Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nghệ thuật công cộng – Nâng tầm giá trị điểm đến

    Tóm tắt: Nghệ thuật công cộng (NTCC) từ lâu đã được coi là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên kiến trúc không gian và cảnh quan đô thị. Nó có thể là những công trình điêu khắc, tượng, nghệ thuật sắp đặt, tranh bích họa, tranh 3D, graffiti, hiệu ứng kỹ thuật số… được diễn ra và thưởng thức trực tiếp tại khu vực công cộng như công viên, quảng trường, đường phố… Không giống như những loại hình nghệ thuật khác, NTCC không đơn thuần chỉ là “sản phẩm tinh thần” của một hay nhóm nghệ sĩ, mà sự ra đời và tồn tại của nó còn được quyết định phần lớn bởi số đông công chúng. Sự đa dạng trong loại hình, cách biểu đạt, sự phóng khoáng và tự do sáng tạo, tính thẩm mĩ và sự “gần gũi” với công chúng là những nét đặc trưng của NTCC, khiến nó trở nên lôi cuốn và thu hút với đông đảo khách tham quan, du lịch. Trong một xã hội phát triển, quá trình hội nhập và giao lưu diễn ra mạnh mẽ, chính nghệ thuật nói chung và NTCC nói riêng đã phá vỡ những rào cản ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, kinh tế – chính trị để con người xích lại gần nhau, để du khách cảm nhận được phần nào những giá trị tâm hồn của cộng đồng nơi đến. NTCC không chỉ là tiềm năng to lớn cho thu hút du khách mà hơn thế nữa, NTCC đã và đang nâng tầm giá trị điểm đến. Bài viết dưới góc nhìn của người làm du lịch, xem xét NTCC dưới góc độ là các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra nhằm phục vụ công chúng, trình diễn tại các không gian công cộng mà qua đó mọi người có thể tìm thấy bản sắc văn hóa của cộng đồng, làm rõ những giá trị mà NTCC mang lại cho điểm đến, đồng thời đề xuất những ý tưởng để những người làm nghệ thuật, nhà quản lý cần hướng tới trong quá trình sáng tạo và quy hoạch, phát triển các tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng.
    Từ khóa: Nghệ thuật công cộng, điểm đến, sáng tạo, giá trị văn hóa, du lịch.
    Mở đầu
    Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nghệ thuật công cộng (Public art) và sức lôi cuốn của nó đối với người dân, khách tham quan, du lịch không còn là điều mới mẻ. Có thể kể đến những công trình NTCC nổi tiếng trên thế giới như Tượng nữ thần tự do (New York, Mỹ); Nhà trưng bày (Gallery) phía Đông – Berlin (phần còn lại của bức tường Berlin – CHLB Đức); Cổng mây (Cloud gate ở Chicago, Mỹ); Waste Landscape (Paris, Pháp); quả Bí ngô vàng chấm bi (Yellow Pumpkin – Đảo Naoshima, Nhật Bản); hay Tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi – Rodina Mat zovyot (Volgograd, Liên Bang Nga)… đã trở thành những điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách.
    Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, loại hình nghệ thuật này ngày càng được quan tâm nhiều hơn bởi công chúng và khách du lịch, tiêu biểu như tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường Nguyễn Huệ (tp. Hồ Chí Minh), tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (Điện Biên), Làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), Làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh (Phá Tam Giang – Thừa Thiên Huế), Làng bích họa Cảnh Dương (Quảng Bình), biểu tượng Hoa Dã Quỳ và Nụ hoa Artiso nổi bật giữa quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt)… Và tại Thủ đô Hà Nội, những công trình tiêu biểu, nổi tiếng từ xa xưa cho đến hiện đại như Đài phun nước Vườn hoa con Cóc, tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Lê-Nin, Con đường gốm sứ với chiều dài gần 4000m và diện tích khoảng 7000m2 lập kỉ lực Guinness là bức tranh gốm dài nhất thế giới; hay Phố bích họa Phùng Hưng với 17 vòm cầu được các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện tạo nên một không gian nghệ thuật kết nối di sản và cộng đồng, gợi nhớ về những kí ức xưa cũ của Hà Nội; và gần đây nhất có thể kể đến công trình nghệ thuật Phúc Tân với 500m dọc sông Hồng đã biến khu bãi rác trở thành một điểm đến nghệ thuật, du lịch văn hóa đầy tiềm năng… Rõ ràng, những công trình nghệ thuật công cộng này không chỉ tạo ra những thay đổi cảnh quan, môi trường sống, không chỉ là những cái có thể chạm thấy, nhìn thấy mà giá trị của nó còn nằm ở bề sâu, là chiều sâu văn hóa điểm đến, là sự đồng điệu, sự hưởng ứng của cộng đồng, sự cảm nhận và lôi cuốn khách tham quan, du lịch.

    WaterFire. Photograph by Armin Kososki. (https://waterfire.org/schedule/2020-waterfire-providence-event-schedule/)

    1. Nghệ thuật công cộng – không gian tự do sáng tạo
    Thực tế, chưa có một định nghĩa thống nhất dành cho NTCC. Đơn thuần, NTCC vẫn được hiểu là những tác phẩm nghệ thuật được đặt và tiếp cận ở những không gian bên ngoài – không gian công cộng, công chúng có thể cùng nhau thưởng thức.
    Hiệp hội NTCC Mỹ (Association for Public Art) cho rằng, NTCC không phải là một “hình thức” nghệ thuật. Nó có thể to hoặc nhỏ. Nó có thể là một tòa tháp cao 50 feet hoặc đơn giản chỉ là con đường lát dưới chân thu hút sự chú ý của bạn. Nó có thể là trừu tượng hoặc hiện thực hay cả hai, nó có thể là đúc, chạm khắc, xây, lắp ráp, sơn hay muôn vàn cách thể hiện khác. Điều đặc biệt của nghệ thuật công cộng chính là cách thức tạo ra nó, địa điểm và ý nghĩa của công trình (https://www.associationforpublicart.org/what-is-public-art/).
    Theo TS.KTS Nguyễn Việt Hưng: “NTCC được hiểu giản dị là những loại hình nghệ thuật trưng bày ở nơi công cộng, dành cho tất cả công chúng. Đó có thể là điêu khắc, tượng đài, phù điêu, vườn tượng, tranh tường, nghệ thuật graffiti, các sự kiện nghệ thuật biểu diễn ngoài trời, các triển lãm nghệ thuật trưng bày ngoài trời…”.
    Theo Nguyễn Thị Lan Hương (2016): “NTCC là cụm từ được sử dụng để chỉ tất cả các tác phẩm nghệ thuật, được làm bằng mọi chất liệu và kỹ thuật chế tác, được cài đặt ở những địa điểm công cộng nhằm phục vụ mọi người dân trong các cộng đồng xã hội một cách miễn phí”. NTCC là một loại thẩm mỹ xã hội đặc biệt, bởi nó chịu sự chi phối của đặc tính xã hội của không gian công cộng. Nó mang tính đặc thù, cởi mở và khoáng đạt đối với mọi đối tượng quần chúng nhân dân trong xã hội. Điều này có nghĩa là quần chúng có quyền tham gia, đóng góp ý kiến để tạo nên hiệu quả tốt nhất đối với tác phẩm. Khác với trước kia, ngày nay NTCC không còn chỉ bó hẹp trong những cấu trúc tĩnh, bằng đồng, đá hay kim loại, mà nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ, chính tính tự do và phóng khoáng khiến cho loại hình nghệ thuật này không còn bị hạn chế về mặt hình thức, thể loại, chất liệu, kỹ thuật tạo hình, cách thức biểu đạt và hơn hết là nó tiến tới sự giao lưu, giao thoa và hòa hợp với cộng đồng nhiều hơn. Nó có thể bao gồm nghệ thuật kiến trúc, thiết kế công cộng, nghệ thuật tạo hình, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc công cộng, nghệ thuật đường phố, các sản phẩm mỹ thuật truyền thông đa phương tiện… dành phục vụ cho số đông công chúng (Ng.T. Lan Hương, 2016). NTCC phải nằm trong quy hoạch cao của đời sống đô thị, tạo diễn đàn cho các tranh luận tự do của xã hội, là các tác phẩm có tác giả cụ thể và được lưu giữ lâu dài trong các công trình hay không gian công cộng, đồng thời có ý nghĩa biểu tượng xã hội (Ng.T. Lan Hương, 2016).
    Một số ý kiến cho rằng NTCC được đặt trong những không gian chung có thể lâu dài hay tạm thời, cái quan trọng là những giá trị của nó còn để lại với thời gian chứ không không nhất thiết là sự tồn tại, hiện hữu trong một không gian vật lý cố định. Một số ý kiến khác nhấn mạnh thêm NTCC phải là những công trình có tính quy mô, chính vì thế những hoạt động nghệ thuật diễn ra nhỏ lẻ, manh mún, nhất thời dù có được đặt ở không gian công cộng cũng không thể được xem là NTCC.

    Cloud gate – Chicago (https://www.artisticfuel.com/sculpture/cloud-gate-chicagos-famed-silver-legume-sculpture/)

    Cho đến nay, việc xác định một cách chính xác giới hạn, phạm vi, quy mô cũng như cách thể hiện của NTCC vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, chính ranh giới mong manh và sự giao thoa này lại đem đến cơ hội mở ra không gian sáng tạo một cách tự do nhất có thể cho những người nghệ sĩ để họ thực hiện những ý tưởng cá nhân trong sự giao lưu và gắn kết với cộng đồng nơi đến. Họ có thể đưa ra những ý tưởng độc đáo, mới lạ đầy táo bạo và chính công chúng là người góp ý, thẩm định, chọn lọc, hợp lý hóa sự tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế mà những tác phẩm NTCC vừa phải mang tính dân chủ, có sự giao lưu với xã hội cũng như sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng. Thỏa mãn những tính chất đó cũng đồng nghĩa với việc tác phẩm mang những đặc trưng riêng có, phù hợp với văn hóa – xã hội của cộng đồng nơi đến, phản ánh được một phần quan điểm, tâm hồn và góc nhìn của công chúng. NTCC không gò bó, ép buộc người sáng tạo trong một khuôn mẫu nhất định nào, miễn là người nghệ sĩ phải thấu hiểu không gian văn hóa, xã hội và con người nơi họ mong muốn tác phẩm của mình được công chúng đón nhận.
    2. Nghệ thuật công cộng – sức lôi cuốn của điểm đến
    Theo một số nghiên cứu của những học giả nước ngoài, khoảng 35 triệu người cho rằng những di sản nghệ thuật, văn hóa liên quan đến các sự kiện ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến cho chuyến đi của họ (https://www.brhoward.com/new-blog/how-to-use-public-art-to-boost-tourism). Nghệ thuật công cộng không nằm ngoài sự quan tâm của du khách về một điểm đến. Chính sự phóng khoáng, cởi mở và mang tính đại chúng của NTCC có lẽ là điều khiến nó trở nên lôi cuốn với người xem, thu hút khách tham quan và du lịch. Trung bình có khoảng 55 triệu lượt khách trải nghiệm tận mắt NTCC mỗi ngày một cách miễn phí, gấp rất nhiều lần so với số lượng khách đến tham quan tại các phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng và nhà hát (https://norfolkarts.net/about-norfolk-public-art/).
    Dự án nghệ thuật công cộng “WaterFire” tại thị trấn Providence, đảo Rhode thu hút khoảng 350.000 người mỗi năm (https://norfolkarts.net/about-norfolk-public-art/). Đây là một trong những dự án NTCC được tổ chức xuyên suốt từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm vào các tối thứ bảy của 2 tuần trong tháng. WaterFire là một công trình nghệ thuật được trình diễn với gần 100 ngọn đuốc bốc cháy ngay trên 3 con sông chảy qua thị trấn Providence, của tác giả Barnaby Evans và được coi là một trong những điểm du khách phải đến ở đây. Chuỗi những ngọn đuốc này thắp sáng gần 2/3 dặm không gian công cộng của thị trấn và các công viên, thu hút khách tham quan, du lịch đi dạo dọc bờ sông, nghe nhạc và xem những màn biểu diễn với lửa của những nghệ sĩ trên các con thuyền trôi theo dòng sông từ lúc mặt trời lặn đến nửa đêm. Dự án NTCC WaterFire đem đến cho khách tham quan, du lịch những cảm nhận bằng tất cả giác quan, từ mùi khói tỏa ra của gỗ thông, gỗ tuyết tùng được đốt cháy, ánh lửa sáng lung linh, tiếng lửa cháy lạo xạo cùng với âm nhạc, cảm xúc gợi ra từ một không gian đặc biệt, và kéo theo cả loạt những dịch vụ nhà hàng để du khách tới nếm thử ẩm thực địa phương và chiêm ngưỡng nghệ thuật. Du khách đến đây tham quan là hoàn toàn miễn phí, nhưng việc sử dụng những dịch vụ và hàng hóa tại đây đã mang về cho địa phương khoảng 4 triệu USD mỗi năm.

    Angel of the North (http://www.theboxisthereforareason.com/2020/02/28/know-where-you-stand/)

    Hay dự án nghệ thuật công cộng The Gates tại New York, Mỹ được thực hiện với hơn 7500 chiếc cổng màu vàng làm từ nhựa vinyl kéo dài tới 37km dọc theo Công viên Trung tâm tại New York. Công trình nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ công chúng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 24 giờ, tác phẩm này đã thu hút tới 99.000 lượt khách tham quan và ước tính trong suốt 2 tuần trưng bày đã có hơn 4 triệu khách đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm đi bộ qua những chiếc cổng này và tạo ra hơn 254 triệu đô la (https://norfolkarts.net/about-norfolk-public-art/).
    Ở nhiều nơi, NTCC đã trở thành yếu tố cốt lõi để hình thành nên một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng. Có thể kể đến tour du lịch NTCC ban đêm ở thành phố Tampa – Florida, Mỹ với hành trình 90 phút đi bộ qua 2,6 dặm để tham quan và chiêm ngưỡng 16 công trình NTCC, tiêu biểu như “Đường ven sông” (Riverwalk), tác phẩm điêu khắc cao nhất ở Florida “Lightning”, tượng Dick Greco – thị trưởng của thành phố Tampa, tranh tường ở Poe Garage…; Tour tham quan vòng quanh bảo tàng nghệ thuật Philadelphia với 1 giờ đi bộ để chiêm ngưỡng 13 tác phẩm NTCC, trong đó có những tác phẩm tượng, điêu khắc được dựng từ thế kỉ 19 như The Lion Fighter (1852), Washington Monument (1897), Joan of Arc (1890), thậm chí là cả tác phẩm từ thế kỉ thứ 5 sau công nguyên – Charioteer of Delphi…Ngoài ra còn rất nhiều các tour tham quan chiêm ngưỡng các công trình NTCC ở Mỹ như “Around the Horticulture Center”, “Along the Benjamin Franklin Parkway”, “Along Kelly Drive”, “Around City Hall”…
    Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, NTCC không chỉ trở thành tâm điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế mà những tác phẩm NTCC đã và đang là những điểm hấp dẫn cực mạnh công chúng và du khách. Một ví dụ về phố bích họa Phùng Hưng, từ khi khai trương dịp trước Tết Mậu Tuất (2018), hàng ngày đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Sự lôi cuốn của công trình này không chỉ nằm ở sự độc đáo, mới lạ, mà hơn thế nó đã tạo ra một không gian văn hóa xưa của Hà Nội với những điều gần gũi, đời thường nhất, còn đối với du khách nó lại là thứ mà họ muốn tìm hiểu, cảm nhận nhất khi đặt chân đến Hà Nội. Công trình NTCC phố Phúc Tân bên bờ sông Hồng lôi cuốn khách tham quan, du lịch bởi sự khắc họa những nét văn hóa, phong tục tập quán thuần Việt lại vừa đề cập đến vấn đề cấp bách mang tính thời đại với những chất liệu từ đồ phế thải được tái chế, biến hóa hết sức đa dạng, độc đáo và có phần phá cách. Hay như Làng Bích họa Tam Thanh lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp của làng ven biển như câu chuyện cổ tích. Đây chính là làng đã trở thành top tìm kiếm của các bạn trẻ trong thời gian gần đây.
    Rõ ràng có thể thấy, NTCC đã trở thành nguồn tài nguyên văn hóa cho sự phát triển của du lịch, mà nguồn tài nguyên ấy được xây dựng, hình thành từ tri thức, sức sáng tạo của con người – tiềm năng vô tận thôi thúc sự khám phá, tìm hiểu, mong muốn được chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Đây chính là điều khiến cho không gian điểm đến càng phát huy sức lôi cuốn hơn đối với du khách.
    3. Nghệ thuật công cộng tạo giá trị gia tăng và lan tỏa của điểm đến
    Trước hết, không thể phủ nhận vai trò và ý nghĩa to lớn của NTCC đối với điểm đến. Nó làm thay đổi không gian điểm đến, vừa làm đẹp vừa tạo ra sự mới lạ nhưng đồng thời lại khơi gợi sự gần gũi, liên kết với cộng đồng, xã hội nơi đến, hòa hợp với cảnh quan xung quanh và chính sự phóng khoáng và gắn kết với cộng đồng nơi đến của NTCC còn góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng dân cư ở chính điểm đến. Họ nhận thức được rõ hơn vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp nơi họ sống, và sự thay đổi tích cực mà những tác phẩm NTCC mang đến cho đời sống của họ, cũng như trách nhiệm của chính cộng đồng trong việc duy trì và bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật. Điều này có thể thấy rất rõ trong công trình NTCC Phúc Tân, nghệ thuật đã biến một bãi rác, một nơi được coi như “sân sau” bị lãng quên của Quận Hoàn Kiếm trở thành một điểm đến hút khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Với dự án này, chính người dân cũng cởi mở đón nhận, tự nguyện tham gia đóng góp, giúp sức cùng đội ngũ nghệ sĩ bởi nó nói lên mong ước được sống trong một môi trường tốt hơn, đẹp hơn, văn minh hơn. Sự thành công của dự án không chỉ nằm ở vẻ đẹp, ý nghĩa của các tác phẩm, sức hấp dẫn du lịch mà chính là sự giao lưu của người dân với nghệ sĩ với du khách và đem đến cho cộng đồng nơi đến một cuộc sống tốt hơn, đưa đến cho du khách trải nghiệm sâu hơn về nơi đến.

    Con đường nghệ thuật ở Phúc Tân (https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/hinh-anh/thoi-su/822254/con-duong-nghe-thuat-tu-vat-lieu-tai-che)

    Không chỉ đơn thuần lôi cuốn du khách, tạo sức hút cho điểm đến qua việc làm thay đổi cảnh quan, NTCC còn tái hiện được những giá trị văn hóa hay lịch sử gắn liền với điểm đến. Tượng đài “Rodilna Mat zovyot” – The Motherland calls (Mẹ tổ quốc kêu gọi) – đặt tại thành phố Volgograd – Liên Bang Nga đã từng được Lonely Planet bình chọn là một trong những công trình nghệ thuật công cộng đẹp nhất trên thế giới (2011) và cũng là một trong những công trình bằng thép không gỉ lớn nhất thế giới. Công trình này như một sự tưởng niệm đến hơn 30 triệu người dân, quân nhân đã hy sinh trong thế chiến thứ 2 và chiến thắng lừng lẫy của Liên xô trong trận chiến Stalingrad. Hay công trình phòng trưng bày mở bờ phía Tây Berlin được hình thành bởi những bức tranh tường và graffiti trên phần còn lại của bức tường Berlin như gợi nhớ về sự kiện sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989, sự đàm phán hòa bình và hợp nhất của CHLB Đức. Nghệ sĩ Yadegar Assisi cũng tái hiện lại đời sống của người dân hai bên ranh giới khi bức tường Berlin còn tồn tại qua tổ hợp trưng bày nghệ thuật Panorama. Cũng có những tác phẩm như Angel of the North tại Anh lại thể hiện đa dạng những tầng lớp nghĩa: quá khứ với sự tưởng nhớ những người thợ khai thác than đã làm việc hơn hai thế kỉ tại đó; biểu đạt sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin; thể hiện những niềm hy vọng cũng như nỗi sợ hãi đang không ngừng vận động trong mỗi chúng ta.
    Giá trị của điểm đến được NTCC thể hiện qua sự vận động không ngừng của xã hội, và đôi khi là cả sự tồn tại song hành và hòa hợp cùng nhau giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Phố bích họa Phùng Hưng có thể coi như một ví dụ điển hình, không chỉ làm thay đổi khu vực vòm cầu, trước kia vốn khá nhếch nhác, xô bồ trở thành một không gian văn hóa của thành phố. Công trình chính là sự tái hiện những dấu ấn, những khung cảnh Hà Nội xưa, đồng thời cũng có những nét chấm phá hiện đại ẩn chứa bên trong. Sự giao thoa giữa văn hóa xưa và guồng quay xã hội ngày nay như “níu kéo” con người sống chậm lại và hồi tưởng về những thời khắc yên bình, đã trở thành một phần kí ức đẹp của biết bao nhiêu thế hệ người Hà Nội.
    Giá trị điểm đến còn được gia tăng, nâng tầm hơn nữa khi những công trình NTCC khiến cho khách tham quan, du lịch cảm nhận được sức sáng tạo tuyệt vời của những người nghệ sĩ cũng như cộng đồng, thấy được tầm cao nhận thức về thẩm mĩ và nghệ thuật cũng như giá trị sống của con người nơi đến. Những cảm nhận đó sẽ để lại dấu ấn cảm xúc cũng như sự chân quý đối với con người, và cộng đồng điểm đến, càng làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa chuyến đi của du khách.
    Chính những tác phẩm NTCC đem lại cho du khách khoảng thời gian sống trọn vẹn trong một không gian nghệ thuật mở, giao lưu với cộng đồng yêu nghệ thuật, tận hưởng một cuộc sống đầy thi vị là điều con người kiếm tìm sau những bận rộn của cuộc sống hiện đại. Naoshima – Nhật Bản là một trong những điểm đến đã làm được điều này khá thành công với những điểm dừng chân mang đậm tính nghệ thuật nhờ vào các tác phẩm NTCC như “Trái bí ngô”, “Xưởng đóng thuyền”, và hàng loạt những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt độc đáo ngoài trời mà du khách có thể gặp ở bất cứ đâu khi đi dạo trên đảo cùng với những không gian trưng bày, bảo tàng nghệ thuật. Và gần gũi chúng ta hơn, có thể kể đến những làng bích họa, “con đường thuyền thúng” của Việt Nam ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… đã khiến du khách cảm nhận công việc vất vả nhưng không kém phần thi vị, và cuộc sống bình yên của những người dân làng chài nơi đây.
    Thực tế, NTCC đã chứng minh khả năng tiếp thêm sinh lực cho không gian công cộng, nâng cao nhận thức, biến nơi con người sống, làm việc và vui chơi trở thành một không gian thân thiện, tươi đẹp và có tính tương tác cao với cộng đồng, có sức hút với du khách
    tham quan. Rõ ràng, NTCC như một sự cụ thể hóa những giá trị văn hóa nơi đến, đồng thời đem lại cho du khách những cảm nhận riêng có, không thể lẫn ở bất cứ đâu, biến điểm đến trở thành nơi không chỉ cảm nhận bằng tay, bằng mắt mà bằng tất cả các giác quan, bằng cả cảm xúc và tâm hồn. Đó là điều khiến cho giá trị của điểm đến càng được nâng cao. Đây mới chính là điều lưu lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với du khách và chính NTCC lại trở thành biểu tượng riêng của điểm đến.

     

    Hình 1: Thang giá trị NTCC đem lại cho điểm đến

    4. Để Nghệ thuật công cộng thực sự là tài nguyên văn hóa giá trị kiến tạo điểm đến du lịch
    Thực tế, dưới góc nhìn của những người nghiên cứu du lịch, mong muốn đem đến cho du khách những sản phẩm du lịch hấp dẫn, hơn cả sự mong đợi thì không chỉ đơn thuần là những sản phẩm đảm bảo những tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng, dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng mà hơn thế, xu hướng tác động đến cảm nhận, xúc cảm của du khách còn là điều quan trọng hơn nhiều. Đó là sự thân thiện, cởi mở chào đón của cộng đồng nơi đến, là cảm giác được hòa mình và giao lưu với văn hóa cộng đồng, cảm nhận và sống trọn trong không gian điểm đến bằng cả tâm hồn. Vì vậy, một tác phẩm NTCC có giá trị cho điểm đến và sức lan tỏa với du khách cần đáp ứng một số tiêu chí sau:
    – NTCC tại điểm đến phải mang tính đại chúng, khoáng đạt, cởi mở và thể hiện sự giao lưu, tương tác với cộng đồng, khách tham quan du lịch nhưng không có tính trùng lặp. Bởi mỗi điểm đến cần có những nét riêng, cần đem đến cho du khách những cảm nhận riêng có, không lặp lại ở bất cứ đâu. Chính vì thế, tác phẩm NTCC sống trong một không gian du lịch cần phải tạo cho không gian ấy điểm nhấn đặc trưng nhất.
    – NTCC phù hợp với cảnh quan, thuần phong mĩ tục, văn hóa, những giá trị đạo đức tại điểm đến. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí để đảm bảo sự đón nhận và giao lưu của người dân, du khách đối với tác phẩm nghệ thuật, đồng thời cũng là một ranh giới vô hình khoanh vùng giới hạn sự sáng tạo của người nghệ sĩ phải đặt trong một chuẩn mực nhất định. Điều này không có nghĩa là tác phẩm NTCC đối với một điểm đến du lịch bị gò bó trong một khuôn mẫu mà chỉ đơn thuần định hướng sao cho sự sáng tạo ấy thật sự hòa vào không gian vật lí của điểm đến cũng như không gian xã hội vô hình.
    – NTCC khơi gợi được những giá trị nhân văn hay những nét văn hóa – lịch sử đặc trưng riêng tại cộng đồng điểm đến là một trong những tiêu chí cần đặt ra đối với một tác phẩm NTCC nằm trong không gian của điểm đến du lịch. Bởi mỗi tác phẩm ở đó sẽ không chỉ dành cho cộng đồng nơi đến, mà bất kì khách du lịch nào cũng có thể tham quan, chiêm ngưỡng. Bên cạnh sự độc đáo, sáng tạo và cá tính riêng, tác phẩm còn là sự phản chiếu đời sống văn hóa-xã hội, giá trị tinh thần hay sự hồi tưởng về sự kiện, nhân vật lịch sử, văn hóa truyền thống và đương đại gắn với điểm đến khiến du khách không thể không đặt chân chiêm ngưỡng và suy ngẫm. Chính qua đây, du khách mới thấy rõ được tầm văn hóa, tri thức của cộng đồng dân cư điểm đến.
    – NTCC tại điểm đến du lịch cần thật sự đưa du khách đến những trải nghiệm của sự sáng tạo, nghệ thuật và thẩm mĩ, kích thích tư duy, suy ngẫm cũng như những giá trị sống sâu sắc. Đó có thể là những trải nghiệm thông qua quan sát, chiêm ngưỡng, cũng có thể là âm thanh, hay sự sờ thấy, chạm thấy, hoặc là sự cảm nhận bằng khứu giác, vị giác, nhưng tất cả phải được đọng lại và cảm nhận bằng tâm hồn bằng sự chiêm nghiệm, suy ngẫm những giá trị mà tác phẩm đó mang lại.
    – Nếu có thể, NTCC sẽ trở thành biểu tượng thương hiệu riêng của điểm đến, trở thành đại diện của cộng đồng nơi đến kể về những giá trị văn hóa, lịch sử, nói về cuộc sống của chính họ cũng như những mong muốn, nguyện vọng của họ. NTCC khi ấy thật sự như một hình thức xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút du khách bằng cách trao đi, chia sẻ tri thức và những giá trị tinh thần của điểm đến cùng cộng đồng.
    Việc đưa nghệ thuật vào không gian công cộng nhằm kiến tạo và nâng tầm giá trị của điểm đến du lịch cần phải có được sự thẩm định, quản lý chặt chẽ của những nhà quản lý có sự am hiểu về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử; của những giám tuyển, nghệ sĩ có kinh nghiệm, thấu hiểu được những giá trị văn hóa, lịch sử điểm đến, giá trị tâm hồn con người nơi đến. Họ phải là những người dõi theo và không ngừng bám sát hơi thở, sự vận động của xã hội, sự phát triển, những thay đổi của cộng đồng nơi đến, sự sáng tạo mang hơi thở của thời đại để những dự án nghệ thuật công cộng thực sự có giá trị, có ý nghĩa không chỉ nhằm mục đích hút khách du lịch, mà hơn thế là tái hiện được phần nào những giá trị tinh thần vô giá của điểm đến.
    Lời kết
    Với sự phát triển không ngừng của Du lịch trong dòng chảy thời đại, những giá trị văn hóa phản ánh đời sống cộng đồng với cá tính thẩm mỹ đang ngày càng có sức hút mãnh liệt và chính NTCC đã mang lại sức hút, sự lôi cuốn này. Nó lột tả được vẻ đẹp của văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp tâm hồn và tri thức cộng đồng điểm đến. Nó mang lại những khoảnh khắc trải nghiệm và suy ngẫm trong sự vận động không ngừng của xã hội hiện đại, sự giao lưu, sẻ chia những luồng văn hóa, tư tưởng, sự thấu hiểu và gần gũi. Chính sự trải nghiệm trong tâm hồn mà những tác phẩm NTCC đích thực mang lại cho cảm nhận của công chúng là điều khiến giá trị điểm đến được thăng hoa và luôn tràn đầy hấp dẫn./.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:
    1. Nguyễn Thị Lan Hương, 2016. Nghệ thuật công cộng, nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay – Luận án tiến sĩ nghệ thuật. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch.
    2. Nguyễn Việt Hưng, 2018. Đôi điều suy nghĩ về không gian công cộng ở Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc, số 6.
    3. Lê Thiết Cương, 2018. Nghệ thuật công cộng – quy chế và bản sắc, Tạp chí Kiến trúc, số 5.
    4. Nguyễn Trần Ưu Đàm, 2020. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Tạp chí mĩ thuật. URL: http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/du-an-nghe-thuat-cong-cong-phuc-tan/ (Ngày truy cập: 20.9.2020)
    5. Association for public art. URL: https://www.associationforpublicart.org/tours/ (Ngày truy cập: 1.10.2020)
    6. B.R. Howard & Associates, Inc. URL: https://www.brhoward.com/new-blog/how-to-use-public-art-to-boost-tourism (Ngày truy cập: 28.9.2020)
    7. Go Providence. URL: https://www.goprovidence.com/things-to-do/waterfire-providence/ (Ngày truy câp: 27.9.2020)
    8. Norfolk Public Art. URL: https://norfolkarts.net/ (Ngày truy cập: 29.9.2020)

    TS. Đỗ Thị Thanh Hoa và TS. Trần Phương Mai
    Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục