Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch Việt Nam giai đoạn mới
Tóm tắt
Sản phẩm quà tặng, qùa lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn của điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời là công cụ quảng bá hình ảnh điểm đến. Tuy nhiên, trong bức tranh du lịch Việt Nam, phát triển các mặt hàng quà tặng, lưu niệm chưa đóng vai trò tương ứng với việc tạo dựng hình ảnh và kinh doanh thương mại. Bài viết này hướng đến tìm hiểu thực trạng của vấn đề, tìm ra một số định hướng, giải pháp và khuyến nghị cụ thể cho phát triển du lịch tại các điểm đến của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng với các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm mang tính chuyên nghiệp, độc đáo.
Từ khóa: quà tặng, quà lưu niệm,
- Thực trạng phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm ở các điểm đến du lịch Việt Nam
Việt Nam là một điểm đến ưa thích của những người đam mê văn hóa do có nhiều viện bảo tàng và bối cảnh lịch sử quan trọng (Park, 2000). Cùng với đó, với bề dày lịch sử 4000 năm, Việt Nam có đa dạng các đặc sản văn hóa, được thể hiện qua các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch tại điểm đến của Việt Nam.
Swanson và Timothy (2012) định nghĩa vật lưu niệm là một đồ vật được mua để kỷ niệm chuyến thăm một quốc gia nào đó hay một điểm đến nhất định. Nó hỗ trợ việc gợi lại những hồi ức của những cá nhân gặp phải và những ấn tượng được hình thành vào thời điểm đó. Việc mang về những món quà lưu niệm sau một chuyến đi là điều cần thiết (Swanson & Timothy, 2012). Suhartanto (2018) cho rằng quà lưu niệm chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu bán lẻ của khách du lịch. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Kim và Littrell (2001) cho thấy khách du lịch tích cực theo đuổi các hiện vật văn hóa có xu hướng mua những vật lưu niệm trong chuyến du lịch của họ. Thirumaran (2014) đã cho rằng các du khách đến Việt Nam thường mua các sản phẩm quà tặng quà lưu niệm.
Canavan (2016) và Graburn (1976) cho rằng quà lưu niệm đích thực là biểu tượng vật chất của sự trao đổi và giao tiếp văn hóa giữa thợ thủ công địa phương và khách du lịch nước ngoài. Trong khi đó, quà lưu niệm cũng thường được coi là hiện thân đích thực và được sản xuất tốt của tay nghề địa phương do đặc điểm thủ công của chúng (Cave & Buda, 2013; Anastasiadou & Vettese, 2021). Vật lưu niệm gắn liền với vô số đặc điểm, bao gồm chi phí, vẻ đẹp, tính độc đáo, ý nghĩa, chất lượng và tính đại diện cho một giá trị văn hóa nhất định của địa phương hay điểm đến đó. Tất cả những yếu tố này cùng góp phần nâng cao tính độc đáo, chuyên nghiệp của một sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm tại điểm đến.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã lựa chọn hình thức phát triển quà tặng lưu niệm để quảng bá văn hóa, xây dựng hình ảnh đất nước. Có thể hình dung khi cầm con búp bê gỗ Matryoshka, du khách không thể không tìm hiểu hay muốn đến đất nước Nga xa xôi nơi có những người thợ tài hoa đã tạo nên sản phẩm mê hoặc cả người lớn lẫn trẻ em. Hay như nhận món quà có hình ảnh tháp Eiffel, khiến ai cũng thầm ngưỡng mộ và ao ước một lần được đặt chân đến thành phố này. Cũng như vậy, khi nhìn thấy hình ảnh núi Phú Sĩ, lật đật Daruma, có ai lại không nghĩ về văn hóa của xứ sở mặt trời mọc (Nhật Bản)…
Việt Nam chúng ta có rừng vàng, biển bạc với các kỳ quan thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long; 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hoá phi vật thể, 9 di sản văn hoá tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu…, con số này dự kiến sẽ còn tăng gấp nhiều lần bởi kho tàng văn hóa và di sản của Việt Nam vô cùng lớn.
Chưa hết, tính trên địa bàn cả nước hiện nay, Việt Nam còn có trên 10.000 lễ hội lớn nhỏ, hơn 40.000 di tích văn hóa…, hơn 3.000 làng nghề (Thống kê của hiệp hội làng nghề Việt Nam), trong đó gần 400 làng nghề truyền thống thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt lụa, tranh dân gian, trạm khắc…Chỉ riêng ở Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của cả nước đã có đến gần 1.000 làng nghề trong số đó có hàng trăm làng nghề thủ công, mỹ nghệ, sơn mài, dệt lụa truyền thống..
Tuy nhiên, với đa dạng các loại hình sản phẩm lưu niệm như hiện nay thì số lượng những sản phẩm có dấu ấn văn hóa mang thương hiệu Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách đặc biệt là khách quốc tế. Điều đó cũng ảnh hưởng tới việc xúc tiến quảng bá thương hiệu cho du lịch Việt, chưa khẳng định được thế mạnh về sản phẩm quà tặng mang hồn cốt Việt.
Năm 2023, Việt Nam vinh dự nhận 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”; lần thứ 5 liên tiếp đạt danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” .
Một số địa phương như: Hà Nội – Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới; Phú Quốc – Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu Thế giới; Hà Nam – Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu Thế giới; Mộc Châu – Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu Thế giới; Tam Đảo – Thị trấn du lịch hàng đầu Thế giới; TP.HCM – Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á và Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á; Hà Giang – Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; Hội An – Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á; Sở Du lịch Hà Nội – Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á.
Không chỉ vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế cũng nhiều lần ca ngợi, vinh danh du lịch Việt Nam. Từ đó góp phần quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam đến với đông đảo du khách trên khắp thế giới. Điển hình trong đó là: Các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế nhiều lần vinh danh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam tươi đẹp ra khắp thế giới, trong đó có: Vịnh Hạ Long là điểm đến ngắm bình minh và hoàng hôn ngoạn mục nhất (Travel + Leisure); Hà Nội là điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á (The Travel, Canada); Hà Giang là 1 trong 52 điểm đến tuyệt vời dành cho du khách trong năm 2023 (The New York Times, Mỹ); Việt Nam là điểm đến tuyệt vời dành cho kỳ nghỉ gia đình (The New Zealand Herald); Ninh Bình là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất năm 2023 (Forbes); Bánh mì Việt Nam vào hàng ngon nhất thế giới (CNN Travel); Sapa là một trong những thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới (Condé Nast Traveler); Cơm tấm của Việt Nam trong top 10 những món ăn từ gạo ngon nhất (TasteAtlas).
Có thể nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch Việt Nam, cũng như thị trường lớn để phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên sau chặng đường hơn 5 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product). Đây là chương trình trọng điểm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương…). Chương trình OCOP đã trở thành chính sách trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp cả nước, giúp cho các địa phương khai thác được thế mạnh và lợi thế gắn với đơn vị, làng, xã để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật, dịch vụ du lịch ở mỗi miền quê Việt Nam.
Sản phẩm OCOP được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, phân hạng và công nhận đạt 3, 4 và 5 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia trên nhiều khía cạnh: chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị cộng đồng, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Đồng thời, sản phẩm OCOP là sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương, mở ra tiềm năng cho phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương. Đây là một trong những sản phẩm mang giá trị độc đáo riêng của từng vùng miền, khai thác tốt giá trị của các làng nghề thủ công tạo nên sự độc đáo hấp dẫn cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch cho các du khách khi đến với Việt Nam.
Tổng Cục Du lịch (2009) nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có những chương trình phát động khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm mang đặc trưng và in đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Ví dụ như Hà Nội có Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Một Cột; Huế có kinh thành Huế, Đài lăng tẩm, Sông Hương, Cầu Trường Tiền; Quảng Nam có Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn; Thành phố Hồ Chí Minh có Chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng…Nhưng kết quả vẫn còn bỏ ngỏ vì nhiều nguyên nhân có thể do thiếu kinh phí, chưa nhận thức đầy đủ sự quan trọng trong việc tìm kiếm sản phẩm lưu niệm đặc trưng và bởi những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc giá thành rẻ và nhiều lựa chọn…
Quảng Nam (2010) đã khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới” ở làng nghề mộc Kim Bồng, Thành Hà, đất nung Lê Đức Hạ và lồng đèn Duy Quá. Tỉnh Bình Thuận (2012), Trường Cao đẳng Cộng đồng nghiên cứu đề tài “Sản xuất Sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận để phục vụ du lịch”…Tuy nhiên về hình thức, kiểu dáng cũng như sự chắt lọc hình ảnh của các sản phẩm đều chưa tinh xảo và toát lên đặc trưng của tỉnh.
Thủ đô Hà Nội thì sau nhiều lần phát động các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, cuối cùng cũng đã chọn biểu tượng “Khuê Văn Các” tại Văn Miếu làm biểu tượng du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, do chưa có kế hoạch dài hạn cũng như chiến lược tuyên truyền sâu rộng về các làng nghề nên những sản phẩm lưu niệm có hình Khuê Văn Các cho đến nay vẫn đơn điệu và thiếu sự đa dạng.
Ninh Bình sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP cũng đã ra mắt được một số sản phẩm có chất lượng cao, biểu hiện rõ giá trị về văn hóa và tài nguyên của từng vùng, miền, có thể kể đến như: Trà hoa vàng Cúc Phương, cơm cháy nếp Như Quỳnh, Tinh dầu tràm?,… (Theo Trang thông tin điện tử Nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, 2023)
Nói chung, các mặt hàng lưu niệm, quà tặng ở các điểm đến tại Việt Nam có nhiều sự trùng lặp, đơn điệu, kém chất lượng, chưa phù hợp với giá cả. Bên cạnh những chương trình nhỏ lẻ được thực hiện chưa thực sự quy mô, cũng như chưa có kế hoạch dài hạn đối với thị trường quà lưu niệm Việt Nam còn đang gặp phải 1 số vấn đề đó là: hàng Trung Quốc tràn lan…Ở các chợ chuyên bán hàng lưu niệm, quà tặng và cũng là những nơi có rất đông khách du lịch quốc tế như chợ Bến Thành, chợ Đêm Hà Nội, chợ Đồng Xuân….tràn ngập hàng Trung Quốc.. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chỉ đơn giản là những móc khóa; tượng trưng bày bằng gỗ, sứ; các sản phẩm phụ kiện như cà vạt, khăn quàng…thì nay, Trung Quốc sản xuất luôn các mặt hàng sơn mài, thủ công mỹ nghệ nhái theo sản phẩm của Việt Nam. Các chủ cửa hàng thay vì nhập hàng Việt Nam từ các làng nghề truyền thống thì nay lại chọn nhập hàng Trung Quốc nhái bởi đa dạng hơn và giá cả rẻ hơn nhiều. Các khu bán hàng lưu niệm ở Quảng Ninh, và thành phố Đà Nẵng…cùng tràn ngập hàng Tàu.. hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái đã từng được coi là vấn nạn lớn ở các địa điểm du lịch Việt Nam. Có lẽ, các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại điểm đến chưa nhận thức sâu sắc được vai trò to lớn của các mặt hàng nhỏ này đối với sự phát triển bền vững của điểm đến, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và quảng bá hình ảnh của điểm đến với các giá trị văn hóa lịch sử của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP cũng gặp không ít khó khăn. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích mà chưa chú trọng vào phát triển chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp của từng mặt hàng quà tặng, quà lưu niệm. Hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả,… Từ đó, có thể thấy rõ thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch tại các điểm đến Việt Nam mặc dù có tiềm năng lớn cho sự phát triển du lịch nhưng vẫn là một thị trường lớn “bị bỏ ngỏ”, cần phải có định hướng, chính sách cụ thể để khai thác và phát triển theo chiều sâu. Việc phát triển quà tặng lưu niệm không những có thể góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch mà còn tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế xã hội… Các làng nghề đang thu hút gần 12.000 lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn lúc nông nhàn. Sản phẩm do thợ thủ công các làng nghề góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 1 tỷ USD/năm.
- Định hướng phát triển các sản phẩm thị trường cho quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, tạo ra môi trường thông thoáng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm là vấn đề ưu tiên.
Thứ hai, mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên để xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ về chất lượng, mẫu mã mà còn cần có những câu chuyện riêng liên quan đến từng sản phẩm. Thông tin rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm. Có như vậy mới tránh được sự trùng lặp, đồng thời tạo được giá trị gia tăng lớn hơn.
Thứ ba, dựa trên thế mạnh đặc thù của từng vùng, miền, Chính quyền địa phương cần tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, bền vững từ các làng nghề thủ công truyền thống.
Thứ tư, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tại các điểm đến du lịch cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển các sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch. Nguồn nhân lực chủ yếu là nghệ nhân, thợ thủ công là người dân địa phương tham gia chủ yếu vào các hoạt động làng nghề thủ công, đưa các sản phẩm nông nghiệp trở thành các sản phẩm OCOP chất lượng cao. Họ cần được đào tạo bài bản về kiến thức cũng như kỹ năng trong việc phát triển các sản phẩm mang tính độc đáo, chuyên nghiệp hơn.
Thứ năm, Nhận thức rõ ràng và đầy đủ về giá trị to lớn mà các mặt hàng quà tặng, lưu niệm để cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn làm sản phẩm, chú trọng đến chất lượng của từng món hàng. Bên cạnh đó, còn kể đến đội ngũ nhân viên kinh doanh các mặt hàng quà tặng, lưu niệm. Đây là một trong những tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn và mua đồ lưu niệm của khách du lịch. Hành động, lời nói và tín hiệu phi ngôn ngữ của nhân viên bán hàng có thể tác động đến niềm tin, thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Khách tiêu dùng chi tiêu nhiều sẽ tác động trở lại cuộc sống của người dân địa phương. Đời sống cư dân bản địa được nâng cao, kinh tế du lịch có điều kiện để phát triển hơn nữa. Trên cơ sở phân tích nhu cầu, sở thích tiêu dùng của du khách, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý du lịch đưa ra những chính sách phát triển tập trung, tạo nên các sản phẩm có giá trị đặc trưng, phân biệt với các vùng miền khác.
- Một số khuyến nghị đối với Ninh Bình
Trong những năm qua, Ninh Bình luôn nằm trong danh sách điểm đến được du khách yêu thích nhất, được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023. Để giúp tỉnh Ninh Bình có phương án phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách du lịch đến Ninh Bình trong thời gian tới có chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, đồng thời phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế, bài viết đưa ra một số khuyến nghị trong việc phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch gắn liền với một số yếu tố như sau:
– Một là, Đối với sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch cần thiết kế độc đáo gắn liền với giá trị tài nguyên và bản sắc địa phương của tỉnh Ninh Bình. Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều hang động nổi tiếng, vườn quốc gia Cúc Phương với hệ động thực vật phong phú, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, khu du lịch sinh thái hồ yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thái, Đồng Chương, Khu du lịch Tràng An, Chùa Bái Đính,… Quà lưu niệm không chỉ là vật phẩm mà nó còn là câu chuyên về văn hóa và lịch sử của điểm đến. Vì lẽ đó, các sản phẩm cần được đầu tư nghiêm túc từ khâu thiết kế để mang vào đó hình ảnh đặc trưng của những điểm đến hấp dẫn, mang đậm giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của tỉnh Ninh Bình. Mỗi sản phẩm tạo ra sẽ khiến cho du khách cảm thấy họ như đang được nhớ lại những mảng kí ức đẹp đẽ về vùng đất Cố đô.
– Hai là, cần khuyến khích, động viên sự tham gia của các nghệ nhân địa phương. Ninh Bình là vùng đất của rất nhiều làng nghề truyền thống mang giá trị lịch sử lâu đời với khoảng 160 làng trong tổng số 1500 làng (thôn, bản,…) còn lưu tồn và phát triển các nghề truyền thống, với hơn 40 nghề khác nhau, trong đó có gần 20 làng nghề tiêu biểu như nghề chạm khắc đá, nghề thêu ren, nghề làm hàng cói, nghề đan lát, nghề gốm… Với tiềm năng lớn như vậy, chính quyền tỉnh Ninh Bình và các cơ quan ban ngành cần phải phối hợp để đưa ra các chính sách đầu tư, tạo điều kiện phát triển lớn mạnh và bền vững cho các làng nghề truyền thống với các sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hình ảnh của các nghệ nhân am hiểu sâu sắc văn hóa Ninh Bình với đôi bàn tay tài hoa sẽ là người truyền tải những nét đặc sắc nhất vào sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch. Quan tâm và tạo điều kiện cho họ tham gia bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo các sản phẩm trên cơ sở bám sát vào các giá trị văn hóa, tài nguyên của tỉnh.
– Ba là, cần phát triển kênh phân phối các sản phẩm đặc sản, quà tặng du lịch và các sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh. Với sự phát triển của công nghệ số với đa dạng các trang thương mại điện tử, kênh phân phối sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch cần kết hợp cả thị trường truyền thống và thị trường trực tuyến để đảm bảo rằng các sản phẩm dễ dàng tiếp cận đối với các du khách, cho họ quyền lựa chọn với đa dạng sản phẩm. Ninh Bình cũng cần quan tâm phát triển các hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua các Hội thảo du lịch, Hội chợ du lịch,…
– Bốn là, Ninh Bình cần khảo sát ý kiến của khách du lịch để xây dựng các sản phẩm chất lượng cao và phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế, mà còn đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về an toàn, chất lượng, góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu của điểm đến. Việc sản xuất sản phẩm với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu cần hướng tới trong tương lai.
– Năm là, cần có các chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho đội ngũ lao động tham gia vào các tổ chức tư nhân hay tổ chức công trong du lịch để họ có kiến thức sâu rộng về điểm đến, có các kỹ năng nghiệp vụ tốt để linh hoạt giải quyết các vấn đề đặt ra cho điểm đến. Họ chính là người tư vấn, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng với những câu chuyện đặc sắc đến tới từng du khách tham quan, trở thành một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc đưa ra quyết định chi tiêu nhiều hay ít cho các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch.
– Sáu là, cần giám sát, kiểm tra thường xuyên số lượng các sản phẩm đặc sản, quà tặng, quà lưu niệm du lịch, tránh tình trạng buôn bán hàng giả mạo, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc tràn lan không đảm bảo được chất lượng và hình ảnh của các sản phẩm của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Park, M. K. (2000) ‘Social and Cultural Factors Influencing Tourists’ Souvenir Purchasing Behavior: A Comparative Study on Japanese ‘‘Omiyage’’ and Korean ‘‘Sunmul’’, Journal of Travel and Tourism Marketing 9(1/2): 81–91.
- Swanson, K. K., & Timothy, D. J. (2012). Souvenirs: Icons of meaning, commercialization and commoditization. Tourism management, 33(3), 489-499. https://doi.org/10.1016/j.tourman.2011.10.007Tendai, M., & Crispen, C. (2009). In-store shopping environment and impulsive buying. African journal of marketing management, 1(4), 102-108.
- Suhartanto, D. (2018). Tourist satisfaction with souvenir shopping: evidence from Indonesian domestic tourists. Current Issues in Tourism, 21(6), 663-679.
- Kim, S., & Littrell, M. A. (2001). Souvenir buying intentions for self versus others. Annals of tourism research, 28(3), 638-657.
- Thirumaran, K., Dam, M. X., & Thirumaran, C. M. (2014). Integrating souvenirs with tourism development: Vietnam’s challenges. Tourism Planning & Development, 11(1), 57-67.
- Canavan, B. (2016). Tourism culture: Nexus, characteristics, context and sustainability. Tourism management, 53, 229-243.
- Graburn, N. H. (1976). Nalunaikutanga: Signs and Symbols in Canadian Inuit Art and Culture. Polarforschung, 46(1), 1-11.
- Cave, J., & Buda, D. (2013). Souvenirs as transactions in place and identity: Perspectives from Aotearoa New Zealand. J. Cave, L. Jolliffe, and T. Baum (Editors), 98-118.
- Anastasiadou, C., & Vettese, S. (2021). Souvenir authenticity in the additive manufacturing age. Annals of Tourism Research, 89, 103188.
- Truong, K. H. V. T., Vo, S. M., Nguyen, N. T. T., Nguyen, N. N. T., Nguyen, B. Q., Nguyen, A. T. T., & Tran, H. N. K. (2023). Souvenir Purchase Intention and Buying Behavior of Tourists and its Determinants in Can Tho City, Vietnam. Kurdish Studies, 11(2), 3459-3475.
ThS. Lê Hoàng Anh – Phòng Thị trường, Sản phẩm và Quản lý khoa học
Nguyễn Thị Thu Huyền