Phát triển loại hình Farmstay ở Việt Nam: Những vấn đề pháp lý đặt ra và khuyến nghị
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Loại hình farmstay xuất hiện ở Việt Nam khoảng một thập niên trở lại đây nhưng rất có tiềm năng và phát triển rất nhanh, được khách du lịch yêu thích lựa chọn. Sự phát triển của farmstay đã bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực, có đóng góp nhất định đối với kinh tế – xã hội của địa phương mà trực tiếp là lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, chính vì phát triển “nóng” (đặc biệt trong giai đoạn 2018 – 2022), loại hình farmstay cũng để lại nhiều hệ lụy, nhiều vấn đề bất cập đặt ra, đặc biệt là những bất cập trong công tác quản lý và kinh doanh farmstay do thiếu khung khổ pháp lý quy định. Nhiều địa phương đã “tuýt còi”, hàng loạt farmstay sai phạm bị xử lý, buộc dừng hoạt động.
Các sai phạm chủ yếu về sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đầu cơ kinh doanh bất động sản trái phép trên đất nông nghiệp; cùng với các sai phạm về kinh doanh dịch vụ du lịch như không đảm bảo các điều kiện tiếp đón, phục vụ khách du lịch, không đăng ký kinh doanh, kinh doanh chui, trốn thuế… Năm 2020, tại văn bản số 5910/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách và quy định quản lý phù hợp đối với loại hình farmstay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý nào được ban hành.
Bài viết này đề cập một số vấn đề liên quan đến loại hình farmstay, thực trạng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam thời gian qua, những vướng mắc về khung khổ pháp lý và chính sách đặt ra, trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị để thúc đẩy phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam trong thời gian tới.
2. TỔNG QUAN VỀ FARMSTAY
Phát triển loại hình farmstay hiện đang là chủ đề được thảo luận rất nhiều trên các diễn đàn khoa học, trên không gian mạng, cũng như sức nóng của nó đang diễn ra trên thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến farmstay hiện chưa thống nhất cả trong nghiên cứu học thuật cũng như trong hành động thực tiễn.
2.1. Về thuật ngữ, định nghĩa
Theo một số từ điển tiếng Anh, “farm” được dịch nghĩa là trang trại, một khu vực đất có những cánh đồng và công trình được sử dụng để trồng trọt và chăn nuôi như một hoạt động kinh doanh, “stay” là ở tại một nơi nào đó trong một khoảng thời gian nhất định”, “farmstay” (hay “farm-stay”/ “farm stay”) là một trang trại có cung cấp chỗ ở cho khách thăm quan, nghỉ ngơi và sử dụng các dịch vụ tại trang trại. Theo cuốn “Hướng dẫn thiết lập farmstay” của Học viện Nông nghiệp Bền vững Minnesota – Hoa Kỳ, farmstay được định nghĩa là “chỗ ở dành cho khách trả tiền tại một trang trại đang hoạt động”. Tại Việt Nam, trong một số tài liệu nghiên cứu cũng như các bài viết đăng tải trên các trang thông tin, báo điện tử, “farmstay” được sử dụng với rất nhiều tên gọi khác nhau như: “trang trại nghỉ dưỡng”, “lưu trú nông trại”, “nghỉ dưỡng nông trại”, “trang trại du lịch”,…
Qua tổng hợp nghiên cứu từ các nguồn tài liệu trong nước và nước ngoài, căn cứ thực tiễn khai thác loại hình farmstay trong lĩnh vực du lịch, theo quan điểm của nhóm tác giả, farmstay có thể định nghĩa như sau:
“Farmstay là một loại hình du lịch gắn với các trang trại nông nghiệp, có cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch, trong đó có dịch vụ lưu trú du lịch.”
Như vậy, farmstay là một loại hình du lịch gắn với các trang trại nông nghiệp đang hoạt động; đang thực hiện canh tác, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi; có khai thác các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Bản chất của kinh doanh farmstay là kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ bổ trợ khác phục vụ khách du lịch như: ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, tham quan, trải nghiệm tại trang trại. Yếu tố “stay” – ở lại (hay lưu trú) của khách du lịch là rất quan trọng, nếu không có yếu tố này, không thể gọi là “farmstay”.
2.2. Phân loại farmstay
Vì farmstay gắn với hoạt động của các trang trại nên các loại hình farmstay sẽ gắn tương đương với các loại hình trang trại. Theo thông tư số 20/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trang trại được phân loại thành 02 nhóm: (1) Trang trại chuyên ngành nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. (2) Trang trại tổng hợp: là trang trại tổ chức nhiều hoạt động sản xuất nhưng không có lĩnh vực nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Dựa trên căn cứ phân loại trang trại nêu trên, có thể xác định một số loại hình farmstay như:
– Farmstay gắn với trang trại trồng trọt: cây trồng theo mùa vụ, cây trồng ngắn ngày, cây hàng năm, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp, cây cảnh…
– Farmstay gắn với trang trại chăn nuôi: gia súc, gia cầm và các loại vật nuôi đặc thù trên cạn như: cừu, dê, hươu sao,…
– Farmstay gắn với trang trại lâm nghiệp: trồng, chăm sóc và khai thác các loại cây rừng hoặc các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ từ rừng trên đất được quy hoạch.
– Farmstay gắn với trang trại nuôi trồng thủy hải sản: sản xuất nuôi trồng thủy sản, hải sản tại các ao, hồ, sông, đập nước, vũng, vịnh, làng chài,…
– Farmstay gắn với trang trại tổng hợp: các hoạt động sản xuất nông nghiệp tổng hợp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đa dạng cây trồng, vật nuôi. Khách du lịch thường yêu thích những mô hình này vì có nhiều lựa chọn trải nghiệm, nhiều hoạt động, nhiều dịch vụ hơn.
– Farmstay kết hợp mô hình “farm và homestay”: Do nhu cầu phát triển du lịch nhanh chóng, một số mô hình homestay mở rộng quy mô và hoạt động kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ du lịch khai thác theo mô hình farm trên đất nông nghiệp hiện có hoặc đất nông nghiệp mua thêm.
2.3. Đặc điểm của loại hình farmstay
– Mục đích và hình thức hoạt động: farmstay hoạt động dựa trên nền tảng trang trại có trước. Dựa vào vị trí, cảnh quan, khí hậu, giá trị nông nghiệp, chủ trang trại khai thác, phát triển thêm các dịch vụ du lịch.
– Vị trí của các farmstay: thường xuất hiện ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng trung du, hoặc ngoại ô các thành phố.
– Thiết kế cảnh quan và công trình phục vụ du lịch: thường thiết kế đơn giản, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, tùy mục đích và nguồn lực đầu tư, một số farmstay có thể được thiết kế theo hướng sang trọng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng trang trại cao cấp.
– Sản phẩm và dịch vụ chủ đạo: ngoài dịch vụ chủ đạo là lưu trú du lịch, các sản phẩm, dịch vụ khác có thể bao gồm: trải nghiệm làm ruộng, chăm sóc vật nuôi, thu hoạch vụ mùa; tham quan trang trại; vui chơi, giải trí; thưởng thức ẩm thực; nghỉ ngơi, thư giãn, hưởng thụ không khí trong lành; mua các sản phẩm của trang trại;…
– Đối tượng khách chính: khách đến farmstay chủ yếu là khách sinh ra và lớn lên ở các thành phố; khách học sinh, sinh viên; khách gia đình; khách nước ngoài muốn khám phá, trải nghiệm các hoạt động tại trang trại.
2.4. Vị trí, vai trò của loại hình farmstay
– Góp phần khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch: khai thác hiệu quả, hợp lý giá trị tài nguyên nông nghiệp để phát triển loại hình farmstay, tránh gây lãng phí các giá trị tài nguyên tại các địa phương.
– Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch: góp phần tạo thêm điểm đến, hoạt động trải nghiệm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm, tăng thời gian giữ chân khách và tăng chi tiêu của khách tại địa phương. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn.
– Tăng khả năng thu hút khách du lịch: Loại hình farmstay được nhiều đối tượng khách khác quna tâm, yêu thích. Do đó, phát triển farmstay sẽ làm tăng khả năng thu hút khách du lịch cho các địa phương.
– Góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế: Phát triển loại hình farmstay góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế lớn cho địa phương ở cả lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, góp phần tăng tổng thu du lịch và đóng góp vào GRDP của địa phương.
3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH FARMSTAY Ở VIỆT NAM
Thời gian qua, loại hình farmstay phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Trong đó, các tỉnh có nhiều mô hình farmstay được báo chí nhắc đến như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh,…
Hình 1. Hiện trạng farmstay tại 26 địa phương được khảo sát
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, năm 2023)
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2023) đối với 26 địa phương cấp tỉnh được lựa chọn khảo sát, có 20 địa phương đã khai thác hoạt động du lịch tại các trang trại nông nghiệp, trong đó, có 9 địa phương đã khai thác dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch tại các trang trại (chiếm 34,6%), 11 địa phương chưa có dịch vụ lưu trú du lịch (chiếm 42,3%); có 6 địa phương trả lời chưa có hoặc không xác định là farmstay do Luật và các văn bản pháp quy hiện hành chưa quy định đối với loại hình này (chiếm 23,1%). (Hình 1).
Những địa phương có số lượng trang trại đang khai thác hoạt động du lịch nhiều nhất là Đắk Nông (38), Lâm Đồng (33), Sơn La (25), Tuyên Quang (8); tiếp theo là Vĩnh Phúc (4), Yên Bái (3); còn lại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp, Trà Vinh. (Hình 2).
Hình 2. Thống kê farm và farmstay đang hoạt động tại một số địa phương
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, năm 2023)
Các địa phương đã đề xuất nhiều ý kiến kiến nghị Trung ương và các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển loại hình farmstay. Hầu hết ý kiến chủ yếu tập trung vào việc “Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý về farmstay”, với 24/26 địa phương có ý kiến (chiếm 92,3%); có 22/26 địa phương ý kiến về việc “Bổ sung loại hình lưu trú trang trại (farmstay) vào Luật Du lịch” (chiếm 84,6%); 14/26 địa phương có ý kiến “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn đối với loại hình farmstay” (chiếm 53,8%); 7/26 địa phương có ý kiến “Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành bộ tiêu chí đánh giá mô hình farmstay” (chiếm 26,9%). (Hình 3).
Hình 3. Kiến nghị của một số địa phương về phát triển loại hình farmstay
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, năm 2023)
Số liệu khảo sát, phỏng vấn chủ trang trại đang khai thác hoạt động du lịch tại một số địa phương cũng cho thấy, hầu hết các trang trại đang gặp phải vướng mắc lớn nhất là vấn đề pháp lý liên quan đến kinh doanh loại hình farmstay. Trong đó, đặc biệt là những vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ; vấn đề xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, bao gồm công trình dịch vụ (phòng nghỉ, nhà ăn, quầy lễ tân, nhà vệ sinh…) và công trình hạ tầng (đường đi, cầu, bến thuyền, bãi đỗ xe…); vấn đề đăng ký kinh doanh; quy định về điều kiện kinh doanh tối thiểu; các quy định về an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm;…
Tổng hợp ý khiến kiến nghị của 20 trang trại đang khai thác hoạt động du lịch, 100% ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật về loại hình farmstay; 90% ý kiến về việc cần tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký kinh doanh farmstay; 75% ý kiến đề nghị cần linh hoạt trong việc cấp giấy chứng nhận về các điều kiện kinh doanh farmstay; 55% ý kiến cho rằng cần có quy định về tỷ lệ % đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng; 45% ý kiến cho rằng cần có quy định rõ ràng về tiêu chí, điều kiện kinh doanh farmstay. (Hình 4).
Hình 4. Biểu đồ tổng hợp ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, năm 2023)
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhiều trang trại vẫn kiên trì, bám sát hướng dẫn của các cấp quản lý ở địa phương, thực hiện các hoạt động kinh doanh hợp pháp, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Một số trang trại tiêu biểu như: Việt Mekon Farmstay (Đồng Tháp); Phan Nam Farm (An Giang); Làng Cừu Farmstay, Tiên Tiến Farm & Zoo (Ninh Thuận); Bunny Hill Farm, Đạ Lạch Noah Farm, Avocado Farm (Lâm Đồng),… Các trang trại này có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương thông qua tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương; tăng giá trị và thương hiệu hàng hóa nông sản địa phương; kết nối, tiêu thụ chuỗi sản phẩm nông nghiệp; góp phần đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn, tăng thời gian ở lại và chi tiêu của khách du lịch; góp phần quảng bá du lịch địa phương…
Tuy nhiên, bên cạnh những trang trại đang khai thác hoạt động du lịch theo quy định và hướng dẫn của các cấp quản lý, còn tồn tại một bộ phận không nhỏ trang trại hoạt động trái phép, vi phạm các quy định về khai thác, sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng; kinh doanh các dịch vụ du lịch mà không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh tối thiểu, không đảm bảo các điều kiện về về an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số trang trại thành lập kinh doanh “trá hình”, lợi dụng kẽ hở pháp lý để đầu cơ, kinh doanh bất động sản trái phép.
4. NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA
Hiện tại, Việt Nam chưa có văn bản quy định cụ thể về kinh doanh loại hình farmstay. Farmstay là loại hình vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính liên ngành, chịu chế tài và quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Du lịch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Doanh nghiệp,… các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Qua nghiên cứu, có thể tổng hợp một số vấn đề pháp lý chủ yếu liên quan đến kinh doanh loại hình farmstay ở Việt Nam hiện nay như sau:
4.1. Quy định chủ thể kinh doanh farmstay
Theo Luật Đất đai sửa đổi 2024, đất đai được phân loại gồm 03 nhóm: đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp; đất chưa sử dụng. Kinh doanh farmstay chủ yếu dựa trên đất nông nghiệp, có thể bao gồm một phần đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Chủ thể có quyền sử dụng đất được quy định bao gồm: người sử dụng đất được Nhà nước giao đất; cho thuê đất; công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất. Luật Đất đai sửa đổi 2024 có riêng 1 Chương, 23 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (từ Điều 26 đến Điều 48). Các chủ thể bao gồm: cá nhân trong nước, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, chủ thể tham gia kinh doanh farmstay theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành khá rộng, có thể gồm: nông dân (cá nhân, hộ gia đình), thương nhân, các tổ chức kinh tế trong nước (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức khác) và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Vấn đề pháp lý đặt ra:
Việc quy định chủ thể kinh doanh farmstay khá rộng có thể khuyến khích, huy động mọi cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Tuy nhiên cũng đặt ra một số vấn đề như:
– Nguy cơ xuất hiện “farmstay trá hình”. Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kinh doanh farmstay để được hưởng chính sách, ưu đãi trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp.
– Nguy cơ xuất hiện tình trạng đầu cơ, kinh doanh bất động sản nông nghiệp trái phép. Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kinh doanh farmstay để đầu cơ, thu gom đất nông nghiệp; phân lô bán nền đối với đất nông nghiệp; kinh doanh bất động sản trái phép.
4.2. Quy định điều kiện kinh doanh farmstay
Như đã phân tích, bản chất của kinh doanh farmstay là kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ bổ trợ phục vụ khách du lịch. Các chủ thể tham gia kinh doanh farmstay phải đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch và các lĩnh vực liên quan.
Luật Đầu tư năm 2020 xác định: kinh doanh lưu trú là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (tại Mục 200, Danh mục Phụ lục IV). Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Khoản 3, Điều 7).
Đối với kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, Luật Du lịch năm 2017, tại Điều 49 quy định phải có 03 điều kiện: a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, từ Điều 22 đến Điều 28 quy định các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của mỗi loại hình cơ sở lưu trú. Tùy mỗi loại hình cơ sở lưu trú có những quy định chung và quy định riêng, một số điều kiện tối thiểu chung phải có như: có hệ thống điện, cấp nước sạch và thoát nước; có nơi để xe; có quầy lễ tân; có số buồng ngủ tối thiểu; có nhà vệ sinh chung; các quy định về bếp ăn, phòng ăn; các quy định về buồng ngủ, giường ngủ; có nhân viên trực;…
Như vậy, kinh doanh farmstay có thể coi là một loại hình kinh doanh có điều kiện, chủ thể tham gia kinh doanh farmstay phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Luật Du lịch và các Luật, văn bản có liên quan.
Vấn đề pháp lý đặt ra:
– Thuật ngữ “farmstay” (hoặc tương đương: lưu trú tại trang trại, trang trại du lịch, trang trại nghỉ dưỡng,…) chưa được xác định tại một văn bản cụ thể nào trong hệ thống pháp luật hiện hành. Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định số 168/2017/NĐ-CP không có điều, khoản nào quy định đối với loại hình farmstay. Điều này khiến cho các chủ thể kinh doanh farmstay cũng như cơ quan quản lý lúng túng trong việc cấp/xin cấp phép kinh doanh.
– Một số điều kiện kinh doanh rất khó để xin cấp thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, ví dụ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khó cấp cho cơ sở kinh doanh nông nghiệp, trang trại nông nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy khó cấp cho các trang trại khai thác dịch vụ lưu trú lều, trại,…
– Cần nhiều loại giấy tờ, thủ tục hành chính khá phức tạp: Chủ thể tham gia kinh doanh farmstay phải xin cấp nhiều loại giấy tờ như: Giấy phép kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy; Giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường; Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch; cùng nhiều giấy phép con, bản cam kết tùy theo từng loại dịch vụ kinh doanh kèm.
– Việc điều chỉnh, sửa đổi, ban hành quy định về điều kiện kinh doanh farmstay với tư cách là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc thẩm quyền của một trong hai cấp: Quốc hội (Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Chính phủ (Nghị định của Chính phủ), cơ quan quản lý cấp Bộ và chính quyền cấp tỉnh không có thẩm quyền ban hành. Đây là một trong những khó khăn rất lớn để có quy định riêng về loại hình farmstay.
4.3. Quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với farmstay
Là một loại hình kinh tế hỗn hợp giữa kinh doanh dịch vụ du lịch và kinh tế trang trại, kinh doanh farmstay không thể tách rời việc phải sử dụng đất nông nghiệp và không thể không xây dựng công trình dịch vụ. Đất trang trại thông thường rơi vào một trong hai trường hợp: 100% đất nông nghiệp; hoặc, có tỷ lệ hỗn hợp giữa 3 loại đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Nếu trang trại đã có một tỷ lệ đất thương mại dịch vụ trong nhóm đất phi nông nghiệp thì chủ trang trại có thể xin cấp phép xây dựng công trình phục vụ kinh doanh du lịch theo quy định. Nếu đất trang trại 100% là đất nông nghiệp, chủ trang trại muốn xây dựng cần phải xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 (Điều 121) quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải dựa vào các căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 116, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024), đảm bảo điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 122, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024) và được cấp có thẩm quyền cho phép (Điều 123, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024).
Vấn đề pháp lý đặt ra:
– Điều 67, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đảm bảo nằm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, phải đáp ứng được nhu cầu, khả năng sử dụng đất, khả năng đầu tư; mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện; hoặc phải là dự án đã có chủ trương đầu tư. Như vậy, các chủ thể kinh doanh farmstay, có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì trước hết phải được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư và phải nằm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
– Điều 122, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 quy định điều kiện để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ đầu tư, kinh doanh: chủ thể phải chứng minh được năng lực tài chính đầu tư, phải ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm thác theo quy định của Luật Đầu tư, không có vi phạm về đất đai.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; UBND cấp huyện có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với cá nhân, và chỉ được giới hạn diện tích chuyển đổi dưới 0,5ha (các mức cao hơn phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
– Hệ thống pháp luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể về loại hình farmstay nào thì được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tỷ lệ đất được chuyển đổi/tổng diện tích đất trang trại hiện có; quy định thu hồi dự án, xử lý vi phạm;… điều này gây khó khăn nhất định đối với công tác quản lý cũng như hoạt động kinh doanh farmstay.
4.4. Quy định về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ kinh doanh
Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể về việc cho phép xây dựng công trình dịch vụ trên đất nông nghiệp. Công trình dịch vụ chỉ được xây dựng sau khi đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Vấn đề pháp lý đặt ra:
– Hiện chưa có quy định cụ thể về số lượng, loại công trình; mật độ xây dựng công trình; vật liệu sử dụng để xây dựng công trình; chiều cao, kết cấu, kiến trúc của công trình dịch vụ phục vụ du lịch được phép xây dựng tại các trang trại.
– Vấn đề xây dựng đường giao thông kết nối, hạ tầng cung cấp điện, cấp nước sạch, hạ tầng mạng viễn thông, internet (đặc biệt đối với các trang trại có vị trí ở khu vực xa khu dân cư, địa hình phức tạp)… gặp rất nhiều khó khăn về quy định pháp lý.
5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
5.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển loại hình farmstay
(1) Có chính sách khuyến khích các trang trại có tiềm năng khai thác du lịch phát triển dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch; khuyến khích các chủ trang trại tăng thêm đầu tư cho du lịch kết hợp với kinh doanh trang trại.
(2) Có chính sách tạo thuận lợi và linh hoạt trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt đối với các trang trại có tiềm năng khai thác du lịch, đủ điều kiện để kinh doanh du lịch.
(3) Có chính sách cho vay ưu đãi, lãi suất ưu đãi và hỗ trợ điều kiện, thủ tục vay đối với các trang trại kinh doanh du lịch. Ưu tiên hỗ trợ các trang trại ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(4) Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về các khoản thuế, phí, giá dịch vụ thuê đất, thuê môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp, giá điện, nước, dịch vụ viễn thông và internet… đối với các trang trại kinh doanh du lịch. Ưu tiên hỗ trợ các trang trại có vị trí xa khu dân cư, địa hình phức tạp, khó tiếp cận về giao thông, kết nối viễn thông, internet, điện, nước.
(5) Có chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt đối với những trang trại có tiềm năng khai thác du lịch, đủ điều kiện để kinh doanh du lịch. Ưu tiên hỗ trợ các trang trại ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(6) Có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại các các trang trại kinh doanh du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch và kết nối lữ hành, đưa khách đến trang trại.
5.2. Hoàn thiện quy định pháp luật đối với loại hình farmstay
(1). Đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch năm 2017
– Tại “Điều 3. Giải thích thuật ngữ”, bổ sung thuật ngữ “Du lịch nông nghiệp nông thôn” – giải nghĩa và liệt kê một số loại hình của du lịch nông nghiệp nông thôn, trong đó có lưu trú trang trại (farmstay).
– Tại “Điều 48. Các loại cơ sở lưu trú du lịch”, bổ sung loại hình lưu trú trang trại.
(2). Đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các Luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan: Rà soát Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có liên quan đến trang trại kinh doanh du lịch, lưu trú trang trại, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
(3) Đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch (Nghị định số 168/2017/NĐ-CP).
– Điều chỉnh Điều 21, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, trong đó, bổ sung, giải nghĩa loại hình lưu trú trang trại.
– Bổ sung thêm 1 Điều trong Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định “Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với loại hình lưu trú trang trại”.
(3) Đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ
Vấn đề điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và các văn bản luật liên quan có thể sẽ cần thời gian dài. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật trong ngắn hạn, đề xuất Chính phủ:
– Ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, trong đó có quy định về kinh doanh lưu trú du lịch tại trang trại.
– Ban hành Nghị định quy định về quản lý, kinh doanh du lịch tại các trang trại nông nghiệp theo mô hình farmstay; hoặc:
– Ban hành Nghị định quy định về một số mô hình kinh tế mới trong du lịch, trong đó có mô hình farmstay.
(4) Đề xuất ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
– Ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn quản lý, phát triển loại hình du lịch gắn với lưu trú trang trại; hoặc,
– Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Hướng dẫn phát triển loại hình du lịch gắn với lưu trú trang trại; hoặc:
– Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành tiêu chí đối với loại hình du lịch gắn với lưu trú trang trại.
(5) Đề xuất ban hành văn bản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
– Ban hành chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ thúc đẩy phát triển loại hình farmstay.
– Ban hành văn bản hướng dẫn phát triển loại hình farmstay tại địa phương.
6. KẾT LUẬN
Bài báo đã xác định một số vấn đề lý thuyết căn bản về loại hình farmstay, đưa ra được định nghĩa về loại hình farmstay, phân loại farmstay, đặc điểm, vị trí, vai trò của loại hình farmstay. Đây là nội dung quan trọng, không chỉ định vị cho các nội dung nghiên cứu của bài báo mà còn có giá trị tham khảo cho các nghiên cứu tương tự về loại hình farmstay ở Việt Nam. Bài báo tiến hành phân tích tổng lược hiện trạng phát triển loại hình farmstay tại các địa phương và thực trạng kinh doanh farmstay để thấy được xu hướng phát triển, những khó khăn, thách thức đang đặt ra cùng với những kiến nghị của cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, bài báo tập trung phân tích yếu tố pháp lý liên quan đến phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam. Các nghiên cứu pháp lý được tiến hành dựa trên phân tích tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật, xác định những vấn đề được làm và không được làm, những vấn đề đã có, chưa có và chưa được quy định rõ đối với kinh doanh farmstay và các vấn đề liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, điều kiện kinh doanh du lịch theo quy định. Ở mỗi nội dung nghiên cứu pháp lý, bài báo xác định những vấn đề pháp lý đặt ra. Đây là căn cứ để bài báo đề xuất các khuyến nghị chính sách, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chính phủ (2017), Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017
- Đinh Phạm Hiền (2023), Nghiên cứu các mô hình du lịch nông nghiệp của một số nước và Việt Nam – Khuyến nghị đối với du lịch Hà Nội”, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và phát triển, tr.49-58
- Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Bùi Trần Đức, Lương Hà Vũ Thuận (2021), Hướng dẫn thiết lập farmstay, Nxb Hồng Đức. Biên dịch từ sách của Học viện Nông nghiệp bền vững Hoa Kỳ,
- Quốc hội (2013), Luật Đất đai, số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013
- Quốc hội (2024), Luật Đất đai, số 31/2024/QH15, ngày 18/01/2024
- Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017
- Quốc hội (2017), Luật Lâm Nghiệp, số 16/2017/QH14, ngày 15/11/2017
- Quốc hội (2017), Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017
- Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020
- Quốc hội (2020), Luật Đầu tư, số 61/2020/QH14, ngày 17/6/2020
- Quốc hội (2020), Luật Xây dựng, 62/2020/QH14, ngày 17/6/2020
- Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/202
- Websie: https://dictionary.cambridge.org/
TS. Lê Quang Đăng
Viện NCPT Du lịch