Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
1. Bối cảnh
Trải qua năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiều ngành kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Du lịch thế giới có sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng khách du lịch giảm khoảng 60-80%, thiệt hại khoảng 3.3 nghìn tỷ USD (tương đương 4.2% tổng GDP toàn cầu) (http://itdr.org.vn/nghien_cuu/nhan-dinh-mot-so-xu-huong-trong-thoi-gian-toi-doi-voi-nganh-du-lich-viet-nam/). Tại Việt Nam, theo báo cáo cuối năm 2020 của Tổng cục Thống kê, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% – mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15% (https://nhandan.com.vn/dien-dan-dulich/du-lich-viet-nam-2020-phat-huy-noi-luc-trong-bao-covid-19-630469/). Có thể nói, đại dịch Covid-19 như một “cú huých” mạnh mẽ thách thức sự chuyển biến, đổi mới của ngành du lịch để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.
Về mặt nghiên cứu khoa học công nghệ tuy không tránh khỏi những khó khăn chung, song hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn được tiến hành và đạt được những kết quả tích cực trên các phương diện. Về cơ bản, các đơn vị, tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương đã được tạo điều kiện tối đa để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, từ đó đóng góp trực tiếp cho việc phát triển ngành, địa phương. Trong thời gian dịch bệnh, các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN được triển khai theo hướng ứng dụng thực tế bám sát nhu cầu và vấn đề của địa phương.
Theo tạp chí điện tử Khoa học công nghệ Việt Nam, báo cáo của các địa phương và tổng hợp từ các đơn vị thuộc Bộ, năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho các địa phương triển khai được gần 800 nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình như: Nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gen, Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ, nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương.
Bên cạnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, năm 2020 các địa phương đã triển khai thực hiện hàng trăm nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp cơ sở. Tỷ lệ các nhiệm vụ được chia theo các lĩnh vực: khoa học nông nghiệp chiếm 30,87%; khoa học kỹ thuật và công nghệ: 26,99%; khoa học xã hội: 18,02%; khoa học nhân văn: 3,61%; khoa học tự nhiên: 4,02%; khoa học y – dược: 16,58% (https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4398/khoa-hoc–cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-dia-phuong-nam-2020–nhung-ket-qua-noi-bat.aspx).
Có thể thấy trong tình hình mới, các hoạt động khoa học công nghệ cũng được quan tâm và đầu tư đáng kể bên cạnh những nỗ lực nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, an toàn và bao trùm với mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid -19, vừa phát triển kinh tế” trên phạm vi cả nước.
2. Vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học du lịch
Theo Luật Khoa học và công nghệ 2018: Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.
Có thể hiểu đổi mới sáng tạo trong du lịch là mở rộng ra một thị trường mới. Tạo ra một sản phẩm mới. Sửa đổi sản phẩm hiện có. Cải tiến phương thức sản xuất. Tìm kiếm một nguồn cung mới. Tạo hình thức tổ chức mới (https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/doi-moi-sang-tao-trong-du-lich-loay-hoay-tim-cai-moi/20190326023535498p1c160.htm).
Quan điểm trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030 đã xác định: “Phát triển khoa học và công nghệ phải thực sự trở thành động lực phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ: đổi mới cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; gắn nghiên cứu với ứng dụng, góp phần thực hiện các chiến lược và chính sách; giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch…”. Trên cơ sở đó, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch khẳng định hơn nữa vai trò tích cực, thiết yếu thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong tư duy phát triển, cải thiện việc khai thác nguồn lực theo hướng tăng trưởng xanh nhằm góp phần tạo ra những bước tiến mới cho ngành du lịch thích ứng với tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và những biến động về kinh tế – xã hội hiện nay. Các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cần theo sát, hỗ trợ và phát triển ứng dụng thực tế tích cực hơn trong việc hoạch định đường lối chính sách, định hướng phát triển, công tác quản lý cũng như trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đẩy mạnh việc cải thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.
3. Công tác nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2016-2020 tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
3.1 Những kết quả đã đạt được
Năm 2020 là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và của ngành Du lịch nói riêng. Theo kết quả báo cáo khoa học và công nghệ, đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch như sau:
– Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực du lịch đã triển khai khá toàn diện trên các mặt kinh doanh, điểm đến, con người, sự kiện, sản phẩm, phát triển du lịch địa phương… nhằm cung cấp các luận chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho phát triển du lịch.
– Các nhiệm vụ NCKH cấp Bộ tập trung những vấn đề mang tính thời sự, giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới như dịch chuyển lao động du lịch trong quá trình hội nhập cộng đồng ASEAN, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch đô thị, du lịch làng nghề, nghiên cứu chuỗi giá trị du lịch, du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh…
Đây cũng là giai đoạn đột phá của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (sau đây gọi tắt là Viện) trong công tác nghiên cứu khoa học đặc biệt có sự gia tăng về số lượng cũng như chất lượng các công trình nghiên cứu. Trong 5 năm qua, Viện đã thực hiện 09 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2011-2015) được thực hiện đúng tiến độ và đánh giá nghiệm thu đầy đủ, trong đó có 01 đề tài đạt xuất sắc. Bên cạnh đó, đến năm 2020, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã hoàn thành 27 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng (trước đây là các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp cơ sở) một cách nghiêm túc, với những chủ đề cấp thiết phục vụ nghiên cứu chiến lược, chính sách, quy hoạch cho công tác quản lý nhà nước về du lịch (Đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch…); nghiên cứu những sản phẩm du lịch mới, nghiên cứu các thị trường tiềm năng (du lịch golf, xu hướng dịch chuyển thị trường khách du lịch quốc tế tại Nha Trang, Đà Nẵng…); bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch và tổ chức hội thảo với các chủ đề: chính sách phát triển về du lịch cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam; xu thế phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam; chất lượng lao động nghề du lịch…
Nâng cao tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học cũng như tuyên truyền phổ biến kết quả nghiên cứu được quan tâm và thực hiện theo đúng quy định. Một số nội dung nghiên cứu của đề tài khoa học là tài liệu tham khảo trong việc hoạch định chính sách cho cơ quan quản lý nhà nước như Luật Du lịch, xây dựng Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ chính trị, xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030… và sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, việc thường xuyên đăng tải thông tin, bài viết về hoạt động (khảo sát, hội thảo, họp xin ý kiến) và kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học công nghệ trên các trang tin điện tử chính thức của đơn vị và các bài báo công bố kết quả nghiên cứu đã tăng về số lượng, chất lượng và tập trung được nhiều cán bộ, nghiên cứu viên trong toàn Viện. Đặc biệt năm 2019, việc xuất bản Tuyển tập “Các công trình nghiên cứu khoa học Du lịch 1995-2018” góp phần phổ biến rộng rãi tri thức khoa học liên quan đến du lịch cho mọi đối tượng quan tâm. Đây là một cách làm mới không chỉ tổng hợp những kết quả nghiên cứu đồng thời đưa nghiên cứu tới gần hơn với những người quan tâm và cũng là cách giới thiệu hiệu quả về Viện.
Ngoài ra, nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng đã được nâng tầm, mở rộng trên cơ sở hợp tác, liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo về du lịch (đến nay đã có hơn 5 cơ sở trong nước và 1 cơ sở nước ngoài ký biên bản hợp tác và một số cơ sở khác sẽ thực hiện ký kết hợp tác trong năm 2021), các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các địa phương trong nước và quốc tế. Điều này giúp cho các nghiên cứu khoa học của Viện có được những kết quả mang tính thực tiễn cao hơn và có thể triển khai thành các hoạt động cụ thể như đào tạo, phát triển tài liệu tham khảo, các bài viết khoa học trong các Hội thảo khoa học… phục vụ cho công tác phát triển nguồn nhân lực. Sáng kiến hợp tác với các cơ sở đào tạo đã giúp cho việc đa dạng hóa loại hình và cách thức triển khai hoạt động nghiên cứu và nâng tầm kết quả nghiên cứu tại Viện.
3.2 Những hạn chế
Tuy đạt được những thành tựu nhất định, công tác nghiên cứu khoa học tại Viện vẫn còn tồn tại một hạn chế, cụ thể như:
– Những đề xuất các nhiệm vụ khoa học còn chung chung, thiếu những ý tưởng đột phá, chưa bám sát với định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành du lịch giai đoạn 2017 – 2020 của Bộ ban hành gồm: xây dựng các sản phẩm phục vụ du lịch thông minh như Du lịch thực tế ảo; hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; thẻ du lịch đa năng; phần mềm thuyết minh du lịch tự động (Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28/11/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020)…
– Kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã được ứng dụng tại một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tuy nhiên, con số này còn hạn chế. Việc sử dụng kết quả nghiên cứu trong việc xây dựng những chính sách, chiến lược phát triển du lịch mang tính vĩ mô còn khiêm tốn.
– Số lượng bài báo công bố quốc tế còn ít, chưa có công trình nghiên cứu nào được xuất bản thành sách. Điều này cũng tạo sự hạn chế trong việc phổ biến cũng như ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn triển khai.
– Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả. Thực hiện ký kết biên bản hợp tác với các tổ chức quốc tế nhưng mới chỉ dừng lại ở việc mời chuyên gia tham gia hội thảo khoa học.
– Liên kết, hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp du lịch trong việc trao đổi ý tưởng, ứng dụng kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
3.3 Nguyên nhân
Nguyên nhân của những mặt tồn tại trên phải kể đến:
– Môi trường làm việc cũng như những cơ chế chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu còn chưa thỏa đáng.
– Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế. Là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực Du lịch nhưng hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tính đến năm 2020, chỉ có 06 Tiến sĩ (chiếm 15%/tổng số cán bộ), có thể thấy số lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ của Viện là khá khiêm tốn.
– Công tác hỗ trợ việc tổ chức, quản lý và thực hiện nghiên cứu khoa học còn chưa hiệu quả, chậm đổi mới, cũng là nguyên nhân kìm hãm, gây cản trở đối với hiệu quả công tác nghiên cứu.
– Nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện ứng dụng cũng như tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới còn hạn chế.
– Tư duy chậm đổi mới, cập nhật và hạn chế sử dụng các thành tựu công nghệ trong nghiên cứu khoa học.
4. Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở những định hướng về khoa học công nghệ của Ngành cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý và phát triển ngành, trong khuôn khổ bài viết đưa ra một số giải pháp như sau:
– Cần có những đổi mới trong cơ chế, chính sách đối với công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch.
– Đổi mới sáng tạo từ trong tư duy nghiên cứu, đề xuất nghiên cứu đón đầu, dự báo các xu hướng phát triển, các chủ đề nghiên cứu giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản cần gia tăng các nghiên cứu có tính ứng dụng, đặc biệt là những ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật như du lịch bền vững, du lịch xanh, ứng dụng số trong mô hình quản lý và kinh doanh du lịch, các giải pháp phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường và hội nhập khu vực và quốc tế… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các nghiên cứu ứng phó với các khủng hoảng, biến động để đưa ra những hướng dẫn trong các văn bản quản lý nhà nước kịp thời.
– Tạo điều kiện để Viện bổ sung nhân lực có trình độ cao, nâng cao chất lượng nhân lực thông qua các khóa đào tạo, tập huấn sử công nghệ trong công tác nghiên cứu (đơn giản như sử dụng phần mềm vẽ bản đồ; nâng cao kĩ năng tin học văn phòng, kiến thức về các phương pháp nghiên cứu mới; giới thiệu về những thành tựu mới của công nghệ…) đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới, để những cán bộ nghiên cứu thực sự làm chủ được công nghệ, sử dụng công nghệ trong nghiên cứu khoa học sẽ là chìa khóa thành công trong tương lai.
– Ứng dụng công nghệ trong công tác thu thập, lưu trữ và chia sẻ tài liệu nghiên cứu khoa học để các nghiên cứu viên dễ dàng tiếp cận với những nguồn tài liệu mới phục vụ công tác nghiên cứu.
– Xây dựng ngân hàng ý tưởng nhằm hỗ trợ và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng và tiếp cận với công nghệ…
– Đổi mới trong công tác hỗ trợ, tổ chức công tác nghiên cứu khoa học để tạo điều kiện cho việc triển khai, thực hiện các đề tài, đề án, nhiệm vụ được nhanh chóng, hiệu quả.
– Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ: Mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia nhằm tận dụng tri thức và công nghệ tiên tiến của Đối tác phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
– Tăng cường hơn nữa liên kết, hợp tác giữa các Viện nghiên cứu với trường đại học, doanh nghiệp du lịch trong việc ứng dụng công nghệ, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có tính thực tiễn, ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội…
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030;
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28/11/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020 ;
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030;
4. Luật Khoa học & Công nghệ năm 2018;
5. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Báo cáo tình hình hoạt động khoa học công nghệ hàng năm của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
6. Và một số thông tin trên website khác.
ThS. Đinh Thị Thanh Hiền – Phòng QLKH&HTQT