Phát triển du lịch golf – Một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam
Năm 2019 là một dấu mốc ấn tượng đối với các sân golf và du lịch golf Việt Nam – năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam được tổ chức “Giải thưởng golf thế giới” (World Golf Award), giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực du lịch golf nhằm vinh danh những sân golf có chất lượng, đẳng cấp hàng đầu thế giới, vinh danh Việt Nam là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” và hơn thế nữa, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua 7 quốc gia được đề cử khác để nhận danh hiệu “Điểm đến golf tốt nhất thế giới”. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút phát triển bộ môn thể thao golf, hướng tới chuyên nghiệp, đẳng cấp cũng như phát triển loại hình du lịch golf – một xu hướng du lịch rất hấp dẫn thị trường hiện nay, nhất là khi những năm gần đây các sân golf ở Việt Nam phát triển gắn với các khu nghỉ dưỡng dịch vụ đẳng cấp, hạng sang dọc ven biển, nơi hội tụ điều kiện lý tưởng cho khách du lịch nghỉ dưỡng.
Không thể phủ nhận sự phát triển nhanh chóng của golf ở Việt Nam trong thời gian qua. Theo đánh giá của tạp chí Forbes (3/2019) “Việt Nam phát triển golf nhanh bậc nhất thế giới”. Từ con số 1 năm 1922 (sân golf Đà Lạt, Lâm Đồng) đến 2015, Việt Nam có 58 sân golf trên 24 tỉnh/thành phố và đến 2020, Việt Nam sẽ phát triển 96 sân golf (Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến 2020 ban hành kèm theo quyết định số 1946/QĐ-TTG ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020). Số liệu thống kê gần nhất về thị trường golf thế giới của câu lạc bộ R&A dựa trên dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation đưa ra con số Việt Nam hiện có 78 sân golf đã đi vào hoạt động. Song việc phát triển sân golf cần song hành với sự gia tăng người chơi golf – “golf thủ” và khách du lịch golf mới là hướng đi bền vững cho thể thao golf và du lịch golf.
Sau nhiều năm du nhập vào Việt Nam golf đã và vẫn đang được coi là môn thể thao “quý tộc”, không phải là bộ môn thể thao dành cho người thu nhập thấp và trung bình. Bởi lẽ để chơi môn thể thao này, người chơi cần thiết phải có dụng cụ chơi, bộ chơi golf là bộ gậy với nhiều loại khác nhau, riêng chi phí này đã là một món tiền kha khá, ngoài ra còn các chi phí khác như phí sân chơi, caddie, đi lại đến sân golf, ăn uống trong thời gian chơi golf, trang phục… quả là chi phí không hề nhỏ.
Việt Nam có lợi thế về địa hình với nhiều vùng mang đặc điểm địa hình bán sa mạc, đồi núi hùng vĩ, đường bờ biển dài với các bãi biển đẹp, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú và khí hậu nhiệt đới nắng quanh năm… đây là những điều kiện lý tưởng phát triển các sân golf và chơi golf thích hợp. Nhiều sân golf ở Việt Nam được thiết kế rất đẹp, độc đáo, kết hợp hoàn hảo cùng cảnh quan thiên nhiên, với những hố golf ấn tượng như “Hố golf vô cực” (Infinity hole) của sân golf Hồ Tràm, hố golf Signature toàn cảnh biển của FLC Bình Đình hay toàn cảnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long của FLC Hạ Long… Những “bẫy” tự nhiên tạo thách thức cho các golf thủ như các “bầu nước”, các “đụn cát” giữa nơi hoang mạc, trảng cỏ, bụi cây…
Tuy nhiên việc chơi golf, thu hút các giải golf chuyên nghiệp cũng như phát triển loại hình du lịch golf ở Việt Nam vẫn đang trong những bước khởi đầu, còn chập chững với không ít khó khăn, rào cản, hạn chế. Phát triển du lịch golf ở Việt Nam còn mới mẻ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.
Ở góc độ nghiên cứu học thuật, du lịch golf là một nhánh của du lịch thể thao – một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong du lịch.
Du lịch golf là một dạng của du lịch thể thao mà trong đó khách đi du lịch với mục đích chính là chơi golf hoặc kết hợp xem chơi golf, tham quan các sân golf trong chuyến đi
Du lịch golf có những tác động tích cực cũng như tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường; có sự liên kết nhất định giữa phát triển du lịch golf và bất động sản du lịch; có những đòi hỏi, yêu cầu đối với quản lý phát triển loại hình du lịch này cũng như cần có chiến lược marketing, xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch golf, các điểm đến du lịch golf.
Là một sản phẩm du lịch cụ thể, sản phẩm du lịch golf được cấu thành từ các hợp phần trong đó giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch chính là các sân golf và các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa hấp dẫn khác của điểm đến; Các yếu tố vật chất tự tạo là kết cấu hạ tầng chung (giao thông, điện nước…), cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf (khách sạn, nhà hàng…) và các yếu tố dịch vụ du lịch golf.
Hiện trên thế giới có khoảng hơn 60 triệu người chơi golf, trong đó nhiều nhất là Mỹ, hơn 27 triệu, tiếp đến là Nhật Bản (hơn 14 triệu), các nước châu Âu (6), canada (5), UK (4). Độ tuổi chính của người tham gia môn thể thao golf là trung niên (40-55) và hưu trí (trên 55). Với việc đi lại giữa các điểm đến chơi golf trên thế giới, người chơi golf chính là những khách du lịch golf và đây là thị trường khách du lịch cao cấp, có khả năng chi tiêu cao và khả năng lưu trú khá dài. Theo đánh giá của Tổ chức du lịch golf thế giới (IAGTO), khách du lịch golf thường có mức chi tiêu nhiều gấp 2 lần so với khách du lịch thông thường và du lịch golf hiện đang xếp thứ 3 về khuyến khích chi tiêu du lịch tại châu Á. Trung bình hàng năm có khoảng 1,9 triệu “golf thủ” thường xuyên di chuyển tới chơi ở các sân golf khác nhau. Tùy thuộc vào điểm đến của chuyến đi du lịch golf mà có du lịch golf quốc tế và nội địa.
Theo một điều tra của KPMG, khách du lịch golf tham gia các golf tour khoảng cách di chuyển đến điểm đến gần (short – haul) có thời gian chuyến đi khoảng 3 – 4 ngày. Với các điểm đến xa (long – haul), thời gian chuyến đi có thể kéo dài từ 1-2 tuần. Đặc điểm này cho thấy, bên cạnh khả năng chi tiêu cao, khách du lịch golf là thị trường khách có tiềm năng du lịch lưu trú dài ngày.
Các phân tích về thị trường khách du lịch golf cho thấy nam giới chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều trong số người chơi golf tuy nhiên số lượng nữ giới tham gia môn thể thao golf đang có chiều hướng gia tăng. Golf thủ có độ tuổi trung niên cũng chiếm đa số và có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình.
Thị trường châu Á đang phát triển nhanh chóng loại hình du lịch golf. Nhật Bản là tâm điểm “bùng nổ” golf những năm 80 và nó trở thành một phần của văn hóa doanh nghiệp ở Nhật Bản, nó giúp các nhà kinh doanh giảm áp lực của quá trình đô thị hóa, phát triển và cạnh tranh trong kinh doanh. Tuy nhiên việc thiếu không gian dành cho sân golf và chi phí đắt đỏ đã bùng nổ đầu tư sân golf của Nhật sang thị trường Đông Nam Á. Thái Lan và Malaysia là những quốc gia có sự phát triển du lịch golf sớm hơn cả trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển du lịch golf như các vấn đề cung cao hơn so với cầu du lịch golf, thiếu nước cung cấp cho các sân golf, ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngầm gây ra mối đe doạn đến sức khỏe cho nhân viên phục vụ trong sân golf (caddie) và thậm chí chính cả người chơi.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội golf Việt Nam, trong số hơn 15,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf hay kết hợp mục đích chơi golf chỉ chiếm khoảng 0,8%. Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Nếu nhìn vào số liệu khách du lịch golf trên phạm vi toàn cầu và định hướng thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Việt Nam trong thời gian tới, thực trạng và hướng phát triển golf, hoàn toàn có thể khẳng định du lịch golf Việt Nam còn có dư địa lớn để phát triển, thu hút nhiều khách đến từ các thị trường du lịch golf của Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để chúng ta có thể thu hút thị trường, phát triển du lịch golf. Phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới và để làm được điều này cần tập trung thực hiện một số giải pháp.
- Hoàn thiện hệ thống các sân golf chất lượng, đẳng cấp, tạo sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích chinh phục nhiều sân golf độc đáo, nhiều thách thức và trải nghiệm khác biệt.
- Phát triển bộ môn thể thao golf và du lịch golf thông qua các hoạt động như tổ chức các giải đấu golf cả chuyên nghiệp và Amateur, các hội thảo, sự kiện golf, các khóa học golf với các huấn luyện viên đẳng cấp quốc tế, có uy tín và tầm ảnh hưởng.
- Định vị Việt Nam – điểm đến du lịch golf nổi bật của Châu Á và của Thế giới. Tăng cường xúc tiến quảng bá về điểm đến golf chất lượng ở Việt Nam, nhất là tại các hội chợ golf lớn, uy tín trong khu vực và trên thế giới, quảng cáo trên các kênh thông tin, truyền hình lớn và chuyên về chơi golf. Kết hợp quảng bá du lịch golf trong các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở các thị trường du lịch trọng điểm đồng thời là các thị trường tiềm năng phát triển du lịch golf.
- Tăng cường mối quan hệ đối tác, hợp tác liên kết giữa các các sân golf với các hãng lữ hành tạo nên các golf tour chất lượng, kết hợp với các sản phẩm du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng… Hợp tác với các nước có thế mạnh du lịch golf và các loại hình du lịch có quan hệ chặt chẽ với du lịch golf như Thái Lan, Malaysia để thu hút thị trường theo quan điểm các bên cùng có lợi.
- Đặc biệt là luôn đặt quan điểm phát triển bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích cộng đồng là hàng đầu trong phát triển du lịch golf. Phát triển du lịch golf phải sử dụng tài nguyên có trách nhiệm, thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái, tạo cảnh quan, phong cảnh đẹp, tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- KPMG golf Advisory practice in EMA, KPMG on Golf tourism growth trends, 2015
- R&A, Golf around the world 2017
- Laurea University of Applied Sciences, Designing high quality service experiences for Chinese golf tourists in Finland, 2014
- https://golfbusinessnews.com/news/travel
- https://www.goodfellowpublishers.com, An Introduction to Golf Tourism
- https://golfplus.vn
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch