Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh – Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và một số hàm ý giải pháp chính sách
Bối cảnh tăng trưởng xanh
Từ những năm 2000, một số tổ chức quốc tế đã bắt đầu đề xuất lộ trình tăng trưởng xanh và kinh tế xanh để đạt được các mục tiêu bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến năm 2011, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã phát hành Chiến lược Tăng trưởng Xanh, định nghĩa “tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho sự sinh tồn của nhân loại” (OECD, “Hướng đến Tăng trưởng Xanh”, 2011, Link: http://www.oecd.org/dataoecd/32/49/48012345.pdf).
Trong nhiều năm, ý tưởng về tăng trưởng xanh đã được nhiều quốc gia đưa vào chiến lược chính trị-xã hội cấp quốc gia và địa phương. Chính phủ Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia châu Á đi đầu trong việc quảng bá và phổ biến khái niệm này, thông qua việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh năm 2009 (L. Blaxekjær, “Hàn Quốc đẩy mạnh năng lượng xanh: Hành động chiến lược tăng trưởng xanh trong quản lý môi trường toàn cầu”, 2016). Trung Quốc cũng đã hoạch định các khoản đầu tư lớn cho bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh tại Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 năm 2011, góp phần đưa du lịch trở thành một trụ cột chiến lược của nền kinh tế. Năm 2012, văn kiện kết quả của Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững Rio+20 với tên gọi “Tương lai chúng ta mong muốn” đã công nhận vai trò quan trọng của các chiến lược tăng trưởng xanh, nêu rõ chiến lược này “phải góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao hòa nhập xã hội, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người, đồng thời duy trì các hệ sinh thái lành mạnh trên trái đất” (Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Phát triển Bền vững Rio+20, Văn kiện kết quả “Tương lai chúng ta mong muốn”. 2012).
Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong các sáng kiến và thực hành về tăng trưởng xanh và kinh tế xanh. Năm 2020, Hàn Quốc đã tuyên bố “Tăng trưởng Xanh Carbon Thấp” trở thành tầm nhìn quốc gia mới. Tầm nhìn này nhằm mục đích chuyển đổi mô hình tăng trưởng của quốc gia, từ tăng trưởng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang mô hình tăng trưởng theo định hướng chất lượng, với trọng tâm sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo và công nghệ xanh. Tầm nhìn đã mở ra một kỷ nguyên mới của thay đổi, sáng kiến, cơ hội và các lợi ích hướng đến tăng trưởng xanh. Ngay sau đó, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2009-2050) và các Kế hoạch 5 năm đã được xây dựng để đưa ra khung chính sách toàn diện cho tăng trưởng xanh ngắn hạn và dài hạn.
Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2009-2050) có ba mục tiêu chính: (1) Tạo các động lực tăng trưởng mới thân thiện với môi trường; (2) Nâng cao chất lượng cuộc sống; và (3) Đóng góp vào các nỗ lực quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Kế hoạch 5 năm đã vạch ra hành động của Chính phủ để thực hiện chiến lược, cũng như nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành, cơ quan quản lý địa phương và phân bổ ngân sách. Chính phủ sử dụng khoảng 2% GDP hàng năm như gói “kinh phí xanh” cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh (tổng kinh phí khoảng 86 tỷ USD cho cả giai đoạn), đồng thời đầu tư gói kích thích trị giá 38,5 tỷ USD cho Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng hệ thống đường sắt, cải thiện quản lý chất thải để tăng việc làm trong lĩnh vực xanh, giảm phát thải nhà kính… (OECD, Nghiên cứu về môi trường của OECD: Hàn Quốc 2017, 2017)
Ba kế hoạch 5 năm đã được triển khai, nhưng tăng trưởng xanh không còn là ưu tiên chính trị hàng đầu của Hàn Quốc. Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (2014-2018) đưa ra khái niệm “kinh tế sáng tạo” và các chính sách tăng trưởng xanh được sửa đổi thành “các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu” sau Hiệp định Paris 2015. Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (2019-2023) đã đưa ra một tầm nhìn mới cho “Đất nước Xanh Toàn diện”. Chính vì vậy, bên cạnh một số kết quả tích cực mà Chiến lược Tăng trưởng Xanh Carbon Thấp đem đến cho tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, chính sách không nhất quán cũng mang lại số kết quả không mong đợi như: Phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng, ô nhiễm không khí thải ra từ các ngành công nghiệp nặng, năng lượng chính được sử dụng vẫn là nhiên liệu hóa thạch, phương tiện đường bộ tiếp tục là hình thức đi lại chủ yếu (OECD, Nghiên cứu về môi trường của OECD: Hàn Quốc 2017, 2017).
Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của Trung Quốc
Phát triển kinh tế xanh ngày càng được Trung Quốc chú trọng, thể hiện qua các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc thiết lập mục tiêu tăng trưởng xanh hiệu quả ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi quy mô và sự đa dạng của đất nước, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các chính quyền địa phương.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) được coi là bản kế hoạch xanh nhất trong lịch sử các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc, dành riêng một chương về phát triển kinh tế xanh. Kế hoạch đã xây dựng các mục tiêu kinh tế tới năm 2015, trong đó khoảng 1/3 mục tiêu là các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển bền vững, đồng thời đưa ra các hành động bao gồm đầu tư vào quản lý tài nguyên thiên nhiên, với mục tiêu tạo ra một triệu việc làm mới trong lâm nghiệp và giảm nghèo ở nông thôn.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) đưa ra quan điểm phát triển “đổi mới, phối hợp, xanh, cởi mở và chia sẻ” để đảm bảo thịnh vượng trong mọi mặt của xã hội. Một trong những mục tiêu của kế hoạch là cải thiện chất lượng môi trường và hệ sinh thái, đồng thời đặt ra một số chỉ tiêu về nâng cao chất lượng không khí, tăng diện tích che phủ rừng, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch… Đây cũng là lần đầu tiên nội dung “tăng cường xây dựng văn minh sinh thái” được đưa vào kế hoạch 5 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm tăng trưởng xanh và vai trò trong công cuộc phát triển bền vững (C. Tang, Q. Zheng, N. Qin, Y. Sun, S. Wang, và L. Feng, “Nghiên cứu về Phát triển Xanh trong lĩnh vực Du lịch”, 2017, Link: https://doi.org/10.5814/j.issn.1674-764x.2017.05.002).
Trong tháng 7/2020, Trung Quốc đã thành lập Quỹ Phát triển Xanh Quốc gia, một bước hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế về bảo vệ sinh thái và môi trường (Seetao, “Lễ Khai trương Quỹ Phát triển Xanh đầu tiên của Trung Quốc”, 2020). Đây là Quỹ đầu tư cấp quốc gia của Chính phủ, thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Sinh thái và Môi trường. Có thể nói, tuy các chính sách tăng trưởng xanh mới chỉ được triển khai tích cực trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhận thức được đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của kinh tế xanh trong phát triển quốc gia và có các cơ chế phối hợp hiệu quả để đưa ra các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu.
Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của Thái Lan
Kể từ khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2011, Thái Lan đã tập trung duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ nghèo, hiện đại hóa nền kinh tế.Nhận thấy tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong việc khai thác hết tiềm năng phát triển của đất nước, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra Sáng kiến Thái Lan 4.0 vào năm 2016. Đây là một mô hình tăng trưởng mới gồm bốn mục tiêu chính của Sáng kiến Thái Lan 4.0 bao gồm: (1) Nền kinh tế dựa trên giá trị và được thúc đẩy bởi sáng tạo, công nghệ và đổi mới; (2) Phúc lợi xã hội tốt và không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau; (3) Nâng cao giá trị con người và (4) Bảo vệ môi trường với hệ thống kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu và một xã hội carbon thấp (Thailand 4.0, Link: https://thaiembdc.org/thailand-4-0-2/).
Tăng trưởng xanh từng bước trở thành chính sách quan trọng của Thái Lan, được nêu rõ trong các văn bản về chính sách và quy hoạch của Thái Lan, bao gồm Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 12 (2017-2021), Kế hoạch Tổng thể về Biến đổi Khí hậu (2015-2050). Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia giai đoạn 5 năm của Thái Lan là cơ sở để lập kế hoạch và phẩn bổ ngân sách tài khóa, là lộ trình ngắn hạn nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia 20 năm (2017-2036), trong đó có “Tăng trưởng thân thiện với môi trường”. Kế hoạch lần thứ 12 đặt mục tiêu đến năm 2021, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia thương mại và dịch vụ và đề ra một số mục tiêu về tăng trưởng xanh và bền vững như: Nâng độ che phủ rừng lên 40% diện tích đất, đảm bảo quản lý 75% chất thải rắn đô thị đến cuối năm 2021, giảm phát thải nhà kính từ 7-20% đến năm 2020, nâng cao khả năng chống chọi và năng lực thích nghi với khí hậu… (Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 12, Link: https://www.greengrowthknowledge.org/national-documents/thailand-twelfth-national-economic-and-social-development-plan-2017-2021)
Tiếp tục cam kết với định hướng tăng trưởng xanh, trong tháng 01/2021, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Chiến lược về Kinh tế Sinh học, Tuần hoàn và Xanh (Bio, Circular and Green) với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2026. Chiến lược BCG bao trùm lên bốn lĩnh vực lớn gồm: (1) Trang trại và thực phẩm, (2) Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, (3) Năng lượng và hóa sinh và (4) Du lịch và kinh tế sáng tạo.
Bàn luận, hàm ý giải pháp chính sách cho Việt Nam
Bài học trong quản trị tăng trưởng xanh của các quốc gia
Hàn Quốc:
Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông là dự án tăng trưởng xanh điển hình dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak, là một dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, thiết lập cơ chế rõ ràng để lập kế hoạch, quản lý, điều hành, tài chính đồng thời liên tục đổi mới. Bốn con sông lớn nằm trong phạm vi dự án gồm sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yeongsan. Dự án được triển khai trong hơn hai năm (2009-2011) với mục tiêu phục hồi các con sông lớn của Hàn Quốc thông qua năm nhiệm vụ then chốt: (1) Bảo vệ nguồn nước, (2) Hạn chế lũ lụt, (3) Nâng cao chất lượng nguồn nước và khôi phục hệ sinh thái, (4) Tạo không gian công cộng cho người dân và (5) Phát triển cộng đồng dựa vào sông nước. Kinh phí thực hiện dự án được trích từ “kinh phí xanh” của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, dành riêng 19,3 tỷ USD cho các nhiệm vụ liên quan đến nguồn nước (Ủy ban Đánh giá Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông, “Báo cáo Đánh giá Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông”, 2014). Chỉ vài năm sau khi kết thúc, Dự án Khôi phục Bốn Dòng sông đã cho thấy những hiệu quả nhất định đối với năm mục tiêu then chốt của mình. Trong đó, ngành du lịch được hưởng lợi khi chất lượng nước được nâng cao và hệ sinh thái ven sông phục hồi, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên sông nước. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được khai thác và đa dạng hóa trải nghiệm du khách như: Sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng tại các làng ven sông; đường đi bộ ven sông theo nhiều chủ đề; đường dành riêng cho xe đạp dọc theo các con sông; các “Nhà Văn hóa” đa chức năng được xây dựng ven sông cung cấp không gian cho người dân và du khách thưởng thức văn hóa và nghệ thuật…
Trung Quốc:
Vân Nam là tỉnh đầu tiên của Trung Quốc đưa ra mục tiêu xây phát triển kinh tế xanh của tỉnh, đồng thời đi đầu về xây dựng văn minh sinh thái. Năm 2009, chính quyền tỉnh đã ra “Quyết định về việc tăng cường xây dựng văn minh sinh thái”, trong đó chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế carbon thấp. Năm 2010, tỉnh Vân Nam nằm trong danh sách 5 tỉnh thí điểm phát triển xanh của Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam đã xây dựng “Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế carbon thấp tỉnh Vân Nam giai đoạn 2011-2020” làm cơ sở chỉ đạo công tác phát triển xanh, carbon thấp, đặt ra các mục tiêu về giảm khí thải nhà kính, tăng sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch, tăng độ che phủ rừng. Tăng trưởng xanh là trọng tâm của quá trình chuyển đổi của tỉnh Vân Nam, đặc biệt trong ba lĩnh vực phát triển chính: (1) Năng lượng xanh, (2) Sản phẩm xanh và (3) Chăm sóc sức khoẻ và Du lịch.
Trong lĩnh vực du lịch, sau khi quyết định trở thành tỉnh tiên phong trong xây dựng văn minh sinh thái cả nước năm 2013, tỉnh Vân Nam đã ban hành thông tư triển khai 18 dự án carbon thấp, trong đó có 02 dự án xây dựng khu du lịch. Vân Nam hướng đến phát triển một điểm đến lành mạnh, trọng tâm vào du lịch sinh thái và du lịch chăm sóc sức khoẻ (China Briefing, “Hồ sơ đầu tư Vân Nam: Công nghiệp, Kinh tế và Chính sách hỗ trợ Kinhd oanh”, 2020). Sản phẩm du lịch xanh đặc sắc của tỉnh Vân Nam có thể kể đến du lịch dựa trên di sản cộng đồng dân tộc thiểu số và du lịch trải nghiệm dựa trên văn hóa trà. Chất lượng dịch vụ du lịch tại Vân Nam cũng được chuyển đổi đáng kể nhờ chuyển đổi số và các dự án phát triển xanh của chính phủ. Năm 2018, Vân Nam đã ra mắt ứng dụng “Vân Nam – Tất cả trong một”, là một cổng thông tin thời gian thực giúp khách du lịch tiếp cận với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại, giải trí và mua sắm, thu hút 23 triệu người sử dụng (South China Morning Post, “Vân Nam ứng dụng công nghệ để thúc đẩy ngành du lịch”, 2019).
Thái Lan:
Chiang Mai là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất của Thái Lan và là trung tâm kinh tế khu vực và văn hóa của miền Bắc đất nước. Di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú đã thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh chóng đã tạo ra nhiều áp lực cho nguồn tài nguyên của Chiang Mai. Đối mặt với sự phát triển thiếu quy hoạch, ô nhiễm không khí và nước, thành phố Chiang Mai đã áp dụng hệ thống giao thông phi cơ giới nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính và tạo việc làm cho dân nghèo thành thị. Hệ thống giao thông phi cơ giới là các phương tiện sử dụng sức người hoặc động vật để di chuyển người hoặc vận chuyển hàng hóa, bao gồm đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông bánh nhỏ, xe kéo, xe đẩy… Hệ thống này cũng khuyến khích cơ hội giải trí cho khách du lịch và tăng cường cơ hội sử dụng các dịch vụ du lịch khác như thuê xe đạp, mua hàng thủ công mỹ nghệ, các hàng hóa từ những người bán lẻ trên đường, dịch vụ hướng dẫn viên. Chính quyền Chiang Mai cũng xây dựng tuyến xe đạp và đi bộ kết nối các khu vực khách sạn chính với trung tâm và điểm tham quan như Quảng trường Ba Vua.
Một số hàm ý về giải pháp chính sách cho Việt Nam
Việt Nam có thể triển khai thí điểm mô hình điểm đến sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm ở quy mô điểm đến là các đảo. Việc chuyển đổi phương thức khai thác và sử dụng tài nguyên nước, đất cho điểm đến là các đảo mang lại lợi thế về xây dựng mô hình khép kín từ thiết kế, xây dựng các công trình thủy lợi, canh tác nông nghiệp, ngư nghiệp. Khi chất lượng nguồn nước và đất canh tác được cải thiện, hệ sinh thái đảo được phục hồi thì sinh kế của cộng đồng địa phương được nâng cao, đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng bền vững. Từ đó, làm điển hình tốt để nhân rộng mô hình trên cả nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm, chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị của ngành du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trong xu hướng mới là du lịch khai thác tập quán canh tác, văn hóa, truyền thống, di sản của người bản địa, với lợi thế khá gần với cộng đồng nơi khách sinh sống. Sản phẩm du lịch xanh hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh văn hóa truyền thống của người dân bản địa, ví dụ như các ngành nghề truyền thống. Du lịch có thể là một động lực để thúc đẩy hồi sinh nghề truyền thống “Chuỗi cung ứng khép kín”, từ khâu nuôi trồng nông, lâm, thủy sản địa phương, làm các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, cho tới sản xuất theo phương pháp truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cơ sở lưu trú du lịch.
Việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh không thể tách rời phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường. Như kinh nghiệm của một số quốc gia, hệ thống giao thông vận chuyển người và hàng hóa bằng các phương tiện như xe điện, xe đạp, các phương tiện giao thông bánh nhỏ, đi bộ… đòi hỏi phải có hệ thống đường giao thông phù hợp. Vì vậy, cần có giải pháp đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy phù hợp với phương thức di chuyển này, ví dụ như các điểm dừng đỗ để nạp điện, các điểm dừng chân ngắm cảnh, các cửa hàng cho thuê, mượn xe đạp kết hợp với bán hàng thủ công mỹ nghệ…
Kết luận
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), phát triển du lịch trong bối cảnh kinh tế xanh có sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm chi phí về năng lượng, nước, hệ thống xử lý chất thải, góp phần nâng cao giá trị của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và di sản văn hóa, đồng thời có tiềm năng tạo những việc làm xanh mới (UNWTO và UNEP (2012), “Du lịch trong nền kinh tế xanh”). Chính vì vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh đã đưa ra quan điểm, du lịch – bao gồm toàn bộ khách du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng và chuỗi giá trị du lịch – có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang hướng tăng trưởng xanh (Geoffrey Lipman (2014), “Tăng trưởng xanh và Du lịch – lộ trình phát triển bền vững”). Thách thức đặt ra ở đây là cần chuyển đổi từ việc công nhận vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh của du lịch thành các chính sách và hành động cụ thể, ý nghĩa, có khả năng liên kết với toàn bộ chuỗi giá trị của ngành. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng do dịch bệnh hạn chế đi du lịch đường dài, mất cân đối trong bảo tồn và phát triển, du lịch Việt Nam có thể tìm hiểu và lựa chọn phương thức phù hợp để phát triển du lịch, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn vừa hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm, hài hòa với các mục tiêu xã hội và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
ThS. Phạm Tố Linh,Vụ HTQT, TCDL