Nghệ thuật múa mặt nạ dân gian Hahoe – Từ biểu tưởng văn hóa đến “sản phẩm du lịch” của Andong, Hàn Quốc
1. Vài nét về nghệ thuật múa mặt nạ Hahoe
Hahoe Byolshin Gut có lịch sử hơn 800 năm tồn tại, từ thời đại Goryo, vốn xuất hiện trong nghi thức Shaman giáo ở làng Hahoe (village Gut), có quan hệ mật thiết với nghi thức trừ tà và thờ cúng Thành hoàng làng. Byolshin Gut gồm 3 phần: phần 1: Đón thần linh xuống hạ giới, phần 2: múa mặt nạ và phần 3 là tiễn thần linh về lại chốn thượng giới, với hai chức năng chính là: Gut (trừ tà) và múa mặt nạ. Cả hai đều chịu sự chi phối của tư tưởng Nho giáo và dòng họ quý tộc Ryu (dòng họ lập nên làng cổ Hahoe).
– Về chức năng nghi lễ Gut (trừ tà) của làng, vào ngày trăng tròn đầu tiên của năm (15/1) và ngày Lễ Phật đản (8/4) theo Âm lịch, Sanju – chủ nhân của ngọn núi, người thực hiện nghi lễ trong Byolshin Gut (hiện còn duy nhất một vị Sanju ở làng Hahoe – nghệ nhân Kim Jong Heung), cùng với người dân trong làng thực hiện nghi lễ tại Seonangdang (ngôi đền bảo vệ làng). Nghi lễ là cơ hội để “thông quan” với thần linh thông qua Sanju, cầu thần linh bảo vệ dân làng tránh khỏi tai ương, dịch bệnh, cầu cho mùa màng trong năm tốt tươi và cầu cho may mắn luôn đến với cộng đồng làng.
Trước khi thực hành nghi lễ Byolshin Gut, Sanju phải nhận được sự cho phép của thần linh thông qua một nghi lễ khác mà ông thực hiện vào ngày trăng tròn cuối cùng của năm trước. Sau đó, tiếp tục tìm đến sự chấp thuận của Yangban (tầng lớp quý tộc) trong làng. Dù không muốn nhưng họ buộc phải đồng ý để thuận theo “ý trời”, bởi nếu không, tai họa sẽ ập đến với làng Hahoe. Ngày nay, sau khi Sanju thực hiện nghi lễ, ông cùng với các báu vật nhân văn sống của nghệ thuật múa mặt nạ Hahoe trân trọng trao mặt nạ biểu diễn cho các nghệ nhân khác. Tiếp đó, nghệ nhân biểu diễn với mặt nạ cô dâu Gaksi – được nhân cách hóa thành nữ thần bảo vệ làng, đứng trên vai của một người đàn ông, thực hiện những điệu múa tượng trưng cho thần giáng thế. Các nghệ nhân khác cũng cùng biểu diễn từ trên đền xuống dưới làng Hahoe.
– Về chức năng múa mặt nạ: trong khi Hahoe Byolshin Gut với chức năng nghi lễ là cơ hội để cầu xin thần linh mọi sự yên lành, thì với chức năng múa mặt nạ, các nghệ sỹ biểu diễn cùng mặt nạ để nói lên mối quan hệ xã hội dưới triều đại Joseon. Đây cũng là cơ hội để người dân có thể nói lên tâm tư của mình đối với tầng lớp Yangban.
Mặt nạ Hahoe đóng một vai trò quan trọng trong Hahoe Byolshin Gut. Theo truyền thống, mặt nạ trong các loại hình múa mặt nạ khác của Hàn Quốc sẽ bị đốt khi kết thúc nghi lễ, nhưng 12 loại mặt nạ Hahoe lại được cất giữ trân trọng trong ngôi đền, truyền từ đời này sang đời khác, vì thế, 9 trong số đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay (3 loại đã bị thất lạc trong thời kỳ Hàn Quốc bị chiếm đóng) và là Báu vật quốc gia số 121 của Hàn Quốc.
Múa mặt nạ Hàn Quốc nói chung và Hahoe nói riêng không chỉ là các điệu múa thông thường lấy kỹ thuật vũ đạo, hình thể làm tiêu chí đánh giá, mà cốt truyện với những diễn biến và vận động nội tâm phức tạp của nhân vật rất được quan tâm. Bên cạnh việc được dùng trong nghi lễ trừ tà, ý nghĩa chính của múa mặt nạ Hahoe còn là thể hiện tâm tư, nguyện vọng của dân làng Hahoe. Bởi, xã hội dưới triều đại Joseon là một xã hội có giai cấp, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, với sự phân biệt khoảng cách của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo và quý tộc. Vì thế, đây là cơ hội hiếm hoi để người dân đeo mặt nạ, nói lên những suy nghĩ, uất ức cũng như những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Thậm chí vào ngày này, họ còn có thể bước chân lên nhà của Yangban, điều mà ngày thường luôn bị xem là cấm kỵ và được xem là một sự sỉ nhục đối với tầng lớp quý tộc. Ví dụ trong phân đoạn góa phụ, nghệ nhân biểu diễn đeo mặt nạ Halmi, ngồi dệt bên khung cửi, hát “Betulga” – bài hát dành cho người dệt vải, ca thán về cuộc sống khó khăn, không may mắn, không chồng con, không tiền bạc, địa vị trong xã hội,… và bị các tầng lớp trên như Nho gia, quý tộc coi thường, xua đuổi (trong phân đoạn biểu diễn giữa Halmi, Yangban, Sonbi và Ch’oraengi); cũng có khi là để châm biếm việc nhà sư phá giới, trêu ghẹo phụ nữ, hoặc kịch liệt lên án sự dối trá, đạo đức giả của tầng lớp quý tộc và các vấn đề xã hội khác bằng những điệu bộ, cử chỉ táo bạo, hài hước.
Ngày nay, tuy ý nghĩa của múa mặt nạ không còn phù hợp với một xã hội hiện đại nhưng lại có thể tái hiện cuộc sống xưa kia qua lối dẫn dắt, kể chuyện gần gũi, hóm hỉnh của các nghệ sỹ. Múa mặt nạ Hahoe là loại hình nghệ thuật dân gian mà ở đó, các nghệ sỹ, nghệ nhân có thể biểu diễn ở khắp mọi nơi. Đó có thể là ngôi đền thiêng Seonangdang ở trên ngọn núi trước sự chứng giám của thần linh, cũng có thể là sân khấu bé nhỏ bên cạnh dòng sông Nakkdong hay ngôi nhà của Yi Hwang (học giả Nho giáo nổi tiếng bật nhất Hàn Quốc dưới triều đại Joseon ở làng Hahoe) trước sự tham gia của đông đảo dân làng… Và, cho dù ở bất kỳ sân khấu nào đều có thể dễ dàng nhận thấy rằng, không có khoảng cách nào giữa sân khấu và khán giả mà luôn có sự tương tác giữa các nghệ sỹ và cộng đồng. Đến cuối buổi biểu diễn, mọi người cùng tham gia nhảy múa, hoà chung vào điệu nhảy với âm nhạc rộn ràng và sự hứng khởi.
2. Từ biểu tượng văn hóa đến sản phẩm du lịch của thành phố
– Mặt nạ Hahoe và múa mặt nạ Hahoe đã trở thành một biểu tượng văn hóa của thành phố Andong. Khoảng những năm 1980, Andong bắt đầu thực hiện các chương trình hành động mạnh mẽ để bảo vệ, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật, trở thành “sản phẩm văn hóa – du lịch để phát triển kinh tế, như: phát triển các sản phẩm của địa phương gắn với hình ảnh mặt nạ và múa mặt nạ, xây dựng bảo tàng mặt nạ, trung tâm biểu diễn tại làng cổ Hahoe, thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến tham quan làng cổ và thưởng thức buổi biểu diễn được tổ chức định kỳ 3 ngày/1 tuần; đưa các nghệ nhân đi biểu diễn trong nước và quốc tế, tính đến cuối năm 2017, các nghệ nhân của múa mặt nạ đã có 54 buổi biểu diễn tại 17 quốc gia trên thế giới… Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển văn hóa – du lịch này, thành phố là thành lập Quỹ Du lịch và lễ hội Andong và lần đầu tiên tổ chức Lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong vào năm 1997.
– Lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa du lịch và văn hóa để quảng bá, phát huy giá trị của múa mặt nạ Hahoe, biến loại hình nghệ thuật truyền thống này từ biểu tượng văn hóa của thành phố thành sản phẩm phát triển du lịch trọng điểm của địa phương.
Đây là lễ hội thường niên, thường được tổ chức vào thời điểm mùa thu hàng năm, bởi Quỹ Du lịch và lễ hội Andong do thị trưởng thành phố Andong làm chủ tịch, dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Lễ hội tổ chức với mục đích giới thiệu, quảng bá nghệ thuật múa mặt nạ Hahoe cùng các giá trị văn hóa truyền thống của Andong nói riêng cũng như giá trị văn hóa truyền thống Hàn Quốc nói chung, là cơ hội để đón tiếp nhiều đoàn nghệ thuật múa mặt nạ trên thế giới, như: Nga, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Bhutan… đến tham gia biểu diễn, giao lưu và học hỏi lẫn nhau và hàng triệu khách trong nước cũng như quốc tế đến tham quan.
Đặc biệt, nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ hội, còn lồng ghép các sự kiện văn hóa – du lịch đến từ các quốc gia, ví dụ như: sự kiện văn hóa du lịch Đông Nam Á vào năm 2013, ngày hội Du lịch văn hoá Việt Nam năm 2016…
Lễ hội có nhiều hoạt động đa dạng thu hút khách du lịch, như: triển lãm về truyền thống dân gian Hàn Quốc, triển lãm các loại hình mặt nạ trên thế giới và các hoạt động trải nghiệm thực tế, như: học múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc được gọi là talchum, vẽ mặt nạ, chơi các trò chơi dân gian… Tại đây, mọi người cùng đeo mặt nạ và tham gia vào đoàn diễu hành của lễ hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính và quốc tịch.
– Năm 2011, lễ hội đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng như Chính phủ Hàn Quốc công nhận là Lễ hội tiêu biểu nhất của Hàn Quốc.
– Năm 2020, giành được Giải thưởng lớn trong hạng mục Lễ hội toàn cầu tại Lễ trao giải thưởng thương hiệu quốc gia Hàn Quốc lần thứ 12.
Lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong là một ví dụ điển hình của việc kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn truyền thống và du lịch, là kinh nghiệm trong việc vừa khai thác giá trị nghệ thuật truyền thống để phát triển du lịch địa phương, vừa có thể bảo vệ, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống. Bởi tại đây, múa mặt nạ Hahoe được thực hành bởi chính các nghệ nhân, không chỉ tại ngôi làng cổ – nơi sản sinh và nuôi dưỡng loại hình di sản này, mà còn tại các địa điểm khác trong thành phố Andong trong khuôn khổ diễn ra lễ hội.
Có thể nói, chính sách và thực tế thực hiện của thành phố Andong trong việc biến múa mặt nạ Hahoe, di sản văn hóa truyền thống – biểu tượng văn hóa thành một sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững có thể được xem là bài học kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa du lịch và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
1- Korea Cultural Heritage Act
2- Choi Joon sik, Folk – religion. The customs in Korea, Ewha Womans University Press.
3- Kim Dong Pyo, Analysis on the basis of Physlonomy, Asia pacific Intangible Cultural Heritage Preservation and inheritance, AFTF, 2006.
Phạm Khánh Trang