ (hướng tiếp cận từ đường mòn trong rừng)
    • Hoạt động du lịch: trekking trong rừng nguyên sinh, tắm suối, chèo thuyền kayak vượt thác, cắm trại ngủ trong rừng, leo núi.

    Du lịch nghỉ dưỡng núi:

    • Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng núi tận dụng địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành.
    • Khu vực khai thác: xã Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp.
    • Đầu tư xây dựng villa núi, bungalow, khách sạn boutique trên núi, khu cắm trại qua đêm trên núi, trong vườn cây ăn trái.
    • Hoạt động du lịch: nghỉ dưỡng thưởng thức khí hậu núi mát mẻ, không khí trong lành, thiên nhiên, ngắm bình minh, săn mây.

    Định hướng 2: Đầu tư hình thành và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, phát triển mạnh lễ hội trái cây Khánh Sơn thu hút khách du lịch

    Hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp theo các mùa của trái cây (mùa hoa, mùa đậu quả, mùa thu hoạch). Phát triển và nâng cấp Lễ hội trái cây Khánh Sơn thành sản phẩm thu hút khách du lịch vào mùa hè (tháng 7-9), trở thành điểm nhấn của du lịch Khánh Sơn.

    Khu vực khai thác: các đồi sầu riêng, vườn cây ăn trái, đồi hoa, khu vực lễ hội (thị trấn Tô Hạp).

    Hoạt động du lịch: tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm nghề nông (trồng cây, làm vườn), trải nghiệm và chụp ảnh check-in mùa hoa nở (hoa sầu riêng, hoa sim…), hái quả và thưởng thức trái cây mùa hè (sầu riêng, mít, măng cụt, bưởi…), mua sắm sản vật, tham gia lễ hội trái cây.

    Định hướng 3: Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá – lịch sử, vui chơi giải trí, du lịch chăm sóc sức khoẻ

    Phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ giúp kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch và phục vụ nhu cầu khách du lịch về tìm hiểu văn hoá địa phương, thưởng thức 

    Du lịch cộng đồng

    • Phát triển du lịch cộng đồng tại các làng người dân tộc Raglai để giảm sức ép về lưu trú tại khu vực trung tâm, đồng thời gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
    • Khu vực: Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc
    • Hoạt động du lịch: trải nghiệm cuộc sống người với người dân địa phương; thưởng thức ẩm thực địa phương; homestay.

    Du lịch văn hoá – lịch sử:

    • Khai thác bản sắc văn hoá dân tộc đồng bào Raglai phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hoá bản địa, khôi phục các hoạt động lễ hội văn hoá truyền thống, đầu tư vào các điểm di tích lịch sử đảm bảo phục vụ khách du lịch tham quan và tìm hiểu.
    • Khu vực khai thác: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Tô Hạp, Ba Cụm Nam
    • Hoạt động du lịch: tham quan kiến trúc nhà dài truyền thống của người Raglai (Sơn Hiệp), tìm hiểu văn hoá bản địa thông qua nghe và tham quan khu vực bày nông cụ, sản phẩm đan lát; thưởng thức biểu diễn văn nghệ truyền thống (đàn đá, hát sử thi…); tham quan và trải nghiệm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, tiếp xúc với nghệ nhân…; tham quan di tích lịch sử địa cách mạng, di tích khảo cổ.

    Vui chơi giải trí – Ẩm thực

    • Sản phẩm du lịch bổ trợ để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch, đặc biệt là hoạt động vui chơi giải trí về đêm.
    • Khu vực: thị trấn Tô Hạp và các điểm check in đồi thông, săn mây.
    • Hoạt động du lịch: chụp ảnh check-in tại các khu vực biểu tượng của Khánh Sơn, thưởng thức âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, quán cà-phê, quán bar; thưởng thức ẩm thực địa phương; săn mây…

    Du lịch chăm sóc sức khoẻ

    • Phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khoẻ tận dụng lợi thế về khí hậu và môi trường, bổ trợ cho sản phẩm du lịch mạo hiểm.
    • Hoạt động du lịch: massage thư giãn, massage trị liệu, xông lá thuốc; các lớp tập yoga, thiền cho khách du lịch; các chương trình du lịch sức khoẻ eatclean, khoá tập và học giảm cân…

    ThS. Nguyễn Hoàng Mai

    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục